Trang chu

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Sửa đổi ai đó với sự hòa nhã

Một hôm tôi đi dạo shopping và đã thấy một người khách hàng muốn trả lại chiếc áo khoác. Người đứng quầy đã chú ý thấy chiếc áo khoác đã bị giặt đi, tuy nhiên cô đã không chỉ thẳng điều đó một cách khó chịu mà rồi giải quyết chuyện đó êm thắm mà không làm cho người khách hàng mắc cỡ.

Cô đã nói: “Có lẽ ai đó trong gia đình của anh đã lỡ giặt chiếc áo khoác này. Tôi đã có trường hợp cũng tương tự như vậy trước đây – khi tôi đi công tác, chồng tôi đã lơ đễnh và để cho người giặt ủi mang cả đống đồ đi giặt. Có phải chuyện này cũng xảy ra như vậy với anh phải không? Hãy nhìn xem, có vài vết trên chiếc áo đã cho thấy rằng nó đã được giặt. ” Người khách hàng không có gì để nói và có lẽ anh ta đã thầm cảm ơn người đứng quầy.

Người đứng quầy đã thật có lòng tốt bởi vì cô đã biết làm thế nào để cho người ta không bị gặp phải tình huống khó chịu. Vàng không thể nào trong sạch và con người không thể nào hoàn hảo. Trong đời sống thực tại, người nào đó có thể phạm lỗi và thấy mình ở trong tình huống ngượng ngùng xấu hổ. Tuy nhiên, sửa đổi người nào đó một cách hòa nhã là một nguyên tắc nên được tuân theo. Nhà văn người Anh William Wordsworth đã nói rằng hãy để chúa phán xét, nhẫn nhịn là một thái độ tốt nhất cho chúng ta. Chỉ cho người nào thấy lỗi của mình với sự hòa nhã thì đó đúng là cho thấy sự nhẫn nhịn.

Nó cũng cho thấy đức hạnh của một người. Chỉ khi một người với đầu óc phóng khoáng và lòng tử tế thì mới có thể luôn luôn nhớ rằng sửa đổi người khác một cách hòa nhã. Khi người ta bị xúc phạm, nhiều người có thể gây cãi cọ to chuyện và cả hai bên đều bị ngượng ngùng xấu hổ. Tuy nhiên, khi tổng thống Lincoln giận dữ, ông chọn cách viết thư nhưng ông không gửi đi ngay lập tức. Sau khi ông bỏ thời giờ để viết thư, ông trở nên bình tĩnh và rồi đã có thể giải quyết vấn đề một cách có lý trí. Nhẫn nhịn không có nghĩa nhịn nhục quá mức; tuy nhiên, nếu ai đó học được cách nhẫn nhịn đến hết mức, anh ta có thể tránh được nhiều sự rắc rối.

Sửa đổi ai đó với sự hòa nhã luôn luôn tạo thêm tình bạn và lòng tin cậy. Benjamin Franklin rất kiêu căng khi ông ta còn trẻ. Ông luôn chế nhạo những người có ý kiến bất đồng với ông. Sau đó trong cuộc đời mình ông đã thay đổi tính tình của mình và không còn chế giễu người khác nữa. Ngược lại, ông có thể chấp nhận sự bất đồng một cách miễn cưỡng. Sự thay đổi đã làm cho ông ta có nhiều bạn bè và thật ra đã đưa ông ấy trở thành một chính trị gia. Đây chính là một sự thật rằng sửa đỗi ai đó với sự hòa ái thì luôn luôn là sự khởi đầu của việc tạo một người bạn, cũng như là nhìn thấy sự thành công của chính mình.

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Mềm dẻo trong cuộc sống

Ngôi nhà ở bên kia đường đối diện với nhà tôi có 2 vợ chồng đang sống ở đó. Cả hai đều bị câm. Họ sống bằng nghề sửa giày trên hè phố. Người chồng thì cao to và khỏe mạnh, người vợ thì rất đẹp dáng người mảnh mai.

Thỉnh thoảng tôi nghĩ ông Trời thật là quá tàn nhẫn. Ông đã ban cho cô ta một hình hài thật xinh xắn nhưng lại lấy đi tiếng nói của cô ta. Mặc dù họ bị ngăn cách với thế giới bên ngoài như là một bức tường chắn dày, nhưng bên trong bức tường 2 người họ đã sống và làm cho nhau gần gũi hơn. Giữa hai người, họ dùng một ngôn ngữ phát ra từ trái tim của họ mà không ai có thể hiểu được. Hè lại đông sang, ngày qua ngày, họ sống hạnh phúc trong êm ấm và nhẹ nhàng, biết được và chấp nhận số phận của họ. Tôi cảm động bởi khả năng nhận lấy các việc xung quanh một cách điềm tĩnh khi đối diện với sự xếp đặt đáng thương bởi định mệnh của ông Trời.

Khi người ta bị nhốt vào tình trạng đầy đau khổ, không phải ai cũng có khả năng chống đỡ. Nếu một người không thể chống đỡ lại gian khổ, người đó vẫn có thể sống một cuộc sống bình an mỗi ngày với một trái tim rộng mỡ và một thái độ vui vẻ. Đó phải chăng là một sự phản ảnh của sức mạnh?



Dĩ nhiên, con người sẽ không có động lực để sống nếu họ không có sự khao khát hoặc là sự theo đuổi. Tuy nhiên, trong quá trình theo đuổi, người đó không nên quá chấp trước vào nó. Chúng ta có thể vui mừng nhận lấy những gì đến với chúng ta và bỏ qua những gì mà chúng ta mất mát. Trong lúc vui, chúng ta có thể biểu hiện sự cảm kích, trong những lúc khó khăn, chúng ta vẫn có thể giữ một cái tâm vui vẻ. Đó có phải là một trạng thái tình thần tốt không?Cũng như bài thơ Xu Zhimo đã nói, “Nếu tôi thành công, tôi vui mừng. Nếu tôi thất bại, đó là định mệnh của tôi. Nó thật chỉ như vậy. ”

Một người bạn của tôi bị mất đi cánh tay phải của anh ta trong một tai nạn đã nói với tôi, “Con người thật là đầy những bền bĩ. Họ có thể chịu đựng nhiều đau khổ hơn người ta có thể tưởng tượng. ”Tôi cảm thấy những gì anh ta nói thật là đúng. Sự rủi ro lớn nhất là khi một người bị đánh gục bởi một sự kiện không may. Trong cuộc sống phức tạp của chúng ta, chúng ta phải học cách đối diện với sự thật và nhận ra cách làm sao có thể sống mềm dẻo. Một cuộc sống không có gian khổ có thể không có màu sắc và một cuộc đời cao đẹp. Mặt khác, một người bị chôn vùi vào trong đau khổ và không thể tự kéo mình ra khỏi nó thì cuộc đời của anh ta quả thật là bi thảm.

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Món quà vô giá từ người vô gia cư và tình bạn diệu kỳ của cô gái trẻ

Câu chuyện cảm động về tình bạn khó tin và món kỷ vật vô giá giữa cô gái trẻ xinh đẹp và một cựu chiến binh vô gia cư đã được cư dân mạng chia sẻ tràn ngập trên các trang xã hội của Mỹ.

Câu chuyện này là một minh chứng cho sự tồn tại vĩnh cửu của tình người ngay cả ở trong một xã hội hiện đại bậc nhất, nơi mà chủ nghĩa cá nhân được cổ súy và đặt lên hàng đầu.

Tình bạn không khoảng cách

Cô gái không tiết lộ danh tính, nhưng cô lại sẵn sàng chia sẻ bức ảnh chụp cùng người cựu chiến binh và kèm theo bức ảnh chiếc mặt đồng hồ cổ mà cô được tặng. Tình bạn giữa 2 con người hoàn toàn xa lạ, thậm chí không có lấy một điểm chung đã khiến công chúng cảm động.


Cô gái xinh đẹp và người cựu chiến binh vô gia cư.

