Trang chu

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Cậu bé 5 tuổi làm thực khách tại nhà hàng rơi nước mắt

Cậu bé Josiah Duncan, 5 tuổi đã làm khách tại nhà hàng rơi nước mắt sau khi mua cho người đàn ông bữa ăn và hát cho ông nghe.


Josiah Duncan với người đàn ông vô gia cư trong bữa ăn. (Nguồn: WSFA)

Cậu bé Josiah Duncan, 5 tuổi, đi tiệm ăn với mẹ. Bước vào tiệm cậu để ý thấy 1 người đàn ông ăn mặc rách rưới, nghèo khổ ngồi ở trước cửa tiệm với bảng đề chữ: “Tôi không có nhà ở, không có gia đình, tôi bị bệnh, xin hãy giúp tôi“.


Cậu bé Josiah hỏi người đàn ông: “Ông có đói không ?“, khi người đó gật đầu, Josiah quay ra xin mẹ: “Mẹ ơi, mẹ mua cho ông này một bữa cơm nhé ?“. Mẹ cậu bé đồng ý và người đàn ông đi theo cậu vào tiệm ăn.

Thấy người này nghèo nàn dơ bẩn nên khi ông ta vào ngồi thì nhân viên chạy bàn làm lơ không đến tiếp. Cậu bé bèn đi lấy tờ thực đơn cho ông chọn. Người đàn ông đọc qua thực đơn rồi chọn món ăn rẻ nhất. Mẹ cậu bé liền bảo: “Không sao đâu, ông cứ kêu thêm đi, kêu nhiều một chút ăn cho no“.

Và khi đĩa đồ ăn được bưng ra thì cậu Josiah nói với người đàn ông nghèo đó : “Cháu hát cho ông nghe nhé, mẹ cháu hay hát cho cháu nghe khi cháu buồn“, và ngay giữa tiệm ăn, cậu bé 5 tuổi hát: “Thiên Chúa trên trời, Thiên Chúa của tôi, xin cám ơn Người về những ơn phước Người ban cho tôi, xin cám ơn, xin cám ơn, Amen.. Amen..“

Người đàn ông khóc, mẹ cậu bé rơi nước mắt, tất cả khách hàng trong tiệm ăn chứng kiến cảnh này đều khóc… 


Nhà hàng Waffle House ở Alabama nơi cậu bé 5 tuổi làm cảm động các thực khách.


Josiah Duncan với mẹ mình Ava Faulk. (Nguồn: WSFA)

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Duyên phận trời định: Trả bạc cho người lấy vợ mình

Mọi người thường cho rằng chuyện cơ duyên chỉ là bịa đặt, thực ra hoàn toàn ngược lại, vì quan hệ nhân duyên đã được định sẵn, người với người phát sinh hết thảy đều là duyên phận trời định, thiện duyên kết thiện quả, nghiệt duyên kết ác quả. Câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về điều này.


Người với người gặp nhau đều là duyên phận, ác duyên hay thiện duyên cũng bởi số kiếp.

Câu chuyện xảy ra cách đây không lâu, khi ấy chiến tranh loạn lạc triền miên, dân chúng lầm than, bao gia đình ly tán, vợ xa chồng, con lìa cha mẹ, tan cửa nát nhà, tiếng kêu than khôn xiết.


Lại nói năm đó, làng Kim Hoa có một người thanh niên tên là Bảo Vụ Sinh. Thời chiến loạn lạc, hai vợ chồng Bảo Vụ Sinh thất lạc nhau, người chồng may mắn nằm trong đống xác chết nên không bị giết chết, nhưng người vợ lại bị quân địch bắt đi, biệt vô âm tích.

Sau đó, quân địch đổi nơi đóng quân, trú tại Hoa Đình, Bảo Vụ Sinh vì đi tìm vợ, một đường phong trần mệt mỏi tìm đến Hoa Đình, người tìm không được, bản thân lại mệt mỏi đến kiệt sức, đành phải ngồi ủ rũ trước một lữ quán thở dài ngao ngán. Chủ quán bước ra xem có chuyện gì thì thấy một thanh niên mặt mày thanh tú nhưng lại mang nét u sầu rất đáng thương, nên ông mới cùng Bảo Vụ Sinh trò chuyện đôi câu. Bảo vụ sinh đem sự tình của mình ra kể cho chủ quán nghe, chủ cửa hàng cũng thở dài, hỏi anh ta:

“Anh có biết chữ không?”

