Trang chu

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Một câu chuyện thú vị về việc đọc sách

Một giáo viên trường tư đang đi dạo một mình vào lúc giữa đêm. Đột nhiên ông ta gặp lại một người bạn cũ đã mất. Nhưng ông ta là một người dũng cảm nên không hề sợ hãi. Ông ta hỏi người bạn: “Anh đi đâu thế?”

Người bạn của ông ta trả lời: “Tôi đang làm Minh Lại (một nhân viên dưới âm phủ). Tôi phải trông coi khu làng phía Nam. Tôi đang trên đường đi và cùng đường với ông.”

Người giáo viên trường tư đi cùng với ông ta. Khi đi qua một ngôi nhà cũ, Minh Lại nói: “Ở đây có một vị học giả đức hạnh và cao thượng.”

Người giáo viên trường tư hỏi ông ta: “Tại sao anh biết người đàn ông sống trong ngôi nhà này là một vị học giả đức hạnh và cao thượng?”

Ảnh minh họa

Minh Lại đáp: “Hàng ngày, người ta rất bận rộn với công việc mưu sinh và tâm hồn của họ bị chôn vùi trong đó. Đêm đến, khi mọi người đi ngủ , họ không còn nghĩ về điều gì nữa. Vào lúc đó, nguyên thần của họ sẽ xuất ra ngoài. Nếu như một người thường đọc những quyển sách tốt ví dụ như “Luận Ngữ” của Khổng Tử, “Ly Tao” của “Khuất Nguyên” và “Sử Ký” của Tư Mã Thiên, một trường ánh sáng nhiều màu sắc và chói sáng sẽ phát ra từ trăm khiếu của người đó. Những ánh sáng rực rỡ nhất có thể cao đến tận trời và tỏa sáng như mặt trăng và các vì tinh tú. Những ánh sáng tiếp theo có thể xa tới vài trượng. Những ánh sáng tiếp nữa có thể xa đến vài thước. Và những ánh sáng yếu nhất sáng như một ngọn đèn chiếu ra ngoài cửa sổ. Người thường ko thể thấy điều này. Chỉ có hồn ma và những vị thần mới có thể thấy điều như thế.”

Người giáo viên trường tư hỏi ông ta: “Tôi dành nhiều thời gian trong cuộc sống để đọc sách, trường ánh sáng của tôi thế nào khi tôi ngủ?”

Minh Lại ngập ngừng một lúc rồi trả lời: “Tôi đi qua nhà ông ngày hôm qua lúc ông đang ngủ trưa. Tôi lưu ý rằng ông đọc rất nhiều sách, nhưng ông ít đọc sách của thánh hiền. Hầu hết các sách ông đọc đều vì mục đích cá nhân, giải trí và thiếu chân thực. Mỗi chữ đều biến thành khói đen và bao trùm ngôi nhà của ông. Ngôi nhà của ông giống như được che phủ bởi bóng tối và suơng mù dày đặc đến nỗi ánh sáng không thể nào chiếu vào được.”

Người giáo viên trường tư đã không bình tĩnh xem xét lại lỗi lầm của mình. Thay vào đó, ông ta tức giận phản đối vị Minh Lại. Minh Lại không tranh cãi với ông ta. Ông ta chỉ mỉm cười và đột nhiên biến mất.

Bộ não của con người giống như một cái thùng chứa. Bất cứ cái gì bạn bỏ vào trong đó nó đều trở thành đặc tính của cái thùng chứa. Do đó việc đọc những quyển sách tốt là rất quan trọng. Đừng đọc sách và xem phim ảnh có nội dung xấu. Chúng ta cần giữ một trái tim và một linh hồn trong sáng.

Một người sẽ trở nên cao thượng sau khi đọc những quyển sách tốt, đó là quá trình phát triển nhân cách và trau dồi bản thân. Nhìn vào không gian khác, người này thực sự có thể tỏa ra ánh sáng xa đến mười ngàn trượng. Nhưng nếu anh ta đọc nhiều những sách không tốt, anh ta sẽ mang nhiều thứ xấu và trở nên tệ đi. Từ không gian khác, người này sẽ phát ra rất nhiều khí đen và xấu. Bởi vậy bạn cần phải rất cẩn thận trong việc trau dồi tâm hồn mình.

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Nhân quả báo ứng: Trời ban phúc cho người hành thiện

Xưa ở tỉnh An Huy, Trung Quốc có một thương nhân tên Vương Chí Nhân, đã ở tuổi tam tuần nhưng vẫn chưa có con. Một ngày nọ, một thầy tướng số nói với ông rằng: “Tháng Mười này ông sẽ gặp một tai họa lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ông phải rất đề phòng mới mong tránh được nó!”. Ông Vương trước giờ luôn bội phục khả năng của vị thầy tướng số này nên ông tin ngay không chút nghi ngờ. Ông vội vã đi đến Tô Châu ngay lập tức, thu hồi hết mọi khoản đầu tư buôn bán và thuê một căn nhà ở Tô Châu để sống tạm nhằm tránh tai ương, theo như lời mách bảo của thầy tướng số.


Một đêm nọ, ông Vương ra ngoài đi dạo và bắt gặp một phụ nữ nhảy xuống sông tự tử. Thất kinh trước cảnh tượng này và vì muốn cứu người phụ nữ đó, trong lúc cấp bách ông đã lấy ra 10 lạng bạc giơ lên cao khỏi đầu và hô lớn để những người trên thuyền bên kia sông nghe thấy: “Có một phụ nữ bị ngã xuống nước ở đằng kia, ai cứu được cô ấy sẽ được thưởng 10 lạng [1] bạc!”. Sau khi các chủ thuyền nghe thấy, tất cả họ bèn nhanh chóng chèo ra sông để cứu người phụ nữ.

Cùng lúc có 2 chiếc thuyền đến vớt và đưa người phụ nữ lên bờ. Rất may là cô đã được cứu kịp thời nên đã sống sót. Ông Vương là người hào phóng nên đã giữ lời hứa, lấy ra 10 lạng bạc chia ra cho 2 chủ thuyền.

Khi người phụ nữ đã hồi tỉnh rồi, ông Vương vẫn còn rất bồn chồn. Ông hỏi: “Mạn phép xin hỏi là sự tình bức bách nào đã khiến cô phải tìm đến cái chết vậy?!” Người phụ nữ trả lời trong nước mắt: “Chồng tôi làm thuê cho một người nhưng họ đang túng thiếu nên đã trả công cho chồng tôi bằng một con heo. Hôm qua trong lúc chồng tôi đi vắng, một người ở vùng khác đã đến làng của tôi tìm mua heo. Tôi đã bán con heo đổi lấy 10 lạng bạc. Tôi thấy rất vui và nghĩ rằng mình đã bán được giá hời. Sau đó một người họ hàng đến chơi nhà và phát hiện ra số bạc ấy là giả! Tôi sợ rằng mình sẽ bị chồng trách móc khi chàng trở về, và cảm thấy cuộc sống khổ cực này thật vô nghĩa nên tôi đã nghĩ đến việc tự tử để kết thúc nó đi!”

Sau khi nghe chuyện, ông Vương vô cùng thương cảm, không ngần ngại lấy ra đủ số tiền bằng với giá bán của con heo và trao cho người phụ nữ. Ông khuyên cô hãy quay về nhà và hãy sống thật tốt. Người phụ nữ mang số bạc ấy về kể lại toàn bộ câu chuyện cho chồng nghe nhưng anh ta không tin. Hai vợ chồng vội đi đến chỗ ở của ông Vương để xác nhận sự việc.

Ông Vương vừa mới thiu thiu ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa và một giọng phụ nữ cất lên: “Tôi là người ngã xuống nước và được ông cứu mạng. Tôi quay lại để cám ơn ông, ông Vương ạ! Xin hãy mở cửa.” Nghe thấy thế, ông Vương nghiêm giọng trả lời: “Nàng là phụ nữ đã có chồng, còn tôi là lữ khách đang ở một mình. Nam nữ thụ thụ bất thân [2]. Huống hồ chúng ta lại gặp gỡ lúc đêm khuya như vậy?!” Mối nghi hoặc của người chồng liền tan biến khi nghe điều đó. Anh ta cảm động sâu sắc và lên tiếng: “Thưa ngài, ngài đúng là một bậc chính nhân quân tử. Xin đừng hiểu lầm, hai vợ chồng chúng tôi cùng đến để cám ơn sự hy sinh của ngài!”

Ông Vương chợt hiểu ra mọi chuyện và nhanh chóng thay quần áo để ra tiếp khách. Ngay khi ông mở cửa thì bức tường phòng ngủ bất ngờ đổ sập xuống khiến chiếc giường vỡ nát! Cặp vợ chồng thở phào nhẹ nhõm khi chứng kiến cảnh tượng ấy, sau đó họ thành kính cám ơn lòng tốt của ông Vương.

Tháng Mười trôi qua, ông Vương trong tâm rất thoải mái vì ông biết mình đã thoát được kiếp nạn. Ông đến gặp lại vị thầy tướng số sau khi về nhà ở An Huy. Vị thầy tướng vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy ông và nói: “Vài tháng không gặp, mà sắc diện của ngài đã cải biến hoàn toàn. Ngài đã được hồi sinh; nét ‘âm đức’ đột nhiên xuất hiện khắp khuôn mặt. Tôi cho rằng nhất định ngài đã làm một việc đại từ bi là cứu mạng người. Với tướng mạo của ngài bây giờ, ngài sẽ đắc vô lượng phúc báo trong tương lai!”

Thời gian sau đó, vợ của ông Vương đã sinh hạ cho ông 11 người con trai, mỗi người con đều rất đoan chính, biết quan tâm và lễ phép. Ông Vương cũng được hưởng thọ 96 tuổi, đồng thời ông luôn hạnh phúc và khỏe mạnh trong suốt cuộc đời. Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng nghiệp lực luân báo là có thật. Khi một nhân được gieo thì một quả sẽ được sinh ra. Việc ông Vương được Trời ban phúc vì lòng thương người và đạo đức của mình đã chứng minh điều này. Cũng giống như nông dân gieo hạt; gieo hạt đậu sẽ thu hoạch đậu, gieo hạt dưa sẽ thu hoạch dưa.

Tuy vậy một số người trong xã hội ngày nay luôn cho rằng bản thân mình có giá trị hơn người khác và lợi ích của họ quan trọng hơn bất kỳ điều gì. Khi gặp việc tốt cần giúp một tay thì họ lại nghĩ ra đủ lý do để tránh né. Đến cuối đời, họ kiếm được rất nhiều tiền từ công việc làm ăn nhưng lại không tích được chút đức nào. Làm sao loại người này có thể biến dữ hóa lành và gặp may mắn khi gặp khổ nạn được? Đặc biệt là các quan chức thuộc Bộ Công an dưới chế độ Trung Quốc độc tài bạo ngược đã đàn áp dã man những người vô tội tin vào Chân, Thiện, Nhẫn—nếu họ không nhanh chóng ngừng tay và vãn hồi sai lầm của mình, họ sẽ phải hối hận khi tai họa từ Trời giáng xuống. Đây không phải là hù dọa, nhưng thật sự là: hại người cũng là hại mình và giúp người chính là giúp mình. Con người ta nên nỗ lực làm việc có ích cho người khác và đắc phúc báo để được lợi ích cho bản thân.

Ghi chú:

[1] Một lạng bạc bằng khoảng 31,25 gram.
[2] “Nam nữ thụ thụ bất thân” (Nam nữ trao đồ vật không được chạm tay nhau) là câu tục ngữ truyền thống của Trung Quốc.

