Trang chu

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Phú ông và hạnh phúc

Có một phú ông vô cùng giàu có. Hễ thứ gì có thể dùng tiền mua được là ông mua về để hưởng thụ. Tuy nhiên, bản thân ông lại cảm thấy không vui, không hề hạnh phúc.

Một hôm, ông ta nảy ra một ý tưởng kỳ quặc, đem tất cả những đồ vật quý giá, vàng bạc, châu báu cho vào một cái bao lớn rồi đi chu du. Ông ta quyết định chỉ cần ai có thể nói cho ông làm thế nào để hạnh phúc thì ông sẽ tặng cả bao của cải cho người đó.

Ông ta đi đến đâu cũng tìm và hỏi, rồi đến một ngôi làng có một người nông dân nói với ông rằng nên đi gặp một vị Đại sư, nếu như Đại sư cũng không có cách nào thì dù có đi khắp chân trời góc bể cũng không ai có thể giúp ông được.

Cuối cùng cũng tìm gặp được vị Đại sư đang ngồi thiền, ông ta vui mừng khôn xiết nói với Đại sư: “Tôi chỉ có một mục đích, tài sản cả đời tôi đều ở trong cái bao này. Chỉ cần ngài nói cho tôi cách nào để được hạnh phúc thì cái bao này sẽ là của ngài”.

Lúc ấy trời đã tối, màn đêm sắp buông xuống, vị Đại sư nhân lúc ấy liền tóm lấy cái túi chạy đi. Phú ông sợ qua, vừa khóc vừa gọi đuổi theo: “Tôi bị lừa rồi, tâm huyết của cả đời tôi”.


Phú ông và hạnh phúc

Sau đó vị Đại sư đã quay lại, trả cái bao lại cho phú ông. Phú ông vừa nhìn thấy cái bao tưởng đã mất quay về thì lập tức ôm nó vào lòng mà nói: “Tốt quá rồi!”. Vị Đại sư điềm tĩnh đứng trước mặt ông ta hỏi: “Ông cảm thấy thế nào? Có hạnh phúc không?” – “Hạnh phúc! Tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc rồi!”.

Lúc này, vị Đại sư cười và nói: “Đây cũng không phải là phương pháp gì đặc biệt, chỉ là con người đối với tất cả những thứ mình có đều cho rằng sự tồn tại của nó là đương nhiên cho nên không cảm thấy hạnh phúc, cái mà ông thiếu chính là một cơ hội mất đi. Ông đã biết thứ mình đang có quan trọng thế nào chưa? Kỳ thực cái bao ông đang ôm trong lòng với cái bao trước đó là một, bây giờ ông có còn muốn đem tặng nó cho tôi nữa không?”.

Câu chuyện thú vị này đã khiến tôi chợt nhận ra bản thân mình trong đó. Bạn liệu có phát hiện ra rằng, khi mất đi hoặc thiếu thứ gì đó bạn sẽ luôn nhớ về nó, nhưng khi có được rồi thì lại dễ dàng coi nhẹ, thậm chí nhìn mà không thấy nó?

Nếu từng yêu, bạn sẽ hiểu được điều đó. Mối tình đầu…

Đối phương gọi điện hỏi thăm bạn, tặng quà cho bạn đều khiến bạn vui rất lâu. Tuy nhiên, một khi bạn đã xác lập mối quan hệ hoặc kết hôn thì tất cả sẽ biến mất hoặc tất cả đều biến thành điều hiển nhiên. Và khi đó là chuyện đương nhiên, liệu bạn còn trân trọng nó nữa?

Con người luôn quan tâm, hoài niệm thứ đã mất song lại không biết trân trọng những thứ mình đang có, đang sống trong hạnh phúc mà không biết mình hạnh phúc. Có lẽ, đó chính là bất hạnh lớn nhất của con người và cũng là nguyên do khiến hạnh phúc cứ mãi vô hình.

Ông trời cho ta khả năng nhìn thấy thì sẽ sắp xếp cho ta những bài học về sự mất đi, mất đi để có thể nhìn thấy. Nhìn thấy hạnh phúc mình đang nắm giữ!

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

8 chia 2 bằng mấy?

Trong một lớp học, cô giáo hỏi các em học sinh; “Theo các em, 8 chia cho 2 thì bằng mấy?”

Cả một rừng cánh tay đưa lên “Dạ, thưa cô, 8/2 bằng 4 ạ”.

Duy chỉ có một bạn im lặng và rụt rè; “Thưa cô, em nghĩ khác ạ”.


8 chia 2 bằng mấy ?

Mọi người hồi hộp lo sợ cho bạn này vì kiểu gì cũng bị cô giáo mắng hoặc chê. “Ừ, em nói đi nào!”.

“Theo em, nếu cắt đôi số 8 theo chiều ngang, thì 8/2 bằng 0 ạ. Còn nếu cắt đôi số 8 theo chiều dọc thì 8/2 bằng 3 ạ”.

Cả lớp ồ lên, và cô giáo khen “Em thật giỏi!”,

sau đó cô giáo làm động tác lấy 2 bàn tay và giấu ngón cái đi rồi hỏi “Vậy theo em 8/2 bằng mấy?”,

cậu bé vui mừng “Dạ, em hiểu rồi, 8/2 bằng 4 ạ”.

Qua câu chuyện vừa rồi, chắc các bạn đã hiểu “mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, nhưng khổ nỗi ngay từ nhỏ chúng ta lại được dạy theo một cách mà ở đó chỉ luôn có một con đường. Vì quá quan tâm đến điểm số và kết quả mà không hiểu lý do vì sao nên chúng ta luôn sợ hãi khi đi tìm một con đường khác, con đường ít người đi.

Nếu bạn muốn tiến xa, bạn phải học cách sống trước! Đó là học cách luôn là chính mình, dám dũng cảm lựa chọn con đường của chính mình, lời giải của chính mình cho tất cả các bài toán cuộc sống.

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Cuộc sống không cho ai quá nhiều

Ở một đất nước giàu có của Châu Âu, có một cô ca sĩ rất nổi tiếng. Tuy mới chỉ 30 tuổi nhưng danh tiếng cô đã vang dội khắp nơi, hơn nữa cô có một người chồng như ý và một gia đình hạnh phúc mỹ mãn. Một lần, sau khi tổ chức thành công một đêm diễn, cô ca sĩ cùng chồng và con trai bị đám đông người hâm hộ cuồng nhiệt bao quanh. Mọi người tranh nhau chuyện trò với cô. Những lời lẽ tán tụng khen ngợi tràn ngập cả sân khấu.

Có người khen cô tuổi nhỏ chí lớn, vừa tốt nghiệp đại học đã bước chân vào nhà hát tầm cỡ quốc gia và trở thành nữ ca sĩ trụ cột của nhà hát. Có người tán tụng rằng mới có 25 tuổi mà cô đã được lựa chọn là một trong 10 nữ ca sĩ có giọng háy opera xuất sắc nhất thế giới. Có người lại ngưỡng mộ cô có người chồng tuyệt vời, một cậu con trai kháu khỉnh, dễ thương.

Trong khi mọi người thi nhau bà luận, cô ca sĩ này chỉ im lặng lắng nghe, không thể hiện thái độ gì. Khi mọi người nói xong cô chậm rãi nói: “Trước tiên, tôi cảm ơn những lời ngợi khen của mọi người dành cho tôi và những người trong gia đình tôi. Tôi hy vọng có thể chia sẻ niềm vui này với mọi người. Nhưng các bạn chỉ nhìn thấy một số mặt trong cuộc sống của tôi còn một số mặt khác, các bạn vẫn chưa nhìn thấy. Cậu con trai của tôi mà mọi người khen là bé kháu khỉnh, đáng yêu, thật bất hạnh, nó là 1 đứa trẻ bị câm. Ngoài ra, nó còn có một người chị tâm thần và thường xuyên bị nhốt ở nhà.”

Cuộc sống không cho ai quá nhiều

Mọi người đều ngơ ngác, sửng sốt nhìn nhau, dường như rất khó chấp nhận một sự thật như thế. Lúc này, cô ca sĩ mới điềm tĩnh nói với mọi người: “Tất cả những chuyện này nói lên điều gì? Có lẽ chúng nói lên một triết lý, đó là, Thượng đế rất công bằng, ngài không cho ai quá nhiều thứ bao giờ.”

Thượng đế rất công bằng , ngài không cho ai quá ít, cũng không cho ai quá nhiều. Vì thế, đừng nên chỉ nhìn thấy hoặc ngưỡng mộ những thứ người khác có, mà nên nghĩ và trân trọng những thứ bạn đang có, cho dù đó không phải là những vinh quang tột đỉnh.

