Trang chu

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Cuộc đấu trí của Tôn Tẫn và Bàng Quyên: Tâm đố kỵ hại mình hại người

Bàng Quyên và Tôn Tẫn đều là danh tướng trong thời kỳ Chiến Quốc, cả hai đều là học trò của học giả nổi tiếng Quỷ Cốc tiên sinh. Tuy nhiên, kết cục đối lập của 2 nhân vật lịch sử này đã trở thành bài học sâu sắc cho người đời sau.
Tôn Tẫn lừng danh khắp các nước chư hầu, tác phẩm quân sự nổi tiếng “Binh pháp Tôn Tử” còn được lưu truyền mãi đến ngày nay. (Ảnh: Epoch Times)


Tôn Tẫn là con cháu của nhà quân sự nổi tiếng Tôn Vũ, vốn được truyền dạy về “Tôn Tử binh pháp”. Còn Bàng Quyên là một người gian ngoan quỷ quyệt, vì mục đích cá nhân đã tìm đủ cách tiếp cận với Tôn Tẫn và hai người kết nghĩa làm anh em.


Bàng Quyên là người nước Ngụy, khi được tin Ngụy Huệ Vương cũng muốn học theo lối Tần Hiếu Công đã chiêu nạp các hào kiệt như Thương Ương, v.v…, khiến nước Tần trở nên giàu mạnh và được làm bá chủ, nên cũng muốn đến thử xem sao. Ông ta vốn biết sư huynh Tôn Tẫn còn tài giỏi hơn mình, bèn đến hỏi ý xem sao, Tôn Tẫn nghe xong liền tỏ ý tán thành ngay.


Trước khi chia tay, Bàng Quyên nói với Tôn Tẫn rằng: “Nếu tôi được nước Ngụy trọng dụng, thì nhất định sẽ tiến cử sư huynh để cùng nhau chung hưởng phú quý”.


Bàng Quyên tuy xấu thói, nhưng cũng là một người tài ba, ông ta đem lý lẽ và phương pháp dụng binh trị nước của mình kể cho Ngụy Huệ Vương nghe, nhà vua đồng ý liền cử Bàng Quyên làm đại tướng. Từ đó, Bàng Quyên ngày ngày bày binh bố trận, thao luyện quân mã. Ít lâu sau đã đánh thắng được các nước nhỏ ở xung quanh, nước Tề là nước lớn ở phương Đông cũng bị đánh bại. Từ đó Ngụy Huệ Vương càng thêm tín nhiệm Bàng Quyên, khiến Bàng Quyên trở nên càng ngông cuồng tự đại. Nhưng hắn cũng có một mối lo về người sư huynh Tôn Tẫn, có học vấn cao lại thông thạo “Binh pháp Tôn Tử”, một khi được nước khác trọng dụng mà trở thành đối thủ của mình thì nguy to.


Bàng Quyên bèn tiến cử Tôn Tẫn với Ngụy Huệ Vương, nhà vua vốn biết tiếng Tôn Tẫn là người tài giỏi bèn đồng ý ngay. Tức thì Tôn Tẫn được mời đến nước Ngụy để cộng sự với Bàng Quyên. Nhưng Bàng Quyên làm như vậy là có dụng ý xấu, hắn đã nhiều lần gièm pha Tôn Tẫn trước mặt Ngụy Huệ Vương, khiến nhà vua ra lệnh cắt bỏ hai miếng xương đầu gối của Tôn Tẫn.


Sau khi Tôn Tẫn bị nhục hình, Bàng Quyên lại tỏ ra vô cùng thương xót đến đón Tôn Tẫn về nhà mình điều trị, Tôn Tẫn thấy vậy rất cảm động rồi hứa sẽ truyền “Binh pháp Tôn Tử” cho Bàng Quyên. Cũng may có một người coi ngục tốt bụng đã mách với Tôn Tẫn biết rõ sự thực. Mãi đến lúc này Tôn Tẫn mới biết Bàng Quyên là một tên mặt người dạ thú. Ít lâu sau, Tôn Tẫn bỗng bị điên dại, suốt ngày chỉ lang thang đầu đường xó chợ, có lúc còn bốc phân lợn ăn. Bàng Quyên cho người theo dõi rất lâu, thấy vậy liền cho rằng Tôn Tẫn đã thực sự bị điên, rồi lơ là việc theo dõi. Bấy giờ, có một sứ thần nước Tề đến nước Ngụy đã lén lút vực Tôn Tẫn lên xe rồi đưa về nước Tề.


Đại tướng Điền Kỵ nước Tề vốn biết Tôn Tẫn là một viên tướng tài, bèn tiến cử với Tề Uy Vương, nhà vua muốn phong Tôn Tẫn làm quan, nhưng Tôn Tẫn từ chối rằng: “Không có công thì không hưởng lộc, hơn nữa Bàng Quyên mà biết tôi ở đây thì thật không tiện. Chi bằng đại vương cho tôi ra sống ẩn cư một thời gian, khi nào đại vương cần đến thì tôi nguyện dốc hết sức mình “. Tề Uy Vương đành phải nhận lời.


Năm 353 TCN, Ngụy Huệ Vương cử Bàng Quyên dẫn quân sang đánh nước Triệu, thủ phủ Hàm Đan bị vây khốn, nước Triệu đành phải cầu viện với nước Tề, Tề Uy Vương bèn phong Điền Kỵ làm đại tướng, Tôn Tẫn làm quân sư cùng dẫn quân sang cứu nước Triệu. Điền Kỵ muốn kéo quân thẳng đến giải vây Hàm Đan, thì Tôn Tẫn khuyên rằng: “Chúng ta phải hư hư thực thực thì tình thế tất đảo ngược. Nay chủ lực của quân Ngụy đều tập trung vây thành Hàn Đan, trong nước tất bỏ trống. Chúng ta hãy kéo sang vây thành Tương Lăng nơi yết hầu quân sự của nước Ngụy, thì Bàng Quyên tất phải rút quân về chi viện, bấy giờ chúng ta mới chặn đánh chúng ở nửa đường thì tất đánh bại chúng”. Điền Kỵ nghe theo kế này, quả nhiên Bàng Quyên bị thất bại buộc phải rút quân về nước.


Năm 342 TCN, Bàng Quyên lại dẫn quân sang đánh nước Hàn, nước Hàn phải sang cầu viện nước Tề, bấy giờ Tôn Tẫn lại dùng kế như trước, không trực tiếp sang giải vây cho nước Hàn, mà dẫn quân đánh thẳng vào thủ đô nước Ngụy, Bàng Quyên lại phải rút quân về cứu, nhưng khi về đến nơi thì quân Tề đã bỏ đi từ lâu. Bàng quyên bị Tôn Tẫn hai phen chọc tức liền ra lệnh truy kích.

Bàng Quyên thắp đuốc và tìm thấy một mảng lớn của thân cây có khắc dòng chữ “Bàng Quyên tất chết dưới cái cây này!”. (Ảnh: NTDTV)


Tôn Tẫn đã dùng kế “Cắm trại giảm lò bếp” để dụ địch, khiến Bàng Quyên nhầm tưởng quân Tề đào ngũ rất đông, nên đuổi thẳng một mạch đến thung lũng Mã Lăng. Bấy giờ trời đã tối, bỗng nghe quân lính đến báo phía trước bị gỗ đổ chắn lối, Bàng Quyên vội vàng đến xem thì quả nhiên không có lối đi, trước mặt còn một cây gốc chưa bị chặt trên viết mấy chữ “Bàng Quyên tất chết dưới gốc cây này”.


Bàng Quyên thấy vậy sửng sốt liền hô quân lui trở ra thì đã quá muộn. Bấy giờ tên đạn từ bốn bề bắn xuống như mưa, tiếng hò reo dậy đất, Bàng Quyên bị trúng tên chết, toàn bộ quân Ngụy đều bị tiêu diệt.


Từ đó, Tôn Tẫn lừng danh khắp các nước chư hầu, tác phẩm quân sự nổi tiếng “Binh pháp Tôn Tử” còn được lưu truyền mãi đến ngày nay.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2016

Một câu nói ngây thơ của đứa trẻ đã làm thay đổi vận mệnh của cả nhà


Chỉ một câu nói hết mức hồn nhiên ngây thơ của đứa trẻ đã khiến người cha giật mình suy ngẫm, sau đó vận mệnh nghèo khổ của cả nhà mau chóng được thay đổi. Vì sao lại như vậy?


Lời nói hồn nhiên ngây thơ của trẻ em là ngôn ngữ đẹp nhất thế gian. (Ảnh minh họa)

Cổ nhân nói “quân tử thận độc”, chính là nhắc nhở chúng ta khi đối mặt với chính mình, cần phải chính trực, quang minh, tấm lòng bình thản không lay động. Có một câu chuyện được lưu truyền, kể rằng một gia đình nọ, cuộc sống rất nghèo khó, người cha vì không có tiền, thường lợi dụng ban đêm ra vườn rau nhà người ta hái trộm. Một đêm nọ, anh ta mang theo cả con trai của ông ta đi trộm đồ ăn, lúc này, đứa trẻ thật thà nói một câu, đã cải biến vận mệnh cả nhà cậu.

Ở trong một ngôi làng nọ, có một gia đình nghèo khó bần cùng, người cha vì không có tiền, thường lợi dụng ban đêm lẻn vào vườn rau nhà người ta hái trộm, hôm đó anh ta mang theo cả con trai đi cùng. Khi người cha vừa mới nhổ một cây củ cải, đứa con bỗng nhiên ở sau lưng khẽ kêu: “Cha..cha.., có người nhìn thấy kìa”.

Cha của cậu kinh hãi, ngó nhìn bốn phía, hoảng hốt hói: “Người đó ở chỗ nào?”. Đứa trẻ vừa chỉ tay lên trời, vừa trả lời: “Cha! Cha xem, là mặt trăng đang nhìn cha đó!”.

Người cha này nghe con trai nói vậy, đầu tiên thì cảm thấy sững sờ, tiếp đó lại cảm thấy hối hận vì hành vi của mình. Có chút hụt hẫng nhưng lại có chút vui mừng, vì thế anh lặng lẽ dắt tay con trai đi về nhà. Dọc đường về, anh ta thầm nghĩ: “Trộm cắp là gây nghiệp rất lớn, có lẽ là ông trời từ bi, mượn miệng con trai để giúp mình tỉnh ngộ, từ nay phải sửa sai hướng thiện thôi!”.

Ngạn ngữ có câu: “người đang làm trời đang nhìn, thiện ác khác nhau ở một niệm”. Trong câu chuyện, người cha kia đã suy nghĩ lại, vậy đã xảy ra chuyện gì tiếp theo?

Nguyên là, chủ nhân của vườn rau vì thường bị mất trộm, tức giận vô cùng, đêm hôm đó đã sớm núp ở phía sau để rình bắt kẻ trộm. Lão nghĩ thầm tên trộm này thật đáng ghét, nhất định phải tóm gọn. Khi ông ta nhìn thấy có kẻ trộm lẻn vào, đang định hô hoán bắt trộm thì nghe được câu nói của đứa trẻ, nhất thời cũng sững người.

Ở dưới ánh trăng, ông chủ vườn rau nhìn thấy gương mặt của tên trộm, biết gia đình hắn là nghèo khó trong thôn. Nhìn thấy hai cha con hắn lặng lẽ dắt nhau rời đi, ông ta cũng bất giác ngẩng đầu nhìn ánh trăng mà im lặng không nói gì.


(Ảnh: Internet)

Về nhà ông chủ vườn rau đem chuyện này kể với vợ, vợ ông nói: “Mặt trăng kia chẳng phải cũng đang nhìn ông sao?”.

Cả đêm hôm đó, ông chủ này trằn trọc không sao ngủ được. Đến trưa hôm sau ông ta chạy đi tìm hai cha con ăn trộm kia, nói: “Này anh kia, nhà của ta hiện đang cần tìm thêm người làm, anh có thể làm được không? Ngoài tiền công, còn có thể cho anh một ít đồ ăn mang về nhà”.

Như vậy là một cơ hội việc làm tốt, có thể mang đến no ấm cho cả nhà nay đã được đáp ứng rồi.

Đêm hôm đó, người cha nghèo kia nắm tay con trai, lặng lẽ ngồi ngắm trăng, bỗng đứa trẻ nói:“Ôi.. cha nhìn xem! Là trăng đang cười kìa!”.