“Có biết!”

“Anh có biết tính sổ sách không?”

“Biết! ”

“Vậy thì tạm thời anh hãy ở lại lữ quán của ta, giúp ta làm ít việc, cũng đổi lấy cơm ăn, lúc rảnh thì lại từ từ mà tìm thê tử, có được không?”

Bảo vụ sinh nghe xong, cảm thấy đây là cách tốt nhất nên liền trả lời: “Nếu được như vậy thì còn gì bằng”.

Thế là Bảo Vụ Sinh ở lại lữ quán, làm việc cần cù trung thực, việc làm ăn của lữ quán cũng ngày càng phát đạt, kiếm được rất nhiều tiền, chủ quán hết lòng khen ngợi, định rằng sẽ đem con gái của mình gả cho anh, chỉ là còn chưa mở lời.

Một ngày nọ, trời vừa tờ mờ sáng, một người khách vội vã ăn cơm, trả tiền xong, gấp gáp vội vàng đi mất. Sau đó, Bảo Vụ Sinh phát hiện ra người khách nọ để quên một cái túi trên bàn bèn mở ra xem xét, thì thấy 50 lượng bạc sáng chói. Liền đem gói kỹ lại một lần nữa, giao cho chủ quán, đợi người mất của quay lại lấy.

Giữa trưa, người khách nọ quả nhiên lại vội vã quay trở lại, mồ hôi đầm đìa, thở hồng hộc, xông vào lữ quán, tìm tới tìm lui trên mặt đất.

Bảo Vụ Sinh bước đến hỏi thăm: “Quan khách, người đang tìm vật gì vậy?”.

“Ta đang tìm một túi bạc”.

“Bên trong có bao nhiêu bạc ?”

“50 lượng”.

Bảo Vụ Sinh lại hỏi:

“Số bạc này dùng để làm gì?”

Người khách lo lắng nói:

“Ta thật vất vả mới tích cóp được 50 lượng bạc, là muốn tới doanh trại mua một người vợ; mà giờ cứ hết lần này lần khác làm mất số bạc, giờ phải làm sao đây?”.

Bảo vụ sinh nói:

“Đừng lo, bạc của anh tôi thay anh nhặt được rồi, cái này giờ trả lại cho anh”.

Dứt lời, Bảo Vụ Sinh từ trong phòng lấy ra một gói, giao lại ngay tại chỗ, một lượng không thiếu. Người khách hết mực cảm tạ, vô cùng vui mừng cầm gói bạc ra đi.

Vài ngày sau đó, người khách mất bạc kia hớn hở vui sướng đưa đến 2 tấm thiệp mời, nói với Bảo Vụ Sinh: “Tất cả là nhờ vào anh trả lại bạc cho tôi, giờ việc của tôi xong xuôi rồi, đã định ngày nào đó sẽ kết hôn, lại nói đoạn nhân duyên này, vẫn là nhờ anh ban cho tôi. Giờ đây, vô luận như thế nào cũng muốn mời chủ của anh và anh cùng đến uống chén rượu mừng mới được”.

Bảo Vụ Sinh liên tục từ chối, nói không dám nhận. Chủ quán lại vui vẻ nói: “Chén rượu mừng này ta rất muốn uống, chỉ là ta gần đây hơi bận, vậy một mình anh đi đi nhé!”.

Thế là, Bảo Vụ Sinh đúng thời hạn đến dự tiệc. Đây cũng là một gia đình chân thành, người mất bạc sắp đón dâu, cao hứng bừng bừng, cả nhà vội vội vàng vàng bên ngoài, rất náo nhiệt.

Đến buổi trưa, Bảo Vụ Sinh tản bộ bên bờ sông, gặp một chiếc thuyền đang dần dần hướng đến. Trên thuyền một người con gái khoác lụa hồng đeo lục, quần áo lượt là. Trên bờ mọi người bắt đầu kháo nhau rằng cô dâu đã đến. Bảo Vụ Sinh bất giác hướng mắt nhìn cô dâu đang đến, một thoáng nhìn qua thì ngây ngẩn cả người: “Tân nương tử đó không phải chính là thê tử mà mình tìm kiếm ngày đêm hay sao?”.