Vậy nên, nếu ai hỏi bạn “Bạn có hạnh phúc không?” Bạn hãy trả lời rằng :”Mình hạnh phúc. Hạnh phúc theo cách sống và những gì mình đang có trên đời này. “

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Cho đi và sẽ được nhận lại

Có hai anh em nhà nọ cùng làm việc trên một nông trại của gia đình. Người anh đã lập gia đình, còn người em vẫn còn độc thân. Mỗi khi kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc, hai anh em lại chia đều những gì mình đã làm được trong ngày, cả phần lúa gạo cũng như lợi nhuận.

Một ngày nọ, người em bỗng nghĩ thầm trong bụng: “Thật không công bằng khi chia đôi mọi thứ với anh. Mình chỉ có một thân một mình, có cần gì nhiều đâu cơ chứ!”. Nghĩ thế, nên từ đó trở đi, cứ mỗi tối, anh lại lấy bớt phần thóc của mình, băng qua cánh đồng nhỏ giữa hai nhà và đổ vào kho thóc của người anh.


Cho đi và sẽ được nhận lại

Trong khi ấy, người anh cũng thầm nghĩ trong lòng: “Thật không công bằng khi mình chia đều mọi thứ với em. Mình đã có vợ, có con, không còn phải lo lắng điều gì nữa, còn em mình chỉ có một mình, đâu có ai để lo cho tương lai”. Và thế là người anh, vào mỗi tối, cũng lấy bớt phần thóc của mình và đổ vào kho của người em.

Cả hai anh em đều rất ngạc nhiên khi lượng thóc của mình vẫn không vơi đi chút nào so với trước đó. Rồi một tối nọ, cả hai anh em va phải nhau trong lúc thực hiện kế hoạch của mình. Và họ đã hiểu ra mọi chuyện. Bỏ rơi bao thóc trên tay, hai anh em xúc động ôm chầm lấy nhau…

Chính những điều chúng ta cho đi sẽ là những gì chúng ta nhận lại !

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Chuyện xảy ra tại một trường đại học của Mỹ

Sắp hết giờ giảng, giáo sư bỗng đề nghị với các sinh viên,”Tôi cùng mọi người thử một trắc nghiệm nhỏ, ai muốn cùng tôi thử nào?”

Một nam sinh bước lên.

Giáo sư nói, “Em hãy viết lên bảng tên của 20 người mà em khó có thể dời bỏ”. Chàng trai làm theo. Trong số tên đó có tên của hàng xóm, bạn bè, và người thân…

Giáo sư nói: “Em hãy xoá tên của một người mà em cho rằng không quan trọng nhất!” Chàng trai liền xoá tên của người hàng xóm.

Giáo sư lại nói: “Em hãy xoá thêm một người nữa!”. Chàng trai xoá tiếp tên của một đồng nghiệp.

Giáo sư nói tiếp:”Em xoá thêm tên một người nữa đi”. Một người không quan trọng nhất trong cuộc đời. chàng trai lại xoá tiếp…..

Cuối cùng, trên bảng chỉ còn lại ba cái tên, bố mẹ, vợ, và con. Cả giảng đường im phăng phắc, mọi người lặng lẽ nhìn vị giáo sư, cảm giác dường như đây không còn đơn thuần là một trò chơi nữa rồi!!


Chuyện xảy ra tại một trường đại học của Mỹ.

Giáo sư bình tĩnh nói tiếp: “Em hãy xóa thêm một tên nữa!” chàng trai chần chừ, rất khó khăn mới đưa ra được sự lựa chọn….anh đưa viên phấn lên….. và gạch đi tên của bố mẹ!

“Hãy gạch một cái tên nữa đi !”, tiếng của vị giáo sư lại vang lên bên tai. chàng trai sững lại, rồi như một cái máy, từ từ và kiên quyết gạch bỏ tên của đứa con trai…

Và anh bật khóc thành tiếng, dáng điệu vô cũng đau khổ.

Vị giáo sư chờ cho anh bình tĩnh lại hồi lâu và hỏi: “Lẽ ra người thân thiết nhất với em, phải là cha mẹ và đứa con, bởi cha mẹ là người sinh thành và dạy dỗ em nên người, đứa con là do em dứt ruột sinh ra, còn người vợ thì có thể tìm người khác thay thế được, vậy tại sao, với em người vợ lại là người mà em khó dời xa nhất?”

Cả giảng đường im lặng, chờ nghe câu trả lời.

Chàng trai bình tĩnh và từ tốn nói:”Theo thời gian, cha mẹ sẽ là dời bỏ tôi mà đi, con cái khi trưởng thành, cũng chắc chắn sẽ rời xa tôi, người luôn ở bên, làm bạn với tôi suốt đời, thực sự chỉ có vợ tôi!”

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Chiếc vé xe

Có lần khi còn nhỏ, tôi và bố đừng xếp hàng mua vé vào rạp xiếc. đến phút cuối chỉ còn lại bố con tôi và một gia đình nữa đứng trước quầy bán vé. Gia đình đó khiến tôi thật sự ấn tượng. Họ có tám đứa con và có lẽ tất cả đều chưa đến tuổi 12.

Nếu nhìn có lẽ bạn sẽ bảo họ ko giàu lắm , bởi họ mặc quần áo ko đắt tiền nhưng trông sạch sẽ. Lũ trẻ rất ngoan ngoãn , tất cả đều đứng ngay ngắn trong hàng cứ hai đứa một nắm tay nhau sau lưng bố mẹ.

Chúng đang háo hức tranh luận với nhau về những chú hề, các chú voi và vô số trò khác chúng sắp được xem tối hôm đó. Nhìn chúng ,người ta dễ đoán rằng trước đó chúng chưa từng được xem xiếc bao giờ. Buổi đi xem hôm nay chắc hẳng sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời với chúng.

Phía đầu “đội ngũ” là bố mẹ lũ trẻ , trông họ thật hãnh diện. Người mẹ đang nắm tay chồng , ánh mắt nhìn chồng như muốn nói : ” trông anh giống như chàng hiệp sĩ trong bộ áo giáp hùng dũng của em”, còn người bố, mỉm cười rạng rỡ tự hào , nhìn vở như thể đáp lại :”Còn em cũng thật tuyệt vời”

Khi đó cô bán vé hỏi người bố muốn mua bao nhiu vé. Ông tự hào nói :”Xin cho tôi tám vé trẻ em và hai vé người lớn để tôi đưa cả nhà vào xem xiếc”
Cô bán vé nói giá tiền

Chiếc vé xe

Nghe xong, người vợ buông thõng tay chồng, đầu bà cúi xuống còn ông bố bắt đầu run run mấp máy môi. Nghiêng người gần hơn 1 chút ,ông bố hỏi lại: ” Cô vừa bảo bao nhiu cơ ?”

Cô bán vé nhận lại số tiền cho ông

Rõ ràng là ông bố ko đủ tiền mua vé.

Làm sao để ông có thể quay lại nói với con mình là ông không có đủ tiền để đưa chúng vào xem xiếc?

Chứng kiến cảnh tượng đó, cha tôi thò tay vào túi mình rút ra tờ 20$ và thả nhẹ xuống đất. ( mặc dù chúng tôi chả giàu có chút nào! ). Sau đó , ông cúi xuống , nhặt đồng tiền lên , vỗ nhẹ vai người bố và bảo: “Xin lỗi ông, ông làm rơi tiền này”

Người đàn ông hiểu hết mọi chuyện . Thực tình ông ấy không ngửa tay xin bố thí nhưng rõ ràng rất trân trọng sư giúp đỡ trong tình huống trớ trêu dở cười dở khóc này.

Ông nhìn thẳng vào mắt cha tôi , nắm chặt lấy tay cha bằng cả hai tay, xiết chặt lên tờ 20$, môi rung rung và giọt nước mắt đã lăn trào trên gò má, Ông nói:” cảm ơn ngài. Số tiền này quả thực tất ý nghĩa với tôi và cả gia đình tôi “.

Sau đó tôi và bố ra xe ô tô về nhà. Đêm đó chúng tôi không xem được xiếc nhưng rõ ràng chuyến đi không hề vô nghĩa.

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Việc làm của một người bình thường

Một bà cụ nặng nhọc lê bước trên phố. Bà cụ đi chân đất. Trên tuyết. Một đôi trẻ, tay xách lỉnh kỉnh những túi to- vừa nói chuyện vừa cười đến nỗi không để ý thấy bà cụ.

Một người mẹ dẫn hai đứa con nhỏ tới nhà bà ngoại. Họ quá vội nên cũng không để ý.