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Làm quan thương dân, công đức rất lớn

Triều đại nhà Tần có một vị quan tên là Lâm Hạo, người tỉnh Phúc Kiến. Lần nọ, ông ta phụng mệnh vua đến tỉnh Thiểm Tây để xem xét công trình nạo vét lòng sông và ông đã tận mắt chứng kiến mấy vạn dân phu ngày đêm bị cưỡng bức nạo vét. Vì làm việc quá sức, một số dân phu phải bỏ mạng tại công trường, còn số người bị thương thì nhiều không kể xiết.

Tần Thuỷ Hoàng là một bạo chúa thời bấy giờ, nhưng Lâm Hạo không hề sợ hãi. Vì quan tâm đến những người dân lành, ông đã dũng cảm lên kinh đô để tường trình với hy vọng vua có thể cho phép các dân phu thay phiên nhau nghỉ ngơi và mời thầy thuốc đến chữa trị bệnh tật cho họ. Song Tần Thuỷ Hoàng ngu muội, không những không phê chuẩn mà còn định xử trị Lâm Hạo.

Lâm Hạo tuy là vị quan tốt thương dân như con đẻ nhưng cũng đành phải bó tay ngồi nhìn dân chịu khổ. Vì thế, lòng ông sinh ra phiền muộn, lâu ngày thành bệnh rồi chết.

Sau khi chết, hồn ông được đưa đến âm phủ. Vua Diêm La bảo ông rằng: “Nhờ sự cầu xin cứu mạng cho hàng vạn dân phu của ngươi nên ta cho ngươi được thọ thêm 50 tuổi.”

Nói xong liền ra lệnh bọn tiểu quỷ dẫn hồn ông trở lại dương thế. Lâm Hạo nhờ vậy mà được sống lại. Sau đó ông xin nghỉ hưu về quê sống ẩn dật cho đến lúc mất.

Lâm Hạo thương lo cho dân, việc dầu khó khăn đến đâu ông cũng cố gắng làm cho được, khiến cho hàng quỷ thần cũng phải kính phục. Nhân đó mà ông được tăng thêm tuổi thọ.

Cho dù mạng sống đã hết nhưng nhờ làm thiện có thể được sống lâu hơn, có thể chuyển nghèo thành giàu, mạng yểu thành trường thọ chỉ trong nháy mắt. Mới biết tất cả sự thưởng phạt của tạo hoá thật ra cũng đều do việc làm thiện ác của ta mà ra cả!

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Khiêm tốn tìm lời khuyên tốt

Vũ Vương: Hoàng Đế Đầu Tiên Của Nhà Chu – Vị Vua Tôn Kính Trời


Vũ Vương thành tâm tuân theo những lời dạy của tổ tiên mình. Người xưa khuyên những người thống trị nên siêng năng và ngay chính, tôn kính trời đất, yêu dân chúng, cự tuyệt sự lười biếng và xa hoa. Họ cảnh báo rằng sự nghiệp của một người thống trị có thể bị ngăn trở nếu những ham muốn ích kỷ của anh ta chiến thắng các tiêu chuẩn đạo đức.

Chu Vũ Vương (周武王) là con trai của Chu Văn Vương (周文王). Vài năm sau khi Vũ Vương thừa kế ngai vàng, ông chinh phạt nhà Thương (商朝) và lập ra nhà Chu (周朝) (từ năm 1122 đến 221 trước công nguyên).

Nhà Chu là một thời kỳ quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Ba mươi bảy vị hoàng đế trị vì trong 900 năm trước khi bị nhà Tần (秦朝) chinh phạt vào năm 221 trước công nguyên.

Nhà Chu không chỉ là triều đại lâu đời nhất Trung Quốc mà còn là đỉnh cao của nền văn minh Trung Hoa cổ đại. Các triết lý của Khổng Tử và Đạo Giáo phát triển trong triều đại này đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ xuyên suốt trong lịch sử Trung Quốc.

Vào đầu thời trị vị của Vũ Vương, ông đã hỏi vị quân sư Khương Tử Nha (姜子牙) rằng liệu có đạo lý nào đơn giản và hiệu quả được ghi chép từ quá khứ cho phép các thế hệ tương lai bảo tồn nền móng của quốc gia mà tổ tiên họ lập ra.

Khương Tử Nha đáp rằng có một loại trí huệ giúp đạt được sự trị vì đó nằm trong cuốn sách quý được truyền lại từ các vị tiên đế. Ông nói với Vũ Vương rằng ngài chỉ có thể thấu hiểu sau khi đã thanh lọc bản thân mình bằng cách ăn chay.

Ba ngày sau, Vũ Vương, đầu đội chiếc mũ tế lễ, tôn kính thỉnh cầu để được ban trí huệ. Ông đứng hướng về phía đông để thể hiện lòng tôn kính, thay vì hướng nam, hướng mà những người cai trị thường nhìn xuống khi gặp thần dân của mình.

Trí tuệ của các vị vua cổ đại

Sau đó, Khương Tử Nha liền đọc cuốn sách: “Người cai trị đất nước chu đáo, phải tôn kính trời, và cự tuyệt sự lười biếng và xa hoa, sự nghiệp của anh ta sẽ thịnh vượng.”

“Người bỏ bê trách nhiệm của mình và thèm muốn sự an nhàn và hưởng lạc, sự nghiệp của anh ta sẽ đi xuống”.

“Người mà sự ngay chính của mình vượt trên ham muốn cá nhân thì sự nghiệp sẽ trôi chảy và thành công. Người mà ham muốn ích kỷ vượt quá tiêu chuẩn đạo đức thì sự nghiệp sẽ bị ngăn trở.”

Khương Tử Nha nói, “Đây là nguyên tắc đơn giản và hiệu quả có thể cho phép các thế hệ tương lai bảo tồn nền móng của quốc gia mà tổ tiên họ lập ra”.

Ông còn nói với nhà vua rằng nếu ngài trị vì với lòng nhân từ thì vương triều của ngài sẽ kéo dài hàng chục thế hệ.

Sau khi nghe được điều thông thái này, Vũ Vương đã rất phấn chấn. Ông ra lệnh viết những chữ này lên gương và bồn tắm, gậy và kiếm của mình, cung và giáo và trên các cột trụ, cửa và cửa sổ, ở những nơi khác, để ông có thể dùng chúng với sự cẩn thận và khích lệ bản thân mọi thời điểm.

Khiêm tốn tìm lời khuyên tốt

Vũ Vương hành xử như một vị vua hiền triết, khiêm tốn và trân trọng tìm kiếm lời khuyên tốt từ các quan lại thông thái và đức hạnh.

Thêm vào đó, ông còn cho khắc lời của họ như là các điều luật để nghiên cứu và dùng chúng để tự kiểm điểm bản thân mọi lúc, nhằm quy chính các hành vi và suy nghĩ của mình.

Với những việc làm này, ông siêng năng phấn đấu để tu dưỡng tâm can đầy trí tuệ thuần khiết, cho phép ông hiểu được ý Trời và trị vì đất nước với lòng nhân từ.

Triều đại 900 năm của nhà Chu có được phần lớn là nhờ những vị hoàng đế kế vị, những vị vua gìn giữ cẩn thận giáo lý tổ tiên để lại, kính Trời, thương dân, và hết mực coi trọng việc tu dưỡng đức hạnh của bản thân.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Thông cảm, tha thứ ắt được phước báo

Vào thời nhà Minh, có vị đại thần tên là Hạ Nguyên Cát. Hôm nọ, ông ta thấy một viên quan do bất cẩn làm mực bắn vào tờ thánh chỉ của vua. Hạ Nguyên Cát biết anh ta quá sợ tội nên có thể tự sát, liền vội an ủi: “Anh đừng quá sợ hãi, tôi sẽ nghĩ cách giúp anh.”

Hôm sau, Hạ Nguyên Cát vào triều tâu rằng: “Muôn tâu Thánh thượng, hạ thần sơ ý đã làm bẩn thánh chỉ, tội thần thật đáng chết.”

Hoàng thượng cười và nói: “Vậy ta phạt khanh chép lại một lần.”

Về sau, Hoàng thượng biết được sự tình, khen ông ta là người biết thông cảm, tha thứ cho thuộc hạ. Không bao lâu, Hạ Nguyên Cát lại được thăng làm Hữu thừa tướng. Thật là có lòng tốt cứu người ắt được phước báo.

Làm một người chủ, một người có quyền, nếu thường xuyên quan tâm giúp đỡ những kẻ thuộc hạ, biết dùng các phương tiện để khoan dung và tha thứ cho những lỗi lầm của họ thì vị ấy tất sẽ được mọi người kính mến, dầu có gặp việc xấu cũng sẽ được hoá giải trở nên an lành. Đó chính là nhờ phước đức mà họ đã tạo vậy.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Trả lại trâm vàng, cứu được hai người

Vào đời nhà Minh, có một thư sinh người ở Tô Châu tên là La Luân. Một hôm, anh ta cưỡi ngựa và dẫn theo một tiểu đồng cùng lên Nam kinh dự thi. Trên đường di, tiểu đồng cười nói rằng: “Hôm qua thật là vận may, con đã nhặt được chiếc trâm vàng ở trong rãnh nước trước nhà người kia.”

Sau khi La Luân hỏi rõ sự việc, lập tức lấy chiếc trâm vàng cưỡi ngựa quay trở lại để trả cho người bị mất. Khi đến nơi thì trời đã tối, từ ngoài đã nghe trong nhà có tiếng nhiều người khóc lóc. Đứa tớ gái vừa khóc vừa nói: “Con không có lấy chiếc trâm vàng đó.” Cô ta muốn nhảy xuống giếng tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình. Bà chủ cũng khóc lóc mà bảo: “Tôi không có dính líu trong vụ mất cắp này.” Rồi bà cũng đòi treo cổ tự tử để chứng minh mình vô tội. Sau đó, La Luân nghe tiếng đánh đập, chửi rủa của một người đàn ông nên liền lớn tiếng kêu cửa.

Người đàn ông ấy liền mở cửa bước ra. La Luân kể rõ cho ông ta nghe việc tiểu đồng của mình bắt được chiếc trâm trong rãnh nước. Người chủ bây giờ mới vỡ lẽ mọi chuyện và ăn năn nói rằng: “Cám ơn công tử đã kịp thời quay lại, nhờ vậy mà tánh mạng của vợ tôi và đứa hầu gái mới được bảo toàn.”

Hoá ra chiếc trâm bị rơi vào bồn rửa rồi theo dòng nước chảy đến bờ rãnh và tiểu đồng nhân đó lượm được. Do đó nên mới tạo ra sự nghi ngờ và hiểu lầm.

Sau đó La Luân tiếp tục đến Nam kinh dự thi và đã đậu trạng nguyên. Anh ta nhờ trả lại trâm vàng mà cứu được hai mạng người nên phước báo rất lớn. Đây quả là một sự khích lệ lớn lao cho những ai đã và đang làm việc thiện vậy.

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Câu chuyện có thật từ thời Đại Cách Mạng Văn Hóa: Một “hành vi phạm tội” cứu mạng cả làng

Cha tôi nói: “Giờ cha đã 80 tuổi, cha biết rằng Thần Phật đã ban cho cha những năm này. Con trai, con không nên tin vào thuyết vô thần nữa. Hãy chú ý đến hành vi của mình và coi trọng đức. Hãy kể lại câu chuyện của cha cho các con của con. Luôn sống tử tế; điều này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho con và con cái của mình.