Lúc này, đúng lúc cô dâu cũng nhìn lên bờ, thoáng qua một cái thì nhận ra chồng của mình, thế là hai bên không chịu nỗi khóc lên thành tiếng. Bảo Vụ Sinh khóc ngã trên đồng cỏ; cô dâu khóc ngã vào khoang thuyền.

Chẳng mấy chốc, thuyền đã cập bến, phải ngênh đón cô dâu lên bờ nhưng cô dâu đã khóc lóc nức nở. Hỏi thì nàng nói: “Tôi vừa mới nhìn thấy một người, dường như là trượng phu của tôi trước đây, thế nên tôi cảm thấy vô cùng bi thương”.

Lại hỏi người kia hình dáng thế nào, cô dâu nói đến dáng điệu, ăn mặc của Bảo Vụ Sinh kể ra, chú rể nghe xong, chẳng phải giống như ân nhân nhặt bạc trả lại cho mình sao? Thế nên, người này vội vàng chạy ra bờ sông tìm, chỉ thấy Bảo Vụ Sinh nằm sấp trên mặt cỏ cạnh bờ sông khóc lóc nức nở, không đứng dậy nổi. Ba lần bảy lượt hỏi han, anh ta cũng không chịu nói. Sau hỏi đến nóng ruột, Bảo Vụ Sinh mới nói: “Vừa rồi, tôi nhìn thấy một người …”, rồi lại nghẹn ngào không nói được lời nào.

Chú rể cuối cùng hiểu ra, mới chân thành nói với Bảo Vụ Sinh: “Ta đã hiểu rồi, tân nương tử của ta chính là thê tử của anh. Ngày trước, anh đã nhặt được bạc ta dùng để cưới vợ, vậy bạc này là của anh rồi. Anh đưa bạc cho ta đến chuộc thê tử của anh, đây chính là ông trời muốn ta làm chuyện tốt này. Anh đừng khóc nữa, ta cảm kích ân đức của anh, sẽ đem thê tử trả lại cho anh, xem như là báo đáp”.

Bảo Vụ Sinh vô cùng khó xử, thê tử của mình, cuối cùng tìm được rồi, đương nhiên là hy vọng đoàn viên rồi., nhưng người ta bỏ ra 50 lượng bạc mua về tân nương tử, giờ lại vô cùng vui sướng mà bày tiệc hỷ sự, điều này khiến anh vô cùng có lỗi với anh ta! Thật sự rất khó xử.

Chú rể bèn đi mời người chủ quán đến làm chủ sự việc. Chủ quán nghe xong, rất tán dương phẩm hạnh của hai người, vui vẻ nói: “Người trả bạc là nghĩa sĩ, còn người trả vợ, nghĩa khí của anh cũng không kém gì. Để cho anh cưới vợ lại không được vợ, vậy cũng không thể được! Như vậy đi, ta có đứa con gái đã đến tuổi xuất giá; ta đem con gái ta gả cho anh; còn tân nương tử kia, vốn là thê tử của người trả bạc, vậy để cho họ đoàn tụ với nhau”.

Mọi người nghe xong, đều nói cách này thật là biện pháp vẹn cả đôi đường, lại còn khen ngợi chủ quán cũng là một nghĩa sĩ, cùng với hai nghĩa sĩ kia đúng là “Tam nghĩa sĩ”. Cưới vợ trả vợ, câu chuyện này trở thành giai thoại “Tam nghĩa sĩ” mọi người đều ca tụng.

Câu chuyện thật tốt đẹp, ấm áp tình người. Giờ đây chúng ta nghe đến đều cảm động không nguôi. Bạn nhìn xem, người trả bạc được đoàn tụ cùng vợ là bởi vì chính thiện tâm phẩm hạnh của mình mà đã nhận được phúc báo! Có người có thể cho rằng đây có phải là câu chuyện vớ vẩn hay không? Ly kỳ không?

Kỳ thực, đây là một câu chuyện chân thật không hư cấu. Mọi người thường cho rằng chuyện cơ duyên trùng hợp như vậy là bịa đặt, thực ra hoàn toàn ngược lại, vì quan hệ nhân duyên đã được định sẵn, người với người ở đó phát sinh hết thảy đều là duyên phận trời định, gọi là thiện duyên kết thiện quả, nghiệt duyên kết ác quả. Vậy nên nhà Phật mới khổ tâm khích lệ thiện, kêu gọi con người làm việc thiện tích đức, vì hạnh phúc của chính mình mà trải đường.