Một viên chức ôm một chồng sách đi qua. Mải suy nghĩ nên cũng không để ý.
Bà cụ dùng cả hai tay để khép vạt áo đứt hết khuy. Dừng lại, nép vào một góc ở bến xe buýt. Một quý ông ăn mặc lịch lãm cũng đứng đợi xe buýt. Ông cố đứng tránh xa bà cụ một chút. Tất nhiên là bà già rồi, chẳng làm hại được ai, nhưng nhỡ bà ấy bị bệnh lây nhiễm thì sao…
Một cô gái cũng đứng đợi xe buýt. Cô liên tục liếc xuống chân bà cụ, nhưng cũng không nói gì.
Xe buýt tới và bà cụ nặng nhọc bước lên xe. Bà ngồi trên chiếc ghế ngay sau người lái xe. Quý ông và cô gái vội vã chạy xuống cuối xe ngồi. Người lái xe liếc nhìn bà cụ và nghĩ: “Mình không thích phải nhìn thấy cảnh nghèo khổ này chút nào!”. Một cậu bé chỉ vào bà cụ và kêu lên với mẹ:

- Mẹ ơi, bà ấy đi chân đất! Mẹ bảo những ai hư mới đi chân đất, đúng không mẹ?

Người mẹ hơi ngượng ngập kéo tay con xuống:

- Andrew, không được chỉ vào người khác!- Rồi bà mẹ nhìn ra cửa sổ.

- Bà cụ này chắc phải có con cái trưởng thành rồi chứ!- Một phụ nữ mặc áo choàng lông thì thầm- Con cái của bà ấy nên cảm thấy xấu hổ mới phải! Người phụ nữ này bỗng cảm thấy mình quả là người tốt, vì mình luôn quan tâm đầy đủ đến mẹ mình.


Việc làm của một người bình thường

- Đấy, ai cũng phải học cách tiết kiệm tiền- Một chàng trai ăn mặc bảnh bao thêm vào- Nếu bà ấy biết tiết kiệm từ khi còn trẻ thì bà ấy chẳng nghèo như bây giờ! Một doanh nhân hào phóng bỗng cảm thấy ái ngại. Ông lấy trong ví ra một tờ 10 đôla, ấn vào bàn tay nhăn nheo của bà cụ, nói giọng hãnh diện:
– Đây, biếu bà! Bà nhớ mua đôi giày mà đi! Rồi ông ta quay về chỗ ngồi, cảm thấy hài lòng và tự hào về mình.
Xe buýt dừng lại khi tới bến và một vài người khách bước lên. Trong số đó có một cậu bé khoảng 16-17 tuổi. Cậu ta mặc chiếc áo khoác to màu xanh và đeo balô cũng to, đang nghe headphone. Cậu trả tiền xe buýt và ngồi ngay vào ghế ngang hàng với bà cụ. Rồi cậu nhìn thấy bà cụ đi chân đất.
Cậu tắt nhạc. Cảm thấy lạnh người. Cậu nhìn từ chân bà cụ sang chân mình. Cậu đang đi một đôi giày cổ lông dành cho trời tuyết. Đôi giày mới tinh và ấm sực. Cậu phải tiết kiệm tiền tiêu vặt khá lâu mới mua được. Bạn bè đứa nào cũng khen!

Nhưng cậu cúi xuống và bắt đầu cởi giày, cởi tất, rồi ngồi xuống sàn xe, bên cạnh bà cụ.

- Bà, cháu có giày đây này!- Cậu nói.

Một cách cẩn thận, cậu ta nhấc bàn chân lạnh cóng, co quắp của bà cụ lên, đi tất và đi giày vào chân bà. Bà cụ sững người, chỉ khe khẽ gật đầu và nói lời cảm ơn rất nhỏ. Lúc đó, xe buýt dừng. Cậu thanh niên chào bà cụ và xuống xe. Đi chân đất trên tuyết. Những người khách trên xe thò đầu ra cửa sổ, nhìn đôi chân cậu thanh niên, xôn xao bình phẩm.

- Cậu ta làm sao thế nhỉ?- Một người hỏi.

- Một thiên thần chăng?

- Hay là con trai của Chúa!

Nhưng cậu bé, người ban nãy chỉ vào bà cụ, quay sang nói với mẹ:

- Không phải đâu mẹ ạ! Con đã nhìn rõ rồi mà! Anh ấy là người bình thường thôi!
Và việc làm đó, thật sự, cũng chỉ cần một người bình thường.

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Khi bạn nhìn đời bằng con mắt mới


Con tàu bắt đầu chuyển động, chật kín bởi đủ mọi loại người: từ những công nhân viên chức đến các cô cậu sinh viên trẻ. Ngồi cạnh cửa sổ là một ông lão cùng người con trai tầm tuổi ba mươi. Gương mặt anh tràn ngập bởi niềm ham thích khó tả: Anh thật sự bị kích động bởi cảnh sắc bên ngoài.

“Bố ơi, nhìn này, những cái cây này như đang chuyển động, thật là đẹp quá!”

Lối cư xử kiểu này của người con trai ba mươi tuổi khiến mọi người thấy thật kỳ quặc.

Người ta bắt đầu rì rầm nho nhỏ.

“Người kia trông như bị loạn trí…” Một người đàn ông thì thào với vợ của mình.

Đột nhiên trời đổ cơn mưa, từng giọt từng giọt lặng lẽ rơi xuống đầu các hành khách qua khung cửa mở rộng.

Người con trai ba mươi tuổi đầy hạnh phúc :

“Cha ơi, đẹp quá… Mưa đẹp quá…”

Một người phụ nữ phát cáu. Cơn mưa đang làm hỏng chiếc áo mới của cô.

“Ông có thấy trời đang mưa không? Nếu con trai ông có vấn đề thì nên đưa đi điều trị thần kinh chứ không phải ở đây để làm phiền người khác nơi công cộng”

Người con trai giật mình quay lại, đôi mắt nãy vốn vui tươi chợt như phủ một mảng sương mờ mịt.

Ông bố ngượng ngùng đôi chút rồi trả lời bằng giọng trầm trầm :

“Chúng tôi đang trên đường từ bệnh viện trở về. Con trai tôi vừa ra viện sáng nay. Nó bị mù bẩm sinh và mới được thay giác mạc. Cơn mưa…và mọi thứ đều quá mới mẻ với nó. Xin mọi người thứ lỗi.”

Những thứ ta thấy hay cảm nhận đều chỉ bắt nguồn từ quan điểm bản thân cho đến khi ta biết sự thật. Giống như một loài hoa, có thể là loa kèn, thược dược, hướng dương, …, dù ta có biết tên cũng như màu sắc, mùi vị,…, ta cũng chỉ “biết” nó qua chính cảm nhận chủ quan.

Một cái tên hay vẻ bề ngoài chẳng cho ta “hiểu” gì về bản chất thật sự.

Ta sống với đôi mắt trời sinh, có mấy ai tự cho đó là món quà? Ta chỉ sợ bẩn quần áo, có mấy khi để ý cơn mưa đẹp đẽ nhường nào?

Bởi ta chỉ để trong mắt những gì ta muốn…

Giá như, chỉ giá như thôi, ai cũng nhìn cuộc sống bằng đôi mắt như mới được sinh ra lần đầu…

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Trở về cát bụi

Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông định tự tử.

Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái:

- Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?

Cô gái buồn bã nói:

- Tôi bị người yêu ruồng bỏ, tôi không muốn sống nữa, bởi vì không có anh ấy tôi không sống nổi.

Vị thương gia vừa nghe xong lập tức nói:

- Ồ! Lạ nhỉ, sao lúc chưa có bạn trai, cô có thể tự sống được.

Cô gái vừa nghe xong liền bừng tỉnh và bỏ ngay ý định tự tử. Ngay lúc đó vị thương gia nọ cũng chợt nhận ra rằng: Khi chưa giàu có ta vẫn sống bình thường, ta cũng tay trắng làm nên mà!

Lúc đó cô gái quay sang hỏi vị thương gia:

- Đêm hôm lạnh lẽo như vậy, anh ra đây để làm gì?

Vị thương gia ậm ừ trả lời:

- Ừ… đâu có làm gì, chỉ là tản bộ chút vậy thôi.

Thì ra, dù đã mất tất cả nhưng thực sự cũng chỉ bằng lúc ta chưa có mà thôi. Đây là một nhận thức lớn! Ai thấy được điều này là có trí tuệ. Khổ đau, vật vã, thù hận thậm chí quyên sinh khi mất mát xảy ra, xét cho cùng cũng chỉ thiệt cho mình vì trước đây ta vốn có gì đâu!

Người con gái trong câu chuyện trên khi mất người yêu nghĩ rằng không có người yêu thì không sống nổi, chợt thấy rõ rằng trước khi chưa gặp “kẻ phản bội” kia thì ta vẫn sống vui, liền lập tức đổi ý không trầm mình xuống sông nữa.
Người thương gia trắng tay cũng đổi ý khi ngộ ra rằng trước đây ta cũng từ tay trắng mà lên. Bây giờ trắng tay nhưng cũng chỉ bằng ngày xưa chứ chưa mất mát tí gì.

