Trang chu

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Chuyện người đàn ông mua vé trẻ em và bài học dạy con làm người

Một người đàn ông mua hai tấm vé trẻ em đi xe lửa, cuối cùng bị phát hiện trốn vé. Lúc này cậu con trai 5 tuổi của ông đã làm một việc khiến nhiều người trên toa xe rưng rưng nước mắt…

Sự tự tôn có thể thành tựu một đứa trẻ, cũng có thể hủy đi một đứa trẻ. (Ảnh: internet)

Một người đàn ông dáng vẻ nông dân dẫn theo bé trai khoảng 5 tuổi đi xe lửa. Làn da của cả hai người trông ngăm ngăm đen, dường như đều có thể nhìn thấy được vết tích dầm mưa dãi nắng.

Chuyến tàu đi được hơn nửa chặng đường, lúc này một nhân viên phục vụ đến kiểm tra vé. Cậu bé đưa ra một tấm vé trẻ em, còn người đàn ông thì sờ soạng trong túi một hồi như đang tìm kiếm thứ gì đó, rồi dè dặt hỏi:

“Anh này, vé trẻ em và loại vé dành cho người tàn tật là cùng mức giá phải không?”.

Người phục vụ không lên tiếng.

“Anh xem, tôi là người tàn tật, tôi mua vé trẻ em”.

Ông vừa nói vừa giơ ra cái chân giả bên trái…

“Hãy đưa giấy chứng nhận tàn tật cho tôi xem thử!”.

“Chuyện là như thế này, giấy chứng nhận tàn tật của tôi vẫn còn chưa làm xong. Lúc làm thuê cho một người chủ tư nhân tôi đã gặp tai nạn ngoài ý muốn, chân bị cưa đi, còn người chủ thì đã bỏ trốn, ngay đến cả tiền lương cũng không thể nhận được. Chúng tôi lần này là đi đến công trường khác để tìm việc”.

“Anh nói nhiều vậy cũng vô dụng thôi! Chúng tôi quy định nhất định cần phải xuất trình giấy chứng nhận thương tật mới có thể mua loại vé dành cho người tàn tật được. Hãy bù tiền vé đi!”, người phục vụ lạnh lùng nói.

Người đàn ông loay hoay mãi cũng chỉ sờ thấy mấy đồng bạc lẻ, nghẹn ngào nói: “Anh này, tôi không có tiền, mua vé trẻ em tôi cũng là bất đắc dĩ. Tôi thật sự là người tàn tật, không tin anh hãy xem đi!”.

Ông vừa nói vừa đưa chiếc chân giả ra chứng minh.

Đứa trẻ bên cạnh cúi gầm mặt xuống không nói lời nào, khắp mặt đỏ ửng, có lẽ cậu cảm thấy hành vi “trốn vé” của bố minh khiến cậu thấy rất mất mặt, cũng có thể là vì những gì đang diễn ra xung quanh khiến lòng tự tôn của cậu bị tổn thương.

Trong lúc hai bên đang lời qua tiếng lại, cậu bé nói với người phục vụ rằng: “Chú ơi, bố cháu rất nghèo, cháu có thể giúp chú lau bàn ghế để trừ vào tiền vé của bố cháu, được không?”. Đang nói, nước mắt cậu bé như muốn trào ra, còn người phục vụ vẫn dửng dưng không chịu.

(Ảnh: Internet)

Lúc này, một nữ nhân viên làm vệ sinh trên đoàn xe không nhìn tiếp được nữa, nói với cậu bé rằng: “Được chứ, cháu có thể lau bàn ghế để bù vào số tiền mà bố cháu còn thiếu”.

Người phục vụ trừng mắt nhìn, đang muốn nói gì đó, liền bị nữ nhân viên kia ngăn lại.

Thì ra, người phụ nữ tốt bụng này cũng có đứa con 5 tuổi. Khi cô nhìn thấy người đàn ông tàn tật nghèo khổ và sự bối rối ngượng nghịu của đứa trẻ, trong lòng không khỏi chua xót. Về sau người phụ nữ tốt bụng này đã lén bù thêm tiền giúp người đàn ông tàn tật kia, và yêu cầu người phục vụ không được nói với hai cha con họ.