Có một quy luật của vũ trụ là thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo (làm điều thiện thì trời ban phước, làm điều ác thì gặp tai ương). Đó là những gì người cha quá cố thường nói với tôi. Tôi biết được nguồn gốc của câu chuyện có thật này từ thời Đại Cách Mạng Văn Hóa.
Một ngày nọ, tôi đến thăm nhà cha mẹ mình. Cha tôi đang ngồi ở sân và tận hưởng buổi chiều đẹp. Ông vừa hồi phục sau một cơn bệnh nặng. Bỗng có một người thầy bói đi ngang qua và nói: “Này ông, ông trông khỏe đấy! Ông chắc vừa hồi phục từ một cơn bạo bệnh. Đừng lo. Ông sẽ sống thọ”.

Người thầy bói ngồi xuống với cha tôi và giải thích rằng ông đã cứu rất nhiều người trong quá khứ, vì vậy Thần Phật đã kéo dài mạng sống của ông. Ông giải thích rằng thọ mệnh của cha tôi được kéo dài từ 64 tuổi đến 84 tuổi và tất cả con cháu của ông đều được phù hộ.

Trước khi rời đi, người thầy bói quay về phía tôi và nói: “Anh sẽ có những gì mà anh đáng có. Đừng ép mình giành lấy những thứ không phải của mình. Đời người chỉ như mây và sương mờ, nhưng giữ lấy đức hạnh lớn và lòng tốt sẽ đem lại vận may và sự trường thọ”.

Tôi không để ý đến lời của ông ta, nhưng cha tôi căn dặn: “Cha biết rằng con không hiểu được, nhưng con phải nhớ điều này: Cha không quan tâm con làm gì ở nơi công tác nhưng đừng bao giờ bắt nạt người khác. Việc con làm với cương vị là ủy viên hội đồng kỷ luật, nói một cách chung chung là bắt nạt người khác. Người thầy bói nói đúng; đúng là cha đã cứu mạng sống của cả ngôi làng khi con mới 8 tuổi…”

Gia đình bị đày ải đến vùng xa xôi hẻo lánh

Cha tôi bị dán nhãn cánh hữu trong thời Đại Cách Mạng Văn Hóa. Theo hình phạt, cả nhà tôi bị đày ải đến vùng xa xôi hẻo lánh.

Sau đó, cha tôi trở thành lãnh đạo của một tổ chức đảng địa phương. Đó là vào năm mà đảng cộng sản hứa suông với nông dân, làm nhiều gia đình không có thức ăn. Đặc biệt là vào các chiến dịch sắt thép năm 1958, vào giai đoạn đầu của kế hoạch “Đại Nhảy Vọt”, thời điểm mà các gia đình phải làm việc ở lò luyện kim để làm thép, và mỗi gia đình phải giao nộp nồi niêu xong chảo của mình để quân đội có thể dùng chúng để sản xuất thép.

Kế hoạch Đại Nhảy Vọt, diễn ra từ năm 1958 đến 1961, là một trong những cuộc vận động thảm khốc nhất của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc. Nó dựa trên sự cưỡng bức, khủng bố và bạo lực có hệ thống. Nó dẫn đến Nạn Đói Khủng Khiếp, một trong những nạn đói lớn tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Đại Nhảy Vọt đã làm 18 đến 45 triệu người chết.

Giấu thức ăn để cứu cả ngôi làng

Một ngày nọ, có thông báo rằng các cán bộ của huyện sẽ đến làng để lục soát và tịch thu số ngũ cốc còn lại ở nhà kho của làng, nơi hầu như trống không. Đó là việc thường xảy ra trong giai đoạn Đại Nhảy Vọt. Cha của tôi đã rất lo lắng và đi gặp các cán bộ xã trong đêm đó để bàn cách cất giấu số thực phẩm khan hiếm còn sót lại. Đó là vấn đề sống còn.

Mọi người trong làng cùng làm việc để đào một cái hầm chứa ở một địa điểm bí mật để giấu lượng ngũ cốc còn lại. Cùng lúc đó, họ vội vàng thu hoạch số khoai lang còn lại trên đồng. Điều này được làm một cách bí mật tuyệt đối dưới ánh trăng.

Cuối cùng họ cũng thu hoạch hết chỗ khoai lang trước khi trời sáng và giấu hết số thức ăn. Cha của tôi đã bất tỉnh do căng thẳng và kiệt sức. Vào buổi trưa, cha tôi tiếp các cán bộ huyện, nhưng họ không tìm thấy một chút ngũ cốc nào.

Cha tôi nói đùa: “Trong cuộc đời của cha, đó là lần đầu tiên cha làm ăn trộm, một tên trộm đầu sỏ, kẻ dẫn cả làng đi ăn cắp. Cha đã làm một tên tội phạm lúc đó, nhưng cứu mạng cả một ngôi làng. Vì lý do này, thọ mệnh của cha được kéo dài thêm 20 năm. Thần Phật rất công bằng.”

Cha tôi nói: “Cha không bao giờ muốn làm việc cho chính phủ, và không có cơ hội làm một người cánh hữu nên cha trở thành một cán bộ xã bình thường.

Bây giờ cha đã 80 tuổi, cha biết rằng Thần Phật đã ban cho cha những năm qua. Con trai, con không nên tin vào thuyết vô thần nữa. Hãy chú ý đến hành vi của mình và coi trọng đức. Hãy kể câu chuyện của cha cho các con của con. Luôn sống tử tế, điều này sẽ đem lại lợi ích cho con và con cái của mình”.

Cha tôi sống được 84 năm và 112 ngày.

Tôi kể câu chuyện của cha mình với lòng kính trọng ông, và đem đến cho các độc giả một ví dụ vững chắc về câu thành ngử cổ của người Trung Quốc, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.


Cha tôi nói đùa: “Trong cuộc đời của cha, đó là lần đầu tiên cha làm ăn trộm, một tên trộm đầu sỏ, kẻ dẫn cả làng đi ăn cắp. Cha làm một tên tội phạm lúc đó, nhưng cứu mạng cả một ngôi làng. Vì lý do đó, thọ mệnh của cha được kéo dài thêm 20 năm. Thần Phật rất công bằng.”

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Nghệ thuật thuyết phục của Gia Cát Lượng

Từ liên minh Tôn-Lưu kháng Tào thấy Nghệ thuật thuyết phục của Gia Cát Lượng

«Tam quốc diễn nghĩa» nổi bật ở một chữ “nghĩa”: Ba anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa vườn đào; Quan Công ba lần giữ Thổ Sơn, một ngựa vượt năm ải chém sáu tướng; Quan Vân Trường vì nghĩa tha Tào Tháo; Quan Vân Trường vì nghĩa tha Hoàng Hán Thăng; Trương Dực Đức vì nghĩa tha Nghiêm Nhan, v.v. Ngoài nổi bật một chữ “nghĩa” ra, «Tam quốc diễn nghĩa» cũng miêu tả thế nào là “trí tuệ”. Trong rất nhiều tình tiết đấu trí trong «Tam quốc diễn nghĩa», xuất sắc nhất là đoạn Tôn-Lưu liên hợp kháng Tào, hỏa thiêu Xích Bích. Từ câu chuyện Tôn-Lưu liên hợp kháng Tào, chúng ta có thể thấy nghệ thuật thuyết phục của Gia Cát Lượng.

Tào Tháo đốt lương tại Ô Sào phá Viên Thiệu, sau lại uy bức Giang Nam, Kinh Châu đã đầu hàng Tào Tháo, bởi vậy kẻ địch ngăn Tào Tháo bình định Giang Nam chỉ còn có Lưu Bị và Tôn Quyền. Tháo bèn phát hịch cho Tôn Quyền ở Đông Ngô: “Ta phụng mệnh vua, đánh kẻ có tội. Cờ trỏ về nam, Lưu Tôn phải bó tay, dân Kinh Tương nghe thấy tin, răm rắp hàng phục. Nay thống lĩnh trăm vạn hùng binh, nghìn viên thượng tướng, muốn cùng với tướng quân họp săn ở Giang Hạ, để đánh Lưu Bị, cùng chia đất đai, giao hảo với nhau mãi mãi. Xin đừng ngờ vực, trả lời ngay cho”. Đây chính là kế “mượn đường diệt Quắc” [1], trước diệt Lưu Bị, sau diệt Đông Ngô.

Trước sự truy bức của Tào Tháo, Lưu Bị chỉ còn cách liên minh với Đông Ngô để kháng Tào, hình thành thế chân vạc. Tuy nhiên khi ấy Đông Ngô vẫn đang lưỡng lự là nên đánh hay là hàng. Cũng bởi Tào Tháo một mặt mượn danh thiên tử để hiệu lệnh chư hầu, mặt khác lấy trăm vạn hùng binh uy hiếp Giang Nam, do đó nếu kháng Tào không thành, cơ nghiệp ba đời của Giang Đông sẽ không cánh mà bay, bởi thế rất nhiều mưu sĩ Đông Ngô đều chủ trương “hàng thì dễ yên, đánh thì khó thắng“. Trước vấn đề kháng Tào, Tôn Quyền vẫn còn do dự: vừa không muốn chịu áp chế của Tào Tháo, lại sợ không đánh nổi quân giặc đông. Vì thế để hình thành liên minh Tôn-Lưu, điều cốt yếu nhất là phải thuyết phục Tôn Quyền kháng Tào.

Thuyết phục Tôn Quyền không phải là dễ, mưu sĩ tâm phúc của Tôn Quyền là Lỗ Túc khuyên Tôn Quyền rằng: “Mọi người, ai cũng có thể hàng Tào Tháo được, duy có tướng quân thì không hàng được. Như Lỗ Túc này mà hàng, thì Tháo phong cho làm quan, áo gấm về làng, mà cũng không phải mất đất đai gì cả. Tướng quân mà hàng Tào thì về đâu? Chức tước bất quá phong hầu là cùng, xe một cỗ, ngựa một con, đầy tớ vài ba người, muốn ngồi ngoảnh mặt về nam mà xưng cô [2] có còn được nữa không?” Lời của Lỗ Túc mặc dù đã động đến chỗ tự ái và khiến Tôn Quyền rất xúc động, nhưng vẫn chưa đánh tan được sự lưỡng lự của Tôn Quyền.

Khi Tôn Quyền nghe có Ngọa Long tiên sinh đến Đông Ngô, liền nghĩ ngay đến hỏi kế Gia Cát Lượng. Nhưng trong cuộc hội kiến, Tôn Quyền lại dẫn một đám mưu thần Đông Ngô tới, vừa cho Gia Cát Lượng thấy Giang Đông cũng có người tài, lại xem Gia Cát Lượng có thể thuyết phục những người chủ trương đầu hàng hay không. Từ đó dẫn tới cuộc khẩu chiến giữa Gia Cát Lượng và đám quần Nho. Trong cuộc đấu trí này, Gia Cát Lượng mạnh mẽ biện giải khi bị căn vặn, hoặc dẫn ra điển cố, hoặc mượn cổ dụ kim, hoặc lấy ví dụ Lưu Bị thắng Tào Tháo, khiến những người căn vặn hoặc cứng họng, hoặc chỉ biết ngồi im và cảm thấy xấu hổ.

