Trang chu

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Câu chuyện hai chị em: Trên đời, chỉ có tình yêu thương là mãi mãi…

Câu chuyện ấm áp tình người về hai chị em khiến người ta không khỏi nghẹn ngào xúc động. Quả đúng là, mọi thứ trên đời đều có thể mất đi, duy chỉ có tình yêu thương là mãi mãi!

Câu chuyện hai chị em. (Ảnh: Internet)


Tôi sinh ra tại một vùng quê hẻo lánh. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi phải ra sức cày cấy trên mảnh ruộng khô cằn để nuôi hai chị em tôi ăn học.

Một ngày kia tôi lén ăn cắp 15 đồng trong ngăn kéo của cha để mua một chiếc khăn tay mà những đứa con gái trong làng đều có. Cha tôi phát hiện, ông lấy chiếc roi tre treo trên vách xuống, bắt hai chị em tôi quỳ trước mặt và hỏi rằng ai đã lấy cắp.

Vì sợ hãi, tôi đã không dám đứng lên nhận lỗi. Cha tức giận định đánh cả hai chị em, ông đưa chiếc roi lên. Em níu tay cha lại và nói:

“Thưa cha, con trót dại…”

Em nói loanh quanh, không giải thích được đã dùng số tiền ấy vào việc gì. Cha giận đến tái mặt nghĩ rằng em đã ăn chơi lêu lổng và quất liên hồi chiếc roi dài vào lưng em cho đến khi cha gần như ko thở được nữa.

Đêm ấy, mẹ và tôi đã dỗ dành em. Nhìn thân thể đầy những lằn roi của em, tôi oà khóc. Em vội vàng nói:

“Chị ơi đừng khóc, kẻo cha nghe thấy cha sẽ đánh đòn chị đấy!”.

Năm ấy em vừa lên 8 và tôi 11 tuổi.

***

Năm em tôi được tuyển thẳng vào trường trung học thì tôi cũng trúng tuyển vào đại học. Chưa kịp vui với niềm mơ ước được chạm vào cánh cửa đại học thì tôi đã đối diện với nỗi lo lắng về học phí. Cha mẹ tôi không đủ tiền để cho hai chị em ăn học cùng một lúc.

Em tôi quyết định bỏ học nhưng cha mẹ và cả tôi đều không đồng ý. Tôi nói:

“Em cần phải tiếp tục đi học để tìm cách thoát ra khỏi cảnh nghèo khó sau này. Chính chị mới là người không nên tiếp tục vào đại học”.

Nhưng em đã bỏ nhà ra đi với vài bộ quần áo cũ và một ít muối mè trong chiếc túi sách nhỏ. Em đã lén đến bên giường tôi và để lại một mảnh giấy bên gối tôi với lời nhắn nhủ: “Chị ơi, được vào đại học không phải là điều dễ dàng. Em sẽ tìm việc làm để gởi tiền về cho chị”.

Tôi trào nước mắt, chẳng nói lên lời.

Năm ấy em mới 17 và tôi tròn 20.

***

Với số tiền ba tôi vay được trong làng cộng với số tiền gởi về của em, cuối cùng tôi cũng học xong năm thứ 3 đại học.


Một hôm đang ngồi học trong phòng, một đứa bạn chạy vào gọi tôi và nói: “Có người cùng làng đợi cậu ngoài kia”.

(Ảnh: Internet)

Tôi chạy ra và thấy em đứng từ xa, quần áo lấm lem dầu nhớt. Tôi hỏi em:

“Sao em không nói với bạn của chị, em là em trai chị chứ?”

Em cười đáp lại: “Em sợ mọi người sẽ cười chị khi nhìn thấy bộ dạng nhếch nhác của em”.

Tôi lặng người, nước mắt tuôn trào.

Em mỉm cười, đôi mắt ánh lên lấp lánh. Em đưa tay vào túi áo lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm và nói:

“Em thấy mọi cô gái đều cài nó trên tóc, vì thế em mua tặng chị!”

Tôi không kìm được niềm xúc động, ôm chầm lấy em nức nở.

Năm ấy tôi đã 23 và em mới 20.

