Trang chu

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Những bức ảnh làm lay động hàng triệu con tim

Hình ảnh xúc động về những con người có số phận đáng thương trên khắp thế giới được Boredpanda tổng hợp lại và đăng trên trang web của mình. Loạt ảnh khiến người xem cảm nhận rõ rệt niềm vui, nỗi buồn cũng như sự đau đớn của từng nhân vật trong mỗi bức ảnh.



Somayeh Mehri (29 tuổi) cùng con gái Rana Afghanipour (3 tuổi) đang trao nhau nụ hôn ấm áp của tình mẫu tử. Được biết, kể từ khi gương mặt biến dạng do bị tạt axit, những người xung quanh không còn muốn hôn họ nữa.
Một cậu bé đang ôm người em gái của mình sau khi bé được đưa ra khỏi đống đổ nát của căn nhà ở Syria
.
Một cô gái trẻ người Yazidi phải cầm súng để bảo vệ gia đình khỏi sự tấn công của ISIS. 
Một phụ nữ Ai Cập hôn lên má của một sĩ quan cảnh sát khi anh quyết định không bắn vào những người tham gia biểu tình chống chính phủ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2011.
Cô bé thoát chết sau 11 ngày bị lạc trong 1 khu rừng Siberia.
Một cậu bé người Rwandan với gương mặt đầy vết sẹo sau khi được cứu thoát khỏi 1 trại tử thần.
Vụ phun trào núi lửa vào năm 1985 ở Nevado del Ruiz, Colombia đã gây ra một vụ lở đất khủng khiếp khiến 25.000 người thiệt mạng. Omayra Sanchez là một trong những nạn nhân của thảm họa này và cô đã bị mắc kẹt trong bùn đất và đống đổ nát của các tòa nhà. Sau 3 ngày chiến đấu với tử thần, Omayra đã chết do hạ thân nhiệt và hoại tử.
Một người đàn ông bật khóc khi tìm thấy cuốn album ảnh gia đình trong đống đổ nát.
Trong vụ sập nhà máy ở Bangladesh, cặp đôi này đã ôm nhau trong những giây phút cuối của cuộc đời.

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Không gì là không thể, chỉ cần bạn cố gắng

“Đừng chớp mắt kẻo bạn không theo kịp tốc độ cô ấy !” là câu mà mọi người thường dùng để nói về Wilma Rudolph, người khiến cả thế giới phải ngả mũ khi chinh phục đường đua của thế giới bằng đôi chân từng bị tê liệt.



Wilma Rudolph sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở Backwoods, bang Tennessee, Mỹ. Cô là đứa con thứ 20 trong gia đình 22 anh chị em, sinh thiếu tháng và rất yếu ớt đến nỗi người ta còn không chắc đứa bé có thể sống sót hay không.

Năm lên bốn, cô bé bị mắc cùng lúc hai chứng bệnh là viêm phổi và ban đỏ dẫn đến chân trái bị tê bại và trở nên vô dụng. Cô bé phải mang một cái nẹp bằng sắt ở chân. May mắn là cô bé luôn có một người mẹ ở bên cạnh động viên.

Cô con gái nhỏ vốn thông minh và hay oán hận cái chân cùng với chiếc nẹp luôn được mẹ khuyến khích rằng cô có thể làm bất cứ thứ gì cô muốn chỉ cần có niềm tin, sự bền bỉ, dũng khí và một ý chí không thể khuất phục.

Năm lên chín, cô gái nhỏ được phép bỏ chiếc nẹp và chập chững tập những bước đi đầu tiên. Bác sĩ cho rằng cô bé sẽ không bao giờ còn đi lại như bình thường.

Trong bốn năm, cô đã luyện được những bước dài và nhịp nhàng, đây được xem là một điều diệu kì trong y học. Chưa dừng lại ở đó, cô bé đã nảy ra ý định, một ý định lạ thường, cô sẽ trở thành nữ vận động viên điền kinh giỏi nhất thế giới, một điều dường như không tưởng.