Hai người tưởng chừng như thuộc về 2 Thế giới hoàn toàn khác nhau: một cô gái xinh đẹp với nghề nghiệp và cuộc sống ổn định, một cựu chiến binh vô gia cư, vô nghề nghiệp, với một vẻ ngoài râu ria và nhăn nhúm khiến những người đi đường chỉ muốn tránh xa.

Ấy vậy mà hai con người ấy lại tìm thấy ở nhau những điều mà không một ai có được. Họ đem đến cho nhau sẻ chia, niềm tin vào cuộc sống và động viên nhau vượt qua khó khăn.

Được chia sẻ trên một mạng xã hội có tên Reddit, bằng những thông tin xác thực, anh trai của cô gái đã kể lại những câu chuyện cảm động về tình bạn giữa cô và Tony, một cựu chiến binh vô gia cư lấy vỉa hè làm nhà ở với cuộc sống bấp bênh ngày trước lo ngày sau.

Theo như lời người anh trai kể lại, Tony là một người đàn ông vô gia cư, ông thường lang thang ở gần chỗ cô gái làm việc. Chỉ trong vài tháng, họ đã trở thành những người bạn thân thiết. Ban đầu chỉ là một vài lời chào hỏi xã giao, rồi họ nói chuyện nhiều hơn, và chỉ sau một vài tháng quen biết, họ trở thành bạn tâm giao của nhau từ lúc nào không hay.

Cô kể: “Vào những ngày nhất định, chúng tôi thường dùng bữa trưa hoặc đi ăn nhẹ cùng với nhau. Tony kể với tôi đủ chuyện, trong số đó, tôi thích nhất là những câu chuyện về chiến tranh của ông.

Tôi thì kể với Tony về những rắc rối cá nhân của mình như việc tôi đang yêu thầm một cậu bạn trai từ hồi học phổ thông hay việc tôi cổ vũ cho ai trong trò chơi truyền hình Super Bowl. Những buổi trò chuyện dường như kéo dài vô tận”.

Từ một vài giờ đồng hồ nói chuyện phiếm mỗi ngày, Tony và cô gái trẻ hiểu nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Những tâm sự thầm kín nhất cũng được họ kể cho nhau nghe.

Món quà vô giá

Rồi khi cô gái gặp phải một cú sốc lớn trong công việc và trở nên chán nản với tất cả: “Những ngày tháng đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong suốt cuộc đời của tôi. Có những lúc tôi muốn chết, muốn thoát khỏi thực tại u ám này”.


Món quà vô giá.

Tony đã ở đó, bên cạnh cô, lắng nghe cô tâm sự về những khó khăn và dường như luôn sẵn sàng thúc cô tiến về phía trước, tiếp tục cố gắng hết sức cho những đam mê, tham vọng và ước mơ của mình. Bạn bè để làm gì nếu không phải là một nơi sẻ chia niềm vui nỗi buồn? Đối với cô gái, cô còn nhận được nhiều hơn thế từ người bạn vong niên của mình.

“Tôi đang đi dạo một cách vô định, nghe một vài đoạn nhạc buồn và cảm thấy tiếc nuối cho bản thân thì một cái vỗ vai từ đằng sau, tôi dường như vẫn cảm nhận được sự ấm áp từ cử chỉ nhẹ nhàng đó. Đó là Tony, ông nhìn tôi bằng một thái độ nghiêm túc. Đôi mắt ông nói với tôi rằng, ông có một món quà cho tôi. Từ chiếc áo đồng phục đã sờn rách, ông rút ra một chiếc đồng hồ đẹp tuyệt vời”. Đó là chiếc đồng hồ kỷ vật mà Tony đã từng kể cho cô nghe.
Đã có rất nhiều người vô gia cư đọc được tin tức này và họ đều thấy vui mừng thay cho Tony. Một người vô gia cư cho biết: “Mỗi khi có một người nào đó đối xử với tôi như một người bình thường, tôi cảm thấy thật hạnh phúc và ấm áp.Tôi mừng là Tony đã có cơ hội để chạm đến nỗi đau của một ai đó và giúp hóa giải nó. Dường như chính việc đem lại niềm tin vào cuộc sống cho cô gái cũng là một phần thưởng vô giá với người cựu binh vô gia cư”.

Lúc trước cô đã từng rất thích nó nhưng không dám nói ra, bởi cô biết nó có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với ông. Và cũng với một điệu bộ nhẹ nhàng như vậy, ông đặt chiếc đồng hồ vào tay cô và nói: “Tôi không có gì nhiều, nhưng tôi muốn bạn biết rằng, bạn đã làm được một điều mà rất nhiều người khác đã không và sẽ không làm được.

Đó là làm bạn với một kẻ vô gia cư như tôi, một cách không vụ lợi và tính toán gì. Điều đó thực sự khiến tôi cảm kích rất nhiều”.

Chỉ một cử chỉ nhỏ của Tony dường như đã làm lòng cô gái ấm lại. Vào giây phút đó, dường như mọi ranh giới đều tan biến. Cô òa lên khóc, những giọt nước mắt của hạnh phúc, của niềm vui, của nghẹn ngào và xúc động. Đôi khi bạn giơ tay ra với một số phận bất hạnh, bạn cho đi không nhiều, nhưng cái mà bạn được nhận lại còn giá trị hơn nhiều, thậm chí là vô giá.

Sau này khi chia sẻ hình ảnh chiếc đồng hồ cổ trên mạng xã hội Reddit, nhiều người cho cô biết đây là một món đồ cổ có giá trị. Tony hoàn toàn có thể bán nó để đổi lấy một cuộc sống ổn định, sung sướng hơn.

Nhưng Tony đã không chọn cách đó. Ông đã đổi nó lấy một thứ còn đáng giá hơn cuộc sống vật chất sung túc, đó chính là tình bạn thiêng liêng. Hơn nữa, trong câu chuyện này, không chỉ Tony, cũng không chỉ có cô gái là người cho đi hay nhận lại.

Họ đều đã cho đi không cần suy nghĩ và đều nhận lại được những thứ vô giá. Cô gái đã kết bạn với một người vô gia cư mà không hề mảy may nghi ngại đến bề ngoài hay đề phòng Tony, và cô nhận lại không chỉ là chiếc đồng hồ quý giá mà còn là sự an ủi của tình bạn sâu đậm, niềm tin, động lực hướng đến tương lai trong cuộc sống. Còn Tony, có lẽ điều lớn lao nhất mà ông nhận được đó chính là tình bạn bất ngờ từ cô gái, một tình bạn mà có lẽ cả đời ông sẽ chỉ gặp một lần.

Văn hóa,Giáo dục "Lấy dễ đãi người, ước chế người" - Câu chuyện của lòng khoan dung


Cổ ngữ có câu: “Cổ chi quân tử, kì trách kỉ dã trọng dĩ chu, kì đãi nhân dã khinh dĩ ước”, có ý là quân tử thời xưa yêu cầu bản thân rất nghiêm ngặt về mọi phương diện, như vậy mới có thể kịp thời sửa đổi, không ngừng tiến lên, đối với người khác khoan dung bình dị, làm người khác vui là thiện. Khoan dung chính là một loại trí huệ, là bao dung trong khi kiên trì giữ vững đạo nghĩa, là quan tâm yêu mến và có trách nhiệm với người khác, cần phải có tấm lòng phóng khoáng và tâm thiện với người khác. Tử Cống, một học trò của Khổng Tử từng hỏi Khổng Tử rằng: “Có chữ nào có thể trở thành nguyên tắc được tôn thờ cả đời không? ” Khổng Tử nói: “Đó đại khái là chữ “Thứ” (tha thứ). “Thứ” có nghĩa là khoan dung. Cổ nhân chú trọng tu thân, luôn luôn xem xét, cảnh tỉnh bản thân, có thể dùng lòng khoan dung bao dung những thiếu sót của người khác, không chỉ giúp bản thân tích đức, mà còn có thể cảm hóa, khiến người khác hướng thiện. Dưới đây là một vài câu chuyện được ghi chép lại trong sách cổ.