Nhìn thấy chiếc cổ áo thun rộng thùng thình trên người đứa trẻ tụt đến bả vai đang chăm chú lau từng chiếc bàn một, không ít người đều rơm rớm nước mắt.

“Nam tử hán” bé nhỏ này đang gánh chịu một trách nhiệm khó khăn, nhưng có thể chắc chắn rằng, lúc này cậu bé không hề cảm thấy bị mất mặt, trái lại gương mặt còn mang theo nụ cười.

Sự tự tôn có thể thành tựu một đứa trẻ, cũng có thể hủy đi một đứa trẻ. Nếu như người phục vụ kiên trì đòi người đàn ông tàn tật này bù tiền vé, trong khi hai cha con họ không có tiền, hậu quả có thể rất xấu hổ, đối với một đứa trẻ mà nói cũng là một loại tổn thương.

Người phụ nữ làm vệ sinh tốt bụng này đã giúp đỡ hai cha con họ, còn khiến cho cậu bé cảm thấy rằng thông qua lao động của chính mình đã giúp đỡ được cho bố, loại tự tin và cảm giác thành tựu đó có dùng tiền cũng không đánh đổi được.

Tự trọng rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ

Lòng tự tôn của đứa trẻ giống như mầm cây non nớt, một khi bị thương tổn, sẽ để lại vết thương khó mà lành lặn được, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời.

Một chuyên gia giáo dục từng đưa ra lời khuyên rằng, một đứa trẻ mất đi lòng tự tôn từ nhỏ, sau khi lớn lên rất khó làm người một cách đường đường chính chính, rất khó có được nhân cách toàn vẹn.

Ví như lòng tự tôn của một đứa trẻ khi còn nhỏ bị tổn thương, bị người khác xem thường bắt nạt, thế thì sau khi đứa trẻ đó lớn lên, rất có khả năng sẽ nghĩ đủ mọi cách chi phối, sai khiến người khác, cũng rất khó có được cảm giác hạnh phúc.

Trái lại, một đứa trẻ được đối xử bình đẳng, mọi chuyện đều được tôn trọng, tâm thái của chúng sẽ trở nên bình thản, hiểu được tự tôn tự ái, cố gắng vươn lên, tự tin vui vẻ.

Những ông bố bà mẹ, nếu muốn đào tạo một đứa trẻ đầy lòng tự tin, thì xin hãy bảo vệ lòng tự tôn của trẻ ngay từ khi còn nhỏ; hãy bắt đầu từ việc bé cưng của bạn thích loại chăn gì, thích quần áo màu sắc gì, thích chơi đồ chơi gì, và thích để đồ chơi ở đâu…

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Đoạn văn tự khắc trên tấm bia mộ vô danh gây chấn động lòng người

Trên tấm bia của một ngôi mộ vô danh ở London có khắc một đoạn văn tự thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách gần xa, rất nhiều người thấy hối tiếc vì đã không phát hiện ra nó từ sớm hơn!


Trong tầng hầm của nhà thờ Westminster ở Luân Đôn, có một tấm bia mộ nổi tiếng thế giới. Kỳ thực, đây chỉ là tấm bia mộ rất bình thường, nó được làm bằng đá hoa cương thô ráp, hình dáng cũng rất bình thường.

Xung quanh nó là những tấm bia mộ của vua Hery III đến George II và hơn 20 tấm bia mộ của những vị vua nước Anh trước đây, cho đến Newton, Darwin, Charles Dickens và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Vì thế ngôi mộ này trở nên bé nhỏ và không được để ý tới, trên đó không có đề ngày tháng năm sinh và mất, thậm chí một lời giới thiệu về người chủ ngôi mộ này cũng không có.

Mặc dù là tấm bia mộ vô danh như vậy, nhưng nó lại trở thành tấm bia mộ nổi tiếng khắp thế giới. Mỗi khi người ta đến nhà thờ Westminster, họ có thể không tới bái yết ngôi mộ của các vị vua đã từng có chiến công hiển hách, hay mộ của Dickens, Darwin và những của người nổi tiếng thế giới khác, nhưng không ai là không tới chiêm ngưỡng bia mộ bình thường này.

Họ đều bị ngôi mộ làm cho xúc động mạnh mẽ. Chính xác ra, họ bị xúc động bởi những dòng chữ khắc trên tấm bia mộ này. Trên tấm bia mộ này có khắc một đoạn văn tự:

“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.

Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.

Nhưng nó cũng như vậy, dường như không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.

Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra: Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”.

Người ta nói, nhiều nhà lãnh đạo và những người nổi tiếng trên thế giới đều bị xúc động mạnh khi đọc dòng chữ này, có người nói đó là bài học giáo lý cuộc sống, có người nói đó là nhân cách hướng nội.

Khi còn trẻ, Nelson Mandela đã đọc những dòng chữ này, đột nhiên có cảm xúc rất nghiêm túc rằng phải tự mình tìm được con đường cải biến Nam Phi, thậm chí là chìa khóa vàng để cải biến toàn thế giới.

Sau khi trở về Nam Phi, với tham vọng này, vốn là một thanh niên da đen ủng hộ chính sách phân biệt chủng tộc đầy bạo lực để cai trị, thoáng một cái, ông đã cải biến tư tưởng và thái độ đối xử của mình, từ việc cải biến chính mình, ông bắt tay vào việc cải biến gia đình và bạn bè thân hữu của mình. Sau nhiều thập kỷ, ông đã thay đổi được đất nước của mình.


Hãy luôn mang một tấm lòng lương thiện và làm những điều đúng đắn, nhắc nhở, cải biến bản thân thành một người tốt. Nếu mỗi người đều biết tự quay lại vào trong và cải biến bản thân mình cho tốt hơn, thì thế giới chắc chắn sẽ thay đổi.

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Tản mạn cuộc sống: Chuyện mắc cỡ của một người Sài Gòn

Khi đi trên đường, nếu bạn vô tình gặp phải một người đang trong cơn hoạn nạn, và cần sự giúp đỡ, bạn sẽ làm gì? Liệu sẽ quay mặt đi hay dừng lại cứu giúp? Vấn đề tưởng chừng bình thường này hóa ra lại không hề dễ…

Giúp người gặp khó khăn, bạn có dám? (Ảnh minh họa)

Ngay con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM) nơi tôi sống trọ trước đây có một người đàn ông lớn tuổi hằng ngày vẫn bán khoai, mì luộc và bị bệnh động kinh. Tôi biết ông bị bệnh này vì một lần chứng kiến ông ngã ra đường, co giật, giãy giụa và khóc rất nhiều, miệng méo qua 
một bên.

Tận bây giờ, tôi vẫn thấy mắc cỡ với chính mình khi nhớ lại giây phút chỉ ngồi ở quán nước kế bên theo dõi mà không làm gì để giúp ông. Tôi quan sát thấy hết người này đến người khác đi ngang qua nhìn mà không ai giúp đỡ gì.

Ngồi thẫn thờ như vậy một lúc, tôi giật mình với sự vô tâm của mình nên đến giúp ông vào lề đường trước một quán nước vỉa hè ngay đó. Sự bất lực của tôi càng lên cao hơn khi người bán nước không cho đưa ông nằm trước hàng của bà, không biết vì lý do gì, có lẽ sợ liên lụy hoặc sợ choán chỗ khách của bà không vào được?

Tôi đưa ông nằm qua vỉa hè kế bên quán nước, lúc này có hai người lại bảo “bị động kinh đó, vắt chanh vô miệng nhiều vào”. Tôi cứ vậy làm theo, mua từ bà bán nước túi chanh vắt liên tục vào miệng ông mà lòng rất sợ nếu ông bị gì, không phải động kinh mà nuốt phải chanh gây phản ứng thì sao? Nếu giúp mà ông xảy ra chuyện gì tôi có bị liên lụy không?…

Cách đây mười ngày, tôi dự một đám tang người thân ở Nha Trang cũng gặp trường hợp một phụ nữ đi bán than bị động kinh ngã ngay trước nhà đám. Mọi người túa ra đưa vào hiên nhà để cấp cứu, người phụ nữ liên tục nói “chanh, chanh, chanh”.

Sau một lúc đổ chanh vào miệng, bà cũng tỉnh. Bà kể chỉ có ba mẹ con, nghèo quá nên hết thuốc hai tuần rồi nhưng không có tiền nên mới bị như vậy. Có người nghe vậy liền đi mua theo sự mô tả viên thuốc trị huyết áp nửa trắng nửa vàng, có người bóp tay bóp chân… mỗi người mỗi cách giúp.

