Trang chu

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Bài Học Từ Đại Bàng

Đại Bàng…



Đó là loài chim có tuổi thọ cao nhất trong chủng loại của mình. Chúng có thể sống tới 70 tuổi.

Nhưng để sống được tới tuổi này, chúng phải trải qua một quyết định khó khăn vào năm 40 tuổi

Khi đó, Những móng vuốt dài và linh hoạt không còn đủ sức tóm giữ con mồi làm thức ăn.

Chiếc mỏ dài và sắc nhọn trở nên cong yếu.

Đôi cánh nặng nề và già cỗi, do bộ lông dày, trở nên dính chặt vào ngực và khiến cho chúng khó bay lượn

Vì thế, đại bàng chỉ còn hai sự lựa chọn: chết hoặc trải qua một quá trình thay đổi đau đớn kéo dài 150 ngày.

Quá trình này đòi hỏi đại bàng bay lên đỉnh núi và ngồi trên tổ của mình

Tại đây đại bàng sẽ đập mỏ vào đá cho đến khi mỏ gãy rời

Sau khi mỏ gãy, đại bàng sẽ đợi cho mỏ mới mọc ra rồi sau đó bẻ gãy hết các móng vuốt của mình

Khi những móng vuốt mới mọc lại, đại bàng bắt đầu nhổ hết những chiếc lông cũ già cỗi

Và sau 5 tháng, đại bàng lại có thể tiếp tục những chuyến bay lượn tuyệt vời của sự hồi sinh và sống thêm 30 năm nữa.

Hãy học từ đại bàng…

Hãy trở nên thật dũng cảm và kiên cường để trải qua một giai đoạn thay đổi đầy khó khăn,

chịu đựng nhiều đau khổ và thử thách để được hồi sinh và tiếp tục bay cao, bay xa hơn nữa…

Chúc bạn thành công!


Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Chuyện về ba ông Phúc – Lộc – Thọ

Ba ông Phúc – Lộc – Thọ đều là người Tàu làm quan ở các triều khác nhau.

Ông Đa Phúc (người bế hai đứa hài nhi) tên là Quách Tử Nghi, làm quan đời nhà Đường. Ông làm quan thanh liêm, cảnh nhà nghèo túng, thanh bạch. Vợ giữ đúng đạo làm vợ, con giữ đúng đạo làm con, cháu chắt giữ đúng đạo làm cháu chắt… Năm ông bà bước sang tuổi 83 thì có chút (chút đích tôn ở đời thứ 5 mà người đời quen gọi là ngũ đại đồng đường). Ông bà Quách Tử Nghi sung sướng, ôm đứa chắt nội vào lòng, cùng cười một tiếng dài rồi cùng nhau viên tịch. Việc quy tiên của ông bà Quách Tử Nghi thật là “Tiên cảnh nhàn du” mà người già ai ai đều mong ước.

Ông Đa Thọ tên là Đông Phương Sóc làm quan đời nhà Hán. Trong cuộc đời làm quan ông luôn tìm những lời nói hay để làm vừa lòng Thiên tử nên luôn được nhà vua ban cho rất nhiều bổng lộc. Mỗi lần được vàng, bạc vua ban, ông lại đem cưới mỹ nữ về làm tỳ thiếp. Vì vậy, thê thiếp của ông nhiều vô kể. Đông Phương Sóc hưởng thọ 125 tuổi. Khi Đông Phương Sóc viên tịch, con cháu của ông đều đã chết cả. Cháu tứ đại (4 đời) phải thay bố làm ma cho cụ cố.

Ông Đa Lộc, tên là Đậu Từ Quân, làm quan đời nhà Tấn. Suốt cuộc đời quan lộ của mình ông luôn tìm cách xoay sở làm sao có được nhiều bổng lộc. Trông ông thật oai vệ, bụng to, cân đai sệ hẳn xuống. Nhưng thật buồn thay năm ông 80 tuổi mà vẫn chưa có cháu đích tôn. Vậy, suốt cuộc đời chỉ lo xoay sở nhiều lộc, lộc nhiều để làm gì và để cho ai.

Người ta sắp xếp một bộ ba ông Đa Phúc, Đa Lộc, Đa Thọ lại với nhau để răn đời và khuyên đời sau nếu có học thì học ông Đa Phúc mà thôi. Vì chính Phúc đã bao gồm “thọ, phú quý, an lạc, con cháu đông đúc”.

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

“Các em chẳng có gì đặc biệt”

Phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ) tuần trước, giáo viên tiếng Anh David McCollough Jr đã gây sốc khi nói thẳng: “Các em chẳng có gì đặc biệt”.

Thế nhưng, bài phát biểu của David McCollough lại được nhiều tờ báo và hãng tin Mỹ đăng tải, và thu hút được hàng chục ngàn comment (bình luận) trên mạng Internet, phần lớn đều ủng hộ thông điệp của ông McCollough.

Giáo viên David McCollough Jr khi đọc bài diễn văn gây sốc. (Ảnh: The Swellesley Report)

Trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp năm 2012, thay vì lặp lại những câu sáo mòn như “Chúng tôi rất tự hào về các em”, “Các em rất tài năng”, “Thế giới là của các em”…, ông McCollough đưa ra một thông điệp mà giới truyền thông Mỹ mô tả là “Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực”.

Wellesley High là trường công nổi tiếng ở thị trấn giàu có Wellesley, có truyền thống lâu đời và từng sản sinh nhiều nhân tài cho nước Mỹ. David McCollough Jr là con trai của nhà sử học – nhà văn David McCollough, người từng đoạt giải thưởng Pulitzer.

Trước các học sinh của mình đang xúng xính trong bộ đồng phục tốt nghiệp giống nhau, đang háo hức cầm trên tay tấm bằng, McCollough dõng dạc nói rằng “Các em chẳng có gì là đặc biệt”, “chẳng có gì là phi thường”! Một gáo nước lạnh như được giội xuống mọi thành tích vẻ vang của trường!

Được chăm bẵm quá mức


Trước bao ánh mắt mở to sửng sốt, McCollough điềm nhiên nói tiếp: “Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng… cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ.

Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười tỏa sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và giờ các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Không có chuyện đó đâu nhé!”.

Đến đây, McCollough dẫn các học sinh vào một hiện thực đang chờ đợi mình. “Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu của các trường, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên… Nhưng tại sao lại tự giới hạn chúng ta ở trường trung học thôi? Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn toàn cảnh. Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệ mặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Các nhà thiên văn đã khẳng định vũ trụ không có trung tâm đâu, do đó các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì”.

McCollough dẫn dắt tiếp: “Người Mỹ chúng ta giờ đây yêu các danh hiệu hơn là những thành công thật sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực, hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị trí tốt hơn trong xã hội… Hậu quả là chúng ta đang coi rẻ các trải nghiệm đáng giá, thế nên việc xây dựng một cơ sở y tế ởGuatemala trở thành chìa khóa để chạy xin vào học tại Bowdoin (học viện nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ) hơn là việc này vì cuộc sống của người dânGuatemala”.

Hạnh phúc không tự tìm đến

McCollough nhấn mạnh mục tiêu thật sự của giáo dục không phải đem lại lợi thế vật chất mà là sự hiểu biết, yếu tố quan trọng của hạnh phúc. “Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có”.

