Trang chu

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Đen và trắng



Tôi đã tin rằng mình đúng và cậu ấy sai, còn cậu ấy cũng một mực khẳng định tôi sai và cậu ấy đúng. Cô giáo đã quyết định phải dạy cho chúng tôi một bài học quan trọng trước chuyện này. Cô đưa cả hai đứa đứng lên trước lớp, để cậu ấy đứng ở phía bên kia bàn cô, còn tôi ở phía bên này.

Ngay giữa bàn, cô đặt một vật lớn có hình tròn. Tôi có thể thấy rõ nó màu đen. Cô hỏi cậu ấy vật đó màu gì. Cậu đáp: “màu trắng ạ”.

Tôi không thể tin nổi sao cậu ta lại bảo nó màu trắng chứ, rõ ràng nó đen kia mà! Vậy là một cuộc tranh cãi khác lại nổ ra giữa các bạn trong lớp và tôi, nhưng lần này, chúng tôi cãi nhau về màu sắc của vật đó.

Cô giáo bèn bảo tôi đứng vào vị trí của cậu ấy, cậu ấy đứng vào chỗ của tôi. Chúng tôi đổi chỗ cho nhau xong thì cô hỏi tôi vật đó màu gì. Tôi đáp: “màu trắng ạ”. Rõ ràng, nó là vật thể có hai mặt với màu sắc khác nhau, nếu đứng ở chỗ cậu ấy nhìn thì là màu trắng. Chỉ khi đứng ở chỗ của tôi nhìn thì nó mới là màu đen.

Vậy là hôm đó, cô giáo đã dạy tôi một bài học thật quan trọng: Bạn phải ở vào vị trí của người khác để quan sát sự việc bằng chính đôi mắt của họ, như thế, bạn mới thực sự hiểu quan điểm của họ về vấn đề đó.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Cách dạy con đặc biệt của một người mẹ

Tất cả chúng ta đều hiểu, chẳng có gì hay ho về chuyện làm đổ sữa. Nhưng câu chuyện này hoàn toàn khác. Tôi hy vọng tất cả các bậc phụ huynh có thể hành xử theo cách này.


Gần đây tôi có nghe người ta kể về một nhà khoa học nổi tiếng. Ông đã tạo ra những đột phá rất quan trọng trong lĩnh vực y học. Một phóng viên đã phỏng vấn ông và hỏi rằng, tại sao ông nghĩ rằng mình có thể sáng tạo nhiều hơn so với những người bình thường? Điều gì đã khiến ông rất khác biệt với những người khác?

Nhà khoa học trả lời, theo ông, mọi chuyện hẳn bắt đầu từ một trải nghiệm từng có với mẹ ông. Sự việc xảy ra khi ông chỉ mới hai tuổi. Lúc đó, khi đang cố lấy một chai sữa trong tủ lạnh ra thì ông trượt tay và chai sữa rơi xuống đất, tung tóe tất cả lên sàn bếp, hệt như một biển sữa vậy!

Khi mẹ ông bước vào, bà không la mắng, cũng không dạy dỗ hay trách phạt gì, chỉ bảo ông, “Ồ, Robert, con đã tạo ra một cảnh lộn xộn tuyệt vời và thú vị thật đấy! Mẹ chẳng mấy khi thấy một vũng sữa lớn như vậy đâu. À, vậy là đã có thiệt hại rồi đây. Con có muốn ngắm nhìn và chơi với chỗ sữa đó một chút trước khi mẹ con mình dọn dẹp nó không?”.

Tất nhiên là Robert thích rồi. Sau một lát, mẹ cậu bảo: “Con biết không Robert, mỗi khi con tạo ra một sự lộn xộn thế này, rốt cuộc rồi con cũng sẽ phải dọn dẹp và sắp xếp lại mọi thứ trở về trật tự ban đầu. Vậy giờ con muốn làm thế nào? Chúng ta có thể dùng thìa hay khăn, hoặc chổi. Con thích cái nào hơn?”. Cậu bé đã chọn thìa và thế là hai mẹ con cùng nhau dọn dẹp chỗ sữa bị đổ.