Lúc này ở nhà ông chủ vườn rau, ông ta cũng đang cùng vợ ngồi ngắm trăng, ông nói với vợ: “Chưa bao giờ từng cảm giác thấy mặt trăng đang nhìn mình, xem mình đang làm việc gì, hôm nay thử xem sao… Ôi! Bà xem trăng đang cười kìa!”.


Cho dù là ban đêm, bạn đang làm chuyện gì, đừng nghĩ rằng chỉ mình bạn biết, mặt trăng trên bầu trời cũng đang mở to hai mắt đang nhìn bạn đó! (Ảnh: Internet)

Trong lịch sử cũng có một câu chuyện xưa, “Chuyện trong đêm có bốn người biết”. Kể rằng giữa sau thời Đông Hán, triều chính ngày càng hủ bại, quan lại tham ô. Thái thú triều Hán là Dương Chấn khi nhậm chức thái thú Kinh Châu, từng đề bạt tú tài Vương Mật làm quan huyện Xương.

Về sau có một lần Dương Chấn đi ngang qua huyện Xương, Vương Mật vì cảm kích cái ơn đề bạt của ông, ngay lúc nửa đêm đặc biệt đem 10 cân vàng đến để tạ ơn Dương Chấn. Dương Chấn đã cự tuyệt phần hậu lễ này. Vương Mật nói: “Bây giờ đêm đã khuya, sẽ không có ai biết chuyện này đâu, xin ông hãy nhận lấy”. Dương Chấn đáp rằng: “Trời biết, Đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại nói là không ai biết? Ông hãy đem số vàng này về đi”. Vương Mật rất xấu hổ mà đem số vàng này trở về.

Cho dù là ban đêm, bạn đang làm chuyện gì, đừng nghĩ rằng chỉ mình bạn biết, mặt trăng trên bầu trời cũng đang mở to hai mắt đang nhìn bạn đó!

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Ai còn dám động lòng trắc ẩn?




Trước những mảnh đời bất hạnh, con người thường rất dễ động lòng trắc ẩn, đó như một phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại đầy rẫy những lọc lừa, lòng tốt của chúng ta đôi khi lại phải đắn đo rất nhiều trước khi quyết định.



Lòng trắc ẩn bị lợi dụng sẽ khiến lòng tin bị mất (Ảnh: Internet) 


“Con xin các ông các bà rủ lòng thương! Con trai con mắc bệnh hiểm nghèo đang nằm viện. Chúng con ở quê lên đã hết sạch tiền. Mấy hôm nay con không có tiền mua cơm cho con trai con. Xin các ông các bà rủ lòng thương…”


Dắt chiếc xe đạp dọc theo phố chợ, một người đàn ông chừng ngoài bốn mươi tuổi, dáng hơi thấp nhưng chắc nịch, nước da ngăm đen, vừa đi vừa cố gắng nói thật to, giọng nói đã bắt đầu khan lại.


Phố chợ, tám giờ tối, vẫn đông người qua lại….


Tiếng của người đàn ông vang lên rõ ràng, rành mạch, nhưng dường như không có ai nghe thấy những lời cầu xin ấy! Đã quá quen rồi những cảnh xin tiền theo đủ cách, của đủ các kiểu người giữa cái thành phố ồn ào và tấp nập này. Những cảnh xin tiền không biết đâu là thật, đâu là giả.


“Em ơi, chị ở bên trung tâm nhân đạo, em mua tăm cho chị để ủng hộ trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi…”


“Bạn ơi, mình đi thi bị mất cắp trên xe buýt, bây giờ không có tiền đóng lệ phí thi, bạn làm ơn cho mình mấy chục ngàn…”


“Cháu xin các cô các chú!” – “Bố mẹ cháu đâu?” – “Bố mẹ cháu chết hết rồi ạ!”…


Lần đầu tiên nghe những lời cầu xin ấy, dù ít, dù nhiều, chắc hẳn ai cũng sẽ động lòng trắc ẩn, không ngần ngại giúp đỡ những kẻ không may mắn. Thương người như thể thương thân.


Nhưng có lẽ cũng chỉ một lần ấy thôi! Bởi sẽ có rất nhiều người nhắc bạn:


“Em bị lừa rồi!”


“Mày bị lừa rồi!”


“Anh bị lừa rồi!”…




Ai dám đặt lòng trắc ẩn trong thời nay? (Ảnh: Internet) 


Từng có câu chuyện về một nhà văn giàu lòng trắc ẩn. Nhà văn ấy đã bị một đứa trẻ lừa xin tiền hết lần này đến lần khác. Một người bạn đã hỏi tại sao biết là bị lừa nhà văn vẫn còn cho tiền nó mà không phải chỉ cho một vài lần.


Nhà văn ấy tâm sự, biết là bị lừa nhưng mỗi khi nghe thấy những lời cầu xin của thằng bé, trong lòng ông cảm thấy rất đau đớn, đau đớn đến mức không thể chịu nổi. Chỉ còn cách cho tiền thằng bé thì ông mới cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm.


Tấm lòng trắc ẩn của nhà văn ấy, dường như không có gì đè nén, ngăn cản được. Còn chúng ta thì sao? Có ai muốn nghe lại lần thứ hai những lời nhắc nhở:


“Em bị lừa rồi!”


“Mày bị lừa rồi!”


“Anh bị lừa rồi!”…để phải vỡ lẽ: “Thì ra mình lại bị lừa!”


Động lòng trắc ẩn tưởng như là một phản xạ vô điều kiện trước những cảnh đời éo le bất hạnh, vậy mà có những lúc nó cũng bị đặt giữa ranh giới nên – không nên. Con người ta đã buộc phải đắn đo trước khi quyết định gửi lòng thương của mình cho kẻ khác. Và không phải lúc nào người ta cũng dám đặt cược tấm lòng của mình.


“Thương người như thể thương thân” đó là câu nói của người xưa về lòng trắc ẩn của con người. Đó vốn là điều rất thiêng liêng, nhưng bây giờ đang bị lợi dụng để người ta kiếm tiền. Nhất là những thành phố lớn, ở các điểm xe bus hoặc những nơi công cộng có đông người qua lại.


Khi lòng tin của con người dành cho nhau mất đi, thì cuộc sống này sẽ trở nên thật đáng buồn, ta sẽ không còn cảm thấy được sự ấm ám của tình người nữa, mà chỉ tồn tại sự nghi ngờ, xa lánh. Những người thực sự cần giúp sẽ không được giúp, những người cần được cứu sẽ không được cứu, bởi lòng tin đã mất. Bạn có bao giờ tự hỏi:


Chúng ta phải chăng đang sống trong một thế giới xa lạ?


Câu chuyện xưa lý giải vì sao “không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời”


Vận mệnh của đời người không phải là bất biến, nó có thể thay đổi tùy theo những việc thiện ác mà người đó đã làm trong đời. Người xưa có câu: “Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời”. Vì sao mà nó không thể kéo dài mãi?



Người mà trời sinh đã giàu có sung sướng nhưng nếu chỉ biết phóng túng bản thân, khi hưởng hết phúc rồi thì cũng trở nên nghèo khổ. (Ảnh: Internet)

Vào thời nhà Hán, những vị quan lớn đều là thuộc giai tầng quý tộc hoặc là Hoàng thân quốc thích chứ người bình dân thì không có tư cách. Họ từ nhỏ đã được phong đất, có sản nghiệp lớn, nắm rõ tri thức, tu thân trị quốc bình thiên hạ.

Thời đó, đại đa số người thuộc hàng quý tộc, quan lại, dù ít hay nhiều cũng hiểu biết về học thuyết âm dương, hiểu biết vận mệnh. Có một vị quan, gia sản to lớn, con cháu đầy đàn nhưng lại thường mang vẻ u sầu trong lòng. Ông thường xuyên thở dài, vẻ lo lắng lộ rõ ra mặt.

Một lần, ông ngẫu nhiên gặp một lão nông dân. Lão nông này biết rõ vị quan lớn kia nên hỏi: “Ngài đã giàu có như thế, tiền của mấy đời con cháu cũng tiêu không hết, sao ngài còn phải thở dài?”.

Vị quan lớn nói: “Ông nhìn hai đời sau trong nhà ta mà xem, đời sau lại không bằng đời trước, thực sự là giàu không thể quá ba đời. Khi cháu trai bằng tuổi của ta, e rằng sẽ tiêu hết gia sản, nói không chừng còn có họa sát sinh”.

Lão nông không hiểu, vị quan lớn lại giải thích: “Ta quan sát và đoán biết được, thế hệ sau trong gia tộc nhà ta, từ nhỏ chúng đã được hậu đãi nên thường tùy tiện làm xằng bậy, dưỡng thành thói quen hưởng thụ.

Hai đời sau này việc gì cũng không làm, chúng cảm thấy hết thảy những gì chúng đang hưởng đều là những thứ nên được. Loại nhận thức ấy, sớm hay muộn cũng dẫn đến vong bại thôi”.


Phúc thì không nên hưởng hết, phải luôn bồi đắp, bởi vì khi phúc đã hưởng hết thì họa tất sẽ đến. (Ảnh: Internet)

Nói xong, vị quan lớn lại chỉ vào lão nông còn đang đăm chiêu, nói: “Ông đã sống đến tuổi này rồi, trên mặt nhiều nếp nhăn vàng, nên chắc chắn cả đời đã làm không ít việc thiện. Bất luận là ông hiện tại khổ bao nhiêu thì sau này con cháu đều được hưởng âm đức của ông mà giàu sang bấy nhiêu”.

Câu chuyện xưa này nói cho chúng ta một đạo lý rằng, giàu và nghèo là có sự biến hóa. Nếu một người tích lũy nhiều hơn, cần kiệm hơn thì tự nhiên sẽ có phú quý và được hưởng thụ. Còn một người chỉ lo hưởng thụ nhiều hơn, thì tự nhiên cũng sẽ khốn cùng, rách rưới.

Người xưa nói: “Vương hầu tương tương, trữ hữu chủng hồ”, có ý khuyên răn mọi người rằng: Là Vương Hầu cũng vậy đều không phải trời sinh đã có địa vị cao quý, là người bình thường nhưng biết cố gắng, làm nhiều việc thiện, tích được đại đức thì cũng có thể thay đổi được vận mệnh. Ngược lại, người mà trời sinh đã giàu có sung sướng nhưng nếu chỉ biết phóng túng bản thân, khi hưởng hết phúc rồi thì cũng trở nên nghèo khổ.

Cho nên, cổ nhân cũng dạy rằng: “Phúc bất tận hưởng”, tức là phúc thì không nên hưởng hết, phải luôn bồi đắp, bởi vì khi phúc đã hưởng hết thì họa tất sẽ đến!

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

“Bạn có thể nghèo, nhưng đừng rẻ mạt”


“Để dự đoán tương lai của một người, chỉ cần xem cách họ đối xử với người khác. Nếu họ thuộc kiểu người nịnh bợ cấp trên, và bắt nạt cấp dưới, thành công của họ sẽ bị giới hạn”.



“Ông có cảm thấy như vậy thật không công bằng với mình không?”

Ông Huang là một người bạn cũ của tôi. Tôi biết ông ấy đã được 10 năm rồi. Lần đầu tiên gặp ông Huang, khi ấy ông còn là một thợ cắt tóc được trả lương theo tháng. Mức lương được trả rất thấp, mặc dù vậy, mỗi lần tới cắt tóc chỗ ông, lúc nào ông cũng cắt cho tôi rất cẩn thận và tỉ mỉ.

Khi tôi hỏi ông ấy: “Ông có cảm thấy như vậy thật không công bằng với mình không?”

Phản ứng của ông ấy để lại trong tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc: “Vâng, tôi không kiếm đủ, nhưng tôi luôn luôn tìm kiếm những cơ hội khác. Chừng nào tôi còn làm việc ở đây, tôi cần có trách nhiệm với công việc của mình và làm tốt nhất có thể, đó không phải là vấn đề tôi được trả bao nhiêu. Tôi không thể hạ thấp bản thân mình làm mọi việc cẩu thả chỉ vì tôi không kiếm đủ tiền”.

Cuối cùng, ông xin nghỉ làm ở đó. Ba năm sau, ông trở thành ông chủ của một salon tóc lớn. Và bây giờ, ông đã là một doanh nhân thành đạt sở hữu 10 salon tóc.

Hoàn cảnh khó có thể làm thay đổi tâm tính những người như ông Huang, họ luôn duy trì một tâm thái ổn định.


Tôi không thể hạ thấp bản thân mình.