Sau khi khuyên các học sinh hãy tiếp tục đọc sách thường xuyên, phát triển ý thức về đạo đức, khẳng định cá tính, dám ước mơ, làm việc chăm chỉ và tư duy độc lập, yêu những người mình yêu hết mình, McCollough nhắc nhở: “Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực, chứ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống vì các em là người tốt hay vì cha mẹ đưa đến tận tay các em.

Các em hãy nhớ rằng những người tạo dựng nên nước Mỹ đã nỗ lực đảm bảo quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu là một động từ, và tôi nghĩ các em sẽ không có nhiều thời gian để nằm ườn một chỗ xem mấy trò nhảm nhí trên YouTube. Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay”.

Kết thúc phát biểu của mình, ông McCollough nhắn nhủ các học sinh hãy tự chủ, độc lập, sáng tạo không vì sự thỏa mãn do hành động đó mang lại, mà vì những điều tốt đẹp nó đem đến cho người khác. “Và khi đó, các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống. Đó là lòng vị tha, sống vì người khác, và đó là điều tuyệt vời nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt”.


Sự quan tâm thái quá của người lớn khiến cái tôi của bọn trẻ phình to. Do đó, tôi nghĩ chúng cần một cách suy nghĩ mới. Đưa chúng vào đời với cái tôi quá lớn chẳng khác nào làm hại chúng

McCollough khẳng định. Trả lời phỏng vấn Fox News, McCollough giải thích ông muốn các học sinh hiểu rằng chúng phải nỗ lực nếu muốn thành công trong cuộc đời.

Chuyện cổ Phật gia: Tâm từ bi

Trong một ngày đông vô cùng giá rét, một người lang thang tới phòng thiền của một vị tỳ kheo, vì đói rét mà ông run lên.

“Ngài có thể xem, tôi không chỉ cơ hàn đến lạnh cóng, mà cả nhà tôi đều đang mắc bệnh hiểm nghèo và có thể chết trong sớm chiều. Nếu ngài có chút gì, xin giúp chúng tôi sống qua những ngày đáng sợ này, mong ngài rủ lòng thương”, người lang thang khẩn cầu.


Vị tỳ kheo rất đồng tình với ông, tuy nhiên tìm quanh mãi không thấy thứ gì có thể bố thí cho ông được. Ngẩng đầu lên, ông thấy thánh tượng Như Lai mà mình thờ cúng; thế là ông lấy chiếc vòng vàng treo phía sau bức tượng đưa cho người lang thang và nói: “Hãy đi đổi tiền từ chiếc vòng vàng này”.

Các đệ tử khác thấy tình hình này thì vô cùng kinh ngạc. Họ không vừa ý, và trách ông thậm tệ: “Làm sao ông có thể lấy chiếc vòng vàng xuống được?”

Vị tỳ kheo đáp: “Tôi chẳng qua chỉ chiếu theo lời dạy của Đức Phật mà thôi. Phật Đà hạ thế phổ độ chúng sinh, nếu nhìn thấy tình cảnh này, chẳng phải Ngài cũng lấy chiếc vòng vàng xuống cứu người hay sao…”

Đúng vậy, bái Phật, tu Phật, tâm từ bi của Phật, kỳ thực đều thể hiện ngay trong một việc nhỏ đó. Hỡi các bạn! Các bạn đi qua tượng Phật mà đặt lên rất nhiều tiền, nhưng trong tâm các bạn không lấy từ bi mà đãi người, trong cuộc sống không dùng thiện tâm, không có lương tri thì Phật cũng không cao hứng đâu! Các ngài không dùng những đồng tiền lẻ đó của thế gian….

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Nhân sinh cảm ngộ: Trân quý hôm nay

Mọi thứ trên thế gian này cũng tựa như làn nước trong dòng sông: Nó không ngừng thay đổi vào mọi thời khắc. Tuy nhiên, nhiều người ngày nay không biết làm sao để nắm chắc “hôm nay”. Họ không trân quý cơ hội ngay trước mặt họ, mà lại lo lắng về tương lai.

Thực ra, thời gian không giống như là tiền: Bạn không thể để dành nó cho những ngày mưa gió sau này. Bất luận thế nào, mọi người chỉ có thể có thời khắc đó, tức là hôm nay và lúc này.


Vào thời cổ đại có một tiểu hòa thượng chịu trách nhiệm quét sân chùa. Vào mỗi sáng, cậu phải thức dậy sớm để quét một cái sân đầy lá cây, và đó là yêu cầu duy nhất cho cậu. Đó không phải là một công việc dễ dàng, đặc biệt vào mùa thu và mùa đông, khi những đống lá lớn bay khắp sân. Phải mất khá nhiều thời gian để quét hết lá cây trong những ngày đó. Kết quả là, cậu muốn tìm một con đường tắt để khiến cuộc sống dễ chịu hơn.

Sau đó, một nhà sư khác trong chùa, người cho mình là thông minh nói với tiểu hòa thượng: “Tại sao cậu không rung thật mạnh những cái cây trước khi quét vào ngày mai? Những cái lá sẽ rụng xuống hết, và cậu chỉ cần quét một lần thôi”. Tiểu hòa thượng rất phấn khích và nghĩ rằng giải pháp này thật là tuyệt vời! Ngày hôm sau, tiểu hòa thượng dậy sớm và rung thật mạnh từng cái cây. Cậu nghĩ rằng cậu có thể quét hết lá trong một ngày bằng cách làm vậy. Cậu rất hạnh phúc trong ngày hôm đó. Tuy nhiên, sáng hôm sau, cậu phát hiện rằng còn có nhiều lá trong sân hơn trước đó nữa. Cậu thất vọng và lại phải lao động cật lực lần nữa. Rồi sư trụ trì tới kiểm tra và thấy cậu đang buồn bã. Sau khi nghe chuyện, trụ trì nói: “Cậu bé ngốc ạ, bất kể hôm nay cậu lắc những cái cây mạnh thế nào, lá sẽ vẫn rơi vào ngày mai, vì chúng đã được định như thế”.

Mọi sự đều đã được an bài bởi Thiên ý và không ai có thể thay đổi chúng. Điều thực sự cần làm hôm nay là có thái độ đúng đắn với cuộc sống. Không cần phải đợi tới ngày mai, bởi vì ngày mai không biết sẽ ra sao. Không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra với hoàn cảnh xung quanh mình, rằng chúng sẽ thay đổi thế nào. Thật khó để dự đoán hay thậm chí là hiểu được. Khi bạn toàn tâm chờ đợi ngày mai, thực ra là bạn đang lãng phí hôm nay. Bỏ lỡ hôm nay có nghĩa là đang bỏ lỡ cơ hội quý giá nhất.