Tuy nhiên, đứng bên ngoài không ít người can ngăn với nhiều lý do: sợ giả vờ để xin tiền vì “thời buổi này khó nói lắm…”, sợ uống chanh bị sặc chết mất công mắc tội ngộ sát, sợ mua thuốc cho người ta uống có chuyện gì thì liên lụy, có người khuyên tốt nhất cho vài chục ngàn đồng kêu taxi chở bà tới bệnh viện cho yên thân…

(Ảnh: Internet)

Trời thì mưa rả rích, quan sát người này, lắng nghe người kia, nhìn phận người mà thấy lắm nỗi hoang mang, “không giúp thì cắn rứt lương tâm, giúp như thế nào để mình được an toàn”. Tự an ủi mình, tôi đưa bà tô cháo và thêm 100.000 đồng về mua thuốc, dặn đi đường cẩn thận…

Trong một lần khác khi đi đường, tôi cũng gặp cảnh cô gái bị tai nạn xe không ai giúp đỡ, cố quay đi để khỏi liên lụy nhưng đi được một đoạn tôi quay xe lại, đưa cô gái vào bệnh viện cấp cứu. Rất may là điện thoại cô gái xài khóa vân tay nên mở được mà gọi người thân cô đến để chăm rồi tôi đi về.

Nhiều lần tôi vừa giúp người vừa lo sợ, dù chưa lần nào tôi phải vướng vào cảnh làm ơn mắc oán. Nhưng rõ là để giúp người khi họ gặp hoạn nạn, một việc làm bình thường, cũng không hề dễ.

Thắng được nỗi lo của mình

Một buổi trưa nắng tháng 4 như đổ lửa, trên đường đi làm về, tôi ghé vào cửa hàng bên đường ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) mua trái cây. Bà cụ bán vé số lưng còng nhìn tôi cười hiền lành như muốn mở lời nói điều gì đó, nhưng rồi lại ngập ngừng không nói.

Tôi cũng không kịp nghĩ gì trước khi định phóng xe để chạy nhanh về nhà trốn cái nắng như thiêu như đốt ngoài đường thì bà cụ nói nhanh: “Cô ơi, cô có đi về phía bờ sông bên trong làm ơn chở giúp bà già này về với. Chân bà mỏi quá rồi…”.

Nghe bà cụ nhờ, tôi ngần ngại nghĩ trước nay mình chưa từng chở người già, lần này chở nếu không may bà cụ ngồi không vững mà té ngã thì phiền phức quá.

Rồi máu cảnh giác của dân thành thị trước thực tế có quá nhiều người ngay bị lừa giữa đường khiến tôi nghĩ đến kịch bản tồi tệ hơn là mình chở bà cụ nếu không may bị ngã xe thì con cháu bà chạy đến ăn vạ, bắt đền chắc… chết!

Nghĩ vậy nên tôi lắc đầu từ chối: “Bà thông cảm, cháu không quen chở ai bao giờ”. Nghe tôi từ chối, mặt bà cụ buồn hiu.

Lúc này, một chị bán trái cây bên đường chạy đến nói thêm vào: “Em chở bà cụ giúp đi, chân bà đau mà ngày nào cũng đi bộ bán vé số tội lắm”. Tôi nhìn lại bà cụ rồi nhìn ra đường nắng và nghĩ nếu để bà đi bộ thì mình quá tệ, nên mời bà lên xe với lời dặn bà phải ngồi cho vững và vịn vào người tôi…

Trên đường đi, hỏi chuyện tôi biết bà đã 77 tuổi, quê ở một tỉnh miền Trung, vì con cái nghèo khó nên phải vào TP.HCM bán vé số tự nuôi sống bản thân và dành dụm gửi về giúp con cháu.

Chở bà an toàn về đến nhà trọ, nhìn bà lưng còng, chân đi liêu xiêu vào nhà, tôi ân hận vì trước đó mình đã không muốn chở giúp bà.

Vét túi biếu bà mấy chục ngàn đồng lẻ và vài trái dưa lê, tôi nghĩ cũng may là mình đã vượt lên nỗi lo của người dân phố thị là “sợ phiền phức”, “sợ bị lừa” để làm được một việc bình thường mà trong tình huống nói trên ai cũng phải làm.