Một người bạn của tôi là Ah Tang. Ah Tang bắt đầu làm việc ở tuổi đôi mươi và trở thành một tỷ phú trước khi bước sang tuổi 30. Anh ấy có mối quan hệ rộng với các doanh nhân doanh nghiệp trên khắp thế giới, và luôn sẵn sàng làm bạn tới bất cứ nơi nào anh đi. Tôi ngưỡng mộ anh ấy rất nhiều. Trong 1 bữa tối, tôi hỏi anh ấy một câu: “Kiểu người như thế nào dễ thành công trong kinh doanh?”

Anh ấy suy nghĩ một chút rồi nói: “Tôi nghĩ rằng việc quan sát cách ai đó đối xử với nhân viên phục vụ và bồi bàn trong nhà hàng là rất quan trọng”.

Tôi cảm thấy thật tò mò khi nghe xong câu trả lời và hỏi lại: “Làm thế nào mà việc đối xử với nhân viên nhà hàng lại quyết định sự nghiệp kinh doanh của một người nào đó?”


“Làm thế nào mà việc đối xử với nhân viên nhà hàng lại quyết định sự nghiệp kinh doanh của một người nào đó?”

Ah Tang mỉm cười và nói:

“Người ta cư xử một cách đúng mực khi trao đổi với những người ngang chức hoặc cấp trên của mình. Tuy nhiên, mặt nạ sẽ được tháo xuống khi họ nói chuyện với cấp dưới, bộc lộ tính cách thật sự. Thành công trong kinh doanh là một cuộc chiến tư tưởng, tính cách thật sự của một người nào đó sẽ quyết định họ thành công hay không”.

Sau đó, tôi đã nói chuyện với một người bạn lớn tuổi hơn mình. Và ông cũng đưa ra một lời nhận định tương tự:

“Để dự đoán tương lai của một người, chỉ cần xem cách họ đối xử với người khác. Nếu họ thuộc kiểu người nịnh bợ cấp trên, và bắt nạt cấp dưới, thành công của họ sẽ bị giới hạn”.

Khi lớn lên, tôi học được bài học rằng cách mọi người đối xử với bản thân họ phần lớn phụ thuộc vào cách họ đối xử với người khác. Nếu bạn muốn được người khác tôn trọng, trước tiên bạn phải tôn trọng chính mình.

Bạn có thể là người có ít tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng nó phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận chính mình và những yêu cầu của chính bản thân bạn. Tuy nhiên, nếu luôn duy trì được các tiêu chuẩn cao cho mình thì bạn là một người có nguyên tắc.


Nói cách khác, bạn có thể nghèo, nhưng đừng rẻ mạt.

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Trộm cướp cũng có Đạo: Một bát cơm cũng lo đền đáp cho đầy

Chỉ nhờ một bữa cơm rượu từ 2 năm trước mà Trần Đại Lang đã được bảo mệnh và cứu được vợ mình. Câu chuyện xưa này là lời giáo huấn nhẹ nhàng về lòng biết ơn, rằng ‘một bát cơm cũng lo đền đáp cho đầy’.


Một bữa cơm rượu tưởng chừng không đáng kể, nhưng gã cướp râu xồm vẫn luôn khắc ghi để đền đáp. (Ảnh minh họa)


Thời Cảnh Thái triều Minh, ở huyện Ngô Giang phủ Tô Châu, có một ông già họ Âu Dương, cùng với vợ là Tăng Thị, sinh được hai người con, một trai một gái. Con trai 16 tuổi chưa lấy vợ, con gái 20 tuổi kết hôn cùng Trần Đại Lang là người cùng thôn. Trần Đại Lang ở rể nhà vợ. Hai vợ chồng mở một cửa hàng tạp hóa ở phía trước nhà, Đại Lang và cậu em vợ trông coi. Gia đình tuy không giàu có, song cả nhà sống rất hòa thuận, thương yêu quý mến nhau.


Một hôm, Trần Đại Lang đi Tô Châu mua hàng bán mùa đông, bỗng trời có tuyết lớn. Chàng đi trong gió tuyết, lạnh run cầm cập, đang định tìm nơi uống chút rượu tránh tuyết, thì thấy từ đằng xa có một người đang đi tới. Người đó cao lớn vai u thịt bắp, mặt phủ đầy râu chỉ lộ ra hai con mắt đầy sát khí, thanh đao đeo ở lưng sáng lóe. Người đi đường thấy gã ta đều tránh từ xa.


Trần Đại Lang nghĩ bụng: “Râu đầy mặt thế kia thì mồm đâu mà ăn cơm nhỉ?”. Rồi bước tới vái chào, mời gã cùng vào quán uống ly rượu. Gã râu xồm đang vừa đói vừa lạnh thấy có người mời thì mừng rỡ, cùng đi đến tửu quán. Ngồi yên chỗ rồi, Trần Đại Lang gọi đồ rượu và đồ nhắm. Chỉ thấy khách lấy ra từ trong tay áo một đôi móc câu mạ vàng đeo lên hai tai, rồi rẽ bộ râu vén làm hai, móc lên rồi uống ừng ực liền mấy bát rượu lớn, lại ăn đến chục bát cơm. Cơm no rượu say rồi, gã mới đứng lên hỏi tên họ Trần Đại Lang, cảm ơn rồi đi. Lúc này, tiểu nhị mới bước tới hỏi: “Sao ông lại dám uống rượu với gã râu xồm mặt đen đó? Chưa chừng hắn là tướng cướp đấy”. Trần Đại Lang nghe nói vậy cũng chẳng để ý gì.


Mua hàng xong, Trần Đại Lang quay về nhà, chàng ta đem chuyện gã râu xồm kể cho người nhà nghe, ai cũng bán tín bán nghi.


Thời gian thấm thoát trôi, chẳng mấy chốc đã qua hai năm. Một hôm, có một ông già tên gọi Chử Kính Kiều hối hả đến nhà họ Âu Dương. Thì ra đó là người láng giềng của bà ngoại ở thôn Sùng Minh, mấy hôm nay bà ngoại bị bệnh, ông già này đi từ Sùng Minh tới Ngô Giang để báo tin giúp. Ông Âu Dương có việc đi vắng, Tăng Thị không đi được, bèn bảo con gái và con trai sang Sùng Minh trông nom bà ngoại ít ngày. Ông già Chử về trước, hôm sau hai chị em đáp thuyền lên đường.


Thế nhưng qua mười mấy ngày rồi, bà ngoại nhờ người báo cho biết hai đứa cháu ngoại sao vẫn chưa tới. Nhà Âu Dương hoảng sợ, Trần Đại Lang lập tức đi tìm người chủ thuyền. Người đó nói rõ đã nhìn thấy hai người lên bờ rồi, sao lại có thể biến đi đâu được? Trần Đại Lang bèn cùng mẹ vợ hộc tốc đến Sùng Minh. Bệnh của bà ngoại đã đỡ, chỉ vì không thấy hai đứa cháu đến nên lo lắng thôi. Tăng Thị khóc ngất lên ngất xuống. Trần Đại Lang ngẫm nghĩ, chắc nhất định lão Chử Kính Kiều giở trò ma quái rồi. Thế là chàng ta chẳng kể gì, xông đến nhà họ Chử, lôi Chử Kính Kiều ra đánh một trận. Tội nghiệp ông già Chử chẳng hiểu đầu đuôi gì bị đánh mặt mũi sưng tím. Ông ta cứ giậm chân đấm ngực, chỉ lên trời mà thề bồi, rằng nếu ông ta đánh lừa thì trời cho sét đánh chết ngay. Xung quanh láng giềng đều làm chứng rằng ông già Chử từ hôm đã về mười mấy ngày không hề bước ra khỏi cửa, Trần Đại Lang bấy giờ mới chịu ngừng tay. Chàng ta dán yết thị tìm người khắp nơi, lại đệ đơn lên huyện Sùng Minh và phủ Tô Châu, song kết quả vẫn không có tin tức gì.


Gần đến tết, mọi nhà đều náo nức đón năm mới chỉ có nhà Âu Dương cứ khóc lóc sụt sùi đau khổ vô cùng.


Trần Đại Lang mới nghĩ: ngày 19 tháng 2 là ngày Quan Âm Bồ Tát ra đời, sao ta lại không đến núi Phổ Đà thắp hương chứ? Một là để xin Bồ tát phù hộ, hai là thăm thú cảnh Chiết Giang cho đỡ buồn khổ. Thế là trung tuần tháng hai, chàng nhờ ông nhạc trông coi cửa hàng rồi ngồi thuyền đi đến núi Phổ Đà.


Hôm đi trời đẹp sóng êm, thuyền chở đầy khách đi lễ. Nhưng mới được mấy dặm, trời bỗng nổi trận gió lớn, chỉ chốc lát mặt biển tối sầm, rồi sóng lớn nổi lên rất dữ, thuyền mất phương hướng cứ trôi theo dòng nước mà trôi tuồn tuột. Một lúc sau, trôi đến cạnh một đảo nhỏ thì dừng lại, thấy trên đảo có mấy trăm tên lâu la đang huơ gậy múa thương, đấu quyền, bắn nỏ. Thấy có hải thuyền dạt vào, chúng nhảy lên thuyền cướp hết sạch cả hành lý và tiền bạc. Tiền bạc dùng để đi lễ Phật sao để chúng cướp đi được? Thế là có người kêu lên. Bọn lâu la vung đao định chém. Trần Đại Lang vội nói: “Xin hảo hán hãy tha mạng cho họ!”. Nghe giọng Tô Châu, tên lâu la hạ đao xuống hỏi: “Ngươi từ đâu đến?”. Trần Đại Lang lập cập nói người Tô Châu. Tên lâu la nói: “Đại vương dặn rằng hễ gặp được thương gia người Tô Châu thì ngài phải đích thân gặp mặt”. Bọn chúng bèn dẫn Trần Đại Lang tới tụ nghĩa sảnh ở trong núi. Trần Đại Lang sợ quá cứ nhắm tịt mắt lại, niệm thầm: “Xin Bồ Tát phù hộ cho con!”.


“A, thì ra là ông bạn cũ của tôi tới, xin mời ngồi!”. Trần Đại Lang nghe tiếng quen quen bèn mở mắt lén nhìn xem ai nói, thì đúng là gã mặt đen râu xồm đã gặp hai năm trước trong gió tuyết. Thấy Trần Đại Lang đã ngồi yên vị, gã râu xồm bèn cúi xuống vái chào nói: “Ơn nghĩa cho một bát cơm trong lúc gió tuyết, xin ghi mãi trong lòng, nay xin người anh em nhận cho một lạy”. Trần Đại Lang vội vàng đáp lễ, rồi nói xin tướng quân tha cho các khách đi thuyền và trả cho họ hành lý. Gã râu xồm lập tức bảo lâu la làm theo như vậy. Trần Đại Lang mừng thầm trong bụng: “Nếu không có bữa cơm hai năm trước thì hôm nay tính mạng khó toàn”.


Gã râu xồm cho bày tiệc rượu khiến Trần Đại Lang kinh ngạc. Trong lúc ăn uống, gã hỏi Trần Đại Lang về chuyện gia đình. Không hỏi thì thôi, vừa hỏi đến là Trần Đại Lang rơi hai hàng nước mắt, bèn đem chuyện vợ và em vợ mất tích kể rõ đầu đuôi. Gã râu xồm uống một hớp rượu rồi nói: “Vậy là không tìm thấy rồi!”. Gã khuyên Trần Đại Lang không nên buồn bã, ở đây có một người đàn bà, tuổi tác tướng mạo, đều rất xứng với Trần Đại Lang, lại cũng là người Tô Châu, nay xin tặng cho chàng làm vợ rất phù hợp. Trần Đại Lang không dám từ chối. Gã râu xồm bèn lớn tiếng gọi: “Xin mời ra đây!”. Chỉ thấy hai người một nam một nữ bước ra, Trần Đại Lang chăm chú nhìn, thì ra chẳng ai khác mà chính là người vợ và cậu em mà chàng ngày đêm mong ngóng. Ba người không cầm được, ôm nhau khóc ròng. Gã râu xồm hất hất cái mặt đầy râu, cười hỏi Đại Lang: “Huynh có muốn biết chuyện này là thế nào không? Xin chị dâu hãy từ từ kể rõ đi!”.