Chỉ có hôm nay mới là thực tại và chắc chắn. Trong hành trình cuộc sống, ngày mai dường như mờ nhạt và bất định hơn so với hôm nay. Hôm nay, bạn có thể hàn gắn vết thương, lau sạch nước mắt, làm tròn ước mơ của bạn từ ngày hôm qua. Nắm chắc hôm nay, bạn đang nắm bắt được bí mật của thời gian. Hãy gieo những hạt giống chân thành và lương thiện trên đất ngày hôm nay, và bạn sẽ gặt được những trái cây hạnh phúc trong ngày mai. Trân quý hôm nay, bạn sẽ không lãng phí nó và để cơ hội trôi qua. Trân quý hôm nay, chính là trân quý sinh mệnh bạn. Chỉ bằng cách trân quý hôm nay, bạn mới không hối tiếc suốt cuộc đời!

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Bóng đêm là gì?

Dưới đây là một đoạn đối thoại giữa một vị cao tăng trong một ngôi chùa Phật giáo cổ và một người vô thần.



Cao tăng: Thí chủ, chẳng hay có điều gì trên đời này mà ngài không tin tưởng nhất?

Người vô thần: Tôi thấy mới tin, không thấy thì không tin.

Cao tăng: Thí chủ, ngài rất thành thật. Nhưng ngài thấy đấy, có một cung điện màu xanh dát vàng, to lớn, nguy nga, đang ở trước mặt ngài khoảng 100 mét. Khi màn đêm buông xuống và bóng tối bao phủ, liệu ngài có cho rằng cái cung điện to lớn ấy không hề tồn tại?

Người vô thần: Tất nhiên là nó vẫn tồn tại, nhưng chỉ là bị bóng đêm bao phủ.

Cao tăng: Vậy thì bóng đêm là gì?

Người vô thần: Là…

Cao tăng: Khi trời tối, ngài tin vào bóng đêm? Còn lúc trời sáng, ngài tin vào ánh mặt trời?

Người vô thần: À thì…

Cao tăng: Này thí chủ, thực ra ngài chỉ có thể nhìn thấy những thứ mà ngài không nhìn thấy, tòa cung điện nằm ở đó và không bao giờ dịch chuyển, chỉ có tâm hồn và trí tuệ của ngài đã bị bóng đêm phong kín mà thôi, thế nên tòa cung điện đã biến mất khỏi tâm của ngài.

Người vô thần (chắp tay biểu lộ sự thành kính): Xin cao tăng chỉ giáo.

Cao tăng: Tất cả những điều làm tâm của ngài lung lạc cũng giống như bóng đêm bất tận và vô minh này, chỉ có cách thể hiện là khác nhau thôi. Hàng chục ngàn thứ tạo vật trên thế gian này cũng nhiều như cát sông Hằng, cho dù ngài có nhìn thấy hay không, có thể cảm nhận hay không, thì chúng vẫn luôn tồn tại ở đó; nếu ngài cứ ngồi dưới đáy giếng mà nhìn lên bầu trời, thì thật khó để hiểu được vũ trụ vô tận này. Nói cách khác, không thể tóm gọn trong việc nhìn thấy hay không nhìn thấy.

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Chú chó dũng cảm và tốt bụng

Thấy thế, hàng chục người công nhân đã sốc! Thịt chó trong nồi có độc.
Vào ngày 28 tháng 10 năm 2003, đầu bếp trưởng Liu mua một con chó đã chết ở một siêu thị. Anh mang con chó về trường học lái xe và bảo đầu bếp làm một nồi thịt chó cho bữa ăn tối. Có khoảng 30 người công nhân trong trường này. Mùi vị tuyệt vời của nồi thịt chó đã thu hút bốn con chó con vào phòng ăn. Một người học viên ném một miếng thịt cho chúng. Đột nhiên con chó mẹ Saihu chạy lại và giữ chặt miếng thịt dưới chân nó. Nó sủa về phía những con chó con, không để cho chúng ăn miếng thịt. Một sự thay thổi thái độ lạ thường! Bình thường Saihu rất cưng chiều những chú chó con. Nó thậm chí hất văng một con chó con ra khỏi phòng ăn khi nó đến cầu xin. Những con chó con còn lại cũng nhanh chóng bỏ chạy.

Sau khi tất cả chó con đã chạy ra ngoài, Saihu nhìn vào miếng thịt trên mặt đất và sủa vài tiếng nữa. Tuy nhiên, hơn 10 người công nhân hoàn toàn bỏ qua thái độ của nó và chuẩn bị ăn thịt chó. Saihu có vẻ lo lắng và nó đi vòng quanh nồi thịt chó mãi, vừa đi vừa sủa. Những người khác nghĩ có lẽ Saihu muốn một vài miếng thịt ở trong nồi và đã ném cho nó một vài miếng. Nhưng Saihu không ăn và tiếp tục sủa.

Khi Saihu thấy càng lúc càng nhiều người bước vào phòng ăn, nó bắt đầu sủa to hơn và dữ dội hơn. Nhưng không một ai quan tâm đến tiếng sủa của nó. Saihu đột nhiên nhảy dựng lên và rên rỉ thảm thiết. Sau khi nghe tiếng rên rỉ của nó, bốn con chó con ở ngoài chạy vào. Saihu dùng mũi của mình hôn lên những con chó con và dùng lưỡi để liếm hết bụi bẩn trên thân thể của chúng trong khi nước mắt của nó chảy xuống. Ngay lập tức Saihu lao thẳng về nhóm người phía trước và húc mạnh vào bắp đùi của họ, nhưng đáng tiếc, mọi người vẫn không hiểu được ý nghĩa những hành động của Saihu.

Mộ của Saihu tại thành phố Cửu Giang

Saihu đột nhiên ngồi trên mặt đất khóc và rên rỉ. Sau một tiếng hú dài, nó ăn ba miếng thịt ở trên mặt đất. Chưa đầy mười phút, nó lăn lộn trên mặt đất đau đớn, co giật, máu chảy ra ở mũi, tai và miệng. Sau đó nó chết.

Thấy thế, hàng chục người công nhân đã sốc! Thịt chó trong nồi có độc.

Sau đó, qua phân tích cho thấy rằng thịt chó có chứa lượng chất độc bả chuột đủ để giết chết một con bò. Nhờ Saihu, hơn 30 người đã được cứu sống.

Tôi từng nghe người ta kể về chuyện một con chó cứu người trước đây, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là truyền thuyết. Bây giờ, điều đó đã xảy ra đối với chính chúng tôi. Đó là điều xảy ra cách đây vài năm. Bếp trưởng Liu vẫn còn khá xúc động khi kể về chuyện này: “Tôi đã mua con chó đã chết đó. Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, tôi sẽ phải chịu trách nhiệm.Saihu đã cứu tất cả chúng tôi.”

Sau khi Saihu chết, chủ của nó, ông bà Fu, đã rất buồn và chôn nó trong vườn rau của họ.

Người quản lý nghĩa trang Ling Yuan ở thành phố Cửu Giang rất xúc động bởi câu chuyện của Saihu. Ông nói với gia đình ông bà Fu rằng ông muốn di chuyển phần mộ của Saihu về Ling Yuan.

Gia đình ông bà Fu ngạc nhiên và nói: “Ling Yuan là dành cho con người, làm sao ông chôn một con chó ở đó được?”

Người quản lý nói: “Mọi sự sống trên trái đất đều có trí khôn, và cuối cùng chúng cũng sẽ chết. Tuy nhiên, tinh thần của chúng vẫn còn. Ông bà không cho rằng lòng tốt và sự dũng cảm của Saihu rất đáng được ngưỡng mộ sao?”