Rồi mẹ Robert lại bảo, “Con biết không, điều mà chúng ta thấy được trong việc này là sự cố xảy ra khi bê một chai sữa to chỉ bằng đôi bàn tay bé xíu. Mẹ con mình hãy cùng ra phía sân sau và đổ lại đầy nước vào chai. Và con sẽ tìm ra cách để có thể bưng chai nước mà không làm rơi nó”. Thế là cậu bé đã hiểu rằng, nếu nắm chặt vào miệng bình bằng cả hai tay, cậu hoàn toàn có thể bưng chai sữa mà không làm đổ. Thật là một bài học tuyệt vời!

Nhà khoa học nổi tiếng đã ghi nhớ khoảnh khắc đó vì nó giúp cậu hiểu rằng, mình không nên sợ hãi khi mắc phải những sai sót.

Cùng với đó, cậu cũng học được một điều, lỗi lầm chính là những cơ hội để ta học hỏi một điều mới mẻ, cũng giống như những thí nghiệm khoa học sau này. Ngay cả khi không thành công, thường thì ta vẫn có thể học được điều gì đó từ nó.

Sẽ chẳng phải rất tuyệt vời hay sao nếu tất cả các bậc cha mẹ đều hành xử với con cái theo cách mẹ Robert đã làm với cậu.

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Lạc quan cởi mở là kho báu vô hình

Đời người không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Người ta sẽ luôn phải đối mặt với những khó khăn, thất bại và phiền não trong cuộc sống. Khi đối mặt với thất bại, nếu người ấy có thể giữ một cái nhìn lạc quan, tự tin và rộng mở, thì anh ta sẽ có thể chuyển bình thường thành giàu có, khó khăn thành thoải mái, và ngay cả chuyển sự đau khổ trở thành những trải nghiệm tốt đẹp và quý giá.

Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh rằng một người rộng lượng, hào phóng và lạc quan sẽ có một tâm hồn thanh thản, cũng như sống một cuộc sống thoải mái, khỏe mạnh và trường thọ. Hai bác sĩ thuộc Trường Y của Đại học John Hopkins đã từng làm một nghiên cứu như sau. 127 sinh viên được lựa chọn ngẫu nhiên, tốt nghiệp từ năm 1949 đến 1964, được chia làm hai nhóm dựa trên tính cách của họ. Những người trong nhóm I là thận trọng và thiếu thích nghi, trong khi những người trong nhóm II là lạc quan, cởi mở và linh hoạt. Những người trong nhóm I đã kết thúc với một tỷ lệ cao của bệnh tật và tử vong. 15 năm sau khi tốt nghiệp đại học, 13 người trong nhóm này đã qua đời, trong khi những người trong nhóm II vẫn còn sống. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc một người lạc quan hay không là có liên hệ chặt chẽ với tỷ lệ mắc bệnh và trực tiếp ảnh hưởng tới tuổi thọ của một người.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Tào Tháo bại trận tại Xích Bích, 83 vạn đại quân bị Chu Du dùng hỏa công đánh bại, toàn quân gần như không còn ai. Tuy nhiên trải qua mấy phen nguy nan, ông ta vẫn ngẩng mặt lên trời cười, không vì thế mà mất đi tự tin. Cuối cùng ý chí ngoan cường của ông ta đã dẫn bại quân thoái khỏi vũng bùn của thất bại.