Thì ra, khi đó cuối năm, sơn trại chuẩn bị ăn tết. Râu xồm dẫn lâu la tới Sùng Minh để kiếm ít đồ. Một buổi tối, họ nhìn thấy hai người một nam một nữ đang đi trên bờ sông, bèn bắt lấy. Râu xồm nghe nói là vợ và em của Trần Đại Lang ở Tô Châu, nhớ tới ân nghĩa của bát cơm trong gió tuyết ngày đó chưa báo đáp được, bèn đưa hai chị em họ về sơn trại, tôn làm thượng khách và khoản đãi chu đáo, lại dặn dò thủ hạ là hễ gặp ai là người Tô Châu thì đều đưa đến gặp đại vương. Bây giờ quả nhiên Trần Đại Lang không mời mà đến.


Trần Đại Lang mừng quá, thầm nghĩ thật là may. Nếu như không có bữa cơm trong gió tuyết đó, thì e rằng đến tính mạng của vợ và em mình cũng không bảo toàn được. Song lại nghĩ lại: Râu xồm muốn báo đáp ân huệ, đó là lòng tốt, song đi cướp vợ và em vợ người ta rồi sau đó mới tính chuyện trả lại, cái cách trả ơn như vậy thì cũng chỉ có loại trộm cướp mới làm. Nghĩ thế, chàng ta bèn vội vàng cáo biệt, rồi cùng vợ và em đi khỏi cái đảo nhỏ đó như là chạy trốn vậy.

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Món quà cuối đời mẹ để lại cho con, xem xong mọi người đều khóc…


Trong cuộc đời con người, không có điều gì quan trọng hơn gia đình, vậy nên hãy dành thời gian cho những người yêu thương bạn, hãy trân quý mỗi một khoảnh khắc ở cùng nhau, nếu không sau này có hối ân hận cũng đã không còn kịp nữa…

Hãy trân quý những giây phút được ở bên người thân của mình, kẻo một ngày phải hối tiếc… (Ảnh: Internet)


Câu chuyện đến từ một đôi vợ chồng đã kết hôn hơn 20 năm



Trước khi kết hôn, tôi và vợ là một đôi tình nhân yêu nhau thắm thiết. Sau khi kết hôn, phải đối diện với hai gia đình và những đổi thay, bất hòa trong cuộc sống mà cãi nhau không ngừng. Mãi cho đến khi con cái lớn rồi, vợ tôi dường như cũng đã nhẹ nhàng hơn, dần dần đã buông bỏ rất nhiều chuyện mà trước đây cô ấy cố chấp tới cùng.


Sau khi tan ca, tôi có thể cùng tụ họp với đồng nghiệp mãi đến lúc tối khuya mới về, ngày nghỉ có thể đi đánh gôn suốt cả ngày, đối với những chuyện quét dọn sắp xếp nhà cửa cũng không còn cãi vã như trước nữa.


Một ngày kia, vợ nói với tôi, mong tôi có thể mời một người phụ nữ khác ra ngoài ăn cơm, xem phim.


Cô ấy nói: “Em yêu anh, nhưng em biết có một người phụ nữ khác cũng rất yêu anh”.


Người phụ nữ mà vợ tôi nói đến, chính là mẹ tôi, một quả phụ…


Con trai không ở bên cạnh, sau khi chồng qua đời thì sống cô độc một mình. Tôi cầm điện thoại lên, ấn số điện thoại quen thuộc đó.


Vừa nhấc máy lên, liền nghe thấy lời hỏi thăm lo lắng của bà: “Con thế nào rồi? Con vẫn tốt đấy chứ?”.


Bà ấy đã quen với việc tôi không chủ động liên lạc, cũng không chia sẻ chuyện vui với bà, vậy nên, khi chuông điện thoại reo lên, bà luôn lo lắng nghe phải tin xấu.


Tôi trả lời: “Không có gì đâu mẹ, con muốn hỏi mẹ Thứ Sáu này có rảnh hay không? Sau khi con tan ca sẽ đến đón mẹ, cũng nhau ăn bữa cơm tối, xem phim”.


Bà nghĩ ngợi một lúc, rồi nói: “Ừm, vậy hẹn chắc như vậy nhé con!”.


Đến ngày hẹn, mẹ lộ vẻ rất căng thẳng …


Đến ngày thứ sáu, sau khi tan ca, khi tôi lái xe đến đón bà, thật sự có chút căng thẳng.


Khi tôi đến nhà bà, tôi chú ý thấy bà xem ra cũng thấy rất căng thẳng đối với cuộc hẹn lần này. Bà mặc một bộ đồ rất đẹp, nhưng lại khoác một chiếc áo khoác có phần lỗi thời, mái tóc thẳng đã được búi lên, tôi còn chưa đến, bà đã đứng chờ ở trước cổng nhà rồi.


Nhìn thấy tôi, bà nở nụ cười xán lạn, lúc ấy tôi bỗng cảm giác thấy bà giống hệt như một nữ thần tỏa ánh hào quang bốn phía.


Bà ngồi lên ghế lái phụ, loay hoay một hồi để thắt dây an toàn. Bà không giấu được vẻ vui mừng, nói: “Mẹ nói với mấy người bạn rằng sẽ có hẹn với con trai, họ đều rất ngạc nhiên, đều muốn biết được chi tiết”.


Tôi đã chọn một quán ăn gia đình, bình thường khi làm việc, chiêu đãi khách hàng đã đi qua không biết bao nhiêu nhà hàng Tây cao cấp, thỉnh thoảng đến quán ăn loại này cảm giác cũng rất ấm áp. Khi đi vào trong quán ăn, bà đã vịn tay tôi, giống như đi trên con đường ánh sao, ưu nhã nhưng lại không quen.


Bình bình thản thản cùng với mẹ dùng xong bữa cơm


Sau khi ngồi xuống, liền cầm thực đơn lên đọc, khi tôi ngẩng đầu lên hỏi bà muốn ăn gì, phát hiện bà đang ngồi đối diện nhìn tôi chăm chú, một nụ cười hiện lên trên gương mặt của bà.


Bà nói: “Nhớ ngày nào, mẹ là người đọc thực đơn lên cho con nghe”.


Tôi trả lời rằng: “Bây giờ mắt mẹ không được tốt, cần nghỉ ngơi, những việc này cứ để con làm được rồi”.


Trong suốt bữa ăn, chúng tôi trò chuyện rất thoải mái, không có chuyện gì đặc biệt cả. Còn về chuyện xem phim, thì cũng đã khá muộn rồi, vậy nên không có nhắc đến chuyện xem phim đó nữa.


Khi đưa bà về đến trước cửa nhà, bà nói: “Mẹ còn muốn có hẹn với con thêm một lần nữa, nhưng lần này, sẽ là mẹ đích thân mời con, mẹ muốn mời con ăn cơm tối, xem phim, được chứ?”


Tôi đã đồng ý.


(Ảnh: Internet)


Trong tình yêu, có được sự cảm thông, có thể cùng nâng đỡ, trưởng thành, khiến cho gia đình hạnh phúc hơn


Vừa mới về đến nhà, vợ hỏi tôi: “Cuộc hẹn của anh thế nào rồi?”.


Tôi nói: “Rất tốt. Nhưng sao em lại có đề nghị như vậy nhỉ?”.


Vợ tôi nói: “Trước khi kết hôn, em vẫn còn là một cô gái mong muốn có được tình yêu. Mỗi lần khi phải đối diện với cửa ải khó trong tình yêu, em lúc đó cho rằng bản thân cần phải ‘hiểu và bỏ qua’, trong tình cảm khó tránh khỏi sẽ có những chỗ không được như ý mình, vì tình yêu, em đã dùng sự cảm thông mà học cách lùi một bước.


Sau khi kết hôn, em bắt đầu hiểu và thông cảm cho những thói quen của anh, không kể là mâu thuẫn về lối sống, quan điểm xuất hiện trong hôn nhân. Vì gia đình này, em đã lấy sự thông cảm để thay đổi phong cách sống và giá trị quan của bản thân mình.


Sau khi có con cái rồi, em và anh có cách nuôi dạy con cái khác nhau, nhưng lần này, em biết rõ rằng chúng ta có cùng một mục tiêu, chính là cho con những điều tốt đẹp nhất, cho chúng một tương lai tươi sáng, điểm này không cần phải thông qua “thông cảm” mới có thể hiểu được. Cũng bởi vì đã có một điểm chung này, những xung đột sinh ra trong tình yêu và hôn nhân đều đã bị san bằng, chúng ta cùng yêu thương con cái, nuôi dạy con cái, chăm lo cho con cái.


Có một nửa kia bên cạnh, nâng đỡ lẫn nhau, cùng nhau trải qua sóng gió, đối với một người phụ nữ mà nói đây là điều hạnh phúc nhất


Em biết có một ngày các con sẽ rời xa em, em sẽ không thể tiếp tục nuôi dạy chúng được nữa, em biết có ngày các con không cần đến sự chăm sóc của mẹ chúng nữa. Và em rất hạnh phúc, nếu đến ngày đó, em vẫn còn có anh cùng đi trên một đoạn hành trình khác của đời người.


Nhưng trong sinh mệnh của mẹ chỉ có mỗi mình anh, chỉ còn lại mỗi mình anh. Một người phụ nữ đi qua tình yêu, hôn nhân, nuôi dạy con cái, điều mà họ cần thật sự không nhiều, sau mỗi một lần ‘cảm thông’, ngay cả năng lực mở miệng ‘đòi hỏi’ cũng đã không còn nữa rồi”.


Nghe xong những lời này của vợ, tôi gật gật đầu.


Từ trước đến nay, tôi đều rất quan tâm đến cuộc sống của mẹ, liệu bà có sống tốt hay không? Có thiếu thốn thứ gì hay không? Nhưng những điều vụn vặt trong cuộc sống đã khiến cho sự quan tâm của tôi đối với bà bị đặt ở phía sau, chính là giống như bộ phim không có xem đó, tuy rạp chiếu phim vẫn còn đang công chiếu, nhưng lúc đó đối với tôi mà nói thật sự đã quá muộn rồi.


Mẹ đột ngột qua đời, con trai nhận được món quà sau cùng của mẹ…


Mấy ngày sau, mẹ của tôi vì nhồi máu cơ tim mà qua đời. Sự tình xảy ra quá bất ngờ, tôi còn chưa kịp làm bất cứ chuyện gì cho bà ấy nữa.


Tại lễ tang, mẹ mặc bộ áo khoác đã mặc trong bữa cơm tối hôm đó, lúc này tôi mới biết, đó là món quà kỷ niệm ngày cưới sau cùng mà bố tôi tặng cho mẹ.


Sau đó, tôi nhận được một bức thư, bên trong có để một biên lai nhà hàng và một mẩu giấy. Bên trong có viết:


“Mẹ đã trả tiền trước rồi, mẹ đã đặt hai chỗ, một chỗ là cho con, một chỗ là cho vợ con. Con mãi mãi sẽ không bao giờ biết được, buổi tối hôm đó đối với mẹ, nó có ý nghĩa quan trọng như thế nào đâu, mong con cũng có thể dành thời gian tạo niềm vui bất ngờ cho vợ con giống như vậy.


Người mẹ mãi mãi yêu thương con”.


Hãy dành thời gian cho những người yêu thương bạn, gia đình mãi mãi là cảng tránh gió của chúng ta!



Chính ngay lúc này tôi mới biết được rằng sự quan trọng của câu “tôi yêu bạn” nếu được nói đúng lúc.


Hãy dành thời gian cho những người yêu thương bạn, bởi vì trong cuộc đời của con người, không có điều gì quan trọng hơn gia đình, hãy trân quý khoảng thời gian được ở cùng với gia đình, mãi mãi đừng nên nói “quá muộn rồi!”.


Người mẹ thật sự rất vĩ đại!


Hy sinh cho con cái không một chút oán trách hay ân hận.


Mãi cho đến thời khắc sau cùng…


Hãy chia sẻ câu chuyện cảm động này với người thân bạn bè, bạn nhé!

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

“Mẹ ở lại chỉ mình con chịu lạnh, mẹ đi rồi cả ba đứa rét sương”


Trong văn hóa truyền thống, chữ “Hiếu” đóng một vai trò vô cùng quan trọng; trung hiếu lễ tiết luôn được xem là cái gốc làm người. Câu chuyện về lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên khiến lòng người cảm động được lưu truyền cho đến ngày nay.

Mẫn Tử Khiên kéo xe chờ cha. (Ảnh: Internet)

Mẫn Tử Khiên là người nước Lỗ thời Xuân Thu (770 – 476TCN), là học trò của đức Khổng Tử, rất nổi tiếng vì đức hạnh hơn người. Khổng Tử từng ngợi khen ông rằng: “Mẫn Tử Khiên, thật hiếu thảo lắm!”.