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Lá thư tìm người không địa chỉ và cuộc hội ngộ thầy trò tựa trong mơ

Từ một bộ phim cũ và lá thư hy vọng, giáo viên người Nhật 106 tuổi đã có thể đoàn tụ với những học sinh Đài Loan của mình. Câu chuyện như một bộ phim có hậu, cho ta thấy cuộc sống này còn rất nhiều điều kỳ diệu.

Bức ảnh chụp ngày 26/08, ghi những dòng chữ và ảnh Namie Takaki gửi cho Yang Han-Tsong, một trong những học sinh cũ của cô tại Trường Tiểu học Wurih – Đài Trung, Đài Loan.

Nhà viết kịch người Ireland – Oscar Wilde từng nói: “Cuộc sống bắt chước nghệ thuật nhiều hơn là nghệ thuật bắt chước cuộc sống”. Ông lập luận rằng người ta thường không nhìn thấy mọi điều trên thế giới cho đến khi một nghệ sĩ thể hiện nó ra. Điều này có vẻ đã đúng.

Vào hồi tháng 2/2014, một nhân viên bưu chính ở địa bàn quận Wurih – Đài Loan đã nhận được một lá thư gửi từ Nhật Bản đến một địa chỉ không tồn tại trong vùng.

Thay vì trả lại bức thư, người giám sát Chen Huei-tse đề nghị nhân viên của mình bỏ qua các thủ tục thông thường và cố gắng xác định người nhận.

Chen đã từng xem qua bộ phim Đài Loan năm 2008 “Cape No. 7″ (Mũi đất số 7), trong đó cũng có một bao thư bị thất lạc từ lâu và rồi lại xuất hiện tại một bưu điện ở miền Nam Đài Loan.

Đó là lá thư của một người đàn ông Nhật Bản, nay đã qua đời, viết gửi đến người yêu ở Đài Loan khi ông phải trở về nước sau Chiến tranh thế giới II. Bức thư cuối cùng cũng được giao tới tận nơi nhờ sự nỗ lực của một nhân viên bưu điện.

Giống như cách nói của Oscar Wilde, khi điều tương tự xảy ra trong văn phòng của Chen, ông đã nhận ra rằng mọi chuyện có khả năng sẽ xảy ra như thế. “Đó là phiên bản Đài Trung của ‘Cape No. 7′”, Chen chia sẻ.

Một vài người nghi ngờ. Tuy nhiên, nhân viên của Chen vẫn làm theo yêu cầu, và hai tuần sau đó, họ đã thành công trong việc tìm kiếm người nhận bức thư, Yang Han-Tsong.

Yang Han-Tsong, 88 tuổi, đang sống trong một nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, cả ông lẫn con trai của mình, Yang Ben-ron, đều không thể đọc tiếng Nhật.

Vì vậy một lần nữa, lá thư đặt trên bàn, gần như bị lãng quên, lẫn ​​lộn với xấp hóa đơn thường ngày và tờ rơi quảng cáo gửi đến hộp thư mỗi ngày.

Sau đó vào giữa Tháng Ba, cháu gái của Yang Han-Tsong đã tìm thấy một người biết tiếng Nhật, và trong vài phút, mọi chuyện đã được sáng tỏ.

Bức thư được gửi từ một người phụ nữ Nhật Bản 106 tuổi ở tỉnh Kumamoto, cũng giống như người đàn ông trong “Cape No. 7″, bà đã sống ở Đài Loan dưới thời cai trị của đế quốc Nhật.

Người phụ nữ tên Namie Takaki này đã đến Đài Loan cùng gia đình khi bà 6 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trường nữ Trung học Đài Trung, từ năm 1929 đến năm 1939 bà đã giảng dạy tại Trường Tiểu học Wurih. Yang Han-Tsong là một trong những học sinh của bà.

Khi còn ở Đài Loan, Takaki đã kết hôn và có một gia đình riêng. Con gái của bà, Keiko Takaki, cũng thường nhớ lại thời thơ ấu ở Đài Trung, ở đó cô và em trai cùng học tiếng Đài Loan.