Con người sinh ra đời với hai bàn tay trắng và dù thành công hay thất bại thì cũng trở về cát bụi với hai bàn tay không, vậy thì sá gì với được mất, có không, vì vô thường thay đổi vốn là bản chất của cuộc đời này. Chúng ta hãy quán chiếu thật sâu sắc vào sự chuyển biến vô thường của cuộc đời để sống bình thường trước mọi biến động có thể xảy đến với ta bất cứ lúc nào.

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Việc nhỏ thôi mà


Một gia đình gồm hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ. Dịp hè, họ cùng đi nghỉ mát ở một bãi biển. Bọn trẻ rất thích tắm biển và xây những tòa lâu đài trên cát. Bố mẹ chúng thuê một cái lều ngồi uống nước trên bờ, dõi nhìn các con vui đùa không quá xa ngoài kia phía trước mặt.

Thế rồi họ trông thấy một bà cụ già nhỏ nhắn ăn mặc xuềnh xoàng, trên tay cầm một chiếc túi cũ đang tiến lại. Tóc bà đã bạc trắng, bị gió biển thổi tốc lên càng làm cho khuôn mặt nhăn nheo của bà thêm khó coi. Bà cụ đang lẩm bẩm một điều gì đó, dáo dác nhìn rồi thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt những thứ gì đó trên bãi biển, bỏ vào cái túi.

Hai vợ chồng không hẹn mà cùng vội chạy ra gọi các con lại, căn dặn chúng phải tránh xa người đàn bà khả nghi kia. Dường như họ cố ý nói to cho bà ta nghe thấy để bà ta nên đi chỗ khác kiếm ăn.

Cụ già không biết có nghe thấy gì không giữa tiếng sóng biển ì ầm, chỉ thấy bà cứ từ từ tiến về phía họ. Thế rồi bà cụ dừng lại nhìn mấy đứa trẻ dễ thương đang ngơ ngác nhìn mình. Bà mỉm cười với họ nhưng không ai đáp lại, chỉ giả vờ ngó lơ đi chỗ khác. Bà cụ lại lẳng lặng làm tiếp công việc khó hiểu của mình. Còn cả gia đình kia thì chẳng hứng thú tắm biển nữa, họ kéo nhau lên quán nước phía trên bãi biển.

Trong lúc chuyện trò với người phục vụ bàn ăn cùng những khách hàng trong quán, hai vợ chồng quyết định hỏi thăm xem bà cụ khả nghi kia là ai và họ… sững sờ: Bà cụ ấy là người dân ở đây, từng có một đứa cháu ngoại vì bán hàng rong trên bãi biển, vô tình đạp phải một mảnh chai rồi bị nhiễm trùng, sốt cao, đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp và đã chết không lâu vì bệnh uốn ván.

Từ dạo ấy, thương cháu đến ngẩn ngơ, bà cứ lặng lẽ đi dọc bãi biển, tìm nhặt những mảnh chai, mảnh sắt hoặc hòn đá có cạnh sắc. Mọi người hỏi lý do thì bà đáp mà đôi mắt ướt nhòe: “ồ, tôi chỉ làm một việc nhỏ thôi ấy mà, để các cháu bé có thể vui chơi trên bãi biển mà không bao giờ bị chết như đứa cháu đáng thương của tôi!”.

Nghe xong câu chuyện, người chồng vội chạy ngay xuống bãi biển mong có thể nói một lời xin lỗi và một lời biết ơn chân thành, nhưng bà cụ đã đi rất xa rồi. Bóng bà chỉ còn là một chấm nhỏ trên bãi biển vắng người khi chiều đang xuống…

Có thể xã hội đã làm cho người ta ngày càng lạnh lùng, vô cảm. Nhưng xin đừng đánh mất mình vì xã hội.

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Trong lòng bạn chứa thứ gì

Cụ già nói: “Tốt và không tốt hoàn toàn không có phân giới rõ ràng, chính xác, có chăng thì chỉ là cảm giác trong lòng người mà thôi. Trong lòng ông chứa thứ gì mới có thể tìm thấy thứ đó”.

Có một lữ khách trẻ tuổi tình cờ gặp một người lớn tuổi rất hiểu thiền lý ở trên thảo nguyên, anh ta hỏi cụ già: “Ông sống ở đây có tốt không?”

Cụ già hỏi ngược lại: “Quê hương của cháu như thế nào?”

Người lữ khách nói: “Tệ lắm, vừa bế tắc, vừa lạc hậu”

Cụ già vội nói: “Vậy cháu mau đi đi, ở đây và quê của cháu rất giống nhau”.


Trong lòng bạn chứa thứ gì

Sau đó lại có một lữ khách khác đến, cũng hỏi cụ già câu như vậy, cụ già cũng hỏi ngược lại một câu như đã hỏi thanh niên trước, lữ khách mới đến trả lời một cách thâm tình: “Quê cháu rất tốt, đồng ruộng khe suối, cỏ cây nhà cửa, lại có người thân xóm giềng, đều làm cho cháu rất nhớ”.

Cụ già bèn nói: “Ở đây cũng đẹp như ở quê của cháu vậy”.

Có một người bên cạnh nghe như vậy cảm thấy nghi ngờ không hiểu, hỏi cụ già: “Tại sao cùng một câu hỏi giống nhau, mà cụ lại trả lời khác nhau một trời một vực như thế?”

Cụ già nói: “Tốt và không tốt hoàn toàn không có phân giới rõ ràng, chính xác, có chăng thì chỉ là cảm giác trong lòng người mà thôi. Trong lòng ông chứa thứ gì mới có thể tìm thấy thứ đó”.

Nhà thiền có câu: “Người trong lòng đầy bất mãn và trở ngại muốn đi tìm chỗ tốt đẹp để trở về nương náu, nhất định tìm không được; nhưng trong lòng tràn đầy tình yêu và sự đẹp đẽ mới có thể phát hiện được ốc đảo của chính mình.

Điều này xem ra dường như là việc phức tạp huyền bí, kỳ thật chỉ là nói rõ một đạo lý: Trên thế giới không có sự việc gì là tuyệt đối, bất cứ tấm thẻ nào trong tay bạn cũng hoàn toàn có hai mặt trái và phải.

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Một câu nói dịu dàng

Nhiều năm về trước, có một cậu bé mồ côi tên Jim, 12 tuổi, gầy gò. Jim sống lang thang, là đầu mối của mọi trò cười và trêu chọc của mọi người sống trong thị trấn.

Không ai đối xử tử tế với Jim. Những nghi ngờ của mọi vụ ăn cắp hay rắc rối đều có tên Jim đầu tiên. Cậu chỉ nhận được những lời nói cay độc, nghi ngờ. Kết quả là Jim luôn lẩn tránh những người xung quanh. Cậu càng lẫn tránh, người ta càng nghi ngờ cậu.

Tài sản duy nhất của Jim là chú chó Tige, cũng luôn khép nép và lẫn tránh mọi người như chủ nó. Jim không đối xử thô lỗ với Tige nhưng cậu cũng luôn dùng thứ ngôn ngữ cay độc mà mọi người dùng với cậu. Phần vì cậu đã quen với những ngôn ngữ đó, phần vì để trút đi mọi nỗi uất ức.

Một hôm, Jim thấy cô gái phía trước làm rơi một gói nhỏ. Cô cúi xuống nhặt thì một gói khác lại rơi khỏi tay. Jim chạy đến, nhặt hai cái gói lên đưa trả cô gái.

- Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt – Cô gái cười và xoa đầu Jim.

Jim hoàn toàn sốc. Đó là những lời nói tử tế đầu tiên cậu nghe thấy trong suốt 12 năm. Jim nhìn theo cô gái cho đến khi cô đi khuất.


Một câu nói dịu dàng

… Jim huýt sáo gọi Tige, con chó ve vẩy đuôi chạy tới bên. Cả chủ và chó đi vào rừng… Jim ngồi xuống cạnh bờ suối và trong đầu cứ vang lên: “Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt!” – Jim cười một mình. Rồi cậu gọi: “Đến đây Tige!” Tige chạy lại ngay, Jim xoa đầu nó và nói: “Cảm ơn mày! Mày thật là tốt!”

Tige rất phấn kích và ngạc nhiên. Tai nó vểnh lên, mắt hướng về phía Jim chăm chú, đuôi vẫy lia lịa. “Đến con chó cũng thích nghe lời nói dịu dàng!” – Jim nghĩ và lôi trong túi ra một mảnh gương vỡ. Cậu bé thấy một khuôn mặt lấm lem. Jim rửa mặt thật cẩn thận. Sau đó, Jim lại nhìn vào gương.

Cậu bé ngạc nhiên. Lần đầu tiên, cậu nhìn lên cao thay vì chỉ cúi mặt như mọi khi. Một cảm giác, cũng là lần đầu tiên cậu cảm thấy: cảm giác tự trọng.

Từ khoảng khắc đó, cuộc đời Jim hoàn toàn thay đổi bởi quyết tâm để xứng đáng với những lời nói dịu dàng.