Tống Tựu lấy đức báo oán

Thời Chiến Quốc (từ năm 722 đến 481 tr. CN), nước Lương có vị đại phu tên gọi Tống Tựu, từng làm Huyện lệnh một huyện vùng biên giới. Huyện này giáp ranh với nước Sở. Hai nước Lương, Sở dựng lên một trạm gác biên giới. Nhân viên trạm gác biên giới trồng một vườn dưa. Người nước Lương vô cùng cần mẫn chịu khó, nhiều lần sang tưới cho ruộng dưa, loại dưa họ trồng lên rất tốt. Người nước Sở lười biếng, ít khi tưới nước, dưa họ trồng lên không tốt lắm.

Người nước Sở sinh lòng đố kị, nhân lúc nửa đêm tới dẫm đạp và kéo đứt thân cây. Sau khi người nước Lương phát hiện ra liền báo lại cho huyện lệnh Tống Tựu, cho rằng phải trả thù họ, bèn chuẩn bị qua dẫm nát ruộng dưa nước Sở. Tống Tựu nghe vậy lắc đầu mà rằng: “Sao lại làm như vậy? Kết oán với người ta là con đường chuốc họa vào thân mình. Dù người ta đối xử không tốt với mình, chúng ta cũng phải đối tốt với người ta, sao lại hẹp hòi vậy! Ta bảo các ngươi cách này, mỗi tối cử một người âm thầm sang tưới nước cho ruộng dưa nước Sở, nhớ đừng để họ biết.”

Sáng sớm người nước Sở ra đến ruộng đã thấy nước tưới xong rồi. Cứ như vậy, nhờ người nước Lương giúp đỡ, ruộng dưa bên nước Sở ngày một tươi tốt. Người nước Sở cảm thấy rất kỳ lạ, bèn âm thầm quan sát, dò hỏi, biết rằng hóa ra đều là người nước Lương làm. Họ cảm thấy vô cùng kinh động, bèn báo cáo lại chuyện này cho triều đình nước Sở. Quốc vương nước Sở sau khi biết chuyện, thấy rất khó xử, bèn mang lễ hậu tới tạ lỗi cùng nhân viên trạm gác nước Lương và muốn kết giao với người quốc vương nước Lương. Quốc vương nước Sở sau đó nhiều lần ca ngợi quốc Vương nước Lương giữ lễ nghĩa. Vậy mới nói quan hệ hữu hảo giữa hai nước Lương Sở bắt nguồn từ cách giải quyết thỏa đáng câu chuyện ruộng dưa trạm gác nơi biên giới. Cổ ngữ nói “Chuyển bại thành công, phúc sinh từ họa”, Lão Tử nói “Lấy đức báo oán” chính là nói đến những chuyện như vậy.” (Trích từ “Tân Tự”)

Tướng Tương Hòa

Vào thời Chiến Quốc, quan văn nước Triệu Lận Tương Như, đi sứ sang nước Tần không hổ thẹn với sứ mệnh “Đem ngọc trả lại cho vua Triệu”, lập được công lao hiển hách và được phong làm Thượng Khanh, đứng trên cả tướng võ Liêm Pha. Liêm Pha rất không phục, lộng ngôn mà rằng: “Ta là đại tướng quân nước Triệu, có công lớn đánh thành, dã chiến. Còn Lận Tương Như chỉ lập công dựa vào tấc lưỡi, nhưng chức vị của ông ta lại trên cả ta. Ta cảm thấy bị sỉ nhục, chỉ cần nhìn thấy ông ta, ta nhất định phải hạ nhục ông ta.” Sau khi Lận Tương Như biết chuyện bèn hết sức tránh gặp mặt, nhẫn nhịn, không chịu gặp mặt ông ta. Một lần lên xe xuất hành, nhìn thấy đoàn xe của Liêm Pha, ông lập tức bảo phu xe đánh xe vào hẻm nhỏ cắt ngang đường, đợi xe của Liêm Pha qua rồi mới đi ra, tránh cho đôi bên nảy sinh xung đột.

Môn khách của Lận Tương Như cho rằng ông sợ Liêm Pha, nhất tề mà rằng: “Chúng tôi về đầu quân cho ngài vì ngưỡng mộ đạo đức phẩm giá, lễ nghĩa cao thượng của ngài. Bây giờ chức vị của ngài tương đương với Liêm Pha, ngài lại trốn tránh ông ta, sợ ông ta. Dù là người thường gặp phải chuyện này cũng cảm thấy bị sỉ nhục, huống hồ là tướng quân! Chúng tôi tài hèn, xin cho chúng tôi được cáo từ!”

Lận Tương Như kiên quyết lưu giữ họ lại, mà rằng: “Các ông thấy Liêm tướng quân so với Tần Vương ai giỏi hơn?” Môn khách trả lời nói: “Liêm tướng quân không giỏi bằng Tần Vương.” Lận Tương Như nói: “Với uy thế của Tần Vương như vậy, tôi Lận Tương Như còn dám nói lý, quát mắng ông ta trước triều thần nước Tần. Dẫu cho Tương Như tài hèn, lẽ nào lại sợ Liêm Pha? Ta nghĩ rằng, nước Tần lớn mạnh sở dĩ không dám xâm lược nước Triệu chúng ta, chỉ vì có hai người chúng ta! Hiện giờ nếu hai hổ đấu nhau, tất không thể cùng sinh tồn. Ta nhẫn nhịn Liêm tướng quân, là vì luôn nghĩ tới sự an nguy quốc gia làm đầu!” Sau khi Liêm Pha nghe được những lời này, bèn mình trần vác roi dẫn đến cửa nhà Lận Tương Như xin nhận tội, mà rằng: “Tôi là kẻ phàm phu ti tiện, không ngờ ông lại bao dung ta đến mức này!” Từ đó hai người giải tỏa hết hiềm khích, cùng nhau gánh vác đại sự, trở thành đôi bạn cùng sinh tử. Đây cũng là nguồn gốc điển cố “Phụ kinh thỉnh tội (vác roi nhận tội)”.

Từ xưa đến nay, biết sai mà sửa đã là một phẩm giá, tướng quân Liêm Pha có thể nhanh chóng tỉnh ngộ, còn “vác roi nhận tội”, càng thể hiện sự chân thành và được người đời ca ngợi. Còn Lận Tương Như trong suốt thời gian xung đột với Lâm Pha đã chọn sự nhẫn nhịn, lựa chọn điểm tương đồng, lấy lợi ích quốc gia làm trọng, xem nhẹ vinh nhục cá nhân, giữ gìn đạo nghĩa, mang phong thái tối cao của người quân tử, càng là tấm gương cho hậu thế sau này. (Trích “Sử ký”)

Tể tướng tâm trí phóng khoáng

Tại nước Thục Thời Tam Quốc, sau khi Gia Cát Lượng tạ thế, Lưu Thiền tuân theo di chúc của Gia Cát Lượng phong Tưởng Uyển làm tể tướng chủ trì việc triều đình. Lúc đó, nước Thục mới mất đi chủ soái, bên ngoài có địch mạnh xâm lấn biên cương, trong triều lo lắng bất an. Tưởng Uyển tuy đứng đầu triều chính nhưng vẫn điềm tĩnh thản nhiên, nắm vững đại cục, không hề lộ vẻ lo lắng, cũng chẳng tỏ ra vui mừng, cử chỉ như Thần, vẫn thản nhiên như ngày thường. Nên lòng dân nhanh chóng yên ổn.

Tưởng Uyển là người trung hậu, Dương Hý, thuộc hạ của ông, là người cao ngạo, ăn nói vụng về. Mỗi khi Tưởng Uyển nói chuyện với ông ta, ông ta thường không thèm trả lời. Có người thấy trái mắt, bèn nói trước mặt Tưởng Uyển: “Dương Hý người này thờ ơ với ngài, như vậy quá lắm!” Tưởng Uyển thản nhiên mỉm cười đáp rằng: “Nhân tâm mỗi người một khác, cái gì cũng có mặt nọ mặt kia, trước mặt phục tùng mà sau lưng trách mắng, đây là việc cổ nhân không làm. Để Dương Hý ca ngợi trước mặt ta, không phải là bản tính của ông ta; để ông ta nói cái sai của ta trước mặt mọi người, ông ta sẽ nghĩ rằng ta không thoát ra được. Kỳ thực, đây chính là chỗ trân quý trong cách làm người của ông ấy.” Người đời sau ca ngợi Tưởng Uyển “Bụng dạ tể tướng khoáng đạt có thể căng buồm ra khơi”, điển cố này từ đó lưu truyền về sau.