***

Khi lần đầu tôi đưa bạn trai về nhà ra mắt cha mẹ, mọi thứ trong nhà đều rất sạch sẽ và ngăn nắp, ngay cả miếng cửa sổ bị bể cũng đã được lắp lại. Mẹ cho tôi biết trong khi dọn dẹp và thay khung cửa sổ, em đã bị miếng kính đâm vào tay chảy máu.

Tôi chạy vào tìm em. Nhìn vết thương trên tay em, tôi cảm thấy như có hàng ngàn mũi kim đâm vào tim mình. Tôi lấy thuốc và bông băng để băng lại vết thương cho em. Em cười: “Em không muốn anh ấy chê nhà mình nghèo khổ!”

Năm ấy em 23 và tôi 26.

***

Sau khi lập gia đình, tôi về sống với chồng ở thành phố. Vài năm sau, chồng tôi trở thành giám đốc của một xí nghiệp. Vợ chồng tôi muốn đưa em vào làm nhưng em từ chối vì sợ mọi người sẽ xì xầm bàn tán những lời không hay về chồng tôi.

30 tuổi, em lập gia đình với một cô gái trong thôn.

Năm tôi 40, cuộc hôn nhân tưởng chừng như mĩ mãn của tôi bị đỏ vỡ vì sự xuất hiện của một người phụ nữ khác. Em vứt hết chuyện gia đình đến chăm lo cho các con tôi, vực tôi dậy sau những đắng cay nghiệt ngã.

Rồi một ngày cả hai chúng tôi đều già nua, tóc bạc gần hết mái đầu. Em ngồi bên tôi nhắc lại chuyện xưa.

Ngày ấy, chị em tôi mỗi ngày phải lội bộ hơn hai tiếng mới có thể đến trường. Một hôm, em làm mất chiếc giày. Một phần sợ cha đánh em, một phần biết mẹ không có tiền mua giày mới, tôi đã nhường cho em đôi giày của mình.

Và cứ thế, mỗi ngày hơn bốn tiếng đi rồi về, chân tôi phồng rộp lên và rướm máu vì những viên đá nhọn trên mặt đường nóng bỏng. Từ đó em hứa với lòng phải chăm sóc và đối xử với tôi thật tốt.

Nước mắt tôi chợt ứa ra vì hạnh phúc.

Năm ấy em chỉ vừa lên 5!

Mọi thứ trên đời đều có thể mất đi, duy chỉ có tình yêu thương là mãi mãi!

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Ba nhân vật nhờ có tâm đại nhẫn mà làm được việc lớn trong thiên hạ

Nhẫn luôn là đức tính cao quý và tốt đẹp nhất của con người. Trong lịch sử, có nhiều tấm gương nhờ có tâm đại nhẫn mà có thể làm được việc lớn trong thiên hạ. Dưới đây là ba người như thế.

Nhân vật Chu Du trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. (Ảnh: Internet)

Từ xưa đến nay, Bậc Đế Vương vì đại nhẫn mà được thiên hạ, tướng lĩnh vì nhẫn mà được lâu dài, thương nhân vì nhẫn mà được giàu sang phú quý, người thường vì nhẫn mà có được tri kỷ.

Trong cuốn “Lưu hầu luận” của Tô Thức có đoạn viết: “Kẻ mà được gọi là hào kiệt, ắt phải có tiết khí hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt kiếm tương đấu, cái đó chưa đủ gọi là dũng. Những bậc đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc kinh thiên động địa cũng không kinh sợ, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng không oán giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chí của họ ở rất xa”.

Một người khi gặp vấn đề về lợi ích của bản thân hay bị người khác làm nhục, nghe phải những lời nói kịch liệt công kích mà có thể thản nhiên nhẫn chịu, không động tâm oán giận thì đó là một loại đại trí tuệ. Người như vậy, họ có thể dùng tâm thái bình thản, khoan dung đại lượng để đối đãi với ý kiến và sự phê bình của người khác đối với mình.