Tháng 12 năm 1914, nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison đã chứng kiến phòng thí nghiệm của ông bị đốt thành tro bụi bởi một vụ cháy lớn; chỉ trong một đêm, ông gần như đã mất đi tất cả thành quả nhờ lao động khó nhọc trong suốt cuộc đời mình. Mặc dù ông đã bảo hiểm số tiền 238.000 đô-la cho phòng thí nghiệm, nhưng tổn thất thực sự trong vụ cháy ước tính hơn 2 triệu đô-la. Sáng hôm sau, Edison nhìn đống đổ nát và nói: “Có một giá trị lớn trong vụ tai nạn này. Tất cả sai lầm của ta đã bị thiêu trụi bởi ngọn lửa. Tạ ơn Chúa, con có thể bắt đầu lại từ đầu.” Ba tuần sau vụ cháy, Edison đã phát minh ra chiếc máy hát đầu tiên trên thế giới.

Thất bại và phiền não không chỉ khiến người ta trở nên thất vọng, mà nó còn là cơ hội để bắt đầu lại mới hoàn toàn, tựa như tôi luyện trong ngọn lửa khắc nghiệt. Trên con đường nhân sinh, bất kể bao nhiêu rên rỉ sau khi một người ngã xuống đất, nó không hề có tác dụng gì. Chỉ bằng cách dũng cảm đứng dậy, người ấy mới thực sự là mạnh mẽ. Mặc dù vụ cháy lớn đã thiêu rụi tất cả tài sản hữu hình của Edison, bao gồm sổ ghi chép dữ liệu và thiết bị thí nghiệm, nó không thể xóa đi sự lạc quan khoáng đạt của ông, và các ý tưởng cũng như quy trình vẫn nằm trong đầu Edison. Ông có thể bắt đầu lại bất cứ lúc nào. Đại đa số con người thế gian quá chấp trước vào những thứ vật chất hữu hình, mà bỏ quên các tài sản vô hình, từ đó rất khó vượt qua thất bại và phiền não. Lạc quan và cởi mở có thể khiến con người tân sinh, và nó là kho báu vô hình trong đời người.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Cái bẫy chuột

Một con chuột nhòm qua kẽ tường xem người nông dân và vợ anh ta đang mở gói gì đó. “Không biết cái hộp đó chứa thức ăn gì nhỉ?” con chuột tò mò. Và rồi nó hoảng hốt nhận ra đó là cái bẫy chuột.

Chạy ra sân nông trang, con chuột loan báo: “Có cái bẫy chuột trong nhà đấy nhé! Có cái bẫy chuột trong nhà đấy nhé!”

Gà thấy vậy lục cục ậm ừ, ngẩng đầu lên bảo: “Ngài chuột ơi, tôi thấy đây quả là mối nguy cho ngài đấy, nhưng nó lại chẳng hề hấn gì với tôi. Tôi chẳng bận tâm về nó đâu”.

Chuột quay sang lợn bảo: “Có cái bẫy chuột trong nhà đấy! Có cái bẫy chuột trong nhà đấy!”. Lợn tỏ ra thông cảm nhưng cũng bảo: “Tôi cũng rất tiếc, ngài chuột ạ. Nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cầu nguyện cả. Hãy cứ yên tâm là tôi sẽ luôn cầu nguyện cho ngài”.

Chuột bèn quay sang bò cái bảo, “Có cái bẫy chuột trong nhà đấy! Có cái bẫy chuột trong nhà đấy!”. Bò cái đáp: “Ồ, ngài chuột. Tôi lấy làm tiếc cho ngài lắm, nhưng điều đó chẳng liên quan gì tới tôi”.

Vậy là chuột lại quay vào trong nhà, gục đầu chán nản vô cùng khi phải một mình đối mặt với cái bẫy chuột của người nông dân.

Cho tới rất khuya đêm hôm đó, một âm thanh vang to khắp căn nhà, hệt như âm thanh khi cái bẫy sập được con mồi. Vợ người nông dân vội chạy tới xem con gì đã sập bẫy. Trong bóng tối, bà không thấy con rắn độc đã bị kẹp đuôi vào cái bẫy đó. Con rắn đớp ngay bà. Người nông dân vội vàng đưa vợ tới bệnh viện, khi trở về nhà, bà lên cơn sốt.