Ngưng một lát, nhà tỷ phú tiếp tục nói: “Thưa các bạn, tôi chính là cậu bé đó. Thị trấn nhỏ mà tôi vừa kể đến chính là thành phố này 40 năm về trước. Cái cây ở đằng kia mà quý vị có thể thấy chính là nơi một người phụ nữ đã gieo hạt giống đầu tiên của lòng nhân hậu xuống cuộc đời tôi. Mong sao ai cũng có thể làm được như thế”.

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Bác sếp ấy

Bác làm sếp lâu rồi, kể từ ngày doanh nghiệp nhà nước H đi vào cổ phần hoá, bác mua gần hết 90% cổ phần công ty, còn một ít để nhân viên mua cho có lệ. Bác như một ông vua trị vì cả đất nước, và may mắn là đất nước này có vị minh quân thương dân như con.

Hàng sáng vẫn đi con Future đi làm, mặc dù SH với ô tô nhà không thiếu, bác cười bảo “tao mà đi, thằng con tao nó lườm tao chết”. Ông già ấy chẳng biết thẻ ATM là gì, vẫn dùng nịt buộc từng cọc 500000 như kiểu sinh viên cầm 5000, 10000 vậy.

Nhân viên Y trong một lần chót dại, ăn trộm rất nhiều tiền trong hành lý khách, bác làm việc với công an, xin trắng án cho chị, vẫn giữ chị ở công ty nhưng làm ở bộ phận khác, nhận cả chồng chị vào công ty, vì bác biết cái khó nó dẫn đường cho sự chót dại ấy. Chuyện đấy đã qua vài năm, chị Y vẫn làm và không tái phạm bao giờ. Chưa biết không có bác, đời chị sẽ đi về đâu.

3 nhân viên khác, qua mùa bóng đá, quá ham mê cá độ, mỗi người nợ đến cả trăm triệu, bác cho không cả số tiền đấy, cũng chẳng trừ lương, bác nói chúng mày cũng như con tao, còn trẻ và chót dại. 3 anh quỳ xuống rơi nước mắt lạy tạ bác. Bác có 3 nhân viên trung thành cả đời cho công ty, lại cứu được 3 gia đình không phải bán nhà đi biệt xứ.

Một vài nhân viên khác, lương thấp, sống khó khăn, bác cho thêm tiền để góp vào mà mua nhà, chẳng lẽ chúng mày cứ ở nhà thuê suốt.

Những năm 90, bác cho không ông trưởng phòng lúc đó con Dream, đến giờ vị phó giám đốc công ty hiện nay vẫn đi con Dream đó như một kỷ niệm về tình bạn.

Nhân viên kỳ cựu về hưu, bác cho riêng 50, 100 triệu một người, mặc dù nhà những nhân viên này cũng rất giàu có. Bác bảo đây là tấm lòng, cảm ơn sự nỗ lực của các anh chị trong vài chục năm.


Bác sếp ấy

Bác đi tiếp khách hàng, mấy ông khách ông nào cũng cặp kè tay vịn, bác ngồi một mình. Chưa từng ai thấy điều tiếng gì bác về chuyện tay vịn, vợ chồng hạnh phúc, 2 con trưởng thành, anh con cả học bằng MBA sẽ kế nghiệp bác khi bác về hưu.

Hàng tháng bác đều theo dõi sát sao, có thưởng cho công ty, nhân viên và các bộ phận nỗ lực, cố gắng. Đồ trong công ty sau khi không sử dụng, đều bán rẻ lại cho nhân viên với mức giá gần như cho không.

Nhiều người nghĩ sao phải đốt tiền cho những nhân viên kiểu thế, sao không thuê nhân viên khác. Bác nghĩ đây không phải thành phố lớn, kiếm nhân viên biết việc, thành thạo rất khó. Chẳng biết bác đúng hay sai, chỉ biết doanh thu công ty luôn cao và ổn định, khách hàng yêu thích dịch vụ công ty, đã sử dụng dịch vụ thì sẽ nhớ đến công ty của bác đầu tiên, nhân viên trung thành, nhiều người cống hiến cả cuộc đời cho doanh nghiệp.

Giữa thời khủng hoảng, kinh tế loạn lạc, ở thành phố lớn như Hà Nội với Hồ Chí Minh, tìm đâu ra những người như thế?

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Gieo nhân lành gặt quả đẹp

Một hôm, một người đàn ông trông thấy một bà lão với chiếc xe bị hư đậu bên đường. Tuy trời đã sẫm tối anh vẫn có thể thấy bà đang cần sự giúp đỡ. Vì thế anh lái xe tấp vào lề đậu phía trước chiếc Mercedes của bà rồi bước xuống xe. Chiếc xe cũ kỹ của anh vẫn nổ máy khi anh tiến đến trước mặt bà. Dù anh tươi cười nhưng bà lão vẫn tỏ vẻ lo ngại.

Trước đó 1 giờ đồng hồ không một ai dừng xe lại để giúp bà, người đàn ông này liệu có thể hãm hại bà không, trông ông không an toàn cho bà, vì ông nhìn có vẻ nghèo và đói. Người đàn ông có thể nhận ra nỗi sợ hãi của bà cụ đang đứng bên ngoài chiếc xe giữa trời lạnh. Anh biết cảm giác lo sợ của bà như thế nào rồi, cái rung đó, nỗi lo sợ trong lòng đó mới là lý do tự nó thành hình trong ta. Anh nói:

- “Tôi đến đây là để giúp bà thôi, bà nên vào trong xe ngồi chờ cho ấm, luôn tiện tôi tự giới thiệu, tôi tên là Ryan Anderson.“

Thực ra thì xe của bà chỉ có một vấn đề là một bánh bị xẹp thôi nhưng đối với một bà già thì nó cũng đủ gây phiền não rồi. Ryan bò xuống phía dưới gầm xe tìm một chỗ để con đội vào và bị trầy da chỗ khuỷu tay cũng như lòng bàn tay 1-2 lần gì đó. Chẳng bao lâu, anh đã thay được bánh xe nhưng anh bị dơ bẩn và hai bàn tay bị đau rát. Trong khi anh đang siết chặt mấy con ốc bánh xe, bà cụ xuống cửa kính và bắt đầu nói chuyện với anh, bà cho anh biết bà từ Saint Louis đến và chỉ mới đi được một đoạn đường. Bà không thể cảm ơn đầy đủ về việc anh đến giúp đỡ cho bà. Ryan chỉ mỉm cười trong lúc anh đóng nóc thùng xe của bà lại. Bà cụ hỏi bà phải trả cho anh bao nhiêu tiền. Ryan chưa hề nghĩ đến điều là sẽ được trả tiền, đây không phải nghề của anh, anh chỉ giúp người đang cần được giúp đỡ vì Chúa, Phật hay chính bản thân anh cũng biết rằng đã có rất nhiều người trong quá khứ ra tay giúp anh. Anh đã sống cả đời mình như thế đó và chưa bao giờ anh nghĩ sẽ làm chuyện ngược lại. Anh nói với bà cụ:

- “Nếu bà thực sự muốn trả ơn cho tôi thì lần khác khi bà biết ai cần được giúp đỡ, bà có thể sẵn sàng cho người ấy sự giúp đỡ của bà, (và Ryan nói thêm) và hãy nghĩ đến tôi.”

Anh chờ cho bà cụ nổ máy và lái xe đi thì anh mới bắt đầu lên xe của mình đi về. Hôm ấy là một ngày ãm đạm và lạnh lẽo nhưng anh lại cảm thấy thoải mái khi lái xe về nhà.

Gieo nhân lành gặt quả đẹp

Chạy được vài dặm trên con lộ, bà cụ trong thấy một tiệm ăn nhỏ, bà ghé lại tìm cái gì đấy để ăn và để đỡ lạnh phần nào trước khi bà đi đoạn đường chót về nhà. Đó là một nhà hàng ăn trong có vẻ không được thanh lịch, bên ngoài là hai bơm xăng cũ kỹ, cảnh vật rất xa lạ với bà. Chị hầu bàn bước qua chỗ bà ngồi, mang theo một khăn sạch để bà lau tóc ướt. Chị mỉm cười vui vẻ với bà dù đã phải đứng suốt ngày nay để tiếp khách. Bà cụ để ý thấy chị hầu bàn này đang mang thai khoảng 8 tháng gì đó. Nhưng với cái nhìn của bà, bà thấy chị không bao giờ lộ ra sự căng thẳng hay đau nhức mà làm chị thay đổi thái độ. Rồi tự dưng bà lại chợt nhớ đến anh chàng tên Ryan hồi nãy, và bà cụ vẫn còn thắc mắc, không hiểu tại sao một người có ít đến độ thiếu thốn mà lại sẵn lòng cho một người lạ mặt rất nhiều.