Người quản lý này đã bỏ ra hơn 10.000 nhân đân tệ và thuê một chuyên gia để chọn một miếng đất, đóng một quan tài, và khắcbia cho Saihu. Vào ngày 12 tháng 12 năm 2003, bốn công nhân lái hai chiếc xe tải đã di chuyển ngôi mộ của Saihu.

Hôm đó là một ngày đặc biệt. Trời mưa, nhưng hơn 100 người đã tham dự lễ tang. Một số người được cứu bởi Saihu đã khóc. Bầu không khí tràn ngập tiếng pháo, rất cảm động.

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Động vật cũng có trí khôn

Khi con sếu trở về

Ông Lư ở Sâm Châu có nuôi hai con sếu, chúng rất hiền lành và đã được thuần hóa. Một ngày kia một trong hai con sếu chết đi vì bị thương, con sếu còn lại rất buồn, kêu gào thảm thiết và bỏ ăn.


Ông Lư ân cần nuôi dưỡng nó. Cho đến một ngày chú sếu này bay vòng quanh ông và kêu inh ỏi. Ông nói, “Nếu con muốn đi, ta sẽ không giữ con ở lại đâu”. Chú sếu sải cánh bay thẳng lên trời. Nó lượn vài vòng một lúc rồi bay đi.

3 năm sau, Ông Lư già yếu lại hiếm muộn, quay về sống tại ngôi làng cũ. Vào một buổi chiều, khi ông đang chống gậy đi dạo trong rừng, có một con sếu lượn vòng tròn trên bầu trời đồng thời kêu những tiếng bi ai. Ông Lưu ngẩng đầu lên và nói: “Là con đấy ư, bạn của ta ở Sâm Châu? Nếu đúng là con, hãy xuống đây nào”. Con sếu lập tức sà xuống, ngậm lấy áo ông trong chiếc mỏ của nó, và lượn vòng quanh ông. Con sếu theo ông Lưu về nhà.

Sau này, khi ông Lưu qua đời, con sếu bỏ ăn và chết theo, những người họ hàng của ông rất cảm động và chôn nó ngay cạnh mộ ông.

Lòng biết ơn của một con mèo

Thời trước, một người dân ở Tô Châu nợ tiền thuế chính quyền địa phương. Ông rất nghèo nên đã phải bỏ nhà đi trốn khắp nơi, bỏ lại một con mèo. Những người đi thu thuế bắt con mèo và bán cho một cửa hàng. Một ngày kia khi chủ cũ của con mèo đi ngang qua cửa hàng, con mèo nhảy ngay vào lòng ông. Khi chủ cửa hàng bắt con mèo trở lại, con mèo kêu thảm thiết và không ngừng quay đầu lại nhìn người chủ cũ. Vào buồi tối, con mèo ngậm một thứ gì đó trong miệng và chạy đến nhà người chủ cũ. Hóa ra đó là một nén bạc được bọc trong lụa, đủ để trả tiền thuế cho ông.

Những câu chuyện trên cho thấy chúng ta cần hiểu biết nhiều hơn về các sinh mệnh ở quanh mình. Chúng đều có tình cảm và trí khôn, mặc dù nhiều lúc chúng ta không nhận thấy.

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Trí giả không tranh biện

“Thắng làm vua, thua làm giặc” là quan niệm của thế tục. Các bậc Giác Giả và trí giả ở thế gian có thể chịu nhục mà không tức giận hay ưu sầu. Họ cũng không tranh cãi hay tranh đấu với người khác. Cảnh giới tinh thần cao thượng khiến họ có thể nhẫn nhượng, không chấp vào được mất nơi thế gian, cũng như duy trì một tâm thái tường hòa và bình thản.


Khi Khổng Tử chu du liệt quốc, một ngày Ngài gặp hai người thợ săn đang tranh cãi đến đỏ cả mặt. Sau khi hỏi lý do, Khổng Tử mới biết họ đang tranh luận một vấn đề nhỏ về số học. Người thợ săn lùn nói 8 lần 3 là 24, trong khi người thợ săn cao nói là 23. Hai bên đều khăng khăng là mình đúng và tới mức gần đánh nhau. Cuối cùng, họ quyết định phải có một thánh hiền phân giải và người thắng sẽ được tất cả thú săn.

Hai người nghe nói Khổng Tử là một thánh hiền, do đó họ lập tức nhờ Ngài phán xét. Khổng Tử nói người thợ săn lùn phải cấp thú săn cho người thợ săn cao. Người thợ săn cao chiến thắng và vui mừng rời đi. Người thợ săn lùn tất nhiên không phục. Anh ta hỏi trong giận dữ: “3 lần 8 là 24. Ngay cả một đứa trẻ cũng biết điều đó. Ông là một thánh hiền, vậy mà ông nghĩ nó là 23. Ông chỉ có hư danh!”

Khổng Tử cười và đáp: “Anh nói không sai. 3 lần 8 là 24 và đây là một chân lý mà ngay cả đứa trẻ cũng biết. Nếu anh biết chân lý và giữ vững nó, thì như vậy là đủ rồi. Tại sao anh lại tranh luận với một người ngốc về một vấn đề đơn giản như thế?” Người thợ săn lùn như bừng tỉnh ra. Khổng Tử vỗ vai anh ta và nói: “Cá nhân này tuy được thú săn, nhưng anh ta ngốc nghếch cả đời. Còn anh tuy thua cuộc, nhưng đã có một bài học sâu sắc”. Sau khi nghe xong, người thợ săn lùn gật đầu lia lịa tỏ vẻ bội phục cảnh giới tinh thần của Khổng Tử.

Chân lý tuy cần giữ vững, nhưng không nên tranh biện. Đối diện với sự thật, dối trá rồi cuối cùng sẽ bị giải thể. Do vậy khi bị chỉ trích hay hiểu lầm, chúng ta không cần phải quá mất công giải thích hay biện luận. Tốt hơn là lùi một bước và dùng tâm thái bình hòa để đối đãi. Bởi vì chân lý cũng như vàng kim chôn trong đất, nó sẽ tỏa sáng rực rỡ dù sớm hay muộn.

Stanislav Petrov – Vị anh hùng của thế giới

Trung tá Stanislav Petrov có nhiệm vụ sử dụng máy tính và vệ tinh để cảnh báo Liên Xô nếu có bất kỳ một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân nào của Hoa Kỳ. Trong trường hợp như vậy, chiến lược của Liên Xô là ngay lập tức khởi động toàn bộ vũ khí hạt nhân tấn công đáp trả Hoa Kỳ.


Ông đã ngăn chặn một thảm họa diệt vong toàn nhân loại. Tất cả chúng ta và con cháu của chúng ta đã nợ ông, mãi mãi…
Năm 1983 ở Nga, ông đã trở thành người anh hùng “vô danh” đối với nước Mỹ và toàn thể thế giới,và có lẽ là người anh hùng vĩ đại nhất mọi thời đại. Do bí mật quân sự, và các khác biệt về chính trị và quan hệ quốc tế, hầu hết người dân thế giới đều chưa từng nghe nhắc đến ông. Ông là Stanislav Petrov.