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Benjamin Franklin: Hình mẫu đạo đức của Buffett và Munger

Theo Charlie Munger, phó Chủ Tịch Berkshire Hathaway, cách ngôn của Benjamin Franklin còn quan trọng hơn cả những điều được dạy trong các trường kinh doanh.






Benjamin Franklin là ai?


Benjamin Franklin (1706-1790) là một trong những nhân vật lịch sử có vai trò quan trọng trong việc thành lập của đất nước Hoa Kỳ. Ông là một người đa tài với sự hiểu biết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học, chính trị, phát minh và ngoại giao.

Thành công của Franklin hoàn toàn đến từ việc tự học để hoàn thiện bản thân. Công cụ để ông thành công chính là đọc sách. Thuở bé ông không được đi học nhiều, nhưng chính khả năng tự học hàng đêm đã đưa Franklin đến với tượng đài của một doanh nhân thế giới. Có thể nói, thói quen đọc sách đã biến quả chanh hổng kiến thức thành món nước chanh đầy trí tuệ

Điều đặc biệt, nhờ khả năng giao tiếp khéo léo và sắc xảo mà sau này Franklin được bầu làm đại sứ quán tại Pháp và là một gương mặt tiêu biểu ở Quốc hội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều người thường biết đến Franklin với một người có tài quản lý Nhà nước và là người thảo ra bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ.

Trên hết, điều mà mọi người học được nhiều ở Franklin là một tinh thần đạo đức đúng đắn. Ông có đời sống chân thành, chính trực và nghĩa khí. Chính đạo đức, không phải túi tiền, mới là điều quyết định giá trị của một con người.

Những bài học mà Franklin để lại cho hậu thế, được tích hợp qua những câu cách ngôn mang một bản sắc rất riêng của ông. Những châm ngôn này phần lớn được kế thừa lại qua cuốn lịch Poor Richard, một cuốn lịch do chính ông xuất bản.

Chính Frankin đã nói câu: “Thời gian là tiền bạc”. Theo Franklin, bí quyết để có cuộc sống tốt hơn là phát triển con người bằng lao động vất vả. Không quan trọng bạn kiểm được bao nhiêu tiền, nhưng giá trị bản thân và sự tự khám phá mình từ việc thúc ép chính bản thân mới là điều quan trọng. Bởi trong sự lười biếng, bạn chẳng học được gì cả.

Bên cạnh đó, để tăng năng suất và làm việc hiệu quả hơn, Franklin khuyên nên loại trừ các khoản nợ, vì điều đó làm nhẹ đầu óc, giúp bạn tự tin hơn. “Những người có tiền thì tự do và độc lập hơn những người hàng xóm của họ. Vì thật khó để một cái túi rỗng đứng thẳng”, ông nói.

Sức ảnh hưởng của Franklin lên hai nhà lãnh đạo của Berkshire Hathaway

Khi đánh giá nhà quản lý, Buffett khuyên nên xem xét ba phẩm chất sau: sự chính trực, nghị lực và trí tuệ. Ông nói nếu bạn không có phẩm chất đầu tiên, thì phẩm chất thứ hai và thứ ba sẽ giết chết bạn.

Trong thực tế, nếu nhà quản lý không có sự chính trực thì ông thà nhận các nhà quản lý lười biếng và ngu dốt còn hơn. Đó chính là một phẩm chất nổi bật mà Buffett đã học được từ cách ngôn của Franklin.

Tất nhiên, ông không được học điều này trực tiếp. Buffett đã được tiếp thu nó từ khi còn bé qua người cha là Đại biểu Quốc Hội của mình. Ngoài việc hay thích trích dẫn các châm ngôn của Franklin, ông còn sống theo chủ nghĩa cần cù, tiết kiệm, ghét nợ nần và trọng chữ tín.


“Phải mất 20 năm để xây dựng được uy tín, nhưng chỉ cần 5 phút là có thể phá hủy nó. Nếu bạn nghĩ đến điều này, bạn sẽ làm việc khác đi”, Buffett trích dẫn.

Buffett ngưỡng mộ Franklin nhưng cũng không quá cuồng nhiệt. Còn người bạn thân của ông, phó Chủ Tịch Berkshire Hathaway là Charlie Munger thật sự là một “fan” của Franklin.