Sau khi ăn xong bà trả bằng tờ giấy bạc 100 đô la. Chị hầu bàn mau mắn đi lấy tiền để thối lại tờ bạc 100 của bà cụ. Nhưng bà cụ đã cố ý nhanh chân bước ra khỏi cửa mất rồi. Lúc chị hầu bàn quay trở lại thì bà cụ đã đi khuất. Chị hầu bàn thắc mắc, không biết bà cụ kia có thể đi đâu. Khi dọn dẹp, chị để ý trên bàn có dòng chữ viết trên chiếc khăn giấy lau miệng. Nước mắt vòng quanh khi chị đọc dòng chữ mà bà cụ viết:

“Cô sẽ không nợ gì tôi cả. Tôi cũng đã từng ở vào tình cảnh thiếu thốn giống như cô hiện nay, có ai đó đã một lần giúp tôi giống như bây giờ tôi đang giúp cô. Nếu cô thực sự nghĩ rằng muốn trả ơn lại cho tôi thì đây là điều cô nên làm. Đừng để cho chuỗi tình thương này kết thúc ở nơi cô”.
Bên dưới tấm khăn giấy lau miệng bà cụ còn lót tặng thêm bốn tờ giấy bạc 100 đô la nữa. Thực ra còn có những bàn ăn cần lau dọn, những hủ đường cần đổ đầy và những khách hàng để phục vụ, và chị hầu bàn đã hoàn tất những việc ấy để sửa soạn cho qua ngày mai.

Tối hôm đó dù khi đi làm về và leo lên giường nằm. Chị vẫn còn nghĩ về cái số tiền và những gì bà cụ đã viết cho. Làm thế nào mà bà cụ lại biết được chị và chồng của chị đang cần số tiền ấy với sự sanh nở của đứa bé vào tháng tới, điều ấy sẽ là khó khăn. Chị biết chồng chị lo lắng đến mức nào và trong lúc anh ta nằm ngủ cạnh chị, chị cho anh một cái hôn nhẹ và thì thào bên tai anh:

- “Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả, em thương anh, Ryan à!”


Chị đâu có biết anh Ryan đã thay bánh xe cho bà già tội nghiệp trước đó.

Người xưa có câu “Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy“. Khi ta làm việc gì tốt đẹp cũng đừng mong được báo đáp, vì khi làm 1 điều gì tốt ta mong báo đáp liền cũng giống như gieo 1 hạt, không chờ cây lớn mà bắt cây ra quả thu hoạch liền thì quả đó sẽ không tốt và cây cũng khó phát triển. Khi ta gieo 1 điều gì tốt phải cần có thời gian, khi nào đủ duyên rồi thì quả đó sẽ tự lớn và nhiều điều tốt đẹp khác cũng sẽ đến với chúng ta.

Hôm nay tôi gửi bạn câu chuyện này và tôi mong bạn chuyển tiếp nó, hãy để cho ngọn đèn này chiếu sáng, đừng xóa nó, đừng gửi nó trở lại. Chỉ việc chuyển câu chuyện này đến những người bạn, những người bạn tốt giống như những vì sao, bạn không luôn luôn trông thấy họ nhưng bạn biết họ luôn luôn có mặt ở đó.

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Bức ảnh gia đình


Trong nhiều năm qua, gia đình chúng tôi hay có một thói quen vừa xấu vừa tốt. Thói quen tốt là ở chỗ chúng tôi thường nhét phim vào máy ảnh, chụp bất kỳ kiểu gì chúng tôi thích. Nhưng xấu ở chỗ khi chụp hết cuộn phim, chúng tôi bỏ nó vào tủ chứ không đi rửa.

Mấy hôm trước, Susan cầm vài cuộn đi rửa. Chẳng ai biết rửa sẽ ra những hình gì vì chụp cũng lâu rồi. Chúng tôi hồi hộp như chơi xổ số vậy.

Trong những bức ảnh rửa ra, rất nhiều ảnh, từ ảnh trong bếp đến bọn trẻ con chơi ngoài sân. Nhưng tất cả những bức ảnh đều giống nhau ở chỗ: không ảnh nào có Susan. Tại sao? Susan luôn là người chụp ảnh.

Khi xem những bức ảnh, tôi nhớ lại câu chuyện của anh bạn Dan kể tôi nghe năm ngoái. Dan làm việc ở một công ty lớn với hai chi nhánh ở hai đầu thành phố nên rất bận. Như bất kỳ một ông trưởng phòng nào khác, Dan có rất rất nhiều việc phải làm: Hai ngày phải họp một lần, phải làm thêm vào cuối tuần…

Dan kể chuyện, có lần cô giáo của đứa con gái anh gửi giấy mời họp tới cho anh. Tất nhiên, anh quá bận và vợ anh lo mọi chuyện họp hành cho con cái. Nhưng cô giáo nói rằng cô muốn gặp anh, chứ không phải vợ anh.

Do đó, Dan buộc phải thu xếp công việc, tới trường gặp cô. Cô giáo đưa cho Dan một bức vẽ:

- Tôi muốn anh xem bức tranh con gái anh vẽ gia đình.

Dan xem bức tranh rồi hỏi:

- Thế tôi đâu?

- Đó là lí do tôi mời anh đến đây – Cô giáo nói – Tôi đã hỏi con gái anh là bố cháu đâu. Cô bé nói anh chẳng bao giờ ở nhà, nên cô bé không vẽ anh trong bức tranh.

Một cú đấm cũng không làm Dan đau như lúc ấy. Từ lúc đó, Dan đã thay đổi lịch làm việc của mình, quan tâm đến gia đình hơn để vừa là một doanh nhân giỏi, vừa là một người cha tốt.

Còn bạn, bạn có ở trong bức ảnh của gia đình không? Hay bạn quá bận rộn hoặc thờ ơ?

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Phải, chúng ta có thể

‘Quan trọng không phải là điều gì xảy ra với bạn, mà là điều bạn làm sau đó’ – W. Mitchell
Haley (Dịch từ Colorenergy)


Bạn sẽ làm gì nếu vào tuổi 46 bạn bị phỏng đến độ không còn nhận ra nổi vì một vụ tai nạn xe hơi khủng khiếp, và 4 năm sau bạn lại bị liệt nửa thân dưới sau một vụ rớt máy bay? Và rồi bạn có tưởng tượng rằng trong tình trạng đó bạn có thể trở thành nhà triệu phú, một nhà diễn thuyết được nhiều người kính trọng, thành một người chồng hạnh phúc và một nhà kinh doanh thành công? Bạn có hình dung bạn có thể đi bè? Nhảy rơi tự do từ máy bay? Hoạt động chính trị?

W. Mitchell đã làm được tất cả những điều trên và còn hơn nữa là sau hai tai nạn khủng khiếp đã khiến mặt của ông trở thành một mảng với các miếng da đắp vá nhiều màu, bàn tay mất ngón và đôi chân teo liệt trên một xe đẩy.

16 cuộc phẫu thuật sau tai nạn xe hơi đã làm Mitchell có một cơ thể bị phỏng hơn 65%, ông không thể nhấc dù chỉ là thìa thức ăn, không thể quay số điện thoại hay đi vào nhà tắm mà không có người giúp. Nhưng Mitchell, nguyên là lính thuỷ, không bao giờ tin là mình đã bị đánh bại. “Tôi phải chịu trách nhiệm về con tàu của mình” – ông nói – “Nó là sự thành bại của tôi. Tôi có thế như là khởi đầu lại từ điểm xuất phát”.


Phải, chúng ta có thể!

Sáu tháng sau, ông đã lái máy bay được. Mitchell mua một căn nhà lớn tại Colorado, vài mảnh đất, một chiếc máy bay và một quán bar. Sau đó kết hợp với hai người bạn, ông mở một công ty sản xuất đồ gốm với số nhân công lớn thứ nhì Vermont.Và bốn năm sau ngày bị tai xe hơi, cái máy bay mà Mitchell lái đã bị rớt xuống đường băng khi vừa cất cánh làm ông gãy 12 đốt xương sống vùng ngực và liệt hẳn nửa người bên dưới. “Tôi không hiểu chuyện quái quỷ gì đã xảy ra. Tôi đã làm gì mà phải lãnh kết quả như vậy?”.

Nhưng rồi không nản lòng, Mitchell tập luyện ngày đêm để có thể lấy lại được sự độc lập cho mình càng nhiều càng tốt. Ông được bầu làm thị trưởng của Crested Butte, Colorado, để đấu tranh giữ cho thành phố thoát khỏi nguy cơ bị ô nhiễm bởi một mỏ quặng sắp được khai thác. Mitchell còn ứng cử vài quốc hội, chuyển cái vẻ bề ngoài khó coi của ông thành một sức mạnh qua khẩu hiệu: “Not just another pretty face” (Không chỉ là một khuôn mặt đẹp nữa vào quốc hội).