Trong suốt 50 năm Nhật Bản cai trị, nhiều người đã coi Đài Loan như là nhà của mình. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, Takaki và gia đình bà phải rời Đài Loan để trở về nước. Đó là quãng thời gian rất buồn, đặc biệt là đối với những người được nuôi lớn trên đảo.

Ở Nhật Bản, chồng của bà làm nhân viên công chức. Bà có thêm một đứa con nữa và dành toàn thời gian làm nội trợ.

Takaki chưa bao giờ trở lại Đài Loan. Nhưng nhiều thập kỷ đã trôi qua, bà thường nghĩ về những em học sinh của mình, tự hỏi họ đang ở đâu và làm gì.

Khi đó, một bộ phim Đài Loan đã thuyết phục bà biến giấc mơ thành sự thật. Đó là một bộ phim tên “KANO” được sản xuất năm 2014, kể về câu chuyện có thật của một đội bóng chày trường trung học Đài Loan trong những năm 1930.

Hồi tưởng lại, bà đã rất thích bóng chày Đài Loan biết bao nhiêu, Takaki nhờ Keiko viết thư cho Yang, là lớp trưởng trong danh sách mà bà lưu lại từ năm 1935.

Trong khi địa chỉ này đã lâu lắm rồi, Chen vẫn nỗ lực tìm ra manh mối.

Sau khi nhận được thư của Takaki, Yang Ben-ron bắt đầu kết nối càng nhiều bạn cùng lớp cũ của cha mình càng tốt.

Cuối cùng, có đến 23 địa chỉ được tìm ra, họ đã gửi rất nhiều thư và hình ảnh đến Takaki. Mọi người đều nhớ bà vì bà là một giáo viên tận tâm.

“Hồi đó chúng tôi phải tỏ lòng tôn kính tuyệt đối với giáo viên”, ông Yang Er-Tsong 88 tuổi, nói. “Chúng tôi thậm chí không thể đi trong bóng của các thầy cô”. Nhưng Takaki thì khác. “Cô ấy yêu trẻ nhỏ và không ngần ngại thể hiện tình cảm của mình”, ông nói.

Xuất thân từ một gia đình nghèo, Yang cho biết cha mẹ của ông không đủ khả năng để mua quần áo cho ông. Vì vậy, khi nhìn thấy ông run lên vì lạnh trong một ngày đông, Takaki đã cho ông một chiếc áo ấm.

“Tôi không bao giờ bỏ lỡ một buổi học nào trong suốt sáu năm ở trường”, ông nói đầy tự hào. “Bởi vì cô ấy, tôi thích học và học giỏi ở trường”.

Chen Bai-sha, 88 tuổi, cho biết Takaki đã dạy bà và những bạn gái khác may khăn trải bàn và các vật dụng trong nhà. Họ cũng may những bộ kimono và mặc chúng vào ngày tốt nghiệp, cô nhớ lại.

Ban đầu, các giáo viên và học sinh có kế hoạch đến thăm bà, nhưng tuổi tác đã ngăn trở chuyến đi của họ.

Chen Huei-tse sau đó đã có ý tưởng tổ chức một cuộc gặp mặt bằng video, nhờ sự tài trợ của công ty Nhật Bản V-CUBE và Chính phủ thành phố Đài Trung.

“Đó có thể là lần cuối cùng họ có cơ hội để nhìn thấy nhau”, Chen nói.

Ngoài học sinh của Takaki và gia đình của họ, Thị trưởng Đài Trung Lin Chia-lung cũng tham dự cuộc hội ngộ qua video này, và đã đề nghị Đài Trung và tỉnh Kumamoto hãy trở thành thành phố anh em.

Những học sinh tại Trường Tiểu học Wurih cũng tham dự, và Takaki hát theo khi các em biểu diễn bài thánh ca của trường từ thời Nhật Bản, chúng đã được dạy để hát trong dịp này.

Khi nghe tin một trong những cựu học sinh của mình vừa mới qua đời, Takaki đan hai tay vào nhau cầu nguyện.

Với vai trò mang lại cuộc hội ngộ đầy bất ngờ này, Chen đã so sánh mình như một hiệp khách. Là con cả trong gia đình, ông cho biết ông cảm thấy trợ giúp người yếu hơn đó là nhiệm vụ của mình, và ông không ngần ngại “rút đao tương trợ”.