Munger không bao giờ chán trích dẫn cách ngôn của Franklin, những câu châm ngôn mà ông cho là quan trọng hơn những điều bạn được học trong trường kinh doanh. Trong công việc hay bất cứ hoạt động nào của đời sống, Munger luôn hành xử như một quý ông và theo trường phái đạo đức cổ điển của Franklin.

Cũng như Buffett, ông là người tiết kiệm, tự lập và ghét nợ nần. Mặc dù có gia cảnh giàu có, nhưng Munger từ chối sự giúp đỡ của gia đình. Ông tự đẩy mình vào cảnh nghèo khó khi học đại học, và khi thành lập công ty, ông tìm mọi cách để xoay xở với chúng.

Ông đã làm đúng như một câu cách ngôn của Franklin rằng:


“Một nhà bếp đầy đồ ăn làm nên một ý chí kém cỏi”.


Và ông sẽ rất khó chịu nếu ai đó làm lãng phí thời gian của mình. Tựa như câu cách ngôn khác của Franklin:


“Hãy yêu cuộc sống, đừng lãng phí thời gian, vì cuộc sống tạo nên từ thời gian”.

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Bài học về trách nhiệm của vị kiến trúc sư đại học Oxford 350 năm trước

Đại lễ đường có lịch sử lâu đời của đại học Oxford gặp vấn đề nghiêm trọng về an toàn. Một điều không ai ngờ rằng vấn đề đã được vị kiến trúc sư từ 350 năm trước giải quyết một cách triệt để …Cùng đọc câu chuyện dưới đây để học bài học trách nhiệm đáng giá từ ông.


Năm 1985, người ta phát hiện đại lễ đường có lịch sử 350 năm của đại học Oxford gặp vấn đề nghiêm trọng về an toàn.

Qua kiểm tra, 20 thanh xà ngang của đại lễ đường đã bị phong hóa mục nát, cần phải được thay thế ngay lập tức.

Mỗi một thanh xà đều được chế tạo từ những cây gỗ sồi rất lớn, và để bảo trì diện mạo cho đại lễ đường với lịch sử 350 năm này, người ta chỉ có thể thay thế nó bằng cây sồi khác.

Vào những niên đại năm 1985, nếu muốn tìm 20 cây sồi cỡ lớn như vậy là điều không dễ dàng, nếu có thể tìm được, thì mỗi một thanh gỗ sồi cũng phải mất chi phí ít nhất là 250.000 USD.

Điều này khiến trường đại học Oxford bất lực nhìn vấn đề mà chưa thể đưa ra biện pháp giải quyết.

Lúc này, một người thợ làm vườn trong trường nghe được, đã tìm đến và trình bày một việc mà khiến ai nấy cũng đều kinh ngạc, 350 năm trước, kiến trúc sư xây dựng nên đại lễ đường đã sớm biết trước thời sau sẽ gặp vấn đề khó khăn này, nên năm đó ông đã mời rất nhiều thợ làm vườn tới trồng một lượng lớn cây sồi trong hoa viên của trường học, cho đến hôm nay, kích thước của mỗi một cây sồi đã hoàn toàn vượt quá kích thước cần thiết để chế tạo xà ngang.

Tin tức này thực sự khiến cho người ta cảm thấy vô cùng kính phục!

Một vị kiến trúc sư từ 350 trước lại có cái tâm và tầm nhìn xa như vậy. Mộ phần của người kiến trúc sư đó sớm đã trở nên hoang tàn, nhưng trách nhiệm của ông vẫn chưa hề kết thúc.

Một câu chuyện đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Người ta có thể liên tưởng đến một loạt vấn đề như duy trì, nguyên liệu, lâu dài, hoàn cảnh… nhưng đó đều không phải bản chất của vấn đề.


Một loại sức mạnh có thể duy trì lâu dài, đó chính là “trách nhiệm”.

Con người khi làm bất cứ việc gì cũng cần suy nghĩ đến hậu quả để lại cho các thế hệ sau, đó chính là cái tâm và trách nhiệm. Khi chặt đi 20 cái cây, người ta phải nghĩ đến việc bù đắp vào đó 20 cái cây khác hoặc nhiều hơn. Có như thế xã hội mới có thể trường tồn.

Không có cái tâm và trách nhiệm trong bất cứ điều gì đều có thể dễ dàng đưa đến tai họa. Mình chứng trong cuộc sống đã quá nhiều rồi.


Nhà hát Sheldonian, Oxford (Ảnh: Robin Stevens)