Mặc cho vẻ bề ngoài khó coi và khả năng hoạt động giới hạn, Mitchell vẫn tham gia các hoạt động, ông đã yêu và lập gia đình, thậm chí lấy được bằng cao học về công tác xã hội và tiếp tục bay, tích cực bảo vệ môi trường và diễn thuyết.

Tinh thần mạnh mẽ tích cực của Mitchell đã làm ông được mời lên truyền hình trong “Today show” và “Good morning America”. Nhiều bài viết về ông đã được đăng trong các báo, tạp chí như Parade, Times, The New York Times…

“Trước khi bị tai nạn tôi có thể làm được 10.000 việc, bây giờ chỉ còn 9.000 thôi. Tôi có thể cứ nghĩ đến 1.000 điều bị mất hoặc tập trung vào 9.000 điều tôi còn? Tôi biết mình phải làm gì. Tôi vẫn nói với mọi người rằng tôi đã lãnh hai ‘cú đập’ của số phận. Nhưng tôi đã không dùng điều đó để bào chữa cho sự đào ngũ. Những kinh nghiệm đau đớn đã có thể được nhìn với một góc độ mới. Nhìn một cách toàn diện hơn, tôi có thể nói cũng không tệ lắm”.

Xin nhớ rằng: “Điều quan trọng không phải là điều gì xảy ra với bạn mà là điều bạn làm sau đó”.

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

5 bài học rất cần cho cuộc sống

Cuộc sống dạy cho ta những bài học quý giá mà ta nên biết trân trọng để đứng vững giữa cuộc đời! Cùng đọc và suy ngẫm những bài học cuộc sống ý nghĩa!

Bài học về sự quan tâm

Trong tháng thứ hai của khoá học y tá, vị giáo sư của chúng tôi đã cho chúng tôi một câu hỏi hết sức bất ngờ trong bài thi vấn đáp. Tôi đã lướt qua hầu hết các câu hỏi trong bài thi, và ngạc nhiên dừng lại ở câu hỏi cuối cùng: “Hãy cho biết tên người phụ nữ quét dọn trường học của chúng ta?”. Một câu hỏi không có trong chuyên môn, chắc đây chỉ là một câu hỏi đùa thôi. Tôi đã nghĩ vậy! Thật ra, tôi đã nhìn thấy người phụ nữ đó vài lần. Cô ấy cao, tóc sẫm màu và khoảng chừng 50 tuổi nhưng làm sao mà tôi có thể biết được tên cô ta cơ chứ?

Tôi đã kết thúc bài làm của mình với câu cuối cùng bị bỏ trống.

Cuối giờ kiểm tra, một sinh viên đã hỏi vị giáo sư: “Liệu ông có tính điểm cho câu hỏi cuối cùng kia không?”, ông ta trả lời: “Chắc chắn rồi”, rồi ông nói tiếp: “Trong công việc, các em sẽ gặp rất nhiều người, tất cả họ đều quan trọng, họ xứng đáng được nhận sự quan tâm của các em, dù chỉ là một nụ cười hay một câu chào”.

Tôi đã không bao giờ quên bài học đó trên mỗi bước đường đời của mình sau này, và tôi cũng không bao giờ quên tên của người phụ nữ đó – cô Dorothy.

Bài học về sự giúp đỡ


Trong một đêm mưa bão bất thường trên đường phố Alabama vắng vẻ, lúc đó đã 11:30 khuya, có một bà lão da đen vẫn cứ mặc cho những ngọn roi mưa quất liên hồi vào mặt, cố hết sức vẫy vẫy cánh tay để xin đi nhờ xe.

Một chiếc xe chạy vút qua, rồi thêm một chiếc xe nữa, không ai để ý đến cánh tay dường như đã tê cứng vì lạnh cóng. Mặc dù vậy, bà lão vẫn hy vọng và vẫy chiếc xe kế tiếp. Một chàng trai da trắng đã cho bà lên xe (mặc cho cuộc xung đột sắc tộc 1960). Bà lão trông có vẻ rất vội vã, nhưng cũng không quên cám ơn và ghi lại địa chỉ của chàng trai.

Bảy ngày trôi qua, cánh cửa nhà chàng trai tốt bụng vang lên tiếng gõ cửa. Chàng trai ngạc nhiên hết sức khi thấy một cái ti vi khổng lồ ngay trước cửa nhà mình. Một lá thư được đính kèm, trong đó viết: “Cám ơn cháu vì đã cho bà đi nhờ xe vào cái đêm mưa hôm ấy. Cơn mưa không những đã làm ướt sũng quần áo mà nó còn làm lạnh buốt trái tim và tinh thần của bà nữa. Rồi thì lúc đó cháu đã xuất hiện như một thiên thần. Nhờ có cháu, bà đã được gặp người chồng tội nghiệp của mình trước khi ông ấy trút hơi thở cuối cùng. Một lần nữa bà muốn cám ơn cháu đã không nề hà khi giúp đỡ bà.”

Cuối thư là dòng chữ: “Chân thành – Bà Nat King Cole”.



Bài học về lòng biết ơn

Vào cái thời khi mà món kem nước hoa quả còn rất rẻ tiền, có một câu chuyện về cậu bé 10 tuổi thế này: Ngày nọ, Jim – tên của cậu bé – sau một hồi đi qua đi lại, ngó nghiêng vào cửa hàng giải khát đông nhất nhì thành phố, nơi có món kem nước hoa quả mà cậu rất thích, mạnh dạn tiến lại gần cái cửa, đẩy nhẹ và bước vào. Chọn một bàn trống, cậu nhẹ nhàng ngồi xuống ghế và đợi người phục vụ đến.

Chỉ vài phút sau, một người nữ phục vụ tiến lại gần Jim và đặt trước mặt cậu một ly nước lọc. Ngước nhìn cô phục vụ, cậu bé hỏi: “Cho cháu hỏi bao nhiêu tiền một ly kem nước hoa quả ạ?”. “50 xu“, cô phục vụ trả lời. Nghe vậy, Jim liền móc trong túi quần ra một số đồng xu lẻ, nhẩm tính một hồi, cậu hỏi tiếp: “Thế bao nhiêu tiền một ly kem bình thường ạ?”. “35 xu”, người phục vụ vẫn kiên nhẫn trả lời cậu bé mặc dù lúc đó khách vào cửa hàng đã rất đông và đang đợi cô. Cuối cùng, người nữ phục vụ cũng mang đến cho Jim món kem mà cậu yêu cầu, và sang phục vụ những bàn khác. Cậu bé ăn xong kem, để lại tiền trên bàn và ra về.

Khi người phục vụ quay trở lại để dọn bàn, cô ấy đã bật khóc khi nhìn thấy 2 đồng kẽm (1 đồng bằng 5 xu) và 5 đồng xu lẻ được đặt ngay ngắn trên bàn, bên cạnh 35 xu trả cho ly kem mà Jim đã gọi – Jim đã không thể có món kem nước hoa quả mà cậu ấy thích bởi vì cậu ấy chỉ có đủ tiền để trả cho một đĩa kem bình thường và một ít tiền boa cho cô.

Bài học về sự tự giác và trách nhiệm

Xưa thật là xưa, có một ông vua nọ, một hôm ông ta sai quân lính đặt một tảng đá lớn nằm chắn ngang đường đi. Xong, ông nấp vào một bụi cây gần đấy và theo dõi.

Lần lượt ông ta thấy, những thương nhân giàu có đi qua, rồi đến những cận thần của ông đi qua, nhưng không ai có ý định xê dịch tảng đá sang bên nhường chỗ cho lối đi cả, họ chỉ lẩm nhẩm đổ lỗi cho nhà vua vì đã không cho người giữ sạch sẽ con đường.

Một lúc sau, nhà vua nhìn thấy một người nông dân đi tới với một xe rau cồng kềnh nặng trĩu. Nhìn thấy tảng đá, người nông dân liền ngừng xe và nhảy xuống đất, cố hết sức mình ông ta đã đẩy được tảng đá sang bên kia vệ đường. Vừa làm ông ta vừa lẩm bẩm: “Thật không may nếu có ai đó không thấy mày và vấp phải, chắc là sẽ đau lắm đây”. Xong đâu đấy, khi người nông dân quay trở lại xe để tiếp tục đi, bỗng ông nhìn thấy một bao tiền to đùng đặt ngay chỗ mà ông đã di chuyển tảng đá. Đó là một món quà của đức vua cho người nào dịch chuyển được tảng đá

Câu chuyện của người nông dân này đã giúp chúng ta nhận ra một điều quý giá mà rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhận thấy: Vật cản đôi khi cũng có thể là một cơ hội tốt.

Bài học về sự hy sinh


Đã lâu lắm rồi, nhiều năm đã trôi qua, khi tôi còn là tình nguyện viên tại một bệnh viện, tôi có biết một cô gái nhỏ tên Liz – cô bé đang mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo.