Ai cũng biết, người ta thường trị sốt bằng súp gà tươi, thế là người nông dân liền bắt con gà mái ghẹ để làm súp. Nhưng cơn sốt không dứt, vậy là bè bạn và hàng xóm tấp nập kéo tới thăm bà. Để mời họ ăn cơm, người nông dân đã giết thịt con lợn. Nhưng rồi vợ ông cũng không thể qua khỏi, bà chết. Có rất nhiều người đã tới viếng đám tang bà, và người nông dân lại phải tiếp tục mổ thịt con bò cái để có đủ thịt mời tất cả mọi người.

Con chuột buồn bã vô cùng khi chứng kiến tất cả những chuyện này qua kẽ tường.

Bạn thấy không, nếu lần tới, khi bạn nghe thấy ai đó nói rằng họ đang phải đối mặt với rắc rối nào đó và nghĩ rằng nó chẳng liên quan gì tới bạn, hãy nhớ tới câu chuyện này. Khi ai đó trong chúng ta bị đe dọa, tất cả chúng ta đều sẽ gặp nguy khốn. Bởi chúng ta đều liên đới với nhau trong một hành trình chung gọi là cuộc đời. Hãy để ý quan tâm tới nhau, giúp đỡ, khuyến khích nhau. Mỗi chúng ta chính là một sợi chỉ quan trọng trong tấm vải dệt của người khác.

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Câu chuyện hay bức tượng cẩm thạch

Rất nhiều người đến từ mọi nơi trên thế giới chỉ để chiêm ngưỡng bức tượng cẩm thạch tuyệt đẹp. Một đêm, viên đá cẩm thạch nói chuyện với bức tượng cẩm thạch.


“ Này bức tượng cẩm thạch, thật không công bằng chút nào. Tại sao mọi người từ mọi nơi trên thế giới đến đây chỉ để bước qua tôi và chiêm ngưỡng bạn?”.

Bức tượng cẩm thạch trả lời: “Bạn thân mến của tôi. Bạn còn nhớ chúng ta đều xuất phát từ một hang động giống nhau không?”.

- “Đúng. Đó cũng chính là lý do tại sao tôi cảm thấy quá bất công. Chúng ta đều được sinh ra từ hang động giống nhau, vậy tại sao mỗi người chúng ta lại nhận được sự đối xử khác nhau đến vậy?”

- “Thế bạn còn nhớ những ngày khi mà các nhà kiến trúc cố gắng chế tác bạn nhưng bạn lại ra sức chống đối họ không?”

- “Có, tất nhiên là tôi nhớ. Tôi ghét mấy người đó. Không thể tưởng tượng được mấy người đó lại sử dụng mấy cái dụng cụ đáng ghét mài giũa lên người tôi. Nó làm tôi đau và tổn thương quá nhiều. Thật kinh khủng!

- “Đúng rồi. Các nhà kiến trúc đã không thể chế tác được bạn”.

- “Thế thì sao?”

- “Khi các nhà kiến trúc quyết định từ bỏ bạn và bắt đầu chế tác sang tôi. Tôi đã biết một điều rằng tôi sẽ trở thành một điều gì đó khác biệt sau những nỗ lực của các nhà kiến trúc. Tôi đã không chống đối lại họ, thay vào đó tôi cố gắng chịu đựng những nỗi đau từ các dụng cụ mà họ mài giũa vào người tôi.

Đá cẩm thạch lặng thinh suy nghĩ.

- “… Và anh bạn của tôi, đó chính là cái giá để có được mọi thứ trong cuộc sống. Từ khi bạn quyết định bỏ nửa chừng, chống đối lại họ, không chịu đựng nổi những vất vả, những nỗi đau thì bạn không thể đổ lỗi cho bất kì ai khi mà họ bước qua bạn để chiêm ngưỡng tôi”.