“Nhẫn” cũng không phải dễ dàng làm được, nhưng ở vào lúc suy sụp trong cuộc đời, hay lúc bị vũ nhục, đối diện với được và mất, vinh và nhục, lý trí dùng bình tĩnh thong dong, khoan dung, nhẫn nại để ứng đối thì thông thường sự tình sẽ xuất hiện chuyển biến, mở ra một cảnh tượng mới. “Nhẫn” là một cách hữu hiệu để “rời xa họa, chiêu mời phúc”.

Chúng ta cùng xem một số điển tích về “nhẫn” trong lịch sử Trung Hoa.

1. Lâu Sư Đức

Triều đại nhà Đường, em trai của Lâu Sư Đức được bổ nhiệm làm quan thứ sử ở Đại Châu, nhưng ông ta lại là người rất háo thắng. Trước lúc đi nhận chức, Lâu Sư Đức nói với người em trai rằng: “Ta là tể tướng, đệ cũng được phong làm thứ sử Đại Châu. Huynh đệ chúng ta nhận được ân sủng của quốc gia quá nhiều nên sẽ có người ghen ghét đố kỵ. Đệ có cách nào bảo toàn được tính mạng không?”.

Người em liền nói: “Sau này nếu như có người nhổ nước bọt vào mặt đệ thì đệ cũng chỉ cần lau đi là xong thôi chứ không phản ứng lại họ. Như thế là có thể tránh được phiền phức. Huynh cứ yên tâm”.

Lâu Sư Đức nói: “Đây chính là điều ta lo lắng nhất! Khi người ta nhổ bọt vào mặt đệ là lúc người ta tức giận đệ nhất. Đệ lau nước bọt đi chứng tỏ đệ bất mãn, phản kháng. Như vậy sẽ khiến họ càng thêm tức giận. Đệ nên cười mà nhẫn nhịn, không lau nước bọt mà để nó tự khô”.

Về sau “Thóa diện tự kiền” (nước bọt trên mặt tự khô) trở thành thành ngữ nổi tiếng của Trung Hoa. Ví dụ này chỉ ra rằng, khi bị người khác vũ nhục nên cực độ mà nhẫn nại, tuyệt đối không được phản kháng, bất mãn.

Chân dung tể tướng Lâu Sư Đức. (Ảnh: Internet)

Lâu Sư Đức từng tiến cử Địch Nhân Kiệt làm tể tướng nhưng Địch Nhân Kiệt không biết. Sau khi Địch Nhân Kiệt lên làm tể tướng thường xa lánh ông.

Võ Tắc Thiên từng hỏi Địch Nhân Kiệt: “Khanh xem Lâu Sư Đức có phải người thông minh sáng suốt không?”.

Địch Nhân Kiệt nói: “Lâu Sư Đức là người như thế nào thần không biết rõ”.

Võ Tắc Thiên lại hỏi: “Lâu Sư Đức có khả năng nhìn người không?”

Địch Nhân Kiệt trả lời: “Thần từng có thời gian làm việc với ông ta, nhưng không nghe nói ông ấy có khả năng này”.

Võ Tắc Thiên nói: “Ta phong khanh làm tể tướng chính là do Lâu Sư Đức tiến cử, xem ra ông ta quả là biết nhìn người”. Võ Tắc Thiên cũng lấy ra tấu chương tiến cử của Lâu Sư Đức cho Địch Nhân Kiệt xem.

Địch Nhân Kiệt thở dài than trách: “Lâu Sư Đức! Ta được ông khoan dung đối xử mà không hề biết. Ta quả thực thua ông quá xa!”.

Lý học gia nổi tiếng thời nhà Tống, Trình Di từng nói: Nhẫn được cả việc mà người thường không thể nhẫn, khoan dung cả việc mà người thường không thể khoan dung, ấy chỉ có bậc trí huệ hơn người mới làm được.

Lâu Sư Đức khoan dung độ lượng, có thể bị người khác nhổ bọt lên mặt mà để nước bọt tự khô. Kỳ thực có thể thấy được công phu của “Nhẫn” là vô cùng thâm sâu. Lâu Sư Đức, vị danh tướng, tể tướng triều đại nhà Đường, với phẩm chất cao thượng thận trọng nhẫn nhịn hơn người được lưu vào sử sách văn hóa Trung Hoa.