Thuyết phục của Gia Cát Lượng với Tôn Quyền là trước thì nói khích, sau mới khuyên nhủ. Tôn Quyền sợ quân Tào nhiều, Khổng Minh càng phóng đại Tào Tháo binh nhiều tướng giỏi, lại khuyên Tôn Quyền đừng đánh mà hãy sớm ngoảnh mặt về phương Bắc mà hàng. Tôn Quyền nói: “Nếu quả như lời ông, thì sao Lưu Dự Châu không hàng Tào đi?” Khổng Minh đáp: “Ngày xưa Điền Hoành [3] là một tráng sĩ nước Tề còn biết giữ nghĩa không chịu nhục, huống chi Lưu Dự Châu là tôn thân nhà Hán, anh hùng lừng lẫy trên đời, kẻ sĩ thảy đều trông mong. Việc không xong là bởi trời, có đâu lại chịu luồn cúi người ta?” Tôn Quyền nghe Khổng Minh nói xong, nét mặt hầm hầm, rũ áo đứng dậy, lui vào nhà sau. Các quan cùng tủm tỉm cười và giải tán. Họ đâu biết Khổng Minh đang khích ý chí đế vương của Tôn Quyền, nên khi Tôn Quyền nghe Lỗ Túc nói Khổng Minh có diệu kế phá Tào, Tôn Quyền vội đổi giận làm vui và đi hỏi ngay. Tôn Quyền hỏi: “Tào Tháo vốn chỉ ghét Lã Bố, Lưu Biểu, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Dự Châu với tôi mà thôi. Nay đã trừ được cả, duy chỉ còn Dự Châu với tôi. Tôi không thể đem cả nước Ngô dâng cho người ta được. Kế của tôi đã quyết, nhưng khi Lưu Dự Châu giúp cho thì cũng không ai đương nổi được Tào Tháo bây giờ. Mà Dự Châu lại vừa mới thua trận, làm thế nào mà chống được nạn này“. Khổng Minh đáp: “Dự Châu tuy mới thua, nhưng Quan Vân Trường còn thống lĩnh hàng vạn tinh binh; Lưu Kỳ ở Giang Hạ cũng có chừng vạn quân sĩ. Quân Tào Tháo từ xa đến, tất cũng mỏi mệt; mới đây, lại đuổi Dự Châu, quân khinh kỵ đi ba trăm dặm một ngày, khác nào nỏ cứng giương lên đã đuối sức, chưa chắc bắn thủng được mảnh lụa mỏng. Vả lại người phương bắc không quen đánh thuỷ; quân dân ở Kinh Châu gặp thế bí phải phục Tào, chớ không phải là tự nguyện. Nay tướng quân thật muốn đồng tâm hiệp lực với Dự Châu, thì làm gì không phá được Tào Tháo? Quân Tào mà bị phá, tất phải kéo về bắc, thì thế Kinh, Ngô lại mạnh, mà hình thành thế chân vạc được. Cơ hội được thua, chỉ trong lúc này, xin tướng quân hãy nghĩ cho kỹ mà quyết đi!” Quyền mừng lắm, nói: “Mấy lời của tiên sinh, thật đã làm sáng mắt tôi. Ý tôi đã quyết, không còn hồ nghi gì nữa“. Ngay hôm ấy, Tôn Quyền bàn bạc cất quân để cùng đi phá Tào Tháo. Đây chính là cơ sở ban đầu cho liên minh Tôn-Lưu sau này.

Khổng Minh biết rằng Tôn Quyền tuy đã đưa ra quyết định, nhưng cơ sở liên minh Tôn-Lưu vẫn chưa ổn định, và còn một nhân vật đứng ngăn ở giữa là Chu Du. Chu Du chủ trương kháng Tào, Chu Du và Lỗ Túc thân với nhau nhất, nhưng Chu Du lại nói với Lỗ Túc trước mặt Khổng Minh: “Tào Tháo mượn tiếng thiên tử, thì không nên kháng cự; vả lại thế Tào to lắm, chưa dễ địch nổi. Đánh thì tất thua, mà hàng thì dễ yên. Ý ta đã quyết, ngày mai ta vào hầu chúa công xin sai sứ đi hàng Tào“. Mục đích Chu Du là để phía Lưu Bị phải cầu Đông Ngô, từ đó đưa ra yêu sách. Hai người Chu Du và Lỗ Túc cùng tranh luận, Khổng Minh chỉ ngồi thu tay cười mát. Khi được hỏi tại sao cười, Khổng Minh nói cười Lỗ Túc không thức thời. Khổng Minh nói: “Tháo rất giỏi việc dùng binh, thiên hạ không ai địch nổi. Trước chỉ có Lã Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu là dám chống cự. Mấy người ấy đều bị Tháo giết cả rồi, thiên hạ không còn ai nữa! Chỉ có Lưu Dự Châu là không thức thời, mới dám gượng gạo chống lại, nay thân cô thế cô ở đất Giang Hạ, mất còn chưa biết ra sao? Tướng quân quyết kế hàng Tào, để bảo toàn vợ con, phú quý; còn như vận nước đổi thay, phó mặc trời, có chi đáng tiếc!” Đây là lời nói khích của Khổng Minh, rằng Chu Du tham sống sợ chết mà không dám báo nước.

Khổng Minh tiến thêm một bước, nói có một kế, đó là chỉ cần dâng hai nàng Kiều ở Giang Nam thì lập tức trăm vạn quân Tào cũng cởi giáp, cuốn cờ rút lui ngay. Chu Du hỏi có gì làm chứng về việc Tào Tháo muốn được hai nàng Kiều không, Khổng Minh bèn ứng khẩu đọc luôn bài phú đài Đồng Tước của Tào Thực rằng: “… Lập song đài ư tả hữu hề! Hữu Ngọc long dữ Kim phụng; lãm nhị kiều ư Đông Nam hề! Lạc chiêu tịch chí dữ cộng”. (Nghĩa là: … Dựng hai đài ở bên tả bên hữu, có đài Ngọc long, có đài Kim phụng. Nhốt hai nàng Kiều bên Đông Nam; để sớm chiều cùng vui vầy) [4]. Chu Du nghe xong mấy câu ấy, đỏ mặt tía tai, đứng phắt dậy trỏ tay về phương Bắc mà mắng rằng: “Thằng giặc Tào này khinh ta quá chừng!” Khổng Minh vội ngăn lại, nói: “Ngày xưa chúa rợ Hung Nô hay xâm lấn bờ cõi, thiên tử nhà Hán còn phải đem công chúa gả cho nó, để cầu hoà, nay tướng quân tiếc làm chi hai người con gái thường dân ấy?” Chu Du nói: “Ông chưa rõ Đại Kiều là vợ Tôn Bá Phù, Tiểu Kiều là vợ Du đó”. Khổng Minh giả vờ sợ sệt nói: “Tôi thật vô tình, nói năng lỗ mỗ, tội đáng chết, đáng chết!” Chu Du nói: “Ta thề cùng thằng giặc già một còn một mất!” Khổng Minh nói: “Tướng quân nên nghĩ cho chín, kẻo hối về sau“. Chu Du nói: “Ta đã vâng lời Tôn Bá Phù uỷ thác, lẽ đâu hạ mình hàng Tào. Vừa rồi ta nói thế, là thử lòng nhau đó thôi. Ta từ khi ở Phiên Dương về đây, vẫn có chủ trương đánh miền Bắc; dù dao búa kề đầu cũng không lay được. Xin Khổng Minh giúp ta một tay, cùng phá giặc Tào“. Đây chính là nghệ thuật nói khích Chu Du của Khổng Minh.

Ý muốn kháng Tào của Chu Du đã thúc đẩy một bước nữa liên minh Tôn-Lưu. Hôm sau, để biểu đạt quyết tâm kháng Tào, Tôn Quyền rút ngay thanh gươm đeo ở mình, chặt xuống góc bàn trước mặt, nói rằng: “Các quan các tướng, ai còn nói hàng Tào, sẽ như cái góc bàn này“. Nói xong, tặng luôn thanh gươm cho Chu Du, phong Chu Du làm đại đô đốc. Trình Phổ làm phó đô đốc; Lỗ Túc làm tân quân hiệu uý. Nếu văn quan võ tướng, ai không tuân lệnh, dùng thanh gươm ấy chém đi.

Khổng Minh biết rằng Tôn Quyền mặc dù đã biểu đạt quyết tâm, nhưng vẫn chưa hoàn toàn trừ bỏ hết nghi hoặc, và cũng biết rằng mình là quân sư của Lưu Bị thì hiệu quả thuyết phục khác với Chu Du là người thân tín và phụ trách quân đội của Tôn Quyền. Bởi vậy khi Chu Du về hỏi Khổng Minh kế hay phá giặc Tào, Khổng Minh nói: “Bụng Tôn tướng quân chưa thật ổn, không thể định kế được vội. Vẫn còn có ý sợ quân Tào nhiều, quân mình ít không địch nổi. Tướng quân nên nói rõ quân số để Tôn tướng quân vững dạ thì việc lớn ắt xong“.

Khi vào thăm Tôn Quyền, Chu Du hỏi: “Ngày mai cất quân, chúa công còn nghi hoặc chút nào không?” Quả nhiên Tôn Quyền đáp: “Ta chỉ còn lo quân Tào nhiều lắm, sợ không địch nổi thôi“. Chu Du nói: “Tôi chỉ vì việc ấy mà đến đây, nói rõ để chúa công biết. Chúa công thấy hịch Tào Tháo nói dối có trăm vạn quân, nên sinh lòng nghi sợ, không xét rõ hư thực thế nào. Nay xét ra, hắn huy động quân mã trong nước chẳng qua được mười lăm, mười sáu vạn, mà đã mệt mỏi cả rồi; số quân thu được của họ Viên cũng độ bảy tám vạn, nhưng đa số vẫn còn nghi ngờ chưa phục. Quân số tuy nhiều cũng không đáng sợ. Tôi chỉ xin năm vạn quân là đủ phá nổi. Chúa công chớ nên áy náy nữa“. Quyền vỗ vào lưng Chu Du mà nói rằng: “Công Cẩn nói đến điều ấy, thật gỡ được mối hoài nghi cho ta. Tử Bố không biết gì, ta mất tin cậy. Chỉ có ngươi với Tử Kính là hợp bụng với ta thôi“.

Từ đó liên minh Tôn-Lưu mới hoàn toàn được hình thành. Từ nhãn quan lịch sử mà xét, liên minh Tôn-Lưu tuy có cơ sở, nhưng đều xuất phát từ lợi ích của hai bên; nếu như không có chuyến du thuyết của Khổng Minh, thì e rằng liên minh khó mà thực hiện, cũng chẳng có trận hỏa thiêu Xích Bích, hình thành thế chân vạc nữa. Tất nhiên lịch sử là có an bài, nhưng Khổng Minh là nhân vật thúc đẩy sự việc này. Từ chuyến làm thuyết khách của Khổng Minh, chúng ta có được gợi ý gì cho việc dùng trí huệ giảng chân tướng? Bề mặt là Gia Cát Lượng có tài ăn nói, biết người biết mình, tùy cơ ứng biến, nhưng chuyến du thuyết cũng cho thấy Khổng Minh có đầy đủ trí tuệ và hiểu biết về lịch sử, thế thái, nhân vật, địa lý, khả năng nhận định tình hình và quan sát nét mặt, cũng như vận dụng các nghệ thuật như khuyến, khích, biện, giải, v.v. khiến mỗi lần thuyết phục đều là một bước chắc chắn thúc đẩy thành công.

Chú thích:

[1] Đời Xuân thu, nước Tấn mượn đường của nước Ngu để đi qua cướp nước Quắc, cướp xong nước Quắc liền quay lại cướp luôn nước Ngu.

[2] Vương tự xưng là “cô” cũng như hoàng đế tự xưng là “trẫm”.

[3] Điền Hoành người nước Tề thời cuối Tần. Khi vua Tề bị bắt, Điền Hoành tự xưng là vua Tề. Hán Cao tổ sai người đến dụ hàng, Điền Hoành cùng bộ hạ không chịu khuất phục, tự sát.

[4] Chính trong bài phú đài Đồng Tước thì vế sau là: “Liên nhị kiều ư đông tây hề, nhược trang không chi chuế đống”, nghĩa là “Liền hai cái cầu ở bên đông bên tây, như cầu vồng ở trên không”. Khổng Minh đổi chữ kiều là cầu ra chữ Kiều là nàng Kiều, đông tây ra đông nam để khích Chu Du, vì Đại Kiều là vợ Tôn Sách, Tiểu Kiều là vợ Chu Du.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Câu chuyện tu luyện: Đạo trong việc kinh doanh

Xưa kia có một chàng trai trẻ ứng thí nhiều lần nhưng đều bị trượt. Công danh bất toại, chàng quyết định xuất gia tìm Đạo.