Mẹ Mẫn Tử Khiên chết sớm, cha cậu đi bước nữa và sinh thêm được 2 người con trai. Cậu kính trọng và chăm sóc cha cùng người mẹ kế, nhưng mẹ kế không thương yêu, còn thường xuyên ngược đãi cậu. Mùa đông rét mướt, bà ta cho 2 người em trai cậu mặc áo bông dày ấm áp, còn cậu chỉ được mặc mỗi chiếc áo khoác làm bằng hoa lau vốn không cách nào giữ ấm được.

Một ngày đông nọ, cha Tử Khiên có việc đi ra ngoài, sai cậu kéo xe. Nhưng vì rét run, tay cậu không cầm nổi dây và để xe bị ngã. Cha cậu rất bực mình, trách mắng và lấy roi đánh cậu. Lúc ấy chiếc áo khoác bị rách, hoa lau bên trong bay ra, đến khi đó người cha mới biết rằng Tử Khiên đã bị mẹ kế ngược đãi.

Cha Tử Khiên quay về nhà, muốn đuổi người mẹ kế đi vì bà quá tàn nhẫn. Mẫn Tử Khiên quỳ xuống cầu xin cha tha thứ cho kế mẫu. Cậu bật khóc và nói: “Mẹ ở lại chỉ mình con chịu lạnh, mẹ đi rồi cả ba đứa rét sương”.



Người cha vô cùng cảm động và theo lời thỉnh cầu của cậu. Người mẹ kế nghe cậu nói, hết sức hối hận và cảm động, thế là từ đó về sau thương yêu cậu như con ruột của mình.

Có thơ khen rằng:

Mẫn Thị hữu hiền lang
Hà tằng oán vãn nương
Phụ tiền lưu mẫu tại
Tam tử miễn phong sương

Tạm dịch là:

Họ Mẫn có con hiền
Chẳng hề oán kế mẫu
Xin cha, mẹ ở lại
Ba trẻ miễn gió sương

Văn hóa truyền thống rất chú trọng tu dưỡng đạo đức, một trong những giá trị của đạo đức là “Nhẫn”, chẳng thế mà trong dân gian vẫn lưu truyền câu thơ : “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng – Lùi một bước biển rộng trời cao”. Câu chuyện cổ về Mẫn Tử Khiên – một người con chí đạo chí hiếu, cũng đồng thời là tấm gương sáng về tấm lòng thiện tâm nhẫn nhục, lấy đức báo oán, đã mãi mãi lưu truyền hậu thế.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Cái chết oan ức của con bò và bài học về sự bất cẩn trong lời nói


Chỉ một câu than vãn bâng quơ của bò, đã trở thành một lời có tính sát thương rất mạnh khi bị đồn đại biến tướng. Cái chết của con bò tội nghiệp thực sự khiến người ta phải suy nghĩ thật nhiều.

Lời đồn đại một khi bị biến tướng có thể gây ra những hậu quả khôn lường. (Ảnh: Internet)

Bò cày ruộng trở về, mệt quá nằm lăn ra đất nghỉ, thở phì phò. Chó đi ngang qua, thấy vậy bèn dừng lại hỏi han. Bò thở dài, nói:

“Anh bạn à, tôi thực sự mệt quá rồi! Ngày mai tôi không muốn ra đồng nữa, ở nhà nghỉ cho lại sức”.

Hai con vật nói chuyện thêm một lúc rồi tạm biệt nhau. Trên đường, chó gặp mèo đang nằm vắt vẻo trên bờ tường. Chó nói:

“Này anh bạn, tôi vừa mới đi thăm bò. Anh ta than mệt, còn nói muốn nghỉ làm một ngày. Kể ra cũng tội, chủ nhân đúng là đã bắt anh ấy làm việc nhiều quá rồi!”.

Mèo quay người, nói với dê đang ăn cỏ gần đó rằng:

“Anh biết tin gì chưa? Bò trách chủ nhân bắt mình làm nhiều việc nên muốn nghỉ một ngày, mai không ra đồng nữa đấy!”.

Một lúc sau, dê gặp gà, liền nói:

“Bò không muốn làm việc cho chủ nhân nữa, chị gà mái ạ. Anh ta than là công việc nhiều quá, mệt quá! Hầy, cũng không biết những chủ trang trại khác đối xử với bò của mình có tốt hơn chủ nhân chúng ta không nữa”.

Gà lại nói với lợn:

“Anh bò sắp nghỉ làm ở đây rồi. Anh ta muốn đi tìm chủ nhân khác. Ai bảo chủ nhân đối xử với anh ấy tệ quá, bắt làm bao nhiêu là việc, lại còn dùng roi đánh anh ta nữa”.

Gà cảm thán vài câu rồi lại tót về chuồng. Một lúc sau, vợ ông chủ đi chuẩn bị cho các con vật ăn tối. Lợn liền lại gần, nói:

“Tôi muốn báo lại với bà một chuyện. Dạo gần đây, bò hay có những suy nghĩ nổi loạn, rất cần phải được dạy bảo lại. Anh ta không muốn làm cho chủ nhân nữa, chê công việc ở đây nhiều quá, nặng quá, khiến anh ta mệt mỏi. Bò còn nói muốn bỏ đi, tìm một chủ nhân khác nữa đấy”.

Nhận được phản ánh của lợn, trong bữa tối, bà chủ lập tức đem chuyện nói lại với chồng:

“Mình ơi, bò đang muốn tạo phản. Nó muốn đổi chủ, không làm cho mình nữa. Tội tạo phản không thể tha, mình định xử nó thế nào?”

“Kẻ phản bội đều đáng tội chết, giết không tha!”, ông chủ nghiến răng, tức giận nói.

Vậy là con bò đáng thương suốt ngày chỉ biết làm việc quần quật, cuối cùng lại bị những lời truyền miệng sai sự thật giết chết như vậy đấy!


Câu chuyện về con bò tội nghiệp để lại cho chúng ta hai bài học đáng quý. Một là, đừng tùy ý than phiền với mọi người xung quanh. Bởi lẽ, những lời than phiền ấy sau khi bị nhiều người biến tấu có thể đem đến tai họa khó lường.

Hai là, đừng dễ dàng tin những lời đồn đại chừng nào bạn chưa tự mình kiểm chứng. Đừng để sự cả tin khiến bạn đưa ra những quyết định sai lầm.

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

5 chú khỉ, 1 nải chuối và thực trạng “vùi dập” người khác trong xã hội hiện đại


Câu chuyện về 5 chú khỉ và 1 nải chuối, tuy đơn giản nhưng lại ẩn chứa bài học sâu sắc về nhân sinh, đồng thời cũng phản ánh một hiện thực xã hội, khiến chúng ta không khỏi giật mình.


Mỗi khi một con khỉ trèo lên ăn chuối là những con phía dưới bị xịt nước. (Ảnh: Internet)


Chuyện kể rằng, có 5 con khỉ bị nhốt trong một căn phòng. Giữa phòng là một cái thang, trên đỉnh thang là nải chuối. Mỗi khi có một con khỉ định trèo lên thang, người ta lại phun nước lạnh vào những con còn lại, làm chúng rất khổ sở.


Sau một thời gian, mỗi khi có một con khỉ định trèo lên thang, những con còn lại, vì không muốn bị phun nước, tóm lấy con kia và đánh cho một trận.


Dần dần, không có con nào trong số 5 con khỉ có ý định trèo lên thang nữa. Người ta bèn bắt ra 1 con và thay bằng con mới.


Nhìn thấy nải chuối và cái thang, con khỉ mới thắc mắc không hiểu tại sao các con kia không trèo, và thử leo lên. Tất nhiên bốn con kia xông vào đánh cho một trận. Con khỉ mới không hiểu vì sao bị đánh, tuy nhiên không dám trèo nữa.


Rồi một con nữa trong số 5 con đầu được thay thế. Chú lính mới lại định trèo, và bị cả hội đánh tới tấp. Con khỉ vừa vào trước đó cũng tham gia đánh, đơn giản vì thấy bọn kia làm vậy, còn bản thân vẫn không hiểu vì lí do gì.


Lần lượt 5 chú khỉ ban đầu được thay ra hết…


Bây giờ, 5 con khỉ mới ở trong phòng. Không có con nào từng bị dội nước. Nhưng cũng không con nào dám trèo lên thang. Và cả 5 sẵn sàng đánh nhừ tử bất kỳ con nào khác có ý định đó, mà không hiểu vì lí do gì.



5 con khỉ mới được thay vào, nhưng không con nào dám trèo lên chiếc thang. (Ảnh: Internet)


Có vẻ như trong trường hợp này, một thói quen mới đã được hình thành và cả 5 con khỉ đều tiếp nhận thói quen này như một điều mặc định. Dường như những chú khỉ – tức đối tượng “tiếp nhận” chỉ là người “kế thừa” và chấp nhận sự việc theo kiểu “nó phải như thế”.


Trong cuộc sống cũng có không ít những chú khỉ như vậy. Một khi từng gặp phải thất bại hoặc khó khăn, những người dạng này thường có xu hướng không muốn nỗ lực nữa, nản chí và mặc định rằng mọi chuyện phía trước đều sẽ diễn biến xấu.


Ngoài ra, câu chuyện này còn cho thấy một thực tế phũ phàng khác trong cuộc sống và môi trường làm việc hiện nay.


Mặc dù các nhà quản lý luôn hô hào cổ vũ về tinh thần phải sáng tạo, đổi mới, hợp tác. Tuy nhiên, những “chú khỉ” trong văn phòng vẫn ngầm bị dội những gáo “nước lạnh” bất cứ khi nào ai đó cố gắng làm những điều mới mẻ. Hoặc, tồi tệ hơn, một số nhân viên thậm chí buộc phải kìm nén sự sáng tạo.


Điều này tạo thành một thói quen xấu, khiến ngay cả những nhân viên sau này dù không bị “dội nước lạnh” nhưng họ vẫn sợ hãi, chấp nhận thực tế và ngại thay đổi vì nghĩ rằng mọi chuyện cũng không thể tốt hơn được.


Ngoài ra, một khi có người muốn nỗ lực lấy nải chuối, tất cả những đối tượng còn lại sẽ hiệp lực cho “chú khỉ” này “ăn đòn”. Đứng trên cương vị một nhà quản lý, có thể trong trường hợp này họ muốn các nhân viên của mình tự giám sát nhau trong hệ thống, tự hình thành quy tắc và không ai có thể vượt qua khuôn khổ đó.


Ngay cả trong cuộc sống hay công việc, đôi khi một ý kiến, một lời phát biểu, một đề xuất, một hành vi hay phong cách sống của ai đó lại thường bị rất nhiều người phản đối, bác bỏ, thậm chí là vùi dập không thương tiếc. Trong khi thực tế là họ cũng chẳng biết mình đang làm gì, đơn giản là thấy số đông và quyết định làm theo một cách mù quáng.


Liệu bạn có đang phải là một “chú khỉ” như vậy trong cuộc sống và cả công việc hay không?

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

May mắn đến từ những việc làm tốt


“Hàn Ông luôn được người dân trong vùng ca ngợi bởi đức tính từ tốn, rộng lượng và đầy thiện tâm”.

May mắn đến từ những việc làm tốt. (Ảnh: Internet)

Vào đời nhà Thanh, có người tên Hàn Ông mở 1 tiệm bán quần áo nhỏ ở vùng Đinh Hoa tỉnh Giang Tô. Hoàn cảnh khó khăn, việc buôn bán của gia đình ông không được thuận lợi như các lái buôn khác trong vùng. Tuy nhiên, ông vẫn vui vẻ giúp đỡ những người xung quanh. Vương Đạo Đinh, 1 nhà văn nổi tiếng thời bấy giờ viết:

“Hàn Ông luôn được người dân trong vùng ca ngợi bởi đức tính từ tốn, rộng lượng và đầy thiện tâm”.

Vào 1 ngày không lâu trước Tết, Hàn Ông đã hoàn thành xong công việc trong ngày và chuẩn bị lên giường đi nghỉ. Bên ngoài, tuyết rơi dày đặc. Bỗng Hàn Ông nghe thấy có tiếng động trước cửa như ai đó đang dựa vào và thở dài. Anh ra phía trước mở cửa và thấy 1 người lạ đang ngồi ôm chiếc túi quay lưng về phía mình.