Sự kiện lạ lùng mà đã khiến ông trở thành anh hùng, đã xảy ra gần thủ đô Moscow của Liên Xô cũ, lúc rạng sáng ngày 26 tháng 9 năm 1983. Vì sự khác biệt múi giờ, lúc đó vẫn đang là buổi chiều Chủ nhật ngày 25 tháng 9 theo giờ Mỹ.

Trong cuộc Chiến Tranh Lạnh vào thời gian này, Mỹ và Liên Xô là những kẻ thù không đội trời chung. Hai siêu cường thế giới đã không tin tưởng lẫn nhau, và mối ngờ vực ấy đã dẫn đến một hậu quả nguy hiểm: Họ chế tạo hàng ngàn vũ khí hạt nhân, sử dụng chúng để chống lại nhau nếu một khi cuộc chiến giữa họ bùng nổ. Nếu xảy ra một cuộc chiến như thế, thì những quốc gia này rất có thể đã tàn phá lẫn nhau và phần lớn thế giới từ lâu, kết quả có lẽ đã là cái chết của hàng trăm triệu người.


Trung tá Stanislav Petrov có nhiệm vụ sử dụng máy tính và vệ tinh để cảnh báo Liên Xô nếu có bất kỳ một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân nào của Hoa Kỳ. Trong trường hợp như vậy, chiến lược của Liên Xô là ngay lập tức khởi động toàn bộ vũ khí hạt nhân tấn công đáp trả Hoa Kỳ.

Vào cái ngày đặc biệt ấy, có điều gì đó đã nhầm lẫn. Máy tính đột nhiên nổi chuông báo động, cảnh báo một tên lửa của Mỹ đang hướng về phía Liên Xô. Trung tá Petrov cho rằng đã xảy ra một lỗi máy tính, bởi lẽ Hoa Kỳ không thể chỉ khởi động một tên lửa để tấn công Liên Xô – nó phải khởi động nhiều tên lửa mới đúng. Hơn nữa, hệ thống vệ tinh đang được sử dụng rất thiếu tin cậy. Vì thế ông đã bỏ qua cảnh báo, và kết luận rằng thực ra không có bất kỳ tên lửa nào đã được phóng từ Hoa Kỳ cả.

Nhưng chỉ một lát sau, tình huống trở nên rất nghiêm trọng. Lần này hệ thống máy tính cho biết một tên lửa thứ hai đã được Hoa Kỳ phóng đi và đang tiếp cận Liên Xô. Sau đó nó hiển thị tên lửa thứ ba, rồi thứ tư, thứ năm. Chuông báo động vang lên inh ỏi. Nút “Khởi động” trước mặt trung tá Petrov lúc ấy đang nhấp nháy sáng, có lẽ nó ngụ ý nhắc nhở Liên Xô phải khởi động một cuộc tấn công ồ ạt chống lại Hoa Kỳ.

Mặc dù trung tá Petrov có một cảm giác day dứt là hệ thống máy tính nhầm lẫn, nhưng ông không có cách nào để biết chắc chắn. Không có gì khác để xác minh. Rađa mặt đất của Liên Xô không có khả năng phát hiện bất kỳ tên lửa nào ở độ cao quá mức, và đến khi rađa mặt đất nhận được tín hiệu thì sẽ là quá muộn. Tồi tệ hơn, ông chỉ có một vài phút để quyết định báo cáo điều gì với lãnh đạo Liên Xô. Ông đã đưa ra quyết định cuối cùng: ông tin vào trực giác của mình và tuyên bố đó là một báo động giả. Ông nhận thấy rằng, nếu ông sai thì những tên lửa hạt nhân của Hoa Kỳ sẽ sớm rơi xuống Liên Xô.

Ông chờ đợi. Một phút rồi hai phút trôi qua. Mọi thứ vẫn yên tĩnh – không một tên lửa, không một sự phá hủy nào cả. Quyết định của ông đã đúng. Stanislav Petrov đã ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Ông là một anh hùng. Những người xung quanh ông đã chúc mừng sự phán đoán tuyệt vời của ông.


Nhưng ông đã không làm theo thủ tục quân sự, đã bất chấp sự cảnh báo của máy tính. Và chính vì điều đó, ông đã bị cấp trên tra khảo gay gắt về hành động của ông trong tình huống cực kỳ căng thẳng đó. Có lẽ bởi vì ông phớt lờ những cảnh báo đó, ông đã không còn được coi là một sĩ quan quân đội đáng tin cậy nữa. Trong quân đội quân lệnh luôn luôn phải được thực hiện, không được hỏi.

Cuối cùng, quân đội Liên Xô đã không khen thưởng hay tuyên dương hành đồng của Stanislav Petrov. Họ cũng không trừng phạt ông. Nhưng sự nghiệp quân sự đầy triển vọng của ông đã chấm dứt. Ông đã bị điều đến một vị trí ít nhạy cảm hơn rồi nhanh chóng bị cho nghỉ hưu sớm. Ông vẫn tiếp tục sinh sống ở Nga bằng tiền lương hưu còm cõi.

Nhờ hành động của Stanislav Petrov vào cái ngày năm 1983 ấy mà Trái Đất tránh khỏi một thảm kịch bi đát nhất trong lịch sử nhân loại. Stanislav Petrov cho biết ông không tự xem mình là một người anh hùng vì điều mà ông đã làm vào ngày hôm đó. Nhưng, với vô số sinh mạng được cứu thoát cùng với hành tinh xanh của chúng ta, không thể phủ nhận ông là một trong những vị anh hùng vĩ đại nhất mọi thời đại.

Còn có một điều may mắn kỳ lạ cho nhân loại chúng ta. Vào cái đêm định mệnh ấy, nhẽ ra Stanislav Petrov không ở đó. Ban đầu ca trực ấy vốn thuộc về người khác, nhưng sau vì một nguyên do bí ẩn nào đó, ông đã được lựa chọn trực máy để thay thế cho người kia. Nếu ông không ở đó mà là một sĩ quan chỉ huy khác, thì người đó sẽ không nghi ngờ gì về hệ thống báo động của máy tính, và thế giới đáng ra đã chìm vào một cuộc thảm sát hạt nhân hủy diệt toàn nhân loại. Đó là điều may mắn không thể nghĩ bàn đối với nước Mỹ và cả thế giới. Nhưng đối với Stanislav Petrov, sự kiện đó đã hủy hoại sự nghiệp, sức khỏe và sự yên bình trong tâm hồn ông. Đó là một món nợ mà thế giới này không bao giờ trả hết.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Làm việc thiện Trời sẽ ban phúc thọ

Nhà sư vui mừng nói với chú tiểu rằng Thiên thượng đã thưởng cho cậu thêm dương thọ.
Chú tiểu được tăng thêm dương thọ
Ngày xửa ngày xưa, có một nhà sư đã tu luyện đạt đến cảnh giới khá cao. Ông sống cùng một chú tiểu. Một lần, trong khi ngồi thiền, ông biết được rằng chú tiểu chỉ có thể sống thêm được 7 ngày nữa. Với tính cách hay quan tâm chăm sóc người khác, nhà sư đã bảo chú tiểu về thăm nhà và chăm sóc cha mẹ.