Khá nhiều người đã giúp đỡ chàng đôi chút. Một ngày nọ chàng đi vào một hang động trên núi và gặp một vị cao nhân đang tu luyện. Vị cao nhân này quan sát chàng trai thật kỹ và tỏ vẻ ưng ý. Ngài chậm rãi nói: “Con muốn học gì? Ta có thần thông biến đá thành vàng, khinh công, độn thổ”. Chàng trai không cần suy nghĩ nhiều liền trả lời một cách chân thành: “Con chỉ muốn học Đạo”. Do đó, hàng ngày vị cao nhân này đều thuyết giảng về Đạo và hướng dẫn chàng tập thiền, cuối cùng chàng cũng đã có thể nhập tĩnh được.

Vài năm sau, vị cao nhân nói với chàng trai rằng ngài muốn xây một ngôi đền thật nguy nga tráng lệ, nhưng không có đủ tiền. Ngài muốn chàng trai hãy đi ra phiên chợ ở chân núi và bán phấn trang điểm. Chàng trai không muốn đi, nhưng vì đó là yêu cầu của sư phụ nên chàng đành phải vâng theo. Chàng hỏi vị cao nhân: “Thưa sư phụ, con nghèo không một xu dính túi, thì lấy đâu ra mỹ phẩm để đem bán bây giờ?” Vị sư phụ chỉ tay vào một đống đá. Trong nháy mắt, rất nhiều hộp phấn trang điểm cao cấp hiện ra. Chàng trai không thể hiểu được vì sao sư phụ của mình – người có thể biến hóa ra bất cứ thứ gì – lại bắt chàng đi bán mỹ phẩm kiếm tiền. Mặc dù trong tâm đầy hoài nghi, chàng vẫn thực hiện theo lời của sư phụ.

Do đó, bất đắc dĩ chàng trai phải gói ghém các hộp mỹ phẩm và xuống núi hàng ngày vào lúc sáng sớm. Chàng là một người sống nội tâm – hiền lành và hay ngại ngùng. Chàng cảm thấy lạc lõng nơi chốn chợ búa. Chàng chọn một góc yên tĩnh trong khu chợ ồn ào và cố gắng bán số mỹ phẩm của mình. Tiếng rao của chàng rất nhỏ và chẳng ai nghe thấy cả. Sư phụ của chàng đứng cách đó không xa và khẽ lắc đầu: người đệ tử của ngài quá e sợ nơi phố chợ trần tục… Sư phụ của chàng bèn hóa thân thành một tên đồ tể hung bạo, tay cầm một con dao phay thật to. Tên đồ tể tiến đến bên chàng trai và ra hỏi xem chàng đang bán món gì. Chàng trai cúi đầu, mặt đỏ gay. Ngay sau đó chàng cố lấy lại giọng và trả lời với giọng run run: “Tôi bán mỹ phẩm”. Tên đồ tể nói: “Nếu nhà ngươi bán món gì, thì ngươi phải rao thật to để mọi người nghe thấy. Ai mà nghe được cái giọng yếu xìu ấy chứ? Nếu ngươi còn rao cái kiểu ấy nữa thì ta sẽ phá tan cái sạp của nhà ngươi”.

Chàng trai chẳng hiểu nổi việc gì đang diễn ra. Một phút trước, khu chợ còn rất bình thường, thế mà ở đâu lại xuất hiện tên đồ tể hung dữ này. Chàng nghĩ: “Mình phải hoàn thành điều mà sư phụ bảo mình làm”. Nhờ đó chàng vượt qua được sự e dè của mình và dần dần có thể rao hàng thật to. Đủ loại tình huống hỗn loạn xảy ra trong chợ: đánh lộn, cãi vã, trẻ em khóc lóc, và những tên côn đồ gây sự. Chàng không thể tĩnh tâm khi quay về núi hàng ngày. Chàng lúng túng không dám thắc mắc với sư phụ của mình, nhưng dần dần chàng cũng ngộ ra được rằng mình là người tu luyện, và rằng chàng đã xuất gia để tìm “Đạo”, và khi trong tâm chàng luôn có Đạo thì thế gian trần tục không thể ảnh hưởng tới chàng được. Thật sự không có gì là không thể vượt qua.

Một tháng đã trôi qua, thế nhưng chàng trai vẫn chưa bán được cho một người nào. Chàng thấy việc bán mỹ phẩm còn khó hơn việc tu luyện. Sau đó chàng ngộ được rằng mình phải làm bất cứ điều gì mà sư phụ yêu cầu và phải làm nó với tâm thoải mái. Một ngày nọ chàng nhận ra rằng để bán được mỹ phẩm thì chàng phải tiếp xúc với nữ giới. Điều đó thật là khó; chẳng những chàng phải nói chuyện với họ, mà còn phải giúp họ thử phấn trang điểm. Dần dần chàng cũng ngộ được rằng mình là một người lu luyện chứ không phải người thường. Không gì có thể làm lay động cái tâm tu luyện của chàng được.

Một hôm, một vị nữ thần trong một ngôi đền trên núi muốn khảo nghiệm sự kiên định của chàng. Bà đã hóa thân thành một thiếu nữ xinh đẹp và làm nhiều cử chỉ khêu gợi đối với chàng trai. Nhưng chàng không hề động tâm. Vị nữ thần rất hài lòng và lại hóa thân thành một phụ nữ trung niên ăn mặc giản dị. Khi bà thử phấn trang điểm lên mặt mình, ngay lập tức bà trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Rất nhiều người đã chứng kiến cảnh tượng này và đổ xô đến mua món mỹ phẩm kỳ diệu ấy. Thật ngẫu nhiên, ngay lúc đó hoàng hậu đang đi bái Phật ở một ngôi đền gần đó. Khi thấy đám đông náo nhiệt, bà cảm thấy thắc mắc và khi được kể về loại phấn trang điểm ấy, bà đã trả hàng trăm lượng vàng để mua tất cả số phấn. Chàng trai nhìn hàng trăm lượng vàng và nghĩ rằng cuối cùng thì sư phụ của mình cũng đã có thể xây dựng được một ngôi đền. Chàng vui mừng quay về núi.

Nửa đường, chàng trai gặp một đám lính đang lăng mạ một nhóm thiếu nữ. Chàng trai liền cất lớn tiếng nói với đám lính rằng chàng có rất nhiều vàng và muốn chuộc lại những thiếu nữ kia. Tên thủ lĩnh của đám lính rất hả hê khi nhận được vàng và lập tức trả tự do cho các cô gái. Sau sự việc này, chàng trai nghĩ rằng mọi việc thật không thể lường trước được; một phút trước mong muốn của sư phụ chàng có vẻ như sắp thành hiện thực, vậy mà giờ đây tất cả số vàng đã không còn nữa, và hy vọng xây dựng một ngôi đền cũng tiêu tan.

Anh quay về và kể lại toàn bộ sự việc cho sư phụ của mình. Sau khi nghe hết câu chuyện về nhóm thiếu nữ, vị sư phụ chỉ tay lên trời. Chàng trai ngước nhìn lên và thấy một ngôi đền thật nguy nga tráng lệ. Vị sư phụ nói: “Con đã giúp ta xây lên ngôi đền đó. Nó đã được xây khi con giữ được tâm an tĩnh và kiên định trong quá trình bán mỹ phẩm.”

Giờ thì chàng trai đã hiểu được Đạo trong việc kinh doanh.

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

“Thần chết và kẻ bủn xỉn”, một ngụ ngôn đạo đức của Hieronymus Bosch

Hieronymus Bosch (1450 – 1516), một họa sĩ người Hà Lan với phong cách hậu Gothic, được biết đến như là đại diện Bắc phái trong thời kỳ tiền Phục Hưng, thường vẽ các tác phẩm có chủ đề tôn giáo, với sự châm biếm, những bình luận bi quan và đặc biệt ưa thích sự đau đớn trong địa ngục. Tác phẩm “thần chết và kẻ bủn xỉn” (“Death and the Miser”) mà Bosch vẽ vào năm 1490 sau công nguyên là một câu chuyện ngụ ngôn về đạo đức để cảnh tỉnh bất cứ ai truy cầu sự giàu có trong cuộc sống này và vẫn còn ôm giữ nó cho tới tận lúc chết.


Năm 1490 sau công nguyên, tranh sơn dầu vẽ trên gỗ, 36 5/8 x 12 1/8 tại Nhà trưng bày Nghệ thuật Quốc gia; Washington, D.C.

Người đàn ông trần truồng (kẻ bủn xỉn) nằm trên giường và đang khăng khăng với sự xuẩn ngốc của ông, thậm chí khi đã cận kề cái chết. Thần chết, được thể hiện bên tay trái, đã bước vào phòng ngủ của ông. Vị thần hộ mệnh của ông cố gắng thu hút sự chú ý của ông vào cây thánh giá trên cửa sổ, nhưng tay ông vẫn còn với lấy túi vàng, thứ mà con quỷ đang cầm.

Người đàn ông trần truồng và đang hấp hối có vẻ như là một người đầy quyền lực: Bộ áo giáp của ông nằm dưới chân giường, nhưng lại ở bên ngoài bậc thềm, cho chúng ta gợi ý rằng sự giàu có của ông có thể đến từ những trận đánh. Kẻ bủn xỉn đã chiến đấu vì của cải và cất giữ nó ngay bên cạnh ông. Ông xuất hiện hai lần trong bức tranh. Lần thứ hai mà ông xuất hiện là khi còn khỏe mạnh, ăn mặc chỉnh tề và đang cất giấu vàng của mình, đầy vẻ thỏa mãn khi ông cho thêm một đồng xu khác vào trong hòm. Ma quỷ lẩn trốn khắp nơi trong chiếc hòm đựng vàng của ông.

Thần chết đã thò cái đầu ghê sợ vào sau cánh cửa. Hãy để ý sự ngạc nhiên của người đàn ông ốm yếu: Thần chết đến thật bất ngờ! Giờ đây trận chiến cuối cùng đã bắt đầu. Đây là một trận chiến mà ông phải chống chọi mà không có chiếc áo giáp. Bên cạnh chiếc giường là một con quỷ đang ẩn nấp, thậm chí nó còn đang đưa vàng cho kẻ bủn xỉn, người vẫn chìa tay ra vào giờ phút cuối cùng. Một con quỷ khác đang thò đầu xuống từ trên nóc chiếc giường, đầy vẻ mong ngóng và thích thú.

Kết cục của câu chuyện này vẫn chưa ngã ngũ. Vị thần hộ mệnh đang ngước nhìn cây thánh giá trên khung cửa sổ một cách đầy thất vọng. Dường như Chúa đã không bỏ rơi kẻ bủn xỉn bởi vì một tia sáng mờ ảo đầy hy vọng đang chiếu rọi từ cửa sổ về phía ông, hứa hẹn ban tặng trí tuệ cho ông để giúp ông từ bỏ chấp trước vào của cải phù du và nắm lấy sự cứu độ của Thần.

Mặc dù các tác phẩm của Bosch nhìn chung được coi là bi quan, nhưng khi ông miêu tả Thiện và Ác đồng thời, Thần thường xuyên có mặt trong tranh của ông, kiên nhẫn và từ bi chờ đợi con người hối cải.