Hàn Ông bèn hỏi người đàn ông, ông là ai, ông ta trả lời: ông là người đi thu nợ cho 1 thương nhân ở Thượng Hải. Và bây giờ đã quá muộn để ông bắt 1 chuyến phà hay tìm 1 nhà trọ nghỉ lại. Vậy nên, ông ta không còn cách nào khác là phải ngồi trước hiên nhà Hàn Ông đợi đến bình minh hôm sau.

“Ông vừa đi thu nợ về, vậy chắc hẳn ông phải có rất nhiều tiền. Làm sao ông lại phải ngủ ở ngoài? Ngay cả an toàn, nhưng làm sao ông có thể chịu đựng được cái lạnh? Nhà của tôi tuy nhỏ và tồi tàn, nhưng nó đủ lớn để che chở ông qua bão tuyết đêm nay”.

Hàn mở cửa và mời người đàn ông vào nhà. Thấy ông ta bị ướt đẫm, anh tìm đưa cho ông bộ quần áo mới mua mà anh tính mặc vào dịp Tết sắp tới rồi chuẩn bị mâm cơm. Người đàn ông vô cùng cảm động trước lòng tốt của Hàn. Thật khó có thể tưởng tượng lại có 1 người có thể đối xử tốt với người lạ mặt, vừa đói và rét vào giữa đêm hôm khuya khoắt như vậy.

Trời rạng sáng, tuyết rơi dày đặc hơn đêm hôm trước, phà cũng ngừng đón khách.

Trời rạng sáng, tuyết rơi dày đặc hơn đêm hôm trước, phà cũng ngừng đón khách. Hàn đã đề nghị người đàn ông lưu lại ở nhà mình thêm hôm nữa không chút phàn nàn.

Buổi tối hôm đó, người đàn ông nói với Hàn rằng ông rất biết ơn tấm lòng tốt bụng của Hàn và ông không biết bằng cách nào có thể trả nợ anh.

Vì vậy, ông đưa ra 1 lời đề nghị, ông sẽ đưa Hàn 300 lạng bạc để anh thu mua gạo trong vùng mang lên Thượng Hải theo yêu cầu để kiếm tiền. Hàn thẳng thừng từ chối lời đề nghị này. Và người đàn ông chỉ mỉm cười mà không nói gì.

Hôm sau, trời quang đãng hơn và Hàn thuê một chiếc phà cho người đàn ông, và đích thân ra tiễn.

Trước khi phà rời bến, người đàn ông đã nói với Hàn, 300 lạng bạc mà ông nói hôm qua nằm ở dưới gầm giường, và ông đề nghị gặp Hàn vào lễ hội đền lồng năm sau ở Thượng Hải. Hàn cảm thấy vô cùng choáng váng, nhưng đã quá muộn để quay lại lấy bạc trả người đàn ông. Khi về đến nhà, quả đúng là bạc dưới giường và Hàn đã làm đúng như những gì người đàn ông yêu cầu.

Một năm sau, Hàn lên Thượng Hải như đã hẹn. Hàn nói với người đàn ông rằng anh đã chuẩn bị sẵn 1 xe gạo mang từ dưới quê lên. Ông chủ của người thu nợ rất xem trọng Hàn Ông vì đã giữ lời hứa:

“Điều đó thật nguy hiểm khi thuộc hạ của ta ngủ ngoài trời cùng với 1 số lượng bạc lớn. Nếu không nhờ có lòng tốt của anh, ông ta có thể đã bị cướp. Hôm nay, anh đã đến đây như đã hứa, tấm lòng độ lượng của anh thật vô giá”.

Sau khi đưa Hàn Ông đi thăm khắp nơi trong thành, người chủ nói với Hàn Ông:

“Anh đã giúp ta đưa 1 lượng gạo lớn đến Thượng Hải, vậy nên ta sẽ chia lại 1 nửa lợi nhuận với anh”. Ngay sau đó, ông ta trao cho Hàn 1 số bạc lớn. Hàn cố gắng từ chối lời đề nghị, nhưng ông chủ kia đã rất cương quyết. Sau đó, Hàn Ông bày tỏ ý nguyện của mình đem số bạc đi giúp đỡ những người nghèo.

Ông chủ sai thuộc hạ của mình đưa cho Hàn 2.000 lạng bạc. Từ đó trở đi, Hàn đặt nhiều tâm sức của mình đi làm từ thiện. Dù bận rộn, nhưng anh thấy công việc kinh doanh của mình dường như càng ngày càng thuận lợi hơn. Sau này khi trở thành 1 doanh nhân thành đạt, Hàn vẫn giữ đức tính khiêm tốn và tiếp tục công việc từ thiện.

Sau này con trai của Hàn Ông, là Hàn Tô San, kế tục nghiệp buôn bán của cha và cũng đi theo hướng buôn bán và làm việc thiện. Nhờ phúc đức, Hàn La Thanh, con trai của Hàn Tô San thi đỗ kỳ thi triều đình và trở nên rất thành công trong xã hội thời ấy.

Vương Đạo Đinh, nhà văn cổ điển của văn học Trung Quốc viết:

“Khi tôi đến Tùng Giang, tôi nghe nhiều người nhắc đến Hàn Ông. Mặc dù không đi học, nhưng tấm lòng của ông thật rộng lượng, ông luôn giữ lời và không bao giờ lừa dối ai. Ông đặc biệt hào phóng và chân thành. Đó là lý do tại sao ông trở nên giàu có 1 cách nhanh chóng ngay cả khi ông sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình rất nghèo. Mọi người chỉ thấy sự giàu nhanh như chớp của gia đình ông, mà không biết được câu chuyện đằng sau đó”.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Nhan phu nhân quả quyết cứu người, được phúc báo đến đời con cháu


Nhan thái phu nhân là một người mẹ mẫu mực, bà thường dạy con phải biết yêu thương dân chúng, xem nỗi khổ của người dân như nỗi khổ của chính mình. Câu chuyện Nhan phu nhân quả quyết cứu người gặp lũ lụt , như một tấm gương sáng lưu truyền mãi cho người đời sau.




(Ảnh minh họa)

Nhan thái phu nhân là mẹ của tiên sinh Nhan Tịnh Phủ, sống vào triều đại nhà Thanh. Bà có bản tính nhân từ, biết cách dạy bảo con cái, có thể nói là một người mẹ mẫu mực.

Khi Nhan Tịnh Phủ bắt đầu bước vào con đường làm quan được bổ làm tri huyện Bình Độ, thuộc Sơn Đông, nổi tiếng thanh liêm, nhân từ, chính trực, công bằng. Nhan phu nhân được tiên sinh rước về phủ để sớm hôm hầu hạ phụng dưỡng. Bà thường dạy con phải biết yêu thương dân chúng, xem nỗi khổ của người dân như nỗi khổ của chính mình.

Có một năm vào đời vua Càn Long, Nhan Tịnh Phủ có việc công phải đi đến tỉnh Tấn vào khoảng tháng 5, bất ngờ ở huyện Bình Độ lại xảy ra lũ lụt, nhà cửa ruộng vườn của người dân đều bị nhận chìm trong nước. Nhân dân bỏ nhà cửa, làng mạc chạy vào thành lánh nạn lụt như ong vỡ tổ, số đông đến cả vạn người. Không ngờ càng ngày mưa lại càng lớn, nước dâng mỗi ngày một cao, ngay cả huyện thành cũng sắp bị cơn hồng thủy nuốt chửng. Do lụt lội kéo dài, người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, đói khát không có gì ăn, tiếng than khóc chấn động cả đất trời.

Lúc đó, vì không có quan tri huyện trong thành nên các quan thuộc trong phủ chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Nhan thái phu nhân thấy tình hình cấp bách như thế liền có ý mở kho chứa trữ lương thực của huyện để cứu tế dân bị nạn. Tuy nhiên, theo luật pháp thời bấy giờ qui định thì lương thực chứa trong kho của huyện muốn xuất ra phải được phép của vị quan cấp tỉnh. Vì thế, các quan trong huyện không ai dám nghe theo ý của phu nhân. Phu nhân liền giải thích:

“Mục đích lập nên kho chứa trữ lương thực vốn để cứu tế dân chúng khi gặp hoạn nạn. Hiện trước mắt chúng ta có hàng vạn người dân đang bị đói khát, mạng sống chẳng khác nào đèn treo trước gió, nếu cứ cố chấp theo qui định, báo lên quan trên rồi chờ lệnh thì e rằng có rất nhiều người dân đã biến thành quỉ đói.

Chuyện này nếu bị quan trên hỏi tội, tôi xin đứng ra gánh hết trách nhiệm, tuyệt đối không để liên lụy đến các vị. Hơn nữa, chỉ riêng gia sản nhà ta cũng không nhỏ, nếu quan trên có truy cứu thì ta sẽ bán ruộng vườn, nhà cửa để bồi thường”.

Nhưng các quan thuộc vẫn hết sức lo sợ có chuyện lôi thôi về sau nên không ai dám mở miệng tán thành. Thấy vậy, Nhan phu nhân lại nói hết sức quả quyết:

“Nếu có việc gì một mình ta xin gánh vác, các vị tuyệt đối an tâm, không nên sợ liên lụy”.

Mọi người thấy lòng kiên quyết của Nhan phu nhân như vậy, không thể không tuân lệnh, lập tức mở kho lương thực phân phát cho dân chúng bị nạn. Trong chốc lát dân chúng reo vui dậy cả đất trời, mọi người đều được thoát qua cảnh đói khát. Những gia đình giàu có trong thành đều cảm động trước tấm lòng Bồ Tát của Nhan thái phu nhân nên không ai bảo ai cùng vui vẻ góp thêm lương thực vào việc cứu tế.

Bảy ngày sau, nước lụt đã rút dần, lương thực cũng đã cạn. Lúc đó, tri huyện họ Nhan nghe tin huyện nhà xảy ra lụt lội vội vàng thu xếp trở về. Các quan thuộc cấp liền bẩm báo việc mở kho lương thực cứu tế người dân lên quan tri huyện. Nhan Tri huyện nghe xong vui vẻ mỉm cười bảo mọi người:

“Mẹ ta bảo các vị làm như vậy là đúng”.

Ông liền lập tức soạn thảo bản văn trình bày tường tận sự việc lên quan tỉnh; đồng thời sai người về quê bán hết tài sản, chuẩn bị để đền bù vào số lương thực đã xuất ra khỏi kho mà không có lệnh của tỉnh.

Sau khi sự việc được trình lên cấp trên, quan trưởng cấp tỉnh xem qua kinh hãi vô cùng, liền cấp báo về triều đình xin xem xét tội danh tự ý mở kho lương thực, đồng thời ra lệnh điều tra quan tri huyện.

Không ngờ hoàng thượng rất sáng suốt, nghe qua sự việc liền hết lời ngợi khen việc làm của mẹ con Nhan thị, lập tức hạ chiếu không cần tra cứu chuyện tự ý mở kho lương thực, cũng không bắt phải đền bù lương thực vào kho, lại còn ban tặng cho Nhan thái phu nhân một tấm hoành phi để khen ngợi.

Nhan Tịnh Phủ từ đó càng ra sức làm thiện, thương yêu dân chúng như con đẻ. Sau đó ông được bổ làm Tri phủ Nam Phủ, không lâu sau lại thăng chức Tuần phủ tỉnh Quý Châu.

Con trai ông là Nhan Kiểm giữ chức Bộ tào được thăng lên đến chức Lệ tổng đốc; cháu ông là Nhan Bá Đảo xuất thân từ hàn lâm, sau đó nhậm chức Tổng đốc Phúc Kiến; ngoài ra còn rất nhiều cháu chắt của ông cũng đều được vinh hiển. Tất cả đều là phước báo do Nhan thái phu nhân biết dạy con tích chứa điều lành.

(Trích Tọa Hoa Chí Quả)

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Chuyện xưa lưu truyền mãi: Nghĩa Tào Khang trăm năm không phụ


Câu chuyện về một vị quan nhất phẩm thời Xuân Thu Chiến Quốc xuất thân bần hàn, nhưng khi công thành danh toại vẫn giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng, để lại tiếng thơm cho muôn đời sau.



Nghĩa Tào Khang trăm năm không phụ. (Ảnh: Internet)

Bách Lý Hề xuất thân nghèo khó, nhưng ông rất thông minh và được nhiều người quý mến vì tốt tính. Dù nghèo khó nhưng ông vẫn lấy được vợ và có một con trai.

Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên vợ Bách Lý Hề gợi ý chồng xa xứ để kiếm kế sinh nhai. Ông không còn cách nào đành từ biệt vợ con trong nước mắt để bôn ba nơi xứ người.