Hựu Đốc Nông Dương Mẫn từng nói Tưởng Uyển: “Làm việc hồ đồ, quả thực không bằng tiền nhân”, ý nói ông làm việc kém xa thừa tướng tiền nhiệm. Có người nói lại với Tưởng Uyển, quan chủ quản đòi trị tội y, Tưởng Uyển lại không truy cứu mà rằng: “Ta quả thực không bằng tiền nhân, cũng không thể chối được.” Sau này y gặp chuyện, mọi người đều cho rằng Tưởng Uyển sẽ nhân dịp này báo thù, nhưng ngược lại Tưởng Uyển đại lượng xin xá tội cho y. Người ngoài nhẫn nhịn không nổi, bất bình thay cho ông. Nhưng ông rất ôn hòa mà rằng: “Vỗn dĩ tôi không sánh được với tiền nhân, đây là sự thực, ai ai cũng biết, cớ gì phải sợ người khác nói. Còn về chuyện hôm nay ông ta mắc tội, ta chỉ hy vọng có thể đối xử theo lẽ công bằng.”

Trong thời gian Tưởng Uyển giữ chức thừa tướng, theo phong thái Gia Cát Lượng để lại, ông quan sát tinh tường, giỏi phán đoán, không ưa xu nịnh, không nghe lời kích bác, được dân chúng kính phục. Sử sách ghi chép về ông như sau: “Vẹn toàn uy nghiêm, tuân theo quy tắc của Gia Cát Lượng, do thuận theo mà không thay đổi, nên biên cương không lo, dân quốc thái bình.” (Trích từ “Tư Trị Thông Giám”).

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Nhân quả báo ứng: Lữ Tứ hóa xà



Đây là câu chuyện Kỷ Hiểu Lam kể trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký” của ông.

Kể rằng trên bờ sông Thành Nam ở Thương Châu, có một kẻ vô lại tên là Lữ Tứ. Thường ngày hắn hoành hành bá đạo không việc ác nào không làm, mọi người ai cũng đều sợ hắn. Một hôm vào một buổi chiều tối, Lữ Tứ cùng nhóm bạn xấu lang thang bên ngoài thôn, trời bỗng nhiên biến sắc, tiếng sấm ầm ầm, gió mưa sắp đến. Nhìn thấy có một thiếu phụ vội vã chạy vào ngôi miếu cổ bên bờ sông để tránh mưa, Lữ Tứ bèn nảy sinh ý định đồi bại. Lúc này trời đã tối, mây đen che kín, không nhìn rõ gì nữa. Lữ Tứ dẫn nhóm vô lại kia xông vào trong miếu, lột hết y phục của người thiếu phụ, rồi thực hiện những hành vi sàm sỡ. Đột nhiên một ánh chớp phóng vào trong miếu, Lữ Tứ phát hiện người thiếu phụ chính là vợ mình. Hắn tức giận, muốn mang vợ ra dìm xuống sông cho chết. Người vợ gào khóc lên rằng: “Ngươi muốn hãm hại người khác, kết quả lại hại chính người vợ của mình. Lẽ trời rành rành, ngươi còn muốn giết ta ư?” Lữ Tứ không biết nói gì thêm, đi tìm quần áo, nhưng quần áo đã bị gió thổi bay xuống sông trôi đi từ lâu rồi. Hắn đi đi lại lại không biết làm thế nào, không còn cách nào khác, đành phải cõng người vợ không mảnh vải che thân về nhà.

Lúc ấy mưa tạnh trời quang, ánh trăng soi sáng, bộ dạng nhếch nhác của vợ chồng Lữ Tứ bị người trong thôn nhìn thấy rõ ràng mười mươi; mọi người trong thôn đều cười lớn, chen nhau chạy đến hỏi họ xem đã xảy ra chuyện gì. Lữ Tữ xấu hổ nhục nhã đến mức nhảy xuống sông tự tử. Thì ra vợ của Lữ Tứ về nhà mẹ đẻ, định là ở đó một tháng mới về nhà chồng. Ngờ đâu nhà mẹ đẻ gặp hỏa hoạn, không có nơi cư trú, cho nên phải về sớm. Nào ngờ trên đường về lại xảy ra chuyện như vậy.

Sau này người vợ mộng thấy gặp Lữ Tứ, hắn nói với vợ: “Ta tội nghiệt to lớn, đáng ra phải vào địa ngục Nê Lê, vĩnh viễn không được siêu sinh. Các quan dưới âm phủ xét lại lời nói hành động một đời của ta, thấy ta phụng dưỡng mẹ đẻ cũng xem như làm tròn hiếu đạo, nên cho ta làm thân rắn, bây giờ ta phải đi đầu thai đây. Người chồng sau này của nàng sẽ sớm đến với nàng, nàng nhớ phải hầu hạ cha mẹ chồng mới cho tốt; luật dưới âm phủ xét nặng nhất là tội bất hiếu, cho nên chớ tự mình nhẩy vào vạc dầu nơi âm tào địa phủ.”

Ngày vợ Lữ Tứ tái giá, cô nhìn thấy ở góc phòng trên vách có một con rắn đỏ đang thò đầu xuống nhìn, dáng vẻ quyến luyến dường như không muốn rời đi. Cô mới nghĩ lại giấc mơ, trong lòng biết rằng đó là Lữ Tứ. Lúc này bên ngoài cửa vọng vào tiếng nhạc rước dâu, chỉ thấy con rắn nhảy từ trên xuống rồi vội vàng bò đi.

Bài học giáo huấn từ xưa đến nay, đều dạy rằng thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Hại người khác rốt cuộc lại là hại chính mình. Tự mình làm việc gì cuối cùng bản thân mình đều phải chịu nhận hết.

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Tự kiềm chế

Ðiều khó nhất trong cuộc đời là luôn luôn tự kiềm chế mình.

Có một tỉ lệ mà khoa học định cho được gọi là Tỉ lệ Vàng và nhà thiên văn học người Ðức Johannes Kepler gọi là “vô giá”. Nó là một phần cho thẩm mỹ, điều mà thông thường chúng ta chấp nhận được. Tỉ lệ Vàng thật ra có khắp mọi nơi trong thiên nhiên cũng như trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Những việc như kích thước của một lá cờ, tỷ lệ của thân thể phần trên và phần dưới, sự khác biệt về nhiệt độ trong một ngày, thậm chí sức mạnh của tia nắng mặt trời; mọi thứ đều bị ảnh hưởng bởi tỉ số này của khoa học. Ðó cũng là những việc cần phải giữ trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Cư xử một cách đúng đắn là điều cao qúy nhất trong đời sống con người. Xử lý mọi việc đúng đắn là thử thách khó khăn nhất trong quá trình rèn luyện của con người.

Vào cuối đời nhà Thanh, Tướng Tăng Quốc Phiên trở về Hồ Nam để tổ chức lại quân đội Hồ Nam. Khi chiến đấu với quân nổi loạn Thái Bình, ông đã giành lại mấy thành phố đã bị quân Thái Bình chiếm đóng và chiếm lại cứ điểm quan trọng Jinling, và vì thế ông được thăng chức Ðại tướng quân. Quân đội của ông tại Hồ Nam chẳng bao lâu đã lên đến 300 ngàn quân, mà không ai có thể điều khiển nổi. Quân lính chỉ có tuân lệnh một mình ông, giống như một đội quân riêng. Tăng Quốc Phiên biết trước sẽ bị rắc rối với triều đình, vì thế ông liền cắt bớt quân lính để triều đình không phải lo lắng với ông. Vì thế ông được nhiều tín nhiệm là trung thần từ triều đình và ông lại được bổ nhiệm với chức vụ cao hơn. Có rất nhiều nhân vật trong lịch sử đã đạt được nhiều công trạng, nhưng vào cuối cùng, họ cũng không thoát khỏi định mệnh nghiệt ngã với đời “khi chồn khôn đã chết, thì chó săn cũng tiêu đời”. Sự khác biệt giữa những anh hùng này và Tăng Quốc Phiên là ông đã tự mình kiềm chế vị trí của mình là chỉ một vị tướng.