Ở tuổi mười ba, cô bé bắt đầu tham gia vào tất cả các cuộc đua ở trường trung học, và …luôn về chót. Mọi người khuyên cô bỏ cuộc.


Tuy nhiên, vào một ngày đẹp trời, cô bé về áp chót, tiến gần hơn đến ngày có thể trở thành nguời thắng cuộc. Kể từ đó trở về sau, Wilma Rudolph luôn về nhất trong tất cả các cuộc đua cô tham gia.

Tiếp đó, Wilma đến đại học bang Tennessee và gặp một huấn luyện viên tên là Ed Temple. Vị huấn luyện viên đã nhìn thấy được ý chí không gì khuất phục, một niềm tin vững mạnh và tài năng thiên bẩm của cô bé. Ông tích cực huấn luyện Welma để cô có thể thực hiện ước mơ tham gia vào Thế vận hội Olympic.

Cuối cùng, ước mơ của cô bé có đôi chân từng chịu nhiều đau đớn đã trở thành sự thật, cô lọt vào vòng chung kết và thi đấu với đương kim vô địch người Đức là Jutta Heine. Chưa ai từng đánh bại Jutta. Nhưng trong cuộc đua cự ly ngắn 100m, Wilma Rudolph đã về nhất. Cô tiếp tục đánh bại Jutta trong nội dung 200m. Giờ đây cô đã đạt được hai huy chương vàng Olympic.

Bước sang chặng đua tiếp sức 400m. Wilma lại đối đầu với Jutta một lần nữa. Hai vận động viên đầu tiên trong đội của Wilma đã thi đấu rất tuyệt vời. Nhưng khi người thứ hai chuyển thanh gỗ cho Wilma, cô gái đó đã quá phấn khích đến nỗi đánh rơi nó, và Wilma nhìn thấy Jutta phóng như bay trên đường đua. Không ai có thể đuổi kịp tốc độ chóng mặt của người từng là quán quân ấy. Nhưng cô gái với nghị lực phi thường kia đã làm nên điều kì diệu: Wilma Rudolph giành được huy chương vàng Olympic thứ ba.

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Nhặt được của rơi trả lại người mất, liên tiếp gặp phúc báo

Dưới đây là câu chuyện có thật về một người nhặt của được nhưng không tham, chờ đợi để trả bạc cho người mất. Tấm lòng cảm thấu trời xanh nên đã được thần linh phù hộ.


Vào năm Gia Tĩnh đời nhà Minh , tại huyện Ngô Giang tỉnh Giang Tô có một người tên Thi Phục, sống chủ yếu bằng nghề nuôi tằm, dệt lụa.

Một hôm khi đang trên đường trở về nhà, Thi Phục nhặt được một gói bạc nhỏ nằm giữa đường, bèn nghĩ: “Số bạc này tuy nhỏ nhưng nếu của người làm ăn ít vốn đánh rơi thì cả nhà họ sẽ không có nguồn sống, thậm chí tan cửa nát nhà”. Nghĩ vậy nên Thi Phục quyết định đứng ở chỗ nhặt được bạc chờ người tới lấy. Nhịn đói nhịn khát nửa ngày trời mới thấy bóng dáng một vị thư sinh chạy tới.

Sau khi hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, Thi Phục bèn đưa số bạc lại trả cho người này. Vị hậu sinh vô cùng cảm kích, muốn lấy một nửa số bạc để cảm ơn Thi Phục nhưng Thi Phục quyết không nhận. Người này bèn mua trái cây, khẩn khoản mời Thi Phục dùng bữa, ông cũng từ chối, sau đó rời đi mà không để lại tên tuổi.

Khi về đến nhà, Thi Phục đem câu chuyện kể lại với vợ, vợ ông nói rằng: “Ông làm thật tốt quá!”

Hai vợ chồng ông không vì nhặt được bạc mà vui, ngược lại lại thấy an tâm khi trả lại bạc. Sau đó, Thi Phục hàng năm nuôi tằm đều thu được lãi lớn.