2. Chu Du

Chu Du là người biết lễ nghĩa, khiêm tốn. Tôn Quyền mặc dù coi Chu Du là huynh trưởng nhưng ông vẫn một mực không kiêu ngạo, kính trọng và phục sự Tôn Quyền. Ông hoàn toàn dựa theo lễ nghĩa quân thần mà đối đãi, vô cùng trung thành với Tôn Quyền.

Ngoài ra ông cũng là người vô cùng thân thiện, nhiệt tình. Dân chúng Dương Châu tôn Chu Du và Tôn Sách là Chu Lang và Tôn Lang. Lang là chỉ người đàn ông anh tuấn, hào hiệp, dung mạo đẹp.

Trong “Tam Quốc Chí”, tác giả Trần Thọ viết, Chu Du là người quảng đại, biết dùng người. Thời niên thiếu, ông là người học giỏi, tướng mạo cao gầy, tính cách cởi mở khoáng đạt, khiêm tốn, nhún nhường, được người người mong muốn kết bạn. Duy chỉ có Trình Phổ lớn tuổi hơn Chu Du nhưng chức vị lại thấp hơn nên sinh lòng đố kỵ, không phục. Vì thế, Trình Phổ nhiều lần vũ nhục Chu Du nhưng Chu Du trước sau đều thủy chung khoan dung tha thứ.

Sau nhiều lần như vậy, Trình Phổ đã thay đổi quan niệm với Chu Du, ông nói: “Dữ chu công cẩn giao, như ẩm thuần lao, bất giác tự túy” (Ý nói làm bạn với Chu Du giống như uống rượu ngon, không biết bị say lúc nào). Trong “Tam Quốc Chí” cũng viết rằng, trong chiến trận Xích Bích, Chu Du cùng với Trình Phổ, Hoàng Cái đồng tâm hiệp lực cuối cùng đã giành thắng lợi.

Bị Trình Phổ nhiều lần vũ nhục nhưng Chu Du luôn lấy đại cục làm trọng, không so đo tính toán mà nhường nhịn hết lần này đến lần khác. Chính vì sự nhẫn nhịn mà cuối cùng Trình Phổ đã bị Chu Du cảm hóa. Từ trong điển cố này có thể thấy được rằng, “nhẫn” có thể biến “vũ khí” thành “tơ lụa”. Trước mâu thuẫn xung đột lấy hòa làm trọng, bao dung người khác, lấy ý chí cao xa thản nhiên đối đãi thì mọi mâu thuẫn xung đột đều sẽ được hóa giải. Người với người có thể hòa thuận cùng nhau thì phải lấy bao dung, nhường nhịn làm trọng.

3. Lý Thầm

Chân dung Hoàng đế nhà Đường – Đường Tuyên Tông Lý Thầm (Nguồn: wikipedia.org)

Đường Tuyên Tông Lý Thầm trước khi lên ngôi bị buộc phải rời khỏi kinh đô. Tháng 2/820, anh của Lý Thầm là Lý Hằng được thái giám giúp lên làm Hoàng đế lấy hiệu là Đường Mục Tông. Bốn năm sau, Đường Mục Tông bị bệnh chết, Đường Kính Tông Lý Trạm lên ngôi. Nhưng ông cũng chỉ sống đến năm 18 tuổi rồi băng hà.

Sau khi ông chết, Đường Văn Tông Lý Ngang và Đường Vũ Tông Lý Viêm lần lượt lên thay. Trong khoảng thời gian dài 20 năm, Lý Thầm đều trốn tránh, giả ngốc, không tham dự vào việc gì, hạn chế nói. Đường Văn Tông thường đến dụ ông nói chuyện, xem như là một trò vui. Khi Đường Vũ Tông lên ngôi, xem thường tôn ti trật tự, nên coi thường và không tôn trọng ông. Năm 841 khi Đường Vũ Tông lên ngôi, vì để tránh tai họa, bảo toàn tính mạng ông liền xin làm hòa thượng và đi du hành khắp nơi, rời xa chốn thị phi.