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Câu chuyện thành ngữ: “Quăng roi chặn dòng”

Trong những năm Thái Nguyên thời Hiếu Vũ Đế thuộc Đông Tấn, sau khi Phù Kiên thống nhất lưu vực phía Bắc sông Hoàng Hà, đã tạo nên cục diện đối lập với Đông Tấn ở Phía Nam. Vì vậy Phù Kiên có mưu đồ triệu tập trăm vạn đại quân để một lần tiến công tiêu diệt Đông Tấn, thống nhất toàn bộ Trung Quốc.

Lần tiến công này không được các đại thần tán thành, đại thần Thạch Việt trong dòng họ của ông càng khuyên can: “Năm nay xem tinh tượng có điềm báo không thích hợp xuôi Nam đánh Tấn. Huống hồ bản đồ nước Tấn có sông Trường Giang hiểm yếu, quân vương lại được lòng dân. Chi bằng chúng ta tạm thời cố thủ, yên định lòng dân, sau đó tùy thời cơ tiến đánh Tấn.” Phù Kiên lại nói: “Chuyện xem sao không thể tin hoàn toàn được. Sông Trường Giang dẫu hiểm yếu, thì Ngô vương Phù Sai thời Xuân Thu cùng Ngô chủ Tôn Hạo thời Tam Quốc cuối cùng cũng bị diệt vong. Nay ta thống lĩnh trăm vạn đại quân, chỉ cần ra lệnh binh lính quăng roi vào sông Trường Giang, cũng đủ ngăn dòng nước chảy, việc gì phải sợ?”

Vì vậy, Phù Kiên bất chấp phản đối của các đại thần, ồ ạt tiến đánh nước Tấn. Nhưng khi cùng Đông Tấn giao chiến trên sông Phì Hà, bị quân Tấn đánh bại, Tiền Tần từ đó về sau bị diệt vong.


Sau này câu thành ngữ “Quăng roi chặn dòng” (“Đầu tiên đoạn lưu”) được dùng để ví von quân đội đông đúc, sĩ khí mạnh mẽ, thế trận hùng mạnh phi thường.

【Chú giải】

Phù Kiên: quân vương thành lập nước Tiền Tần (350-394 SCN), một nước trong thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc vào cuối thời kỳ nhà Đông Tấn (265-420 SCN).

【Thảo luận】

1- Sau khi Phù Kiên thành lập nước Tiền Tần, Phù Kiên vì mưu đồ thôn tính quốc gia nào mà xảy ra trận chiến trên sông Phì Hà?

2- Các đại thần lúc đó cực lực phản đối đánh nước Tấn, vì sao Phù Kiên vẫn nhất mực giữ ý kiến của mình?

3- Phù Kiên tự cao tự đại, là một trong những nguyên nhân khiến Tiền Tần diệt vong. Và đây là câu hỏi dành cho mỗi chúng ta: Những lúc có người góp ý, làm sao để chúng ta có thể tiếp nhận ý kiến của họ, buông bỏ ý kiến chủ quan của mình, thật lòng vì việc chung mà cân nhắc?

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Cửa sổ tâm hồn: Điều kỳ diệu của chịu khổ

Nỗi khổ trong tinh thần, có lúc nhói tim, có lúc thấu xương. Người ta thường nói: “Chưa chịu một phen lạnh thấu xương, Khó biết hoa mai tỏa mùi hương“. Chỉ sau khi phó xuất, chịu đựng gian nan, thì người ta mới nếm trải được vị ngọt ngào.

Hãy nhìn búp sen do các hạt sen tổ thành kia, chúng khiến người ta tự nhiên liên tưởng tới Giác Giả đang ngồi ngay ngắn trên đài sen. Để thành tựu quả vị, hạt sen phải nếm trải biết bao nỗi khổ trong hằng mấy đời, thấm đẫm cảm xúc đắng cay nơi trần thế, vì thế hạt sen mới có vị đắng vô cùng. Bởi vì khổ, búp sen mới được phong phú và sung mãn; cũng bởi vì khổ, bông sen mới lộ vẻ thánh khiết và trang nghiêm, mọc lên giữa bùn dơ.

Bởi vì ai ai cũng đều có nỗi khổ của bản thân, nên từ đó mới có thể học được tha thứ và khoan dung, mới học được điềm tĩnh và tự tỉnh. Bởi vì khổ, sinh mệnh thường nhớ lại vẻ thanh cao nơi trời xa, hồi tưởng lại ký ức mỹ hảo chốn Phật quốc. Cũng bởi người ta tin cuộc đời là bể khổ, nên trong hành trình thú vị của giác ngộ, họ mới không ngừng nhìn thấy mặt bên kia của chân ngã tiên thiên.

Khổ là tiên tri của chân phúc, là ngọn nguồn của ngọt ngào.

Bởi vì nếm trải nỗi khổ trăm năm trên thế gian, nên thiên nhiên tự mang theo khí độ phi phàm bát ngát, hàm chứa sự chín chắn và độ lượng bao dung vạn vật. Cũng bởi nếm trải vô số nỗi khổ trong tinh thần, nên thương khung có sẵn thần thánh và sâu thẳm, hàm chứa khoáng đạt và tự tại, lánh xa ân oán thị phi nơi thế tục.

Minh bạch điều này, tôi không còn coi những nỗi khổ trong đời là bất công đối với mình nữa. Có lẽ, đây chính là điều kỳ diệu của chịu khổ.

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Nhân sinh cảm ngộ: Bậc đại trí giống kẻ khờ

Hơn 10 năm trước, tại một huyện ở miền Bắc Trung Quốc, có một sự cố xảy ra. Trên phố, một nhóm côn đồ địa phương thay phiên nhau đánh đấm một người đàn ông trung niên cao to và khỏe mạnh. Sau khi im lặng chịu đựng trận đòn man rợ, mũi và miệng người đàn ông trung niên đã rớm máu. Tuy nhiên, điều lạ là ông không đánh lại, cũng không tránh những cú đấm và cú đá. Người xem đều cho rằng người đàn ông này thật khờ dại. Một cụ già không thể đứng xem cảnh này lâu hơn được nữa. Sau khi đám du côn rời đi, cụ già tới lau vết máu trên mặt người đàn ông trung niên. Cụ ngạc nhiên khi nhìn kỹ và nhận ra rằng đây là một huấn luyện viên trường võ thuật chuyên nghiệp ở một huyện gần đó. Thêm nữa, người đàn ông này đã đoạt giải quán quân trong một cuộc thi võ thuật danh tiếng!

Hình ảnh đám côn đồ lưu manh đánh vị võ sư ở Bắc Kinh (minh họa)

Quá kinh ngạc, cụ già hỏi ông: “Với công phu của mình, ông thừa sức khuất phục mấy tên lưu manh đó. Tại sao ông không đánh lại khi bị đánh như vậy?” Người đàn ông trung niên điềm tĩnh đáp: “Những người luyện võ giảng về ‘võ đức’. Bị họ đánh vài lần không thể gây ra vết thương lớn nào đối với tôi. Còn nếu động thủ tôi có thể làm chết người ấy chứ. Ngoài ra, đánh nhau với đám du côn không biết võ đó có thể làm bẩn tay tôi”. Sau khi nghe điều này, một số người xem tỏ vẻ kính phục, trong khi những người khác chỉ thầm cười khẩy khi người đàn ông bước đi.

Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến điển cố “Hàn Tín chịu nhục chui háng”. Nếu khi ấy Hàn Tín lấy đầu kẻ vô lại bằng thanh bảo kiếm của mình, ông sẽ không phải chịu nỗi nhục chui dưới háng của hắn. Nhưng ông đã nhẫn chịu nỗi nhục này để tránh lấy đi một mạng người. Ngoài ra, ông làm vậy là bởi vì ông không còn đường lui. Bò dưới hai chân kẻ vô lại không phải hèn nhát, cũng không phải ngu ngốc. Đó là biểu hiện cao thượng của tâm đại nhẫn và đại trí. Sau này, Hàn Tín trở thành đại tướng quân của Hán Cao Tổ Lưu Bang và giúp ông sáng lập triều Hán. Công lao vĩ đại của Hàn Tín đối với triều Hán đã chứng minh ông là một bậc đại trí.

Hàn Tín chịu nhục chui háng (minh họa)

Một số người chỉ trích tư tưởng “tinh trung báo quốc” của Nhạc Phi triều Tống là “ngu trung”. Cũng có người coi hành vi của những bậc đại trí tuệ là “điên”“khờ”. Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn ngược lại. Trong lịch sử Trung Quốc có cố sự gọi là “phong tăng tảo Tần” (tăng điên quét Tần Cối). Vị “tăng điên” này không phải điên thật, mà ông chỉ dùng trí tuệ của mình để bỡn cợt một đại gian thần làm Tể tướng đương triều, kẻ đã giết hại trung thần Nhạc Phi. Tần Cối, kẻ tự đóng mình lên cây cột sỉ nhục muôn đời mới là kẻ “điên”“khờ” thật sự.

Điển cố "phong tăng tảo Tần” (đạo sỹ điên)

Theo đuổi sảng khoái và lợi ích nhất thời trong những việc nhỏ nhặt chỉ là sự khôn vặt của người đời. Bậc đại trí trông như kẻ khờ, bởi vậy người bình thường khó mà luận được anh hùng dựa trên được-mất ở thế gian. Chỉ người dùng tâm đại nhẫn mà thiện đãi thiên hạ mới đúng là biểu hiện của đại trí tuệ.

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Bài học về sự nóng giận

Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá.
Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.”

Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức.

Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”

Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống.

“Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đo chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn.

Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường.

Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”

Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn.

Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.

Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”

Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai.

“Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.

“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Vị Tha Đắc Nhân Tâm - Triết Lý Sống Của Một Vị Quan Thời Nhà Hán



Ngụy Bá sống vào thời Đông Hán ở Trung Quốc luôn được những người xung quanh kính trọng, tin tưởng và phục tùng vì ông luôn tôn trọng ý kiến của những người khác và bỏ qua lỗi lầm của họ. Hình trên: Bức bích họa tại một ngôi đền từ thời Đông Hán ở tỉnh Sơn Đông.

Ngụy Bá được sinh ra ở vùng Tế Dương, Câu Âm vào thời Đông Hán. Là một người văn võ song toàn, ông là một võ tướng của triều đình và cũng đồng thời là một quan văn trong triều. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình được mọi người tôn trọng và kính nể qua nhiều thế hệ, Nguỵ Bá luôn cư xử với mọi người theo nguyên tắc vị tha.

Nguỵ Bá mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ và ông sống với những người anh em ruột thịt. Tất cả những người hàng xóm luôn ghen tị với sự hoà thuận của anh em nhà họ Nguỵ. Vào những năm đầu của triều Đông Hán, Nguỵ Bá đã đỗ kỳ thi hội dưới thời Mãn Châu. Khi hoàng đế Lưu Trang bắt đầu lên ngôi trị vì, Nguỵ Bá được thăng lên làm quan thái thú. Trong suốt thời gian làm quan, Nguỵ Bá luôn cho cấp dưới cơ hội nhận lỗi và tha thứ cho họ khi họ phạm phải sai lầm. Thậm chí nếu họ không nhận lỗi ngay, ông sẽ an ủi và thuyết phục họ nhận ra điều đó trước khi trừng phạt họ.

Đôi khi, các thuộc hạ nói xấu người khác với Nguỵ Bá, nhưng ông không bao giờ phản ứng trước những đồn thổi này. Ông luôn nói về đức tính tốt đẹp của những người khác thay vì nói những lời xấu về họ. Do ảnh hưởng của ông, những người ngồi lê đôi mách, nói xấu người khác đã cảm thấy xấu hổ và thôi không nói xấu sau lưng người khác nữa. Khi câu chuyện về lòng nhân từ của Nguỵ Bá được lưu truyền, tất cả các vị quan khác và những quan lại cấp dưới của Nguỵ Bá đều kính trọng ông.