Có năm nuôi tằm, Thi Phục không tìm được nơi mua lá dâu, nên vô cùng lo lắng. Thi Phục bèn góp vốn, đi chung thuyền với 10 nhà khác qua sông tìm mua.

Khi ra đến bến sông thì trời đã tối, họ bèn neo thuyền tại một nhánh sông, chuẩn bị cơm nước để ngày mai khởi hành.

Trong lúc lên bờ tìm củi đun, Thi Phục tình cờ gặp lại vị hậu sinh năm xưa mất bạc. 2 người trò chuyện một lúc lâu, xem chừng rất tâm đầu ý hợp.

Thi Phục nói: “Do thiếu lá dâu tằm, nên ta phải qua núi Động Đình tìm mua”.

“Trong vườn nhà đệ có trồng dâu, đến giờ không những đủ dùng cho gia đình mà còn dư ra rất nhiều, vừa hay đủ dùng cho huynh. Những lá dâu này cứ như là vì huynh mà mọc ra vậy, phải chăng là sự an bài?”, Chu Ân nói.

“Như hôm nay chúng ta gặp nhau, cũng là an bài”, Thi Phục cười đáp.

Sau đó Chu Ân đưa Thi Phục về nhà mình. Vợ Chu Ân biết tin ân nhân đến bèn ra vườn bắt gà, chuẩn bị cơm canh để khoản đãi. Thi Phục ngăn vợ chồng Chu Ân lại mà rằng: “Cơm nước như vậy tôi đã vô cùng cảm tạ rồi, hà tất phải sát sinh!”

Vợ chồng Chu Ân nghe vậy liền khen Thi Phụng tấm lòng thật rộng lớn, bao dung với cả loài vật. Sau đó 3 người dọn cơm ra giữa sân, ăn uống hàn huyên đến tận khuya mới thôi.

Vì nhà nhỏ, chỉ có 1 giường ngủ nên Chu Ân đã hạ 1 cánh cửa xuống, kê lên 2 chiếc ghế dài để làm thành cái sập cho Thi Phục nghỉ ngơi.

Nửa đêm, khi Thi Phục đang thiu thiu ngủ thì đột nhiên con gà gáy ầm ĩ. Thi Phục nghe tiếng vội vàng trở dậy ra ngoài xem có chuyện gì. Ngay khi rời khỏi sập được 3 bước thì bỗng 1 tiếng long trời lở đất vang lên, Thi Phục quay lại thì thấy cánh cửa đã nát vụt, trên đó thấy có một vật to lớn đè xuống.

Chu Ân nghe tiếng chạy sang, nhìn thấy cảnh tượng đổ nát thì thất kinh: “Cái trục gác trên xà, không biết làm sao mà lại rớt xuống được? Có lẽ nào lúc nãy huynh tha mạng cho con gà, nên giờ nó cất tiếng gáy nhằm đền ơn cứu mạng chăng?”

Ngày hôm sau, Chu Ân đi thuê thuyền chở lá dâu về nhà Thi Phục. Người nhà nhìn thấy Thi Phục thì tỏ vẻ mừng rỡ nói, con thuyền chở đoàn người qua sông mua lá dâu gặp sóng lớn thì bị chìm, cả 10 người đều gặp nạn, duy chỉ có 1 người sống sót. May mà ông không ở trên đó.

Thoát chết 2 lần trong gang tấc khiến Thi Phục cảm thấy thật thần kỳ, bèn quay sang nói với Chu Ân rằng: “Nếu không gặp hiền đệ và lưu lại, giờ này chắc ta cũng gặp nạn rồi”.

“Đây đều là phúc báo cho sự lương thiện của đại ca lúc ngày thường, đâu có liên can gì đến đệ!”, Chu Ân đáp.

Vợ chồng Thi Phục từ đó ngày càng vui vẻ hành thiện, phàm là việc tốt mà bản thân có thể làm được, đều dốc lòng thực hiện. Sau này con cái đầy nhà, lại ngoan hiền hiếu thuận, không đầy mười năm đã có cơ nghiệp trị giá nghìn vàng, giàu có nhất vùng.