Trong thời gian này, ông vẫn giả ngây giả ngốc, che dấu danh tính của mình. Sau khi Đường Vũ Tông chết, hoạn quan khuynh đảo triều đình, muốn nhân lúc này mà lập người ngu dốt lên ngôi để dễ bề thao túng, nên cuối cùng quyết định chọn Lý Thầm. Năm 846, Lý Thầm sau thời gian chịu khổ nhẫn nhục đã trở lại cung, đăng cơ trở thành vị Hoàng đế có nhiều công lao với đất nước. Từ khi lên ngôi, Lý Thầm như trở thành người hoàn toàn khác, thông minh, trí tuệ hơn người khiến nhiều người nể phục.

Trong suốt thời gian lưu lạc tại nhân gian, ông biết rõ khó khăn của dân chúng, ông cũng sống thanh đạm tiết kiệm cho nên đến tận thời nhà Đường suy vong, ông vẫn được dân chúng xưng tụng là “Tiểu Thái Tông”, có ý so sánh ông với Đường Thái Tông – vị hoàng đế vĩ đại của Trung Hoa.

Lý Thầm trước khi lên ngôi phải đối mặt với rất nhiều hoàn cảnh phức tạp rối ren nhưng ông có thể nhẫn chịu hết thảy, tránh được tai họa mất mạng. Chính điều này khiến Lý Thầm cuối cùng có cơ hội lên ngôi, thành tựu được nghiệp lớn. Nếu không có nhẫn nhịn, biết thoái lui thì sẽ không thể có kết quả sau này như vậy. Có thể thấy rằng, nhẫn nại, nhượng bộ là một phương diện tu thân vô cùng quan trọng của mỗi cá nhân.

Chữ Nhẫn trong tiếng Hán. (Ảnh: Internet)

Lời kết

Nhẫn không phải không phân biệt thiện ác, đúng sai, nguyên tắc hay vô nguyên tắc mà là chỉ phương diện lợi ích của cá nhân, trình độ tu dưỡng của cá nhân, lùi một bước, ít so đo, nhiều nhẫn nại. Khi đối mặt với đúng sai đương nhiên phải giữ chính nghĩa, bảo vệ chân lý. Trong lịch sử có rất nhiều nhân vật đại nhẫn, họ đối với phương diện lợi ích cá nhân thì coi nhẹ, không tranh giành lại luôn khoan dung tha thứ và không dễ hồ đồ.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với đủ các loại mâu thuẫn, khiên chiến trong công tác cũng như trong các mỗi quan hệ. Những khi ấy, khoan dung nhẫn nại chẳng những giúp chúng ta tránh được mầm tai họa mà còn hóa giải được mâu thuẫn, đồng thời còn nâng cao tâm tính và cảnh giới tu dưỡng của bản thân. Từ đó, các mối quan hệ của chúng ta sẽ rộng mở hơn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn!

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Câu chuyện tình yêu: Điều quan trọng nhất trong đời người phụ nữ…

Câu chuyện về một cuộc hôn nhân đầy toan tính. Vợ từng là góa phụ nuôi đứa con gái đần độn, chồng là một thợ mỏ chuyện sống chết luôn gần kề. Nhưng kết cục của chuyện tình này lại khiến nhiều người rơi nước mắt.

Chung quy điều mà người phụ nữ muốn nhất chẳng qua chỉ là tình yêu và sự che chở của người đàn ông. (Ảnh minh họa)

Cô ấy 30 tuổi, người xinh đẹp, nước da trắng, thân hình nhỏ gọn, nhưng số mệnh cô không được tốt, trước tiên là sinh hạ một cô con gái đần độn, sau đó nữa thì, năm cô 29 tuổi, chồng cô mất. Về sau, cô đã quyết định tái giá, cô gả cho một người đàn ông lớn hơn cô 15 tuổi.

Cô không chịu nổi khổ, huống hồ còn phải dẫn theo cô con gái đần độn. Điều quan trọng là, ông ấy là một người thợ mỏ, thu nhập bao nhiêu thì không nói, chỉ là nếu như xảy ra tai nạn, thông thường nạn nhân sẽ được bồi thường bảy, tám trăm triệu.