8 ngày sau, chú tiểu trở lại. Nhà sư thấy rất hiếu kỳ vì chú tiểu này vẫn chưa chết. Sau đó, ông thiền định và lặng lẽ quan sát xem điều gì đã xảy ra mà đã khiến số mệnh chú tiểu thay đổi như thế.

Thì ra là trên đường về nhà, chú tiểu đã nhìn thấy một tổ kiến sắp bị ngập nước. Cậu bé nhanh chóng cởi áo choàng của mình và đặt một ít đất vào để chắn nước khỏi tràn vào tổ kiến. Cuộc sống của chú tiểu này kéo dài thêm được 12 năm nữa vì cậu bé đã bảo vệ đàn kiến, tích được đức lớn.

Nhà sư vui mừng nói với chú tiểu rằng Thiên thượng đã thưởng cho cậu thêm dương thọ. Sau khi biết được điều đó, chú tiểu tu luyện càng thêm tinh tấn. Cuối cùng, chú tiểu đã đạt được quả vị La Hán.

Tô Đông Pha và những chú chim
Tô Thức là một nhà thơ hết sức nổi tiếng vào thời nhà Tống. Ông đã xây dựng cho mình một thư phòng ở sườn phía đông cạnh nhà ông để ông có thể thiền định và viết ở đó. Ông tự gọi mình là “Phật tử ở sườn núi Đông”.(”Đông pha” nghĩa là sườn phía Đông).


Phía trước thư phòng của ông có rất nhiều cây tre, cây bách và hoa. Theo thời gian, sân của ông ngập tràn đầy hoa lá. Rất nhiều chim chóc đến làm tổ trên cây cối cạnh nhà. Đông Pha cấm con cái và nô bộc không được bắt chim.

Một vài năm sau, chim dần làm tổ ở những cành cây ngày càng thấp hơn. Mọi người thậm chí có thể nhìn thấy những quá trứng lũ chim đẻ trong tổ khi họ đi ngang qua đó. Thế là con người và chim chóc chung sống cùng nhau thật hạnh phúc.

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Câu chuyện về Vua Solomon và chiếc vòng thần kỳ

Một ngày nọ vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cận thần thân tín của mình. Vua bèn nói với ông: “ Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ và ta cho ông sáu tháng để tìm chiếc vòng đó”.


Benaiah trả lời: “ Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đứa vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhung chắc là chiếc vòng ấy phải có gì đặc biệt?”

Nhà vua đáp: “ Nó có một sức mạnh kỳ diệu. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn nhìn vào nó sẽ thấy vui”. Vua Salomon biết rằng sẽ không có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.

Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế.

Vào đêm trước ngày lễ, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn.

Benauah dừng chân lại hỏi: “ Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui song với người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không?”. Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng ngời một nụ cười.

Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón lễ hội. “ Nào, ông bạn của ta – vua Salomon hỏi – ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?”. Tất cả các cận thần có mặt đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói: “ Nó đây, thưa đức vua”. Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó có khắc dòng chữ: “ĐIỀU ĐÓ RỒI CŨNG QUA ĐI”. Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó ông cũng chỉ là cát bụi…

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

“Chuyện tử tế”

Hai sinh viên nghèo ở TP.HCM vay tiền bạn giữa đêm khuya để nộp viện phí cho một người xa lạ, bị tai nạn giao thông vừa gặp trên đường. Thêm một câu chuyện khiến dư luận xôn xao, hẳn có phần vì lâu nay, người ta thường ấn tượng nhiều hơn về những chuyện không đẹp trên báo chí.

Báo Sài Gòn Tiếp thị ngày 14/11 thông tin, khoảng 23h ngày 9/11, Nguyễn Công Hiến, sinh viên học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM và Nguyễn Viết Sơn, sinh viên đại học Công nghệ thông tin TP.HCM thấy một bóng người nằm bất động trên đường, đoạn quốc lộ 1A, gần Đại học Nông Lâm. Hai em kể, rất nhiều xe cộ đi qua đoạn đó, giảm tốc độ nhưng rồi lại… chạy tiếp.

Hiến (áo carô) và Sơn (áo sọc ngang) đang thăm hỏi nạn nhân mình đã cứu giúp.Ảnh: SGTT

Băng qua dòng xe, hai em tới gần và phát hiện nạn nhân là một cô gái còn sống liền gọi cấp cứu. Chờ xe quá lâu, cả hai tự dùng xe máy đưa cô gái tới Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức.

Khi vừa đưa nạn nhân vào bệnh viện, Hiến và Sơn được yêu cầu nộp 800.000 đồng chi phí chụp CT và cấp cứu nạn nhân. Toàn bộ số tiền hai em có là 300.000 đồng. Lúc đầu nghĩ tới chuyện cắm xe, sau nhớ ra có người bạn sẵn sàng giúp, Hiến liền gọi điện cầu viện. Giữa đêm, hai người bạn của Sơn và Hiến đã tức tốc chạy tới bệnh viện cùng bạn giúp đỡ cho người gặp nạn.

Có ba điểm đáng chú ý trong câu chuyện này. Một là, dòng xe cộ đi chậm lại vì nhận ra có người bị nạn. Nhưng rồi họ lại đi tiếp. Chi tiết làm chúng ta nhớ tới bé Duyệt Duyệt, bé gái ở Trung Quốc bị hai xe tải tông liên tiếp, nghiền nát một phần thân thể, nhưng 18 người đi qua không cứu giúp, mãi cho đến khi một bà quét rác nhìn thấy, bồng bé đi cấp cứu. Người Trung Quốc sôi sục lên án sự vô cảm, độc giả Việt Nam đau xót và chia sẻ cùng gia đình bé, bằng những comment dưới mỗi bài viết về câu chuyện này. Có lẽ nhiều người trong số họ chưa biết, đã có một câu chuyện tương tự.

Hai là, hai sinh viên nghèo vét túi chỉ được 300.000 đồng sẵn sàng cắm xe để cứu giúp một người dưng có nghĩ tới chuyện có thể sẽ không lấy lại được số tiền đó không? Nghe Hiến giải thích: “Triết lý sống của em là nếu có dịp thì cứ giúp người khác đi, rồi sẽ có người giúp lại mình. Người ta cứ nói nhịp sống hiện đại làm con người trở nên thờ ơ, nhưng em tin rằng nếu gặp hoàn cảnh tương tự, các bạn trẻ khác cũng sẽ hành động giống như chúng em thôi…”, thấy câu trả lời không còn có ý nghĩa. Còn trông chờ vào sự hào hiệp nào hơn thế?

Ba là, hai người bạn sẵn sàng ra khỏi nhà giữa đêm, để cho bạn vay tiền cứu giúp người bị nạn. Hai em tin tưởng vào hai người bạn của mình, hay hai em tin tưởng vào hành động tốt của hai người bạn.

Câu chuyện vô tình trùng với nhận xét của PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia trên Phunutoday, “trong xã hội ta hiện nay, những cái thuộc về truyền thống, những tình cảm sâu đậm, đáng quý…vẫn tồn tại đâu đó trong giới trẻ và chúng ta phải tin tưởng vào họ. Chính lớp trẻ chủ động chọn lựa những gì tốt nhất, quý nhất để phát huy truyền thống”.