Nhìn quanh thế giới hôm nay, theo Tỉ lệ Vàng, chúng ta có thể có một xã hội hoà bình. Ðiều này chỉ xảy ra khi mọi người đều có thể tự kiềm chế mình, là người biết được rằng đời sống của chúng ta sẽ có đủ sự cay đắng của thất bại và sự vinh quang của thành công.

Khi chúng ta có thể xử lý được đúng đắn trong đời sống, chúng ta làm chủ đời mình.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

2 chú ếch

Một đàn ếch đi ngang qua một khu rừng và hai con ếch bị rơi xuống một cái hố. Khi thấy cái hố quá sâu những con ếch còn lại bèn nói với hai con ếch kia rằng chúng sẽ phải chết.

Hai con ếch mặc kệ những lời bình luận và cố hết sức nhảy ra khỏi cái hố. Đàn ếch nhao nhao bảo chúng đừng nhảy vô ích, hãy chấp nhận cái chết không thể tránh khỏi.

Cuối cùng, một con ếch nghe theo lời của đàn ếch. Nó gục xuống chết vì kiệt sức và tuyệt vọng. Con ếch còn lại vẫn dồn hết sức lực cuối cùng tiếp tục nhảy lên. Đàn ếch trên bờ lại ầm ĩ la lên bảo nó hãy nằm yên chờ chết. Con ếch nọ lại càng nhảy mạnh hơn nữa . Và thật kỳ diệu, cuối cùng nó cũng thoát ra khỏi cái hố sâu ấy.

Đàn ếch xúm lại:

“Không nghe chúng tôi nói gì à?”

Chúng cứ hỏi mãi trong sự ngạc nhiên, lúng túng của con ếch nọ.

Cuối cùng sự thật cũng được một con ếch già hé lộ rằng: Con ếch vừa thoát khỏi cái hố kia bị điếc và nó cứ nghĩ là những con ếch khác hò reo đang cổ vũ cho nó, và chính điều đó đã làm nên một sức mạnh kỳ diệu giúp cho nó tìm được sự sống mong manh trong cái chết.

Cuộc sống với bộn bề lo toan, vất vả, sẽ không ít lần chúng ta gặp phải những khó khăn hay đau khổ và tuyệt vọng..Vậy những lúc như thế bạn cần gì? Có phải chăng là một sự cảm thông, chia sẻ hay một lời an ủi, động viên. Có được những điều may mắn ấy chúng ta sẽ có đủ nghị lực để đương đầu và vượt qua mọi thử thách của cuộc sống, để tìm đến bến bờ tươi đẹp hơn.

Thật vậy, một lời nói cũng giống như một thứ vũ khí hết sức nguy hiểm. Nếu chúng ta dùng nó để động viên hay khích lệ những người thân, những người mình thương yêu thì điều đó thật tuyệt vời và đáng quý.

Nhưng cũng sẽ rất tàn nhẫn nếu chúng ta vô tình chĩa nó về một người nào đó, lời nói đó có thể đối với bản thân chúng ta không là gì cả, nhưng có thể làm người trực tiếp nhận nó bị tổn thương và đôi khi có thể gây hậu quả nghiêm trọng mà chúng ta không thể nào ngờ đến.



Qua câu truyện “con ếch” chúng ta có thể thấy được lời nói có sức mạnh khủng khiếp đến thế nào. Một lời động viên chân thành dành cho người đang trong cơn khủng hoảng có thể mang đến sức mạnh bất ngờ để vượt qua hết những khó khăn nghịch cảnh mà họ tưởng chừng như không bao giờ có thể làm được. Ngược lại, một lời tiêu cực với người đang trong cơn khủng hoảng có thể giết chết họ.

Vì vậy tất cả mọi người chúng ta hãy cẩn thận với lời nói của mình. Hãy nói những lời mang đến niềm tin và sức sống cho những ai đi ngang qua cuộc đời bạn...

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Lão sinh thường đàm


Lời ông đồ già thường hay bị để ngoài tai

Câu thành ngữ “Lão sinh thường đàm” có nghĩa là: lời những ông đồ già thường nói, cứ lặp đi lặp lại những lời ấy, cùng với giọng điệu ấy.

Câu này có xuất xứ từ truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, một trong tứ đại danh tác Trung Hoa, kể về thời kỳ Tam Quốc.

Thời Tam Quốc có Quản Lộ (209-256) là người nổi tiếng với tài tiên tri. Ông là người học Đạo, mười lăm tuổi đã tinh thông Kinh Dịch, có thể thấy được rất chính xác vận mệnh của con người.

Một ngày nọ, Hà Yến và Đặng Dương, lúc ấy đang là Thượng thư Nhà Ngụy, mời Quản Lộ xem cho mình một quẻ. Hà Yến nói: “Ông thử xem cho tôi một quẻ, xem có làm đến Tam công được không? Mấy ngày trước, tôi mộng thấy mấy mươi con ruồi đậu trên sống mũi, đuổi mãi chẳng đi, đó là điềm gì vậy?”

Quản Lộ biết rằng quẻ này vốn rất khó nói, nếu nói không khéo thì sẽ sinh họa. Ông bèn trầm ngâm rồi nói: “xưa Nguyên Khải giúp vua Thuấn, Chu Công giúp nhà Chu, cùng có đức hạnh mà được hưởng phúc. Nay quân hầu ngôi cao quyền trọng, nhưng người mến đức thì ít, mà kẻ sợ oai thì nhiều; đó không thể là dùng quyền thế mà cầu phúc được. Vả lại, mũi là hòn núi; núi cao mà không đổ, thì mới giữ được phú quý. Nay ruồi nhặng là giống hôi bẩn, lại đậu lên trên, thế thì ngôi cao phải đổ, khá sợ lắm thay! Xin quân hầu bớt chỗ nhiều, thêm chỗ ít, điều gì phi lễ thì chớ có làm. Như thế thì ngôi Tam công mới đến tay, mà đàn nhặng xanh mới xua đi được.”

Đặng Dương thấy Quản Lộ trả lời chẳng vừa ý, bèn nói “Đúng là lời ‘lão sinh thường đàm’, chẳng ra gì”, không tin vào lời của Quản Lộ mà bỏ đi.

Không lâu sau, Tư Mã Ý (179-251) tạo phản, lên nắm quyền bính Nhà Ngụy. Hà Yến và Đặng Dương đều bị Tư Mã Ý đưa ra hành hình.

Về sau “Lão sinh thường đàm” đã trở thành một thành ngữ dùng để mô tả về những lời nói cứ lặp đi lặp lại.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Hoạn nạn có nhau

Dắt xe ra khỏi ngõ thì tôi bị ba tên mặt mũi hầm hố chặn lại. Việc này chủ nợ đã cảnh cáo cả tuần nay, nhưng tôi vẫn không thể xoay xở được. Chồng nhìn tôi, sắc mặt tái dại: “Chuyện gì vậy em?”.



Tôi chưa biết nói sao thì một tên sấn tới chìa ra trước mặt chồng tờ giấy viết tay ghi nhận nợ mà tôi ký. “Các người là ai, tránh ra cho chúng tôi đi”, nghe giọng tôi lạc đi, hành vi có thể mất kiểm soát, chồng tôi bảo tôi quay vào nhà, để anh nói chuyện. Tôi từng bước quay vào nhà cùng nỗi sợ hãi đã lên đến đỉnh điểm.