Cô đã nghèo khổ đến sợ rồi, nếu không, tại sao xinh đẹp như vậy lại muốn gả cho một người có chút tật ở chân cơ chứ. Ông ấy vừa già vừa khó coi, miệng méo mắt lệch…

Ông ấy cũng biết rằng bản thân mình không xứng, nhưng vẫn cảm thấy giống như có được báu vật vậy…

Số tiền ông kiếm được, toàn bộ đều đưa hết cho cô, nhưng mỗi tháng cũng chỉ khoảng 3 triệu, trừ đi các khoản chi dùng cho cơm ăn áo mặc thì cũng chẳng còn lại bao nhiêu.

Cô thật sự không can tâm, cô con gái ngốc của cô sau này còn phải dùng đến tiền nữa, bản thân không muốn sống với ông cả đời như vậy. Khai thác khoáng sản, đâu đâu cũng dễ xảy ra tai nạn như vậy, tại sao ông ấy lại không gặp phải nhỉ?

Điều cô nghĩ đến chính là vài trăm triệu đó, nếu như ông ấy chết rồi, cô sẽ ôm tiền bỏ đi. Đây là một suy nghĩ ác độc, nhưng lại là điều chân thật nhất…

Cô mua quần áo phấn son tô điểm cho chính mình, liếc mắt đưa tình với người hàng xóm…

Có người nói cho ông hay rằng: “Hãy nhìn vợ ông kìa, lấy tiền của ông chưng diện rồi gian díu với người đàn ông khác!”.

Ông chỉ cười: “Cô ấy ở nhà cô đơn buồn chán, ăn diện một chút thì có sao đâu”. Thật ra, trái tim ông đang đau nhói, ông không muốn thấy cô phóng đãng như vậy.

Cô nói muốn ăn quýt, ông liền đi ra tận thị trấn mua, nhưng lúc đi không có nói với cô trước. Cũng ngay lúc đó, tại hầm mỏ xảy ra tai nạn, suy nghĩ đầu tiên của cô chính là, lần này tốt rồi, tiền đã đến tay rồi!

Bao nhiêu thi thể được khiêng ra, cô nhìn xem từng người từng người một, nhưng không có nhìn thấy ông, trong lòng không khỏi thất vọng cùng cực.

(Ảnh minh họa)

Bỗng nhiên quay đầu lại, cô nhìn thấy ông ấy tay ôm theo giỏ quýt đi đến trước mặt cô, ngây thơ giống như một đứa trẻ.

Ông nói: “Cho em này. Anh đi ra thị trấn mua quýt cho em, vậy nên đã thay ca với người khác!”.

Cô khóc òa lên, không phải xúc động vì thấy ông bình an, mà là bởi hy vọng tan vỡ.


Ông khuyên rằng: “Anh không sao, em đừng sợ”. Ông tưởng rằng cô đang sợ hãi lo lắng cho mình.

Khi ăn trái quýt, trong lòng cô cảm thấy bản thân mình thật không ra gì.

Ông yêu cô, cũng yêu thương cô con gái ngốc này…

Một thời gian sau, ông len lén chạy lên núi trồng cây, mỗi tháng trồng được khoảng bốn năm chục cây. Có người hỏi ông trồng cây để làm gì? Ông cười trả lời rằng: “Trồng cho hai mẹ con họ, sau này khi tôi chết rồi, thì số cây này cũng đã lớn, có thể nuôi sống hai mẹ con họ”.

Lời này đã đồn đến tai cô, trong lòng cô không khỏi chua xót, suýt chút nữa là rơi nước mắt.

Về sau, cô bị nhiễm phong hàn, ông ấy đã không quản ngày đêm chăm sóc cho cô. Nửa đêm tỉnh dậy, phát hiện người chồng đang ôm chân của mình. Cô hỏi: “Anh ôm chân em làm gì vậy?”.

Ông nói: “Chỉ cần em tỉnh dậy, anh sẽ biết được, nếu như em phải đi vệ sinh sẽ có người dìu em”.

Lần này cô thật sự đã khóc, nghẹn ngào nói: “Anh đúng là ngốc mà”.