Người viết những dòng tản mạn này chợt nhớ tới một một bộ phim Mỹ: cậu bé, nhân vật chính trong phim đã muốn “thay đổi thế giới” bằng cách giúp đỡ ba người không đòi trả ơn mà chỉ yêu cầu mỗi người họ giúp đỡ ba người khác nữa. Sau đó, họ cũng nói lại với những người được giúp tiếp theo tiếp tục giúp ba người khác… Cậu bé hi vọng, lòng tốt sẽ tiếp tục được lan tỏa như vậy.

Tại sao không? Biết đâu sẽ có những “chuyện tử tế” thay đổi thế giới. Hoặc ai đó sẽ tìm được sự tử tế trong chính con người mình.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Ngụ ngôn hoạt hình: Kiến và cậu bé


1. Những chú kiến đang bận rộn dưới ánh nắng. Duoduo bé nhỏ cuối xuống để xem chúng. Bóng của cậu đã che khuất ánh nắng.

2. Những chú kiến ngạc nhiên: Cái gì đang che ánh nắng mặt trời? Kiến A: Nó thật khổng lồ vô cùng. Có thể đó là một người, từ tầng thứ cao phi thường trong truyền thuyết ấy? Kiến B: Đã có một truyền thuyết, từ xa xưa lắm. ( từ trong tranh: Wow! Cái gì thế?)

3.Những con kiến sôi nổi thảo luận về điều đó. Một số thì tin, một số thì không. Nhưng truyền thuyết về sự tồn tại của “con người” phổ biến rộng rãi trong cộng đồng kiến. ( từ trong tranh: Tôi không tin. Nếu bạn có thể tìm một con người và chỉ cho tôi thấy, thì tôi sẽ tin bạn).


4. Nghe tin tức, Nữ hoàng của loài kiến bắt đầu tức giận: “Cái gì! Cái gì có thể cao cấp hơn tôi, Nữ hoàng tối cao của loài kiến” (từ hoạt họa: Cái gì! Có con người đang tồn tại? Đó là mê tín! Nữ hoàng ra lệnh: Tất cả thần dân kiến phải tăng cường học thuyết tiến hóa của tôi tập trung vào 3 thứ: sự quan tâm đến khoa học, sự chú đến sản xuất, chú ý đến nữ hoàng của loài kiến!)


5. Và theo đó, một chiến dịch lớn tuyên truyền về “ủng hộ khoa học và chống mê tín” đã được tiến hành trong hang của những con kiến. Tuy nhiên, truyền thuyết về con người đã thật sự ở trong lòng những con kiến, nó không thể bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền. (từ hoạt họa: bên trái: Ủng hộ khoa học, chống mê tín. Bên phải (tranh): Chúng ta sẽ có Nữ hoàng của loài kiến là nòng cốt cho sự cải thiện cơ cấu tố chức của loài kiến”.


6. Khi Nữ hoàng kiến biết được tình hình, bà ta hét lên: Ta không tin rằng khái niệm “ Con người không tồn tại” không thể chiến thắng niềm tin “ có tồn tại con người”. Hãy làm thấm nhuần tất cả, bắt đầu từ những trẻ em kiến!” Tất cả những con kiến nào tin con người tồn tại sẽ phải chọn giữa cuộc sống của chúng và niềm tin. Những trẻ em kiến phải trả lời câu hỏi trong bài kiểm tra tốt nghiệp của chúng: “Con người có hay Nữ hoàng kiến đúng?” ( từ hoạt họa: câu hỏi đó phải được trả lời? là người có hay Nữ hoàng kiến đúng?)


7. Duoduo bé nhỏ đứng dậy và rời đi. Sau đó, vì bất cẩn, Nữ hoàng kiến chết dưới bước chân của cậu bé. ( từ hoạt họa: Đã đến giờ phải về nhà rồi)

8. Điều đáng tiếc là những con kiến bị lừa dối vẫn không biết chính xác những gì đã xảy ra. Họ vẫn suy nghĩ mãi về có sự tồn tại của con người. (từ hoạt họa: Có con người hay không?)

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Lời nguyện cầu

Một con tàu đang lênh đênh trên biển thì gặp bão to và bị đắm. Chỉ có hai trong số những thủy thủ trên tàu đủ sức bơi đến một hòn đảo gần đó. Họ sống sót nhưng không biết làm gì để sinh tồn nên quyết định cầu nguyện.

Tuy nhiên, họ muốn xem ai có lời nguyện cầu thỉnh tới được Đức Chúa trời nên đã phân chia lãnh thổ, mỗi người ở một nửa hòn đảo.


Điều đầu tiên, họ cầu nguyện để có thức ăn. Sáng ngày hôm sau, người đàn ông đầu tiên nhìn thấy một cây đầy trái ngọt ở trên phần đảo của mình, giờ thì anh ta không lo bị đói nữa. Người đàn ông kia lại ở mảnh đất cằn cỗi rất khó khăn để tìm đủ thức ăn cho mình.

Sau một tuần, người đàn ông đầu tiên thấy cô đơn. Anh ta quyết định cầu xin một người vợ. Ngày hôm sau, một con thuyền khác bị đắm và chỉ có một người phụ nữ duy nhất sống sót bơi được vào bờ đảo của anh ta. Ở bên kia hòn đảo vẫn không có gì xảy ra cả.

Ngay sau đó, người đàn ông đầu tiên lại cầu nguyện nhà cửa, quần áo và thêm nhiều thức ăn hơn nữa. Và như một phép màu, hôm sau ngày cầu nguyện người đàn ông đó có mọi thứ mình muốn. Tuy nhiên, người đàn ông thứ hai vẫn không có gì cả.

Cuối cùng, người đàn ông đầu tiên cầu nguyện có một con tàu để anh ta và vợ có thể rời hòn đảo về đất liền. Vào buổi sáng, anh ta phát hiện một con tàu đang cập bến hòn đảo. Anh ta cùng vợ lên tàu, quyết định không gọi người đàn ông thứ hai cùng đi.

Khi con tàu chuẩn bị rời đi, người đàn ông đầu tiên chợt nghe thấy giọng nói từ thiên đàng vọng xuống: “ Tại sao nhà ngươi không gọi người bạn đồng hành của mình đi cùng?”.

Người đàn ông trả lời: “Tôi là một người cầu nguyện chăm chỉ và tôi xứng đáng được hưởng những phước lành của tôi. Những lời cầu nguyện của anh ta không được Chúa trả lời vậy nên anh ta không xứng đáng được hưởng bất cứ điều gì”.

“Nhà ngươi lầm rồi”, giọng nói quở trách vang lên. “Anh ta đã chỉ có một lời cầu nguyện duy nhất và ta luôn trả lời. Nếu không thì nhà người không bao giờ nhận được những phước lành ấy”.

“Hãy nói cho tôi biết, anh ta đã cầu nguyện điều gì?”


“Người bạn tốt bụng của ngươi đã luôn cầu nguyện rằng mọi lời cầu nguyện của nhà ngươi sẽ thành sự thật”.
Và bạn biết không, để những lời nguyện cầu của bạn thành sự thật, rất có thể là nhờ ở đâu đó, vào một lúc nào đó, cũng có một người thân đang cầu nguyện cho bạn.