Hai năm trước chồng tôi đi nước ngoài làm ăn, số tiền khổ sở tằn tiện gom góp được bao nhiêu anh đưa tôi cất giữ. Hàng tháng anh nhận lương, tuy không cao, nhưng anh cũng đưa hết cho tôi. Trong cuộc sống hàng ngày chồng tôi rất tiết kiệm, thậm chí là hơi quá chắt bóp.

Tôi hùn vốn cùng bạn mua đất ở ngoại thành. Ban đầu có lãi, nghĩ mình có tố chất kinh doanh, tự tin lắm. Đôi khi so sánh lời lãi của mình với lương tháng của chồng, tôi không khỏi tự kiêu. Nhưng rồi giá đất hạ còn một nửa, muốn bán cũng không được. Tôi lại theo bạn bè kinh doanh trên mạng. Không có kinh nghiệm, máu ham hố trỗi dậy sau vài lệnh thắng nên tôi thua triền miên. Tôi vay nặng lãi để gỡ gạc. Thua càng thua. Hàng tháng số tiền lãi phải trả đã lên tới chục triệu. Tôi vay mượn bạn bè để trả lãi, nhưng không thể vay mãi được. Hàng đêm tôi ngủ mà thon thót giật mình bởi những cuộc nhắn tin, gọi điện của chủ nợ. Đầu óc lúc nào cũng nghĩ cách vay tiền. Tôi giấu chồng, sợ anh biết sẽ không chịu nổi, rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Anh sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà, sẽ ly hôn, hoặc hành hạ sỉ nhục tôi...

Chồng tôi dắt xe vào nhà. Anh không đi làm nữa, thay quần áo và nằm dài suốt buổi sáng. Tôi cũng im lặng không dám hé răng. Anh biết toàn bộ số tiền dành dụm đã mất, lại cộng thêm khoản vay nặng lãi, có lẽ sốc lắm.

Buổi trưa, chồng lặng lẽ đến bên tôi, anh nói chậm và nhẹ như không: chuyện đã thế rồi em đừng nghĩ ngợi nữa, cho qua đi. Số tiền kia đã mất thì cứ coi như chưa từng có, còn số tiền vay nặng lãi anh đã thương thảo với chủ nợ rồi, trước mắt mỗi tháng sẽ trả bớt vài chục triệu cộng với tiền lãi, rồi cũng qua thôi, quan trọng là sau vụ việc này em tỉnh ra, đừng làm gì tương tự nữa rồi khổ lây con cái.

Chiều hôm đó chủ nợ đến, anh viết giấy xác nhận nợ một lần nữa, có chữ ký của hai vợ chồng. Chủ nợ ra về, anh ra cửa hàng phô-tô nhiều tờ giấy A4 “Cho thuê nhà gấp, giá rẻ”. “Ba mẹ con em tạm thuê nhà trọ một thời gian. Khổ một tý nhưng an toàn. Tháng sau anh xin đi công trường để có lương cao hơn”. Một tuần sau có người đến hỏi thuê, anh đồng ý cho thuê với giá họ đưa ra, thu tiền ba tháng một lần. Anh gọi chủ nợ tới và gửi trước số tiền nợ bằng ba tháng thuê nhà vừa nhận. Thấy thái độ hợp tác thiện chí của anh, chủ nợ cũng được giải tỏa tâm lý, không tỏ thái độ đàn áp nữa.

Tôi làm theo mọi việc như anh vạch ra cùng mặc cảm tội lỗi, hối hận khôn cùng. Kỳ lạ sao, tôi đã gây chuyện tày đình vậy mà anh không một lời nặng nhẹ.

Khi tôi viết những dòng này thì anh đang làm việc tại công trường xa (cách nhà 700 cây số) mỗi tháng gửi tiền về cho ba mẹ con trả nhà trọ và sinh hoạt. Trong cuộc điện thoại tuyệt đối anh không hề nhắc tới nợ nần, mà chỉ hỏi thăm các con học hành ra sao, công việc tôi thế nào.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Những câu chuyện cảm động từ thù thành bạn

Dù ở hai phía đối địch nhưng những kẻ thù không đội trời chung này lại có phút giây hòa bình hiếm hoi sát cánh bên nhau như những người bạn.

1. Binh lính Pháp và Đức “giao lưu” ca nhạc trong đêm Giáng sinh. Trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870, lần đầu tiên binh sĩ hai nước tạm bỏ súng xuống và giao lưu ca nhạc với nhau.
Trong màu xanh áo lính, một binh sĩ trẻ người Pháp trèo ra khỏi vị trí của mình mà không mang vũ khí trước sự chứng kiến của quân đội Đức. Người này bắt đầu cất cao tiếng hát ngân vang bài "O Holy Night".



Cả Pháp và Đức đều không nổ súng và lắng nghe tiếng hát của binh sĩ này. Ngay sau khi anh ta hát xong, một binh sĩ Đức đã trèo ra khỏi chiến hào và hát bài "From Heaven Above To Earth I Come”.


Đó là khoảnh khắc cảm động khiến cả hai bên dừng chiến trong 1 ngày. Ngay sau đó, quân đội Pháp và Đức lại trở về với thực tế - những kẻ thù không đội trời chung của nhau.


2. Binh sĩ Đức và Mỹ cùng ngồi ăn tối đêm Giáng sinh. Sự kiện đặc biệt này diễn ra vào khoảng thời gian xảy ra trận chiến Bulge. Đây là một trong những câu chuyện lãng mạn, điên rồ nhất về tình bạn giữa hai phía đối nghịch tưởng chừng không thể đội trời chung.




Một nhóm binh lính Đức và Mỹ đã biến chuyện không tưởng ấy thành sự thật. Người phụ nữ Đức có tên Elisabeth Vincken đã góp phần lớn công sức vào chuyện này.



Vào đêm Giáng sinh, Vincken và người con 12 tuổi đã mời 3 binh sĩ Mỹ bị lạc trong rừng Ardennes đến ăn tối. Điều kiện mà hai mẹ con họ đưa ra là những người lính không được mang theo vũ khí. Một lúc sau, 4 binh sĩ Đức tìm kiếm nơi nghỉ chân qua đêm đã gõ cửa ngôi nhà của Vincken. Cô cũng yêu cầu binh sĩ Đức để vũ khí bên ngoài và không được đánh nhau với những lính Mỹ đang ở trong nhà mình.



Thật ngạc nhiên là quân đội Mỹ và Đức đã không sát phạt nhau mà còn cùng nhau ngồi chung bàn ăn tiệc Giáng sinh. Thậm chí, một binh sĩ Đức còn trị thương cho binh lính Mỹ. Câu chuyện cảm động này chưa dừng lại ở đó. Vào sáng hôm sau, binh sĩ Đức nói lời tạm biệt với lính Mỹ và cho họ một chiếc la bàn và chỉ đường cho họ quay trở lại tuyến hành quân của quân Mỹ.



3. Binh lính Liên Xô và Đức cùng tác chiến giết những con sói. Trong khi binh sĩ Liên Xô - Đức đang xảy ra cuộc chiến cam go ở mặt trận phía Đông trong Chiến tranh Thế giới I thì bên thứ ba tham chiến bỗng dưng xuất hiện. Đó chính là những con sói lớn vô cùng hung dữ.
Chiến tranh kéo dài liên tục đã khiến môi trường sống của loài sói bị tàn phá nghiêm trọng và làm suy giảm lượng thức ăn của chúng. Vì quá đói, những con sói đã tấn công con người và gia súc. Những binh sĩ làm nhiệm vụ tuần tra hay đóng quân tại các chiến hào cũng trở thành con mồi của chúng.



Ban đầu, quân đội Liên Xô và Đức đã cố gắng để chống lại những đợt tấn công của bầy sói bằng sức lực của mình. Họ đã bắn, bỏ độc, ném lựu đạn vào lũ sói để giết loài vật ăn thịt này. Tuy nhiên, họ mới giết được một bầy thì bầy khác đã lập tức kéo đến.