Sau khi bệnh khỏi rồi, cô khuyên ông rằng: “Anh đừng có đi làm ở khu mỏ nữa được không? Chỗ đó lúc nào cũng có tai nạn rình rập, hôm trước lại chết mấy người nữa, em thật sự rất sợ”.

Lần này cô thật lòng, bởi vì cô đã nghĩ thông suốt rồi, con người là quan trọng nhất, người không còn nữa, thì cái gì cũng đều không có nữa.

Sau đó, cô nghiêm túc hẳn, không có đi đây đi đó nữa, cũng không còn trang điểm quyến rũ nữa. Cô mở một tiệm tạp hóa nhỏ, hàng ngày đứng tựa cửa chờ ông trở về.

Bác sĩ nói, ung thư gan thời kỳ cuối, nhiều nhất chỉ còn sống được hơn ba tháng…

Không lâu sau đó, ông đột nhiên cảm thấy lồng ngực đau nhói, mới làm việc được một lúc, mồ hôi đã đầm đìa, thế là ông lén uống thuốc giảm đau, mỗi lần uống là năm sáu viên, nhưng vùng ngực vẫn cứ đau.

Ông lén đi ra thị trấn khám thử. Bác sĩ nói, ung thư gan thời kỳ cuối, nhiều nhất chỉ sống được hơn ba tháng nữa, muốn ăn gì thì hãy cứ ăn, đừng có làm khổ bản thân mình.

Đi ra chợ, ông đã tiêu xài hết toàn bộ số tiền mang theo, ông đã mua rất nhiều đồ, quần áo mới cho cô, áo khoác hoa cho con gái, son phấn nước hoa, nhưng lại không có mua một món gì cho bản thân mình.

Buổi sáng hôm sau, ông nói ông tính đến khu mỏ làm việc.

Cô nói: “Đừng đi, chỗ đó rất nguy hiểm, dễ xảy ra chuyện, đừng có đi, dứt khoát đừng có đi!”.

Ông cười hì hì, cuối cùng vẫn đi. Ông nói với ông chủ rằng: “Hãy sắp xếp cho tôi phần công việc khó nhất, có mệt tôi cũng không sợ”. Ông chủ đương nhiên đồng ý, bèn cử ông xuống hầm mỏ sâu nhất. Khi cơn đau kéo đến, ở trong bóng tối ông thầm gọi tên cô.

(Ảnh minh họa)

Người đàn ông đã dùng sinh mệnh của mình để yêu thương cô một lần sau cùng

Đi làm được ngày thứ ba, dưới hầm bắt đầu ngập nước, ông vốn dĩ là có cơ hội chạy thoát được, nhưng ông nghĩ, có được tiền rồi, cô và con gái cả đời cũng không cần phải lo nghĩ nhiều nữa. Thế là, ông không có chạy, cũng không kêu cứu.

Sau khi hay tin, cô đầu tóc cũng không chải mà chạy đến nơi, dùng tay gắng sức đào bới ngoài cửa mỏ, hai tay đều đã chảy máu. Nhìn thấy thi thể của ông, cô gọi tên của ông, khóc lóc kêu gào thảm thiết rằng: “Em không muốn! Em không muốn! Anh đừng bỏ em, đừng bỏ em, làm ơn đừng bỏ lại em mà!”.

Từ trong túi áo của ông rơi ra một mẩu giấy chẩn đoán của bệnh viện, lúc này cô mới hiểu rằng, người đàn ông này đã dùng sinh mệnh của mình để yêu thương cô một lần cuối cùng.


Phụ nữ cần được yêu thương, vậy nên tình thương của người chồng mới là niềm ao ước lớn nhất của người phụ nữ.

Tiền bạc, địa vị…

Chung quy điều mà người phụ nữ muốn nhất chẳng qua chỉ là tình yêu và sự che chở của người đàn ông.

Người đàn ông cần được thấu hiểu, vậy nên sự thấu hiểu của người vợ mới là niềm an ủi lớn nhất của người đàn ông.

Vẻ đẹp, khao khát …

Điều mà người đàn ông mong muốn sau cùng chỉ là sự dịu dàng và bầu bạn quan tâm của người phụ nữ.