Càng có nhiều khó khăn gõ cửa cuộc sống của bạn, bạn càng phải quyết tâm vượt qua để cuộc sống tốt hơn. Bạn sẽ học hỏi được từ những khó khăn đó, sử dụng nó để phục vụ cho tương lại của bạn. Những trở ngại và thất bại hôm nay là viên gạch vững chắc để bạn bước tới thềm cửa rạng ngời của tương lai.

Khi quá khứ đi qua, bạn không thể thay đổi nó. Nhưng bạn có thể làm tốt hơn trong tương lai. Quá khứ có thể là tốt, nhưng hiện tại còn tốt hơn và tương lai luôn là tốt nhất.

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Sợi dây giữ voi

Một người đàn ông đi qua chỗ đàn voi đang đứng. Bất chợt ông dừng lại, ngạc nhiên khi thấy lũ vật to lớn này chỉ bị cầm giữ bởi một sợi dây thừng rất nhỏ buộc phía chân trước. Không hề có xích sắt, cũng chẳng có chuồng giam.


Có thể thấy rõ, hiển nhiên, lũ voi có đủ khả năng để dứt đứt dây, chạy đi bất cứ lúc nào. Nhưng không hiểu vì sao, lũ voi vẫn chưa làm vậy.

Người đàn ông trông thấy người quản tượng đứng gần đó. Ông hỏi anh ta tại sao lũ voi cứ đứng yên vậy mà không hề có vẻ muốn tháo chạy. “Ồ”, người quản tượng đáp, “khi chúng còn nhỏ, chúng bé hơn thế này rất nhiều, chúng tôi vẫn dùng loại dây thừng cỡ đó để buộc chúng lại. Ở độ tuổi đó, dây như vậy là đủ giữ chúng rồi. Nhưng khi đã lớn hơn, chúng vẫn tin mình không thể dứt nổi những sợi dây thừng này. Chúng cho rằng, sợi dây thừng ngày xưa vẫn có thể giữ chúng được, thế là chẳng bao giờ chúng có ý nghĩ dứt bỏ dây và chạy đi”.

Người đàn ông vô cùng kinh ngạc. Những con thú đó hoàn toàn có khả năng chạy thoát khỏi sợi dây ràng buộc chúng, nhưng chỉ vì không tin mình có thể, nên chúng vẫn cứ chấp nhận một thực tiễn như đang có.

Cũng giống như những con voi đó, có biết bao người trong chúng ta, đã đi qua cuộc đời với ý nghĩ, chúng ta không thể làm được gì đó, đơn giản chỉ vì, ta đã từng thất bại một lần?

Thất bại chỉ là một phần trong quá trình học hỏi. Đừng bao giờ đầu hàng trước những khókhăn của cuộc sống.

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Câu chuyện về Socrates và những tin đồn


Hãy ghi nhớ triết lý này trong đầu nếu lần sau bạn cũng nghe theo hoặc định lặp lại một tin đồn.

Trong thời Hy Lạp cổ đại (469-399 TCN), Socrates được ca ngợi một cách rộng rãi bởi trí tuệ của ông.

Một ngày triết gia vĩ đại tình cờ gặp một người quen, người đó tiến thẳng tới ông một cách phấn khởi và nói, “Socrates, ông có biết tôi mới nghe về một trong những học trò của ông không?”

“Chờ một lát,” Socrates đáp lại. “Trước khi ông bảo tôi, tôi muốn ông phải vượt qua một bài kiểm tra nhỏ. Nó được gọi là bài Kiểm tra về Ba điều.”

“Ba điều hả?”

“Đúng thế,” Socrates tiếp tục, “Trước khi ông nói với tôi về học trò của tôi, hãy dành một lát để kiểm tra điều mà ông đang định nói.”