Do không thể đơn độc giết hết lũ sói, binh sĩ Liên Xô và Đức đã đồng ý ngừng chiến và cùng nhau đối phó với những con vật hung dữ này. Đó là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ nhưng cuối cùng họ đã giành chiến thắng trước bầy sói hoang.


4. Lực lượng liên minh miền Nam và Lực lượng liên minh miền Bắc nước Mỹ đã trở thành bạn bè ở dọc theo bờ sông. Trong trận chiến Fredericksburg năm 1862, quân đội hai bên đã kết bạn với nhau trong một khoảng thời gian ngắn.

Họ trao đổi hàng hóa với nhau như thuốc lá và cà phê. Các binh sĩ đã để hàng hóa lên trên những chiếc thuyền đồ chơi và cho nó di chuyển sang phía bên kia. Sau đó, phía bên kia sẽ nhận hàng.



Không chỉ trao đổi hàng hóa, một số binh sĩ còn trao đổi các tờ báo và trò chuyện với nhau. Để không còn nhàm chán, binh sĩ thuộc Liên minh miền Nam chơi các trò chơi như bóng chày và tổ chức trận đấu quyền Anh dọc theo bờ sông với các tuyển thủ là quân lính phe này và đội cổ vũ là binh sĩ thuộc Lực lượng liên minh miền Bắc.



Tình trạng hòa bình hiếm hoi này chỉ kéo dài đến ngày 11/12/1862. Sau đó, hai bên đã giao chiến ác liệt và nó trở thành một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến.

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

những khoảnh khắc giản đơn của cuộc sống.

Hạt giống tâm hồn: Mời bạn thưởng thức những bức ảnh tuyệt đẹp của Ethereal


“Một ngày lạnh” (Elena Shumilova)

“… ngồi trên bờ…” (Elena Shumilova)

“Tháng 10″ (Elena Shumilova)

“Vườn trẻ” (Elena Shumilova)


“Trong hiệu Bakery” (Elena Shumilova)


“Tạm biệt mùa hè…” (Elena Shumilova)


Chạy theo cầu vồng (Elena Shumilova)


Trốn thoát… (Elena Shumilova)


Bụi… (Elena Shumilova)


Xe kéo (Elena Shumilova)

Sau cơn mưa (Elena Shumilova)


“Tâm trạng mùa đông” (Elena Shumilova)


“Tulipes” (Elena Shumilova)


“Xuyên qua tuyết” (Elena Shumilova)


“Ngắm mặt trời mọc mùa đông” (Elena Shumilova)


“Vùng đất sương mù” (Elena Shumilova)


“Bạn chó bự” (Elena Shumilova)

Elena Shumilova đã chụp lại được những cảnh thơ ngây và sự thuần khiết trong niềm vui của cuộc sống.

Một câu truyện được cô tái hiện thông qua những bức ảnh, hầu hết là qua một con chó, một cn mèo, vài con vịt con và hai cậu bé (con trai của cô). Nhờ hiệu ứng phát quang tuyệt vời của môi trường xung quanh và hơi thở của cuộc sống, những bức ảnh của cô khiến người xem không khỏi kinh ngạc về những vẻ đẹp của những khoảnh khắc giản đơn của cuộc sống.

Thông qua ánh sáng tự nhiên, ánh nến và thậm chí ánh sáng tỏa ra trên đường cái trong những bức ảnh của cô đã tái hiện được vẻ đẹp tự nhiên về cuộc sống ở bên ngoài Moscow, nước Nga.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

"Nhân quả báo ứng ": ăn mày được phúc báo thành Tổng Trấn Quan



VẬN MỆNH ĂN XIN ?

Vào triều đại nhà Thanh, có một người mù họ Trần rất tinh thông thuật nắn gân cốt để đoán mệnh - một thuật loại trong thế gian tiểu đạo. Mọi người từ xa đến gần đều biết đến ông ta. Thời đó có một vị Tổng Trấn Quan (Chú thích: Tổng Trấn Quan là một chức quan thời nhà Thanh chuyên phụ trách việc quân sự tại địa phương) rất ngưỡng mộ nên đã mời ông này đến phủ của mình.

Đầu tiên Tổng Trấn bảo người mù họ Trần nắn gân cốt bói mệnh cho một vài người khác, những lời ông ta nói ra đều vô cùng chuẩn xác. Sau đó Tổng Trấn mới để người mù họ Trần nắn gân cốt của mình, nhưng Tổng Trần đã giấu không cho biết thân phận thật của mình. Người mù họ Trần sau khi nắn gân cốt của Tổng Trấn xong bèn nói: “Đây là một người ăn mày, căn bản là không đáng để tôi bói mệnh cho!” Lúc này những người tùy tùng của Tổng Trấn bắt đầu lớn tiếng chỉ trích người mù kia vì đã không tôn trọng Tổng Trấn, lẽ nào Tổng Trấn lại mời ăn mày đến phủ chứ !

Nhưng Tổng Trấn tuyệt nhiên không hề giận dữ, ngài liền bảo người mù hãy nắn cốt bói lại lần nữa xem sao. Và rồi người mù họ Trần kia bắt đầu thử lại một lần nữa, ông ta vừa nắn vừa khẳng định: xương cốt của người này đích thị là xương cốt của một người ăn xin. Nhưng đến khi người mù kia sờ lên đến đầu của Tổng Trấn, ông ta vô cùng kinh ngạc mà thốt lên rằng: Đây là xương của Tổng Trấn mà … số mệnh là đại phú đại quý !

Lúc này Tổng Trấn vô cùng kinh ngạc, nói rằng người mù này thật là có bản sự, bói mệnh rất chuẩn xác ! Tổng Trấn cũng đồng thời kể cho đám tùy tùng về những sự việc xảy ra từ thời niên thiếu của ông. Tổng Trần khi còn là thanh niên đích thực đã từng đi ăn xin. Một ngày nọ khi đang đi xin ăn, ông đã nhặt được một túi bạc của người khác đánh rơi trên đường. Lúc đó ông bèn cẩn thận cất đi và đứng đó chờ chủ nhân của túi bạc quay lại lấy.

Không lâu sau quả thật có một người tới tìm, ông liền hỏi và biết được đó đúng là người bị mất túi bạc. Ông đã lấy túi bạc ra hoàn trả lại cho người bị mất, chủ nhân của túi bạc vô cùng cảm kích muốn chia một phần tiền để trả ơn. Ông kiên quyết không nhận, người bị mất đã hỏi danh tính của ông để sau này nếu có dịp sẽ báo đáp nhưng ông cũng cự tuyệt chẳng nói. Bởi vì trong thâm tâm, khi làm điều tốt ông không hề có ý nghĩ rằng sẽ nhận sự báo đáp của người khác.

Tối hôm đó, vị thanh niên ăn xin này, chính là Tổng Trấn thời niên thiếu đã nằm mơ thấy một giấc mộng rất rõ ràng. Trong mộng có một vị thần linh đến đổi đầu cải mệnh cho ông. Không lâu sau, ông gia nhập quân đội, cuối cùng hôm nay được đề bạt lên làm Tổng Trấn.

Lúc này đám tùy tùng đột nhiên bừng ngộ: Thì ra Tổng Trấn trước đây là một người ăn xin, xương cốt thân thể đều là xương cốt của người ăn xin, sau đó vì hành động nhặt được tiền mà không tham, hành thiện mà không cầu báo đáp, thần linh thấy vậy nên đã đổi đầu cải mệnh cho ngài, cho nên xương đầu của ngài là xương của Tổng Trấn, mang theo phúc phận phi phàm.

Sau khi đọc xong câu chuyện này, cá nhân tôi đã hiểu thêm về: Hành thiện mà không cầu báo đáp. Nếu một người hành thiện mà trong tâm có truy cầu, như thế trong con mắt thần linh thì việc thiện đó là không thuần chính. Nếu có thể hành thiện mà tâm không truy cầu điều gì, chỉ mong điều tốt cho người khác, không hề nghĩ về lợi ích của bản thân, đó mới thật sự là hành vi lương thiện thuần chính.

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Gương Người Xưa!