Nhà nghèo không có gì mở tiệc đãi chồng trước lúc lên đường, vợ Bách Lý Hề đã giết con gà duy nhất mà họ có, tháo cánh cửa nhà để làm củi nấu bữa cơm tiễn biệt.

Khi Bách Lý Hề tới nước Tề, ông đã gắng sức phụng sự nhưng phát hiện rằng quan lại đều tham nhũng, mà bản thân không có tiền hối lộ để thăng tiến. Toàn bộ số tiền ít ỏi vợ đưa cho ông đã tiêu sạch, nên buộc phải ăn xin trên phố để sống qua ngày.

Sau đó ông lại tới nước Ngu rồi tới nước Chu, nhưng đường công danh vẫn lận đận vì tài năng của ông không được trọng dụng. Thay vào đó, nước Chu còn cho ông trông coi súc vật. Sau đó ông còn bị người nước Sở bắt giữ và giam lỏng.

Khi đó, Tần Mục Công đã nghe tới trí tuệ và tài năng của Bách Lý Hề, bèn mời ông làm một chức quan, và cuối cùng Tần Mục Công phong ông làm Tể tướng. Tuy nhiên để mời được Bách Lý Hề, Tần Mục Công phải tìm kế dùng 5 tấm da dê để chuộc ông về từ nước Sở.

Bách Lý Hề phải mất 30 năm để thành danh, vì thế khi được phong Tể tướng, ông đã 70 tuổi.

Câu chuyện về vị Tể tướng nước Tần nổi danh và được chuộc về bằng 5 tấm da dê đã lan truyền khắp nơi, vợ của Bách Lý Hề cũng nghe được. Vì thế bà đã tới nước Tần để tìm chồng, nhưng không rõ liệu đó có phải là chồng mình hay không.

Bà có lần nhìn thấy xe ngựa của Bách Lý Hề đi qua nhưng lại không nhìn kỹ nên không chắc chắn đó là chồng mình. Cuối cùng bà tìm được công việc giặt giũ trong phủ của Bách Lý Hề. Vợ của ông đổi thành họ Đỗ, được nhiều người quý mến vì là người chăm chỉ và vui vẻ.

Một ngày nọ Bách Lý Hề mở tiệc đãi quan khách, bà Đỗ đã nhờ đoàn nhạc cho được biểu diễn vì nói mình có tài ca hát.

Họ đã đồng ý giúp bà. Khi lên sân khấu, bà đã chơi một bản nhạc réo rắt nỗi buồn đau của người vợ mòn mỏi chờ trông chồng nơi xa xôi.

“Chàng còn nhớ nước mắt thiếp rơi khi chúng ta ly biệt?

Chàng còn nhớ chúng ta đã nghèo thế nào nên thiếp phải dỡ bỏ khung cửa nhà để nấu con gà duy nhất tiễn chàng lên đường?

Chàng biết rằng giờ chàng đã là tể tướng nước Tần, mặc áo gấm vinh hoa còn thiếp chỉ là một người giặt giũ hầu hạ người khác?

Chàng còn nhớ người vợ thuở bần hàn của mình hay chăng?”.

Bách Lý Hề vô cùng bất ngờ khi nghe bài hát, không ai biết những điều này trừ vợ của mình. Ông đã cho mời người nghệ sĩ vừa hát đó lên và nhận ra đó chính là vợ mình.

Họ đã không gặp nhau suốt 30 năm, cả hai đều ôm chầm lấy nhau mà khóc vì mừng rỡ và xúc động. Gia đình họ cuối cùng đã đoàn tụ và sống hạnh phúc bên nhau.

Câu chuyện trên cho chúng ta thêm trân trọng tình nghĩa vợ chồng và thấy rằng mình thật may mắn khi không gặp cảnh ly biệt nhiều năm đằng đẵng như vợ chồng Bách Lý Hề. Hãy luôn giữ gìn và vun đắp nghĩa Tào Khang bởi đó chính là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Rùa và cua cùng bị nhốt trong chiếc giỏ tre, nhưng tại sao chỉ rùa chui ra được?


Tại một quầy hàng truyền thống trong chợ, có một người bán hàng rong bày biện 2 chiếc giỏ tre. Trong hai chiếc giỏ này, một cái có nắp đậy, một cái thì không, đằng sau sự khác biệt này là một câu chuyện rất thú vị…

Giúp đỡ người khác tạo nên thành tựu, cũng là thành tựu chính mình. (Ảnh: Internet)


Trong 2 chiếc giỏ tre, có một cái đựng toàn là cua nhưng không có nắp đậy, nhìn vào chỉ thấy những con cua đang tranh nhau bò ra khỏi giỏ, nhưng kết quả là không con nào bò ra ngoài được, bởi vì sẽ bị một con khác kéo xuống.


Còn chiếc giỏ kia thì có nắp đậy. Người bán hàng rong mở nắp ra để những khách hàng hiếu kỳ xem một chút. Bên trong là thứ gì? Nguyên tất cả đều là loại rùa đen với đủ kích cỡ lớn nhỏ.


Người bán hàng rong nói rõ với mọi người vì sao ông lại phải đậy nắp chiếc giỏ tre này: “Bởi vì con rùa đen lớn nhất sẽ kê ở phía dưới cùng, kế đến là con rùa nhỏ hơn sẽ bò lên trên mình con thứ nhất, tiếp nữa là con rùa nhỏ hơn nữa, và trên tầng cao nhất là con rùa đen nhỏ nhất.


Chúng dùng cách thức xếp chồng lên nhau như vậy, đồng tâm hiệp lực, giúp con rùa đen nhỏ nhất có thể ra khỏi giỏ tre, sau đó, những con rùa phía dưới cũng sẽ bò ra được, còn con rùa lớn nhất sẽ dựa vào sức của mình để chui cái đầu ra ngoài”.


Người bán hàng rong đậy kín nắp giỏ lại, sau đó nói tiếp: “Cho nên ta phải đậy nắp lại cho nhanh, bằng không đám rùa đen sẽ bò ra hết. Về phần con rùa đen lớn nhất kia, mặc dù không bò ra ngoài được, nhưng nó cũng không oán hận hay tiếc nuối”.


Trong chiếc giỏ tre này, không gian chật hẹp như vậy, thế mà những con cua lại không ai nhường ai, còn tranh chấp tương tàn, trèo đầu cưỡi cổ nhau, tranh quyền đoạt lợi… Cuối cùng chỉ có thể rơi vào kết cục “kiếm củi ba năm đốt một giờ”, nhận cái kết bi thảm, cùng nhau đi đến chỗ chết.


Trái lại, những con rùa đen thì không như thế, với trí tuệ của mình, con rùa đen lớn nhất sẵn sàng kê lót phía dưới cùng của chiếc giỏ tre, để cho những con rùa khác có thể leo ra khỏi giỏ, dù phải hy sinh thân mình vẫn thản nhiên đối mặt – Đây quả thực là một loại tình cảm thương yêu, một tinh thần cao thượng.


Câu chuyện về sự tương phản giữa 2 loài động vật này, chính là lấy vạn vật để gợi ý cho con người. Chúng ta cần phải hoan nghênh những người không ngại khó khăn, dám hy sinh thân mình, khẳng định những phó xuất và cố gắng của họ.


Đồng thời cũng nên khích lệ người khác, cùng quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. “Giúp đỡ người khác sẽ làm nên thành tựu, cũng là thành tựu chính mình”, chúng ta lẽ nào lại không sánh bằng những con rùa đen bé nhỏ kia đây?

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Gà con hỏi: “Sao ngày nào mẹ cũng phải đẻ trứng?”, gà mẹ trả lời thật là hay…


Có một câu chuyện ngắn, kể về cuộc đối thoại giữa hai mẹ con nhà gà, tuy hài hước, nhưng hàm nghĩa của nó lại rất sâu sắc, đầy đủ đạo lý nhân sinh!


Bạn tồn tại vì tạo ra giá trị, và sẽ bị đào thải nếu mất đi giá trị. (Ảnh: Internet)

Có một ngày, gà con hỏi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có thể đừng đẻ trứng nữa, dẫn con ra ngoài chơi được không?”.

Gà mẹ thở dài, nói: “Không được đâu con, mẹ còn phải làm việc”.

Gà con nói: “Nhưng mẹ đã đẻ nhiều trứng vậy rồi cơ mà?”.

Gà mẹ gương mặt đầy xúc cảm, nói với con: “Mỗi ngày đẻ một quả trứng, nếu không dao phay kề ngay cổ. Một ngày không đẻ trứng, chủ nhà sẽ có thịt gà để ăn”.

Bạn tồn tại vì tạo ra giá trị và sẽ bị đào thải nếu mất đi giá trị

Có người từng nói:


“Nếu bạn là một con đại bàng, dù không có người vỗ tay, bạn vẫn cần giương đôi cánh bay lượn.

Nếu bạn là cỏ dại, không có người chăm sóc, bạn vẫn phải trưởng thành khỏe mạnh.

Nếu bạn là một bông hồng nơi sa mạc, không có người thưởng thức, bạn vẫn phải cố gắng tỏa sắc hương.

Nếu bạn là một công nhân, không có người khích lệ, bạn cũng phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu như không muốn bị đào thải, thì đừng để cho bản thân mình bị thay thế, bị mất đi giá trị”.

Thế giới thay đổi mỗi ngày, có lẽ hôm nay ông chủ còn tán dương bạn, nhưng ngày mai có thể đã có người tới thay thế vị trí của bạn.

Nếu như không muốn bị đào thải trong xã hội cạnh tranh khốc liệt này, bạn cần rèn luyện cho mình một tư duy nhạy bén. Cần phải tư duy nhanh hơn so với sự biến hóa của thế giới, bằng không, đợi đến khi bạn phát hiện ra sự thay đổi, thì hết thảy mọi thứ đều đã không kịp nữa rồi…

Ngoài ra, cần phải rèn luyện cho mình năng lực suy nghĩ độc lập, dũng cảm đem cách nghĩ thay đổi hành động, bạn mới có năng lực đối mặt với những khó khăn. Khi gặp vấn đề thì có thể giải quyết dễ dàng, tiến tới trở thành người độc nhất vô nhị, không cách nào bị thay thế.

Cho dù là những việc nhỏ bé, cũng phải nỗ lực khiến nó có giá trị

Đừng cho rằng hiện tại mình đang làm một công việc rất tầm thường nhỏ bé, trên đời này không có việc nào là việc nhỏ hay không trọng yếu cả, tất cả đều là đại sự, mỗi sự việc đều đan xen nhau, thiếu đi sẽ không cách nào tiếp tục được nữa.

Vì vậy cần phải xem trọng những việc mình đang làm, cố gắng khiến nó có giá trị, làm cho người khác không cách nào thay thế được vị trí của mình.

Luôn khích lệ chính mình, không để bản thân có cơ hội lười biếng

Không ít người thường cảm thấy bản thân sinh ra không gặp thời, hoặc gặp hoàn cảnh không tốt, phải làm những việc mình không thích. Cái tâm đó có thể khiến cho bạn lười càng thêm lười, mỗi ngày trôi qua đều sống như tạm bợ.

Tư tưởng và hành vi như vậy nhất thiết phải loại bỏ. Bạn chán chường như thế, không chỉ khiến người khác không thấy được giá trị của bạn, mà ngay bản thân bạn cũng không thể nào nhìn ra.

Hãy luôn khích lệ bản thân, không để cho mình có cơ hội lười biếng, đồng thời tiếp tục tạo ra những giá trị, đó cũng là lý do cho sự tồn tại của chính mình.

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Lời khuyên của vị cao tăng: Nếu ai cho thí chủ mượn tiền, hãy nhớ điều này…


Trong cuộc sống, ai cũng từng một vài lần đi vay tiền hoặc cho người khác mượn tiền. Những lúc như vậy đều cảm thấy rất khó khăn, cũng là bất đắc dĩ. Lời khuyên dưới đây của vị cao tăng sẽ giúp bạn hiểu ra được nhiều điều.


Một thanh niên tới chùa ngỏ ý muốn xin một lời khuyên từ vị cao tăng, bởi vì anh ta luôn cảm thấy khó khăn khi đi vay tiền hay cho người khác mượn tiền.


Điều khó làm nhất là gì? Là vay mượn!


Vị cao tăng nói với người thanh niên: “Trong lúc khó khăn, nếu có người cho thí chủ vay tiền thì chính là quý nhân của thí chủ. Không chỉ là tiền, một chút giúp đỡ thôi cũng là điều vô cùng đáng quý.