“Bài kiểm tra đầu tiên là Sự thật. Ông có hoàn toàn bảo đảm rằng điều ông dự định kể cho tôi là sự thật?”

“Không,” người đàn ông đáp lại, “Tôi chỉ nghe nói về nó.”

“Được rồi,” Socrates bảo. “Thế là ông không thật sự biết liệu nó đúng hay sai.”

“Giờ hãy thử bài kiểm tra thứ hai – Kiểm tra về Lòng tốt. Cái mà ông định kể cho tôi về học trò của tôi là điều tốt phải không?”

“Không, trái lại.”

“Vậy thì,” Socrates hỏi, “Ông muốn kể cho tôi cái gì đó xấu về học trò của tôi, thậm chí ông không chắc là nó có thật phải không?”

Người đàn ông nhún vai, với một chút xấu hổ.

Socrates tiếp tục, “Nhưng ông có thể vẫn qua, bởi vì còn có một bài kiểm tra thứ ba – sàng lọc về Lợi ích. Điều mà ông muốn kể cho tôi nghe về học trò của tôi sẽ hữu ích cho tôi không?”

“Không, không thật sự.”

“Được rồi,” Socrates kết luận, “Nếu điều mà ông muốn kể cho tôi không Thật, không Tốt mà cũng không Lợi, rốt cuộc tại sao lại kể nó cho tôi?”

Người đàn ông cảm thấy bị đánh bại và xấu hổ.

Đây là một ví dụ cho thấy tại sao Socrates là một nhà hiền triết vĩ đại và được coi trọng như thế.

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Đừng bao giờ bỏ cuộc bạn nhé

Derek Anthony Redmon sinh ra tại Anh, Trong suốt sự nghiệp thi đấu, anh từng giữ kỷ lúc chạy 400 m của Anh, giành huy chương vàng giải vô địch thế giới và châu âu thể loại chạy 4 x 400 m. Nhưng đó không phải là điều mà thế giới ca ngợi anh…

Năm 1992 tại Olympic thế giới tổ chức ở Barcelona, một chàng trai trẻ đã vượt qua vòng loại và bán kết cuộc thi chạy 400m. Nhưng đến vòng chung kết, khi chạy được khoảng 250m thì anh ấy bị chấn thương ở chân và ngã xuống sân đua trong đau đớn.

Mặc dù các nhân viên y tế đã đến để dìu anh vào nhưng anh vẫn quyết định sẽ tự mình hoàn thành hết chặng đua bằng cách nhảy lò cò .

Cha của anh đã băng qua các nhân viên bảo vệ và chạy vào sân với con trai : “Con ơi, con không cần phải làm điều này đâu.” Nhưng anh vẫn kiên quyết :” Không, con vẫn phải hoàn thành cuộc đua của mình.”

“Vậy cha và con sẽ cùng đi hết cuộc đua với nhau”
Trong vòng tay cha, anh khóc như một đứa trẻ và hoàn thành chặng đua trước sự vỗ tay nồng nhiệt của 650.000 khán giả tại sân vận động, tất cả đều đứng dậy cổ vũ cho anh.

Đoan clip về cuộc thi của anh đã được bình chọn là có tính nhân văn cao nhất.

Mời các bạn cùng thiền truyện xem lại đoạn clip này nhé:


Redmon không phải hoàn tất cuộc thi nhưng anh vẫn quyết định hoàn thành nó, bất chấp những giọt nước mắt, bất chấp sự đau đớn, tủi nhục.

Điều gì đã khiến người cha từ bỏ chỗ đứng của mình chạy đến với con trai. Vì người cha thấy sự đau đớn, khốn khổ của con trai mình và ông cảm thấy đứa con đó cần mình nên bất chấp tất cả để lao đến để nâng con dậy. Khán giả xúc động vì tình cảm thiêng liêng mà người cha giành cho đứa con và nghị lực mạnh mẽ của Redmon.