Viên Quan Tổng Đốc học từ Người Nông Dân về Ý Nghĩa của Đức Hạnh.

Trương Vịnh có một giấc mơ vô cùng thú vị. Trong giấc mơ, ông đã đến thiên đình, và được xếp sẵn chỗ khi một vị Thần gọi lớn” Hoàng Kiêm Tế đã đến.” Khi vị họ Hoàng đến, một vị Thần khác mặc Đạo bào hạ xuống để tiếp đón trước khi mời vị khách mới này chỗ ngồi ở vị trí cao hơn ông Trương.

Vị họ Trương sửng sốt vì điều đó,” Ông vốn là viên chức quan trọng trong thời Bắc Tống (960-1127), giữ vị trí quan tổng đốc thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Hơn nữa, ông Trương nghĩ rằng mình cũng là một vị quan thanh liêm, luôn chính trực trong công việc, và là người tôn trọng công lý.

Hoàng Kiêm Tế là ai vậy?,” Vị họ Trương tự nhủ,”và tại sao các vị Thần lại coi trọng ổng hơn ta?”

Buổi sáng hôm sau, ông Trương chạy đi tìm vị họ Hoàng. Như duyên tiền định, Trương bắt gặp người đàn ông trong những giấc mơ của ông ta, và rất ngạc nhiên khi biết rằng vị họ Hoàng chỉ là một người nông phu. ”Làm sao ông có thể làm nhiều việc tốt đến thế, đến nỗi các vị Thần đều vô cùng tôn trọng ông ,” Ông Trương hỏi sau khi tường thuật lại giấc mơ với vị họ Hoàng .”Tôi không hiểu tại sao nghề nghiệp của ông lại cho ông nhiều cơ hội để tích đức lớn như vậy.”

Lão nông phu họ Hoàng trả lời: “Tôi chưa làm việc gì kinh thiên động địa cả, chỉ đơn giản là hàng ngày chăm sóc mảnh đất của tôi (cuốc đất, cấy lúa, gieo hạt). Vào vụ mùa cuối cùng, tôi có mở rộng diện tích canh tác bằng cách mua thêm nhiều hạt lúa với mức giá phổ thông. Bởi vì tôi không cần số thóc dư ra đó, năm sau tôi đã bán số thóc dư ra với giá gốc tới những người nông phu nghèo bị vụ mùa thất bát.Tôi không hề có chút lợi nhuận nào từ việc buôn bán này, cũng không ăn gian số lượng thóc bán ra. Tôi rất vui vì tôi không mất gì cả nhưng đồng thời có thể giúp những người không may mắn.

Ngay khi nghe được điều này, Viên quan tổng đốc thở dài cảm thán, hồi tưởng lại trước kia khi còn đương quyền, ông cũng từng là vị quan thanh liêm, nhưng ông lại luôn tự tôn bản thân mình, nghĩ rằng mình tốt hơn người khác, và thường có thái độ kiêu ngạo khi làm việc. Chỉ cần nhìn vào việc ông thường cảm thấy bất mãn mỗi khi bị coi thường hồi còn đương chức, viên quan họ Trương đã nhận ra rằng ông quả thật không thật sự vô tư vô ngã khi phục vụ dân chúng giống như lão nông họ Hoàng, người mà trái lại luôn đặt người khác lên trước mà không hề nghĩ đến bản thân.

“Ông xứng đáng có một vị trí cao hơn tôi.” Viên quan tổng đốc khiêm tốn nói, và ông đã bái lạy lão nông phu nhân hậu, đức hạnh để tỏ lòng tôn kính.

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Cọng cỏ thần


Thỏ trắng yếu sức quá! Khi kéo thùng nước từ giếng sâu lên, nó đã chẳng kéo lên được, lại bị thùng nước lôi bật qua thành giếng, ngã nhào xuống giếng! May mà bác gấu đen đi qua, thấy thế vội dùng sào dài cứu được thỏ đang ngoi ngóp, sắp chết đuối.

Thỏ trắng hàm ơn bác gấu đen lắm, vội chạy về nhà, mang tới một cọng cỏ, lễ phép nói với bác gấu đen:

- Cháu chẳng có gì, chỉ có cọng cỏ này là quý nhất, xin tặng bác để tỏ lòng biết ơn bác rất nhiều, rất nhiều ạ!

Gấu đen cười hì hì, đáp:

- Bác cảm ơn cháu đã có tấm lòng quý hóa như vậy. Nhưng cháu cầm lại đi nhé, họ hàng nhà gấu đâu có biết ăn cỏ!

Thỏ trắng vội giải thích:

- Đây không phải là cọng cỏ thông thường đâu ạ. Nó là ... cọng cỏ thần. Chỉ cần bác ngậm nó vào trong miệng thì chẳng có ai có thể nhìn thấy bác được. Bác làm gì cũng chẳng có ai có thể phát hiện ra bác!

Nói xong, thỏ bỏ cọng cỏ vào miệng. Thế là bác gấu đen chẳng nhìn thấy thỏ đâu nữa.

Bác gấu có được cọng cỏ tàng hình, rất muốn được thử uy lực của nó. Bác gấu nhìn thấy dê đực đang mướt mát mồ hôi, gắng sức kéo chiếc xe nhỏ lên dốc cao, bèn ngậm cọng cỏ thần vào miệng, chẳng nói một lời, tới phía sau chiếc xe mà đẩy xe giúp dê đực.

Xe lên dốc rất nhanh. Dê nhìn ngang nhìn ngữa mà chẳng biết ai đã giúp mình đẩy xe lên dốc.

Gấu đen mỉm cười, đi tới nơi khác. Thấy hai con hươu ra sức húc nhau trầy cả da đầu, bác nhảy tới, giang hai chân trước đẩy bắn cả hai bên ra xa. Cả hai con hươu đều trợn tròn mắt, quái lạ: "Ai đẩy bắn mình ra thế này?". Chẳng lý giải nổi, chúng cũng chẳng thiết húc nhau nữa.

Bác gấu đen có "bảo bối", đã không dừng ở việc giúp đỡ, dàn xếp chuyện bất hòa cho các con vật..., lại nảy ra ý kiến kiếm lợi cho mình. Ngậm "cọng cỏ thần" vào mồm, bác ta đã vào cửa hàng thực phẩm, tham lam vớ lấy đủ thứ, cho vào túi to, túi nhỏ, rồi cho là chẳng ai nhìn thấy, chẳng chịu trả tiền, đàng hoàng ra khỏi cửa hàng.

Đâu ngờ gấu đen bị gấu trắng to lớn hơn mình rất nhiều túm lại.

Gấu đen tới lúc đó mà còn yên chí nghĩ: "Có ai nhìn thấy mình đâu mà sợ! Có lẽ gấu trắng vô tình túm vào mình mà thôi!".

Rất nhiều động vật vây quanh "kẻ ăn cắp" là gấu đen. Thấy cả thỏ trắng chạy lại. Tất cả xỉ vả hành động bẩn thỉu của gấu đen.

Mọi thứ ăn cắp của gấu đen đã bị cửa hàng lấy lại. Gấu đen nén nỗi xấu hổ, nói vào tai thỏ trắng:

- Mi lừa ta, thỏ trắng khốn kiếp!

Thỏ trắng bình tĩnh giải thích:

- Tôi quên dặn bác là "cọng cỏ thần" chỉ giúp làm việc tốt mà chẳng để người khác biết mặt mũi, hình dạng của mình. Nhưng nó không có "tài" giúp bác làm việc xấu đâu. Thế giới này làm gì có thứ giúp làm việc xấu mà không bị phát hiện, không bị tội!

Gấu đen biết mình đã sai, xấu hổ xin lỗi mọi người. Trả lại cọng cỏ thần cho Thỏ trắng.

Về sau, nhiều người có "cọng cỏ thần" để lẳng lặng làm việc tốt, giúp đỡ người khác. Cũng có khối kẻ dùng nó để làm việc xấu, nhưng lại bị lộ nguyên hình hành động của mình.

( Truyện ngụ ngôn sưu tầm)