Thời nay người như vậy rất hiếm gặp, nếu như gặp được thì thí chủ nên trân quý cả 1 đời!


Người cho thí chủ mượn tiền lúc thí chủ đang khốn khó, không phải bởi người ta nhiều tiền quá không biết tiêu vào đâu, mà bởi vì họ muốn giúp đỡ thí chủ một chút vào lúc khó khăn ấy.


Thứ cho thí chủ mượn không phải là tiền, mà là một tấm lòng, là sự tin tưởng, là sự động viên, là niềm tin vào khả năng của thí chủ…”


Sự chân thành của bạn bè là tài sản của cả một đời người!


Hy vọng bạn bè có thể mãi đặt niềm tin nơi mình mà không đắn đo gì là điều khó mà làm được! Làm mất lòng tin nơi người khác chính là sự mất mát rất lớn trong đời người!


Vị cao tăng còn khuyên rằng:


Người chủ động trả tiền trước trong các buổi hẹn, không phải bởi họ dư dả tiền bạc, mà bởi họ coi tấm chân tình với thí chủ còn hơn cả tiền bạc.


Lúc hợp tác có thể nhường thí chủ phần lợi hơn, không phải bởi họ ngốc, mà bởi họ là người biết sẻ chia.


Khi công tác nếu luôn chủ động nhận lấy phần việc khó, không phải bởi họ muốn thể hiện bản thân, ấy bởi đó là người có trách nhiệm với tập thể.


Khi gặp mâu thuẫn liền nói lời xin lỗi, không phải do họ sai, mà bởi họ biết điều gì mới đáng để giữ gìn hơn là cái tôi vị kỷ của bản thân.


Người nguyện ý giúp đỡ thí chủ không phải họ nợ thí chủ điều gì, mà bởi họ coi thí chủ là người đáng trân trọng.


Người ta giúp thí chủ vì mối lương duyên quý báu, không phải vì đó là bổn phận, bạn đừng coi đó là lẽ đương nhiên mà coi nhẹ.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Món quà cưới của chị dâu, câu chuyện lấy đi nước mắt của bao người


Sau khi mẹ và anh trai qua đời, chị dâu là người thân duy nhất của tôi. Dù phải chịu cuộc sống khổ cực, chị vẫn cố gắng gửi tiền cho tôi ăn học. Ngày cưới, chị gửi cho tôi món quà là chiếc gối đôi, bên trong có một món quà đặc biệt…



Vào ngày cưới, chị dâu đã gửi cho tôi một món quà đặc biệt. (Ảnh minh họa)

Cha qua đời vì bệnh hiểm nghèo từ khi tôi còn chưa biết nhận thức, mẹ một mình nuôi anh em tôi khôn lớn. Mẹ vì chúng tôi mà quyết định không đi bước nữa. Anh cả hơn tôi tròn một giáp, anh hai vì bị viêm màng não nên mới sinh được hai tuần đã bị chết yểu!

Mẹ vì quá đau buồn đã thề rằng sẽ không bao giờ mang bầu và sinh con nữa, thế nên mẹ đã đi kế hoạch. Nhưng rồi do duyên phận đưa đẩy, mẹ không nghĩ rằng lại tôi đến thế giới này.

Nhà ngoại là một gia đình giàu có, bà ngoại luôn hết lời thuyết phục mẹ tái hôn, không nên sống cô quạnh như vậy, lúc nắng gió trở trời thì biết nương dựa vào ai. Nhưng mẹ sợ lại tìm nhầm cho chúng tôi một người cha không tốt nên đã quyết định sống độc thân để toàn tâm, toàn ý yêu thương chăm sóc anh em tôi.

Năm tôi học lớp 9 mẹ đã bỏ anh em tôi mà ra đi mãi mãi, sau khi mẹ mất tôi cảm thấy rằng cả bầu trời như sụp xuống, không còn thiết ăn uống, cả ngày tôi chỉ ngồi cuộn mình trong góc nhà. Thành tích học tập cũng vì thế mà kém đi nhiều, cứ khi màn đêm buông xuống tôi lại cảm thấy ngột ngạt hơn, đau buồn hơn, tôi không thể nào nhắm mắt lại được.

Thỉnh thoảng tôi lại trốn học một mình chạy đến mộ mẹ khóc thật to. Mẹ luôn coi tôi là một viên ngọc bé bỏng trong tay, nay mẹ con tôi đã bị ngăn cách bởi một lớp đất vàng, là khoảng cách giữa âm và dương. Nỗi đau thấu tận xương tủy này không thể dùng giấy bút mà miêu tả ra hết được.

Thầy giáo gọi điện báo cho chị dâu rằng tôi thường xuyên trốn học, thậm chí là nghỉ cả một buổi sáng hoặc cả một buổi chiều.

Chị dâu đưa tôi về nhà, không hỏi tôi bất cứ điều gì, chỉ chăm chú nặn bánh sủi cảo, món mà chị nấu ngon nhất cho tôi ăn. Tôi muốn tiếp tục đến trường, bởi vì tôi biết chương trình lớp 9 là vô cùng nặng. Nhưng mỗi lần tôi nói muốn đi học thì chị dâu đều nói một câu: “Đợi hai hôm nữa sẽ đi”.

Hai ngày sau, chị dâu mua một ít hoa quả và đưa tôi đến bên mộ mẹ. Đến nơi chị bày hoa quả xong rồi nói tôi quỳ xuống, chị lấy chút vàng mã ra đốt cho mẹ: “Mẹ, con dâu bất hiếu đến thăm mẹ đây, con thật hổ thẹn vì không làm tròn trách nhiệm mẹ giao trước khi mất. Em con vì quá thương nhớ mẹ nên dạo này thường bỏ học đến đây tìm mẹ. Con xin mẹ đừng khiến cho em ấy thêm đau buồn nữa, mẹ đang nghe con nói đúng không?”.

Chị dâu sụt sịt khóc, tiếng khóc như đâm vào trái tim tôi, sao chị lại biết tôi trốn học đến gặp mẹ. Kể từ hôm cùng chị đến mộ mẹ, tôi quả thực ngoan hơn rất nhiều. Cũng kể từ lần đó về sau, tôi không còn mơ thấy mẹ đứng cạnh đầu giường nhìn chằm chằm vào tôi nữa.

Tôi có nền tảng học tập không đến nỗi nào nên chỉ hơn một tháng sau đã có thể theo kịp bài vở. Anh tôi lúc này vì muốn kiếm nhiều tiền hơn một chút nên đã mua một chiếc xe tải cũ chuyên dùng để chở gạch. Công việc của anh quả thực rất mệt mỏi, hàng ngày đi làm về đều mệt rã rời không muốn động đậy chân tay.


Chị dâu vì muốn anh bớt vất vả đã đi bốc dỡ và xếp gạch cùng anh. (Ảnh: Internet)

Chị dâu vì muốn anh bớt vất vả đã đi bốc dỡ và xếp gạch cùng anh. Như thế một ngày hai người có thể chở được hai chuyến, cuộc sống gia đình vì thế cũng đỡ chật vật hơn.

Rồi tôi cũng vào đại học, chị sợ tôi ở trường ăn uống không đầy đủ, lần nào trước khi tôi lên thành phố cũng nhét cho tôi một bịch to hoa quả, chị dặn tôi nhớ uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây, hết tiền thì gọi điện, anh chị sẽ mang tiền lên cho. Chị dâu lúc nào cũng sợ tôi một mình bên ngoài ăn không đủ no mặc không đủ ấm, nhiều lúc tôi cảm thấy chị còn quan tâm tôi chu đáo hơn cả mẹ tôi.

Năm thứ hai đại học anh trai tôi gặp phải tai nạn, chị dâu gọi điện cho tôi, giọng chị đã khàn đặc vì khóc, chị nói tôi về nhà ngay. Tôi không biết làm thế nào mà lên được xe, ngồi trên xe người tôi lả ra như bún, cảm giác như đang đứt từng khúc ruột, nước mắt cứ thế chảy dòng dòng.

Trên đường về tôi chỉ dám nghĩ đến những điều may mắn, nhưng về đến nhà nhìn thấy anh trai đã nằm yên ở gian giữa, tôi khóc nức nở, đau khổ ôm lấy xác anh trai:

“Anh ơi, không phải anh nói sinh nhật em anh sẽ mua cho em một cái bánh kem thật to? Không phải anh nói sau này em có bạn trai anh sẽ luôn bênh vực em sao? Anh à! Tại sao anh lại tàn nhẫn giống mẹ bỏ rơi em. Anh đi rồi ai chăm sóc vợ con anh, gia đình ta giờ sẽ sống sao đây?”

Dù tôi có gào khóc thế nào thì anh tôi vẫn không thèm mở mắt nhìn tôi. Tôi thu mình vào trong góc nhà gặm nhấm đau khổ, chị dâu thì tiều tụy ôm đầu khóc nức nở. Đối với tôi, chị dâu và cháu gái thì đây quả là một mất mát quá lớn.

Ngày chôn cất anh, ngoài trời lạnh thấu xương, dù tôi có mặc áo dày thế nào cũng không thể ấm lên được. Tiếng khóc bi thương của chị dâu tôi chấn động cả trời và đất, buồn đến mức ông trời cũng phải nhỏ lệ hoa tuyết.

Sau này chị dâu bán chiếc xe tải đi, và để duy trì cuộc sống cho cả gia đình chị đã tìm một công việc trong nhà máy gạch. Tháng nào chị cũng vẫn gửi lên cho tôi một khoản tiền, tôi nói tôi vừa học vừa làm là được rồi, chị đừng tự làm khổ mình nữa, nhưng cuối cùng chị dâu vẫn làm theo ý mình.

Ngày quốc khánh tôi được nghỉ nên về nhà, chị dâu đi làm chưa về, tôi mở cửa bước vào nhà, nhìn ngôi nhà vắng vẻ lạnh lẽo, nước mắt tủi thân lại không ngừng rơi xuống. Tôi lục lọi tất cả các ngăn bếp, chỉ thấy một bát mắm tôm và nửa bát cải muối.

Chị dâu luôn nhắc tôi phải ăn cho no mặc cho ấm, không được tự làm khổ mình, vậy mà chị và cháu ở nhà chỉ ăn cơm với cải muối. Tôi ra chợ mua một ít thịt về nấu, khi chị dâu và cháu ngồi vào bàn ăn, cháu gái nói: “Cô ơi, cô tốt quá chả như mẹ con, ngày nào mẹ cũng bắt con ăn cơm với mắm, giờ con ghét cái mùi mắm đó rồi. Cô nhớ thường xuyên về nhé, như thế con mới có thịt mà ăn!”.

Chị dâu hích con không được nói linh tinh, nhưng tôi lặng lẽ đi ra ngoài để cho những giọt nước mắt cứ thế rơi lã chã.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng đã xin được việc làm, tiền lương hàng tháng tôi chỉ giữ năm trăm ngàn, số còn lại tôi gửi hết về nhà. Sau hai năm đi làm, chị dâu giục tôi đưa bạn trai về, vì chị ấy, tôi chấp nhận người đã theo đuổi tôi suốt mấy năm qua.

Trước ngày cưới, chị dâu nói muốn mua đồ cưới cho tôi, nhưng tôi nhất quyết từ chối. Ngày cưới, chị dâu nắm tay tôi nói: “Em à! Tuy em không cần của hồi môn vì bên nhà trai họ đã lo đủ rồi, vậy chị chỉ có chiếc gối đôi tự tay chị thêu, em mang về bên đó mà dùng nhé”. Hôm đó tôi quỳ dưới chân chị dâu mà không muốn đứng dậy nữa.

Nửa năm sau khi kết hôn, tôi muốn gỡ gối ra để giặt, không ngờ lại thấy trong đó một thẻ ngân hàng và một lá thư đã ố vàng.

Bức thư trước khi mất anh trai viết cho tôi: “Em gái của anh, đây là thẻ ngân hàng, bên trong là số tiền anh chị tích cóp để làm tiền hồi môn cho em, em nhất định phải nhận lấy nó. Anh không biết có chờ được em về không.

Em à, nhớ sống thật hạnh phúc nhé, anh dù tới thế giới bên kia cũng sẽ luôn phù hộ cho em. Còn nữa, nhớ nghe lời chị dâu, anh cả đời này áy náy nhất là chị ấy”.

Bên dưới là một cái phong bao có một dấu vân tay màu đỏ, tôi biết đó là nước mắt, là máu… của anh tôi!