Cũng như Thương Đế, khi chúng ta đau đớn hay quỵ ngã, nhưng nếu vẫn quyết tâm hoàn thành mơ ước của mình, Ngài vẫn sẽ đến bên và dìu dắt chúng ta.

Còn các bạn thì sao, có đang chịu đau đớn, và vất vả để kết thúc sứ mệnh của mình trên cõi đời này không? Thượng đế muốn bạn hãy hoàn thành sứ mệnh một cách xuất sắc. Vì Ngài luôn dõi theo và yêu thương bạn. Hãy tin tưởng vào Thượng Đế, vào cuộc sống màu nhiệm này nhé.

Never Ever Give up in Life !!!

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Người khôn ngoan không hối tiếc


Thật là khó chịu nếu một người đánh cờ thường đổi cách đi. Dù là tiến hay chiếu, vì thế, không cho thay đổi tại các cuộc thi đánh cờ. Musashi Miyamoto, một tay kiếm khách nổi tiếng trong lịch sử Nhật bản nói “Tôi không bao giờ hối tiếc điều tôi đã làm”.

Ðây chính là thái độ có trách nhiệm đối với hành động của mình và cũng là cách cởi mở và lạc quan khi trực diện với những khó khăn của cuộc sống. “Người khôn ngoan không bao giờ hối tiếc” không có nghĩa là mình không nhớ lại những lỗi lầm của mình trong quá khứ, ngược lại, nó có nghĩa là chúng ta không bị chìm đắm trong lỗi lầm của quá khứ trong khi thời gian thì trôi qua nhanh như mũi tên. Ðiều duy nhất mà chúng ta làm là phải học được điều tốt từ những lỗi lầm của mình và tránh không lập lại trong tương lai.

Trước đây, một nhà tâm thần học nổi tiếng đã có rất nhiều năm kinh nghiệm trong bệnh viện về chữa trị, đã viết một quyển sách về cách chữa trị các bệnh tâm thần sau khi ông ta về hưu. Quyển sách dày hơn 1.000 trang mô tả đầy đủ về tất cả các triệu chứng của các điều kiện khác nhau và các phương pháp trị liệu về thuốc men và tâm lý cho từng trường hợp. Một ngày, khi ông ta được mời đến dạy tại một trường đại học, ông ta đem theo quyển sách này và nói với sinh viên, “quyển sách này dày hơn 1.000 trang bao gồm hơn 3.000 cách chữa trị và hơn 10.000 thuốc chữa trị. Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ tóm tắt trong ba chữ. Khi vừa dứt lời, ông viết trên bảng đen “Nếu, Lần tới”.

Vị bác sĩ giải thích rằng điều căn bản mà gây ra sự sụp đổ về tâm lý và tra tấn con người không có gì hơn là chữ “Nếu”: “Nếu tôi vào đại học, “, “Nếu tôi không chia tay với cô ta” “Nếu tôi có được một việc làm mới vào lúc đó”, “Nếu tôi không có lười biếng vào lúc đó”, và còn nhiều nữa. Có hàng ngàn cách để chữa trị một vấn đề, nhưng cách tốt nhất vẫn là, đó là phải thay thế “Nếu” bằng “Lần tới”, “Lần tới tôi có cơ hội để học” “lần tới tôi sẽ không bỏ người mà tôi yêu” “lần tới tôi sẽ làm việc siêng năng hơn”, và nhiều thứ nữa.