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Giàu không chỉ tại số, câu chuyện này sẽ cho bạn thấy nghèo là do mình

Giàu nghèo không phải chỉ là do số định, mà còn bởi thói quen quyết định! Câu chuyện nhỏ dưới đây sẽ cho bạn thấy rằng giàu hay nghèo cũng là do chính mình.

Giàu nghèo không phải chỉ là do số định, mà còn bởi thói quen quyết định! Câu chuyện nhỏ dưới đây sẽ cho bạn thấy rằng giàu hay nghèo cũng là do chính mình.

Giàu nghèo không chỉ do số. (Ảnh minh họa)

Thói quen là cái máy ATM, và cũng có thể là chủ nợ muôn thủa của chúng ta

Trước tiên hãy nghe câu chuyện này:

Trên một hòn đảo nhỏ ở Đông Nam Á, những người giàu có kiếm được tiền, phát tài đều là người Hoa, người bản địa ở đây thì vẫn nghèo rớt mồng tơi.

Nguyên nhân là vì sao? Là do người bản địa ở đây quá lười nhác, chỉ ham món lợi trước mắt mà không biết nhìn xa trông rộng!

Chẳng hạn, có một người dân bản địa trên đảo này làm thuê cho gia đình ông chủ người Hoa, đã làm được hơn 10 năm. Một ngày nọ anh ta nhìn thấy bà chủ cất tiền vào trong tủ quần áo, số tiền khoảng cỡ 2.000 USD.

Việc này khiến người bản địa nọ động tâm, vì thế đêm đó anh ta đã mang dao tới giết chết gia đình nhà ông chủ, tổng cộng 5 người.

Cướp tiền xong, anh này đốt nhà rồi bỏ đi. Không lâu sau hung thủ bị bắt, và bị xử tử hình. 2.000 USD, kỳ thực không phải là một số tiền lớn, nhưng lúc đó người bản địa kia trong đầu chỉ có một suy nghĩ là chiếm được 2.000 USD, hoàn toàn không nghĩ tới mối ân tình hơn 10 năm giữa nhà chủ với mình, và hậu quả thế nào anh ta cũng không lường trước.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy kiểu người sống không có ngày mai, không muốn thay đổi thói quen, rất đáng sợ!

Trong giới trẻ hiện nay, có rất nhiều người cũng giống như vậy. Có người từ đầu tháng đến cuối tháng chỉ ăn mì gói, có người người sống dựa dẫm vào cha mẹ, có người la cà khắp nơi hết ăn rồi lại uống, sống một cuộc sống nhu nhược tẻ nhạt.

Về bản chất là giống với người bản địa trên đảo kia, khác biệt chỉ là ở chỗ, không vì 2.000 USD mà giết người.

2 kiểu người này đều không dựa vào thực lực của bản thân, cũng không có đủ động lực để bứt phá ra khỏi cái khung hiện tại của mình.

Những điều mà người đi làm thường xuyên phải đối mặt trong công việc

Lương thấp, bận rộn, thời gian làm việc dài, cho dù tăng ca đến kiệt sức, tiết kiệm từng khoản tiền nhỏ, nhưng mục tiêu tự do về tài chính chỉ là xa vời vợi.

Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, câu nói “hài lòng chính là hạnh phúc, nỗ lực sẽ được hồi đáp” cũng tương đương với nói dối, tương đương với bán mạng cho công việc và không dám nghĩ mình sẽ thoát ra khỏi cái lồng bận bịu khốn khó.

“Hài lòng là vui vẻ” chỉ là một câu nói dối, hài lòng không phải là vui vẻ, mà ngược lại “hài lòng” lạị khiến bạn rơi vào cảnh khốn khổ “một đời nghèo khó”.

Thực tế khi bạn ở trong trạng thái không hài lòng, mới có thể có quyết tâm lột bỏ được sự nghèo khó, mới có động lực theo đuổi tài phú, dám dũng cảm thay đổi hành động của mình.

Giàu hay nghèo cũng không phải hoàn toàn do số định, nó còn là do thói quen tạo thành, chỉ cần bạn dám thay đổi từ bây giờ, thì mỗi người chúng ta đều có cơ hội trở mình thoát khỏi sự nghèo khó, trở thành một người giàu có đích thực.