Cơ hội sống sót duy nhất của cô là được thay máu từ người anh trai 5 tuổi của mình, người đã vượt qua được cơn bạo bệnh tương tự một cách lạ thường nhờ những kháng thể đặc biệt trong cơ thể. Bác sĩ đã trao đổi và giải thích điều này với cậu bé trước khi yêu cầu cậu đồng ý cho cô em gái những giọt máu của mình. Lúc ấy, tôi đã nhìn thấy sự lưỡng lự thoáng qua trên khuôn mặt bé nhỏ kia. Cuối cùng, với một hơi thở thật sâu và dứt khoát, cậu bé đã trả lời: “Cháu đồng ý làm điều đó để cứu em cháu”.

Nằm trên chiếc giường kế bên em gái để thuận tiện hơn cho việc truyền máu, cậu bé liếc nhìn em gái và đôi mắt ngời lên niềm vui khi thấy đôi má cô bé hồng lên theo từng giọt máu được truyền sang từ người cậu. Nhưng rồi, khuôn mặt cậu bỗng trở nên tái xanh đầy lo lắng, cậu bé ngước nhìn vị bác sĩ và hỏi với một giọng run run: “Cháu sẽ chết bây giờ phải không bác sĩ?” Thì ra, cậu bé nhỏ của chúng ta đã nghĩ rằng cậu ta sẽ cho cô em gái tất cả máu trong người mình để cứu cô bé và rồi cậu sẽ chết thay em mình.

Bạn thấy không, sau tất cả những hiểu lầm và hành động của mình, cậu bé đã có tất cả nhờ đức hy sinh…

Cuộc sống có câu: “Hãy cho đi thứ bạn có, rồi bạn sẽ được đền bù xứng đáng”.

Tên trộm bánh quy

Một phụ nữ ngồi trong phòng đợi trong nhiều giờ đằng đẵng trước chuyến bay. Cô cố tìm một quyển sách ưng ý nơi quầy sách, mua một hộp bánh và tìm nơi ngồi nghỉ.

Khi đắm mình trong từng trang sách thì tình cờ cô thấy người đàn ông bên cạnh, trơ tráo biết mấy. Lấy bánh từ chiếc hộp đặt giữa hai người. Để tránh cãi vã, cô đã cố làm ngơ. Cô đọc sách, nhai bánh và sốt ruột xem đồng hồ. Trong khi hắn trơ tráo chén gần hết hộp bánh của cô. Từng phút trôi qua, cô càng giận tím mặt: “Nếu ta không tốt bụng, hắn đã bầm mặt”.

Mỗi cái bánh cô lấy, hắn cũng lấy một cái. Khi chỉ còn một cái, cô tự hỏi hắn sẽ làm gì. Với nụ cười trên môi, và cử chỉ gượng gạo, hắn lấy chiếc cuối cùng và bẻ đôi nó ra. Đưa cho cô một nửa và ăn tiếp nửa kia. Cô giật miếng bánh từ trên tay hắn và thầm nghĩ: “Thật trơ tráo và vô cùng khiếm nhã. Sao hắn chẳng hề tỏ chút hàm ơn!”.


Tên trộm bánh quy

Chẳng muốn tìm hiểu khi cơn nóng giận lên cao, cô thở phào khi chuyến bay được thông báo. Cô thu dọn đồ đạc và đi tới cửa vào chẳng thèm ngoái nhìn tên trộm vô ơn. Cô lên máy bay, và ngồi phịch xuống ghế, rồi tìm cuốn sách cô đọc đã gần xong. Cô lục túi xách của mình, và ồ lên kinh ngạc, hộp bánh quy của cô, nằm ngay trước mắt.

“Hộp bánh mình đây”, cô kêu lên tuyệt vọng, “Thì ra những cái bánh kia là của ông ta và ông đã cố chia sẻ”. Quá trễ để nói lời xin lỗi, cô nhận ra trong hối hận. Rằng cô mới là người khiếm nhã, là tên ăn trộm vô ơn!

Bạn thân mến, đừng vội đánh giá một con người chỉ qua những ánh nhìn đầu tiên. Khi có những mâu thuẫn xảy ra, chúng ta thường cố tránh né chúng, không muốn đối diện để giải quyết những vấn đề đó. Hãy biết chia sẻ nhiều hơn để thấy được giá trị của cuộc sống.

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Người chủ trang viên và gã ăn mày

Một người ăn mày tội nghiệp cụt một cánh tay đến trước một trang viên, gặp nữ chủ nhân để ăn xin. Nhìn tay áo trống trải đung đưa của người đàn ông, người nào cũng đều khẳng khái bố thí cho. Tuy nhiên, vị chủ nhân này lại không hề khách khí, chỉ ra đống gạch trước cửa nói với người ăn mày:

- Ngươi giúp ta chuyển đống gạch này ra nhà sau đi.

Người ăn mày giận dữ nói:

- Tôi chỉ có một tay, bà còn nhẫn tâm bảo vác gạch. Không muốn cho thì thôi vậy, cần chi phải trêu ghẹo người khác?

Vị chủ nhân không chút nổi giận, cúi người xuống bắt đầu dọn gạch. Bà ta cố ý chỉ dùng một tay để chuyển, sau đó bà nói:

- Ngươi thấy đấy, không phải dùng hai tay mới có thể sống được. Ngươi có thể làm, vậy tại sao lại không làm chứ?

Người ăn mày lặng người đi, hắn ta nhìn vị nữ chủ nhân với ánh mắt kỳ dị. Cuối cùng, hắn cúi người xuống, dùng cánh tay còn lại bắt đầu chuyển gạch. Một lần chỉ có thể chuyển đi hai viên gạch. Hắn chuyển như thế đúng hai tiếng đồng hồ thì hết đống gạch. Mệt, hắn thở như bò kéo xe, trên mặt dính đầy bụi, mấy chòm tóc rối bị mồ hôi ướt dính xéo trên góc trán.

Vị nữ chủ nhân đưa cho người ăn mày một cái khăn lông trắng như tuyết. Người ăn mày đón lấy lau mặt và cổ một lượt rất kỹ, chiếc khăn lông trắng đã biến thành chiếc khăn lông đen. Người phụ nữ lại đưa cho hắn 20 đô, người ăn mày cảm kích nói:

- Cảm ơn bà – Ngươi không cần cảm ơn ta, đây là tiền công ngươi kiếm được dựa vào sức lực của mình

.- Tôi sẽ không quên bà, chiếc khăn để cho tôi giữ làm kỷ niệm vậy – người ăn mày nói.


Người chủ trang viên và gã ăn mày

Nói xong, hắn cúi người chào thật thấp và sau đó lên đường. Qua nhiều ngày sau lại có một người ăn mày khác đến trang viên này. Người phụ nữ đó lại dẫn người ăn mày vào nhà sau, chỉ đống gạch, và nói:

- Chuyển đống gạch này ra trước nhà, ta sẽ trả cho ngươi 20 đô.

Người ăn mày với hai tay còn nguyên vẹn này bỏ đi, không biết là do không thèm 20 đô hay do điều gì khác. Người con của người phụ nữ không hiểu, liền hỏi mẹ:

- Lần trước mẹ kêu ăn mày chuyển đống gạch này từ trước nhà ra sau nhà. Lần này mẹ lại kêu ăn mày chuyển gạch từ sau nhà ra trước nhà. Rốt cuộc mẹ muốn đống gạch ở sau nhà hay là ở trước nhà?

- Gạch đặt trước nhà hay sau nhà đều như nhau, nhưng chuyển hay không chuyển, đối với người ăn mày mà nói, thì lại không giống nhau con ạ – người mẹ ôn tồn nói.

Sau này cũng có mấy người ăn mày đến xin ăn, đống gạch đó được chuyển đi tới lui mấy lượt.

Vài năm sau, có một người rất chỉnh tề đến trang viện này. Ông ta mặc veston, mang giày da, trông chững chạc hiên ngang chỉ có điều là người này… chỉ có một cánh tay. Ông ta cúi người xuống, nói với vị nữ chủ nhân đã có phần già đi:

- Nếu không có bà, tôi vẫn chỉ là một kẻ ăn mày. Thế nhưng bây giờ tôi là giám đốc của một công ty.

Người phụ nữ đã không còn nhớ ra ông là ai, bà hờ hững nói:

- Đấy là do chính bản thân ông làm ra mà thôi.

Người đàn ông mời người phụ nữ cùng cả nhà bà đến thành phố để sống những ngày thoải mái. Người phụ nữ nói:

- Chúng tôi không thể nhận sự chăm sóc của ông được – Tại sao?- Bởi vì cả nhà chúng tôi ai cũng có 2 tay.

Người đàn ông vẫn kiên trì:

- Thưa bà, bà giúp tôi hiểu được thế nào là “nhân”, thế nào là “nhân cách”. Căn nhà đó là tiền công mà bà đã dạy cho tôi.