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

3 người cùng kinh doanh 1 loại táo, chỉ 1 người thành công, vì sao?

Cùng một xuất phát điểm như nhau, nhưng ba chàng trai ôm mộng làm giàu lại đạt được những kết quả khác nhau. Tại sao như vậy? Hãy cùng xem câu chuyện và tự mình chiêm nghiệm, rút ra bài học cho bản thân!


(Ảnh minh họa)

Có ba người cùng tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đến một thị trấn hẻo lánh nơi có vườn táo ra trái to, thơm ngọt cực kỳ hấp dẫn. Trái táo này lại được bán với giá cực rẻ ở thị trấn hẻo lánh này.

Ngay khi nhìn thấy trái táo thơm ngon giá rẻ, chàng trai thứ nhất đã cảm thấy mình rất may mắn. Anh lập tức mua 10 tấn táo, lựa trái ngon nhất và đưa về quê nhà để bán với giá gấp đôi. Sau nhiều lần làm vậy, anh đã dành dụm được khá nhiều tiền.

Chàng trai thứ hai suy nghĩ một lát rồi bỏ ra nửa số tiền để mua hạt giống trái táo, nửa còn lại thuê một khu đồi và tự canh tác, tưới tiêu chăm sóc cho giống táo đó.

Người cuối cùng ngắm nghía cây táo, đi bộ nhiều ngày trong khu vườn táo tuyệt vời này, rồi cuối cùng tới gặp chủ vườn và nói: “Tôi muốn mua đất ở vườn táo này”.

Ông chủ lắc đầu: “Không, chúng tôi không bán đất, chỉ bán táo thôi”.

Thấy vậy chàng trai bèn lấy tay vốc đất lên và nói như cầu khẩn: “Tôi rất muốn mua đất ở đây, xin ông bán cho tôi, tôi chỉ mua một chút này thôi”.


Ông chủ thấy vậy mỉm cười đáp: “Thôi được, thấy anh khẩn nài vậy, tôi sẽ bán đất cho anh, kèm theo hạt giống táo”.

Vườn táo trĩu quả thơm ngon, ngọt là phần thưởng cho người có tầm nhìn xa, trông rộng. (Ảnh: Internet)

Chàng trai mang số đất về quê nhà, nhờ người có chuyên môn kiểm tra, phân tích thành phần đất, độ ẩm, so sánh với nhiệt độ và ánh sáng để xem tiềm năng ra sao.

Sau đó anh thuê một khu đồi, cải tạo đất nơi đó sao cho giống hệt số đất mang về, và gieo trồng số hạt giống được cho. Năm sau, anh đã có cả vườn cây trái xum xuê trĩu quả không khác gì vườn táo trước đó.

Còn số phận 2 người kia thì sao?

Chàng trai đầu tiên, ban đầu ăn nên làm ra, tuy nhiên dần dần doanh thu giảm hẳn bởi cạnh tranh ngày càng gia tăng, chưa kể rủi ro khi vận chuyển làm mất số hàng, cuối cùng lỗ nặng.

Chàng trai thứ hai chăm chỉ tưới tiêu vun xới cho cây táo, nhưng do không hợp đất nên trái ra không to, thơm và ngọt như ở vùng quê nọ, cuối cùng cũng chẳng kiếm được tiền.

Còn chàng trai thứ ba, nhờ phân tích mẫu đất và cải tạo đất ở quê nhà cho phù hợp mà cuối cùng được mùa bội thu, cho ra trái táo thơm ngon rất được ưa thích, lại bán tại vườn nên không bị rủi ro vận chuyển, tiện lợi giao thương, thu hút rất nhiều khách hàng. Chẳng mấy chốc anh đã trở thành doanh nhân thành đạt và giàu có.

Có thể nhận thấy rằng, cùng cơ hội và xuất phát điểm, nhưng mấu chốt của sự thành công không phải ở chỗ bạn đã tận sức làm bao nhiêu việc, mà ở chỗ bạn phải nắm bắt được vấn đề, biết nhìn xa trông rộng và có những bước đi thật vững vàng.