Vào năm Vĩnh Nguyên thứ 16, khoảng năm 75 sau công nguyên, Nguỵ Bá được bổ nhiệm vào chức quan chịu trách nhiệm giám sát việc xây lăng mộ cho vua. Việc xây dựng được bắt đầu vào mùa đông khắc nghiệt, khi đó mặt đất cũng bị đóng băng hết cả, vì vậy tiến độ xây dựng rất chậm. Do đó, một số vị quan trong triều đình đã vài lần ra lệnh trừng phạt các quan chức địa phương chịu trách nhiệm việc xây dựng. Tuy nhiên, Nguỵ Bá không bao giờ khiển trách họ mà luôn an ủi rằng: “Ta thành thành xin lỗi nếu các vị cảm thấy bị xúc phạm bởi các vị quan trong triều đình”. Các vị quan địa phương rất biết ơn vì sự cảm thông của ông và luôn nỗ lực để làm việc tốt hơn. Cuối cùng, việc xây dựng tiến triển nhanh hơn dự kiến.

Ai cũng có thiếu sót. Con người ta ai cũng đôi lần mắc phải sai lầm. Mọi người sẽ không thực sự phục tùng nếu bạn sử dụng quyền lực để gây áp lực nhưng một người có thể được mọi người tin cậy khi người đó đối xử với mọi người một cách tôn trọng và vị tha. Nguỵ Bá đã nhận được sự kính trọng, tin tưởng và phục tùng của những người khác vì ông luôn tôn trọng những người khác và hiểu tâm tư nguyện vọng của họ. Hay nói một cách khác, lòng vị tha có thể đắc được nhân tâm.


Ai cũng có thiếu sót. Con người ta ai cũng đôi lần mắc phải sai lầm. Mọi người sẽ không thực sự phục tùng nếu bạn sử dụng quyền lực để gây áp lực nhưng một người có thể được mọi người tin cậy khi người đó đối xử với mọi người một cách tôn trọng và vị tha.

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Lòng biết ơn là một mỹ đức

Chu Tử Trị (1617-1688) là một nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Quốc. Ông đã biên soạn một luận thuyết gồm 506 chữ bao hàm những lời giáo huấn cho hậu thế. Nhiều điều trong luận thuyết của ông đã trở thành những câu châm ngôn được người đời truyền tụng và học tập rộng rãi. Ông giảng: “Đối với mỗi bát cháo ta húp và mỗi hạt gạo ta ăn, ta phải nhớ về sự khó nhọc của người nông dân trồng nên chúng. Đối với từng mảnh lụa ta mặc và từng sợi chỉ ta dùng, ta phải nghĩ về công lao của những người dệt nên chúng.” Thường xuyên tâm niệm lòng biết ơn chính là thể hiện của tâm tính lương thiện, và là một quy phạm căn bản để làm người. Những người nào biết hài lòng với cuộc sống của mình sẽ hiểu được ý nghĩa của lòng biết ơn. Khi một người cảm thấy biết ơn từng bông hoa, từng cọng cỏ, từng ngọn núi, và từng ngụm nước, thì cuộc sống của người đó chắc chắn sẽ rất phong phú và đầy ý vị.

Chuyện kể rằng ông Stevens sống ở một thành phố của Mỹ đã làm lập trình viên cho một công ty phần mềm được 8 năm. Ông những tưởng rằng mình sẽ làm ở công ty này đến khi về hưu và kết thúc sự nghiệp. Nhưng bỗng nhiên công ty phá sản. Đứa con thứ ba của Stevens lại vừa mới chào đời, cho nên ông phải tìm việc khác ngay lập tức. Thế mà sau một tháng tìm kiếm, ông vẫn chưa thể tìm được một công việc. Ông không còn kỹ năng nào khác ngoài lập trình.

Cuối cùng, ông đọc trên báo thấy một công ty phần mềm đang tuyển lập trình viên. Nhiều người đã ứng tuyển vào cùng vị trí đó và mức độ cạnh tranh rất gay gắt. Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên, một tuần sau công ty yêu cầu ông làm một bài kiểm tra viết. Bằng kiến thức chuyên môn uyên bác của mình, ông đã vượt qua kỳ thi viết một cách dễ dàng. Hai ngày sau, ông được hẹn đến một cuộc phỏng vấn nữa. Ông rất tự tin khi bước vào buổi phỏng vấn và nghĩ rằng mình sẽ vượt qua vì ông là một lập trình viên rất xuất sắc. Thế nhưng trong suốt buổi hôm ấy, người phỏng vấn không hề hỏi ông một câu hỏi kỹ thuật nào. Thay vào đó, họ hỏi xem ông nghĩ rằng nền công nghiệp phần mềm sẽ phát triển theo hướng nào. Ông chưa từng nghĩ về vấn đề đó trước đây và đã không có câu trả lời thỏa đáng. Vài ngày sau, ông nhận được tin rằng mình không được nhận.

Mặc dù không có được việc làm, nhưng Stevens cho rằng ông đã học được nhiều điều từ quy trình phỏng vấn này. Ông đã quyết định viết thư cám ơn. Ông dành khá nhiều thời gian để viết bức thư, trong đó ông viết: “Tôi xin cám ơn quý công ty đã dành nhân lực và những tài nguyên khác để cho tôi có cơ hội được tham gia kỳ thi viết và phỏng vấn. Dù rằng tôi không được nhận, nhưng thông qua quá trình tuyển dụng này tôi đã học được nhiều điều mới mẻ về nền công nghiệp phần mềm. Xin cám ơn mọi nỗ lực mà quý công ty đã dành cho đơn ứng tuyển của tôi. Xin cám ơn một lần nữa!”

Công ty này chưa từng nhận một lá thư kiểu như vậy bao giờ từ một ứng cử viên bị loại. Bức thư đó đã được truyền từ thấp lên cao, cuối cùng đến tay của vị chủ tịch. Sau khi đọc xong, ông không nói gì cả mà chỉ cất bức thư vào hộc bàn.

Ba tháng sau, vào dịp Giáng Sinh, ông Stevens nhận được một tấm thiệp mừng năm mới rất đẹp. Tấm thiệp được gửi từ công ty mà ông đã gửi thư cám ơn. Trong đó viết: “Gửi ông Stevens, chúng tôi muốn mời ông cùng tham gia với chúng tôi trong kỳ nghỉ Năm Mới”. Thì ra công ty này đang có một đợt tuyển dụng mới và vị chủ tịch của công ty đã nghĩ ngay đến ông Stevens nhờ bức thư của ông.

Công ty phần mềm đó là tập đoàn Microsoft. Sau hơn 12 năm làm việc, ông Stevens đã được thăng chức làm phó chủ tịch tập đoàn.

Dẫu rằng mọi người đều biết lòng biết ơn đối với người khác là một đức tính tốt, nhưng trong một xã hội thực dụng, trong một môi trường mà đồng tiền được xem là vạn năng, thì chúng ta đang lãng quên sự biết ơn của mình, ngay cả khi chúng ta gặp thất bại, cuộc sống vẫn rất sôi động và muôn màu muôn vẻ. Lòng biết ơn là một cảm xúc từ tận đáy lòng. Nó có thể làm cho tính cách của con người mạnh mẽ hơn. Lòng biết ơn là khởi điểm của hạnh phúc, và cũng là ngọn nguồn của sự tiến bộ. Cũng nhờ lòng biết ơn mà chúng ta trân quý các mối quan hệ tiền duyên và những phúc phận. Thường xuyên duy trì một lòng biết ơn sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho người khác, mà còn cho chính mình.

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Câu chuyện cảm động có thật về chú chim sẻ mù bên bậu cửa

Một cặp đôi tìm thấy chú chim sẻ non ngoài ban công sau cơn bão, trông như đã chết, chỉ còn thoi thóp thở, bị kiến bâu đầy và bị mù. Câu chuyện được kể lại bằng những tấm ảnh cặp đôi chụp từ lúc mới tìm thấy chú chim.

Cặp đôi mang chú chim nhỏ vào nhà đặt trong một chiếc hộp.


Sau một đêm, chú chim thức dậy với những tiếng hót chói tai. Cặp đôi cố cho chú ăn nhưng không được, do vậy họ đặt chú bên bậu cửa. Chú chim liên tục hót trong vòng 3 tiếng đồng hồ sau đó.



Rồi chim sẻ bố tìm thấy con mình và bắt đầu săn mồi về cho con ăn.



Cứ 10-15 phút, chim sẻ bố lại đem tới những con bọ to và các mẩu bánh mỳ, liên tục cả ngày trong vòng 2 tuần.


Chú chim nhỏ lớn lên từng ngày nhưng vẫn mù.



Cặp đôi quyết định gọi điện hỏi ý kiến một vị bác sĩ thú y. Ông khuyên họ nên thử nhỏ mắt cho chú chim.



Việc đó hiệu quả như một phép màu! Chú chim bắt đầu biết trốn cặp đôi sau những khóm hoa.



Rồi chim sẻ bố bắt đầu dạy con bay.



Tới một ngày, chú chim sẻ con biến mất. Cặp đôi biết sớm muộn gì điều đó cũng sẽ xảy ra. Đây là bức ảnh cuối cùng họ chụp được trước khi không thấy chú chim bên bậu cửa nhà mình nữa.



Họ chỉ thấy lo vì trong đêm đó và vài ngày tiếp theo, ngoài trời có giông và mưa rất to.



Tuy nhiên 3 hôm sau, chú chim sẻ non ngày nào đã quay trở lại ngủ trên một trong những chậu hoa đặt bên bậu cửa sổ của nhà cặp đôi.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Hãy điều khiển cảm xúc của mình

Trong cuộc sống, khi bạn bị đau đớn, bị phê phán hay bị hạ nhục bởi hành động của kẻ khác, bạn sẽ phản ứng lại như thế nào? Bạn mất bình tĩnh và trả thù một cách giận dữ hay nuốt hận mà giữ kín trong lòng? Sau đó, bạn có thấy bực mình mỗi khi nghĩ về chuyện ấy và nó gây ảnh hưởng xấu đến tâm tính của bạn? Nếu là một người bình thường thì rất khó kiểm soát tốt những cảm xúc dưới loại hoàn cảnh này. Tuy nhiên, với một người tu tập tốt, người ấy sẽ có khả năng giáp mặt nỗi khổ cực một cách ung dung và xử sự với sự bình tĩnh lớn trước cơn khủng hoảng.


Có một câu chuyện như thế này: Một ngày nọ, khi Phật Thích Ca đi qua một ngôi làng nọ, một số người đi ra gặp Đức Phật và nói những lời vô lễ, và thậm chí có kẻ còn chửi thề. Phật Thích Ca đứng đó lặng lẽ lắng nghe, và sau đó Ngài nói: “Cám ơn các bạn đã đến gặp ta. Nhưng giờ ta phải tiếp tục lên đường bởi vì mọi người ở làng tiếp theo đang đợi. Nhưng khi ta trở lại ngày mai, ta sẽ có nhiều thời gian hơn. Nếu các bạn có nhiều thứ hơn để nói, xin đến lần nữa. Những người này không thể tin vào tai của mình nữa.

Chuyện gì xảy ra với người này thế nhỉ? Một trong số những kẻ đó hỏi Đức Phật: “Ông có nghe bọn tôi nói gì không? Bọn tôi nói ông chẳng là cái thá gì cả, thế mà ông không phản ứng gì à?”

Đức Phật trả lời: “Nếu những gì các ngươi muốn chỉ là xem thái độ của ta, thì các người đã đến quá trễ rồi. Nếu là 10 năm trước thì có lẽ ta sẽ phản ứng lại. Còn 10 năm trở lại đây thì ta đã không còn bị kẻ khác điều khiển nữa rồi. Ta không còn là nô lệ mà là chủ nhân của chính ta.