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Giữ chữ tín và không tham lợi

Triệu Nhu là người thời Bắc Ngụy (396-535 sau Công nguyên), thời trẻ nổi tiếng đức hạnh và học giỏi khắp vùng. Ông khoan dung nhân hậu, nhiều lần đảm nhiệm chức quan Trứ tác lang, thái thú.


Triệu Nhu có lần đi đường nhặt được một thỏi vàng người khác đánh rơi, ông liền gọi người mất của lại để đưa trả.

Sau này, có một người biếu Triệu Nhu mấy trăm chiếc lưỡi cày, thế là ông bèn cùng con trai tên là Thiện Minh mang tới chợ phiên để bán. Có một người muốn mua lưỡi cày của Triệu Nhu, ông nói giá 20 cuộn lụa. Một thương nhân khác thấy ông nói giá thấp quá, liền trả giá 30 cuộn lụa để lấy hàng. Thiện Minh liền muốn bán cho thương nhân ấy, nhưng Triệu Nhu nói:“Giao dịch với người ta, một lời đã nói ra, làm sao có thể vì thấy lợi mà động tâm được?”. Thế là lập tức bán cho người đầu tiên với giá 20 cuộn lụa.

Người dân quanh đó nghe nói về chuyện ấy đều rất khâm phục Triệu Nhu.

Cổ nhân cho rằng một người phẩm hạnh cao thượng cần phải “Gặp lợi thì nghĩ đến chính nghĩa”, tức là khi đối mặt với lợi ích cá nhân liền nghĩ xem liệu như thế có phù hợp với chuẩn mực đạo đức hay không. “Lời nói đáng tin, thành thực không lừa dối”được xem như bảo bối của các doanh nhân, cũng là đức tốt mà người ta đều cần phải có. Doanh nhân nếu gặp lợi bỏ quên chính nghĩa, bịp dối người ta, như thế chỉ lấy được cái lợi nhỏ trước mắt nhưng về sau sẽ không còn khách nào quay trở lại nữa. Chung sống với mọi người cũng là đạo lý ấy, không ai kết giao với những người dối trá.

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Những người con hiếu thảo

Các em đều còn nhỏ tuổi nhưng thật sự là những tấm gương sáng về lòng hiếu thảo và sự ngoan ngoãn.

Không phải tất cả những tấm gương sáng đều là teen, có những em bé còn ít tuổi nhưng đã khiến người lớn vô cùng nể phục vì lòng hiếu thảo và sự ngoan ngoãn của các em. Có thể gọi các em là những “tiểu thiên thần” ngây thơ, trong sáng và điểm đáng quý nhất là có tấm lòng hiếu thảo. Tuổi còn nhỏ, có em còn chưa cắp sách đến trường, ấy mà ngày ngày, các em vẫn gắn bó bên chiếc giường bệnh để chăm sóc cho cha mẹ đang ốm đau, làm cho nhiều người không kìm được nước mắt.

Cậu bé 7 tuổi chăm mẹ làm cảm động cộng đồng teen Việt
Ở Việt Nam của chúng ta cũng có không ít “tiểu thiên thần” bên giường bệnh. Điển hình là bé Mai Xuân Trường (7 tuổi), xuất thân từ một gia đình có mẹ làm nghề giáo. Từ nhỏ, Trường lúc nào cũng hiếu thảo, cực kì ngoan hiền và biết quan tâm đến người khác. Đến lúc Trường vừa lên 2 tuổi thì cô Mến (mẹ Trường) đột ngột mắc phải căn bệnh ung thư ngực. Khổ hơn, bố của Trường cũng bỏ nhà đi. Cô Mến đành phải để “tiểu thiên thần” của mình chăm nom miếng cơm, miếng nước. Không chỉ thế, mỗi ngày, sau khi tự chăm sóc bản thân như làm vệ sinh cá nhân, ăn uống xong, Trường còn: “Ở nhà xoa dầu, bóp tay cho mẹ đỡ đau.” – em nói.

Trường là con trai nhưng làm việc gì cũng hết sức cẩn thận.

Sau khi đút cơm cho mẹ ăn xong, Trường còn xoa bóp, nắm tay cho mẹ nữa.

Quanh xóm, bà con đã quá quen với hình ảnh một thằng bé bụ bẫm, đáng yêu ngày nào cũng lăn xăn tìm cơm, tìm nước cho mẹ. “Những ngày cuối đời này, tôi chỉ còn biết trông vào thằng bé thôi.” – Cô Mến xúc động nói.


Tấm bằng chứng nhận lao động giỏi của cô Mến khi cô còn giảng dạy tại trường.

Hiện cô Mến và bé Mai Xuân Trường đang tá túc tại nhà người thân ở 271/3 ấp Ninh Lộc, Ninh Sơn, TX Tây Ninh, điện thoại liên lạc: 01264902397. Các bạn hãy bỏ chút thời gian chia sẻ, động viên cô Mến và bé Trường nhé!

Cô bé 4 tuổi chăm sóc cả bố lẫn mẹ
Nhà của bé Nguyễn Thị Thảo Uyên (4 tuổi) là một trong những hộ nghèo của phường Phú Nhuận, TP. Huế. Gia đình có 4 người mà những 3 người bị mắc bệnh ngặt nghèo. Cuộc sống của mẹ Uyên được đếm từng ngày bởi căn bệnh ung thư giai đoạn cuối rất nguy cấp, bố thì càng ngày càng yếu, mất luôn cả sức lao động vì mắc chứng gút mãn tính, không đi lại được. Bản thân Uyên còn bị chứng bệnh u xơ vòm ngực “đeo bám”, nhưng ngày ngày Uyên đều túc trực bên hai giường bệnh, một của bố và một của mẹ để mang thuốc thang, cơm nước… Nhiều đêm gần như phải thức trắng nhưng em chỉ nói: “Em không sợ cực, chỉ sợ mình ngủ, sẽ mãi mãi không nhìn thấy ba mẹ nữa.”

Uyên đút cơm cho mẹ ăn

Rồi lại chạy sang xoa chân cho bố.


Bé Uyên và ba mẹ.

Uyên thật sự là một cô bé hiếu thảo và ngoan hiền, lúc nào cũng “vâng vâng, dạ dạ” với người lớn. Trong trường, Uyên cũng là một cô học trò học rất giỏi. Mỗi ngày, Uyên phải mang theo một cái chén và một cái muỗng để vào lớp xin cơm của bạn bè ăn lót dạ buổi trưa do không có khả năng đóng tiền ăn trưa tại trường. Uyên tâm sự: “Em không thấy xấu hổ đâu, nhà em nghèo em phải xin các bạn ăn thôi, phải ăn mới có sức lo cho ba mẹ nữa chứ, nhà em hết tiền rồi.”

Đây là tờ đơn kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ mình do chính tay Uyên viết. Mọi sự giúp đỡ, chia sẻ cho Uyên xin gửi theo địa chỉ: Hoàng Thị Lan, Khu tập thể 18 Đống Đa, phòng 309, Nhà B, phường Phú Nhuận, TP.Huế.