Thái độ của một người đối với cuộc đời quyết định về hạnh phúc, giận dữ, đau khổ và vui vẻ của người đó. Những điều xảy ra trong quá khứ không giống hoàn toàn như mây khói và nhiều kỷ niệm rất dễ dàng làm cho một người hối tiếc. Những hối tiếc này ảnh hưởng rất nặng nề về chất lượng của cuộc sống và thậm chí còn gây ra những vấn đề về tinh thần. Ðức Khổng tử nói trong “Luận ngữ, vi tử” “Quá khứ không thể sửa lại được, nhưng tương lai thì có thể”. Những lời nói nổi tiếng này nói rằng những việc đã xảy ra trong quá khứ không thể làm lại, nhưng trong tương lai thì việc vẫn đang xảy ra. Những lời nói này là lời nhắn nhủ ý nghĩa khi chúng ta nhớ lại chuyện quá khứ, những thành công hay lỗi lầm trong đời, hay đang đối diện với khó khăn. Con người không nên luôn luôn hối tiếc hay cảm thấy sầu bi về những lỗi lầm quá khứ, và phải học được những điều tốt để sửa chữa những lỗi lầm đó.

Trong đời sống ngắn ngủi, chúng ta không cần cảm thấy hối tiếc về lỗi lầm của chúng ta, vì nó không thay đổi được thực tế và chỉ làm cho cuộc sống chúng ta đen tối thêm trong tương lai, làm một cái bóng tối che đậy những nét đẹp của cuộc sống. Cũng giống như khóc lóc sau khi bạn ngã cũng vô nghĩa, cuộc sống không nên bị sự hối tiếc chôn vùi. Ðứng lên, và bắt đầu lại, làm hết sức mình đó chính là ý nghĩa quan trọng của một thái độ đúng đắn với cuộc sống.

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Học cách quên

Một buổi tối, tôi đi thăm người bạn từng bị vu cáo hãm hại. Lúc ăn cơm, anh nhận được một cuộc điện thoại, người đó muốn nói cho anh biết ai đã hãm hại anh.


Nhưng anh bạn tôi đã từ chối nghe. Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, anh nói “Biết rồi thì sao chứ? Cuộc sống có những chuyện không cần biết và có những thứ cần phải quên đi”.

Sự rộng lượng của anh khiến tôi rất cảm kích. Đời người không phải lúc nào cũng được như ý, muốn bản thân vui vẻ, đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách quên, bởi trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc. Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng: tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “ Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?” Sư phụ điềm đạm nói: “Ta cõng cô gái qua sông thì bỏ cô ấy xuống, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.”

Lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý, hàm chứa trong nó chính là nghệ thuật nhân sinh. Cuộc đời con người giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy vô vàn phong cảnh, trải qua biết bao những gập ghềnh, nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua đã nhìn thấy ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, mãi mãi mang một hành trang gọn nhẹ trên đường. Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm.

Sẵn sàng quên đi là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống. Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thảnta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.

Rất nhiều người thích câu thơ : “Xuân có hoa bách hợp, thu có trăng. Hạ có gió mát, đông có tuyết”. Trong lòng không có việc phải phiền lo mới chính là mùa đẹp của nhân gian. Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái nên quên, sống cuộc sống cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Thiền định có thể làm thay đổi bộ não người

Những bí ẩn của bộ não con người vẫn chưa được giải đáp đầy đủ trong một thời gian dài. Các nhà nghiên cứu tin rằng con người mới chỉ sử dụng khoảng 10% khả năng của bộ não. Sự vận hành của bộ não con người vẫn chưa được hiểu rõ. Các nhà khoa học hy vọng sẽ có được một hiểu biết chi tiết hơn về cơ quan quan trọng này nhằm tăng cường chức năng và sức khỏe của cơ thể. Vì lý do đặc biệt này, việc nghiên cứu bộ não con người đã là chủ đề phổ biến và quan trọng nhất đối với các nhà sinh học và các chuyên gia y tế. Thiền định có thể không chỉ có thể dẫn chúng ta đến với một thế giới thanh bình mà còn cải thiện cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ngoài rất nhiều lợi ích tinh thần, chúng ta cũng có thể có được trí tuệ và nâng cao sức khỏe nhờ thiền định. Gần đây, một số nghiên cứu khoa học về bộ não con người đã xác nhận những hiểu biết này.

Thiền định có thể thay đổi sóng