Ta có thể làm những gì mình muốn, chứ không hành động dựa trên cảm xúc. Tôi có nghe kể một câu chuyện thế này: Có một anh chàng luôn mua báo tại duy nhất một sạp báo. Dù người bán báo luôn giữ bộ mặt lạnh lùng và thiếu thân thiện, anh này luôn lịch sự nói “cám ơn” với ông kia.

Một ngày kia, khi một đồng nghiệp anh ta đã nhìn thấy thế và hỏi :”Ông ta vẫn luôn bán hàng với bộ mặt đó à ?”.

- “Đúng”.

- “Tại sao bạn vẫn đối xử với ông ta lịch sự như vậy?”Anh này trả lời: “Tại sao tôi phải để cho ông ta quyết định hành động của tôi chứ ?”

Thật chí lý! Tại sao chúng ta lại cho phép kẻ khác gây ảnh hưởng đến những hành động và cảm xúc của chúng ta? Chúng ta không thể cấm kẻ khác đối đầu với mình, nhưng chúng ta có thể kiểm soát những cảm xúc của riêng mình và không để bị họ ảnh hưởng. Tất nhiên, nó yêu cầu một quá trình tu luyện để đạt được điều này. Chúng ta hãy bắt đầu từ việc thay đổi nội tâm mình và để cho những cảm xúc mình bị chế ngự.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

NHẪN NHỤC LÀ GỐC HẠNH LÀNH, SÂN SI LÀ NGUỒI TỘI LỖI

CÔNG CHÚA THUẦN NHẪN (Truyện cổ Phật giáo)
*********************
Công chúa Thuần Nhẫn là con gái út của vua Ba Tư Nặc. Công chúa là người hiếu hạnh, lại có đức nhẫn nhục, nhưng phải có tội xấu quá, nên đã 18 xuân mà vua cha chưa tính việc x
uất giá được.

Ôi! Bà mụ cay nghiệt làm sao?


Bắt nặn thế nào cho công chúa xấu đến nổi ai thấy cũng bực mình, mũi tẹt, trán dồ, miệng hô, mắt toét, đó là chưa kể đến thân hình nếu nói đến thân hình thì nàng chỉ cao vỏn vẹn một thước lênh khênh. Vì vậy mà trong triều các vương tôn, công tử phải tìm kế du học ráo, để tránh cái nạn bị trạch phò mã.

Mỗi khi công chúa thấy hai chị hãnh diện trước nhan sắc xinh tươi, nàng rất ngậm ngùi tủi hận, song cũng không hề ganh tỵ. Trái lại, hai chị thì kêu căng, mỗi khi thấy nàng thường tỏ vẻ khó, không muốn gần gũi chuyện trò. Lại tâu với vua cha cấm không cho nàng đi ra ngoài sợ thế gian chê cười. Công chúa thui thủi một mình trong cung cấm.
Nàng hiếu hạnh với cha mẹ, chiều chuộng hai chị và hết lòng thương yêu những người hầu hạ. Nàng thường đem tiền bố thí cho người nghèo khổ, cung cấp thuốc men cho người bệnh hoạn, vì thế ai cũng yêu mến công chúa hơn hai bà chị.
Nhan sắc kỳ dị của công chúa Thuần Nhẫn bay ra, cũng như đức hạnh của nàng, nên một ngày kia Hoàng tử một nước lân cận đến xin cưới nàng làm vợ.

Cầm tay người nghĩa hiệp, vua Ba Tư Nặc cảm động, bảo Trọng Ðức rằng: "Con trẫm được Hoàng tử thương mến thật trẫm không biết lấy lời gì tả cho hết được nỗi lòng cảm bội". Khi về nước, Hoàng tử không cho tiếp xúc với người, sợ thiên hạ thấy bên ngoài chê cười chăng?

Nhưng than ôi! Lòng hào kiệt của vị Hoàng tử thanh niên cá hạn, mà nhan sắc công chúa lại xấu vô cùng, nên mặc dầu vẫn mến đức, trọng tài của vợ, mà lắm khi Thái tử cũng bực mình về cái xấu của người vợ đáng thương. Rồi lần lần Trọng Ðức tìm cớ săn bắn vui chơi riêng. Công chúa như con chim trong lòng son, tuy có gạo trắng nước trong, nhưng ngoài bốn bức tường thì nàng không còn hay biết gì cả. Công chúa biết nghiệp duyên nên thầm trách kiếp xưa bởi vụng đường tu nên kiếp này phải mang lấy quả xấu, không bao giờ oán thán ai. Nàng chỉ một lòng nhu thuận với chồng, khoan dung độ lượng với người trong cung.

Nhưng ác thay! Các bà Vương phi quận chúa thường tìm đến với nàng để khoe khoang hãnh diện, có khi còn dám chế nhạo nàng ra mặt. Ðức nhẫn nhục của công chúa thuần thành, nên nàng luôn luôn vui vẻ xem như không có gì đáng để ý.
Một hôm các bà về xúi chồng bày một bữa tiệc, mời khắp cả Vương tôn danh nhân trong nước. Theo lệ thường thì vợ nào chồng nấy đếu đến đủ mặt... Duy chỉ có Hoàng tử Trọng Ðức lủi thủi đến một mình. lủi thủi đến một mình. Thôi thì các bà Vương phi, quận chúa, tiểu thơ khoe khoang duyên dáng, các bà lại đi tìm Hoàng tử Trọng Ðức chế giễu.
Hoàng tử không chịu nỗi cơn tức giận, nên sanh lòng ghét vợ. Chàng hằm hằm chuyến này thì về nhất quyết ly dị cho rảnh.
Chồng đi yến tiệc, công chúa một mình vò võ trong cung. Tự nhiên nàng thấy nao nao trong lòng, tin chắc có điều gì không hay xảy đến cho mình. Nàng tủi thân rơi nước mắt. Tự nghĩ ta đời trước đã tạo nhân gì ác nghiệp đến nỗi sanh thân kỳ dị, làm khổ tâm biết bao nhiêu người vì thương yêu ta. Nàng liền chắp tay thành kính hướng về giữa thanh không thầm niệm. "Nam mô Phật, nam mô chư Phật". và tự khấn nguyện: Ðức Phật hiện nay Ngài hay ban bố ích lợi cho chúng sanh, cứu khổ cho tất cả người khổ sở. Nay con là một người đang chịu khổ, lại không làm sao ra khỏi cung cấm để hầu Ngài. Nguyện xin oai thần Ðức Thế Tôn từ bi khuất giá giáng thần vào trong chốn u đày này, cho con được đảnh lễ. Nỗi thống khổ lòng thành kính tha thiết của con người đáng thương ấy, ứng hiệp với Ðức từ bi của Phật. Ðược Ðức Phật ở tịnh xá Kỳ Viên liền vận thần thông hiện ra trước mặt, trong khi công chúa đang quì lạy. Ngưỡng lên thấy Phật, vừa mừng vừa tủi, nàng kính bạch: "Bạch Ðức Thế Tôn! Ðời trước con đã gây nghiệp ác gì, mà ngày nay bị quả báo thân hình xấu xí như thế này? Lại nhờ phước đức gì mà sanh vào chốn giàu sang?" Ngài động lòng thương xót dịu dàng bảo: "Ðời trước con là một người đàn bà có nhan sắc, lại hay cúng dường bố thí, nhưng khắc nghiệt với tôi tớ, kiêu căng với bạn bè và hay ganh tỵ với người có nhan sắc hơn mình, mắt thường hay nguýt, miệng hay nói xấu người, khi sân hận nổi lên thì đánh đập tôi tớ một cách tàn nhẫn. Nhất là hay ỷ mình có nhan sắc của cải khinh ngạo kẻ khác. Ngày nay con phải thành tâm tha thiết cần cầu sám hối đi, thì những tội lỗi trước kia sẽ tùy theo tâm niệm mà tiêu diệt".

Tiếng Phật dịu dàng như tiếng chim Ca Lăng Tần Già, công chúa thấy tự nhiên lòng nhẹ lâng lâng, nàng rút khăn lau ráo lệ, rồi tha thiết cần cầu sám hối. Nàng quỳ xuống chân Phật hàng giờ với những lời chân thật phát sinh ra tự đáy lòng. Ðức Phật để cánh tay vàng lên đầu nàng, công chúa ngẩng lên thấy đôi mắt hiền từ trong sáng của Ðức Phật nàng rất sung sướng. Liền khi ấy mắt nàng cũng trong sáng như mắt chim thu nàng thấy sắc diện của Phật đoan nghiêm hiền hậu, lòng nàng cảm động, sanh bao sự vui mừng, tự nhiên mặt nàng cũng đoan nghiêm mỹ lệ. Nàng thấy chân Phật sáng ngời, cốt cách siêu phàm, lòng nàng lại bội phần mến phục, tự nhiên thân nàng cũng đoan nghiêm điều đặn, các tướng xấu xa của nàng bị tiêu diệt. Nàng liền trở nên một công chúa đẹp đẽ xinh tươi đầy đủ phước tướng.

Phật thuyết pháp cho nàng nghe xong liền vận thần thông trở về Tịnh Xá.
Giữa bữa tiệc vui, Hoàng tử Trọng Ðức không chịu được lời chế giễu của các bạn. Tình yêu không thể kéo lại cái hổ, cái nhục. Thái tử bực tức lên ngựa trở về cung, vừa đi vừa thầm nghĩ: "Chuyến này nhất định để, nhất định ly dị".
Tiếng gió ngựa của người hào kiệt sao mà gấp gáp thế? Công chúa lo ngại vội vàng bước xuống thang lầu thấy mặt chồng đầy sát khí, nàng không dám hỏi han gì. Theo lệ thường nàng cúi xuống tháo chiếc đai ngọc trên lưng Thái tử và cất chiếc mũ vàng cho đầu chàng đỡ nặng. Thái tử ngạc nhiên, cử chỉ ấy rõ ràng là vợ, mà sao nhan sắc nàng biến đổi thế kia? Công chúa hiểu ý, liền đem chuyện cầu Phật kể lại cho chồng nghe. Từ đó vợ chồng vui vẻ hòa thuận cùng nhau lo tu phước thiện.
Một hôm vui câu chuyện, công chúa bảo chồng: "Thiếp xem chàng trọng sắc hơn trọng đức". Hoàng tử cả thẹn nói lảng qua chuyện khác.

Ðọc câu chuyện này chúng ta nhận thấy nhẫn nhục là điểm cốt yếu cần phải có trong tất cả hạng người, cần phải dùng trong tất cả hoàn cảnh. Nhờ sự nhẫn nhục, nhờ lòng thiết tha ăn năn của công chúa Thuần Nhẫn đã đổi được cuộc đời tối tăm trở thành tươi sáng. Chúng ta nên biết nếu tâm đức thanh tịnh thì sẽ chuyển được hình tướng bên ngoài. Vậy ta nên nhớ "NHẪN NHỤC LÀ GỐC HẠNH LÀNH, SÂN SI LÀ NGUỒI TỘI LỖI".

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Khổ thân làm việc nghĩa



Tranh họa "Ngạo tuyết xuân mai". ( Nguồn ảnh: minghui.org)

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa", một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?

- Mặc Tử nói: "Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn thì nhiều, đứa đi cày thì ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!"

Lời Bàn:

Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như: cây tòng, cây bách, mùa đông sương tuyết, mà vẫn xanh, như con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối. Như Mặc Tử đây, cho là đời là suy biến, coi sự làm việc "Nghĩa", sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có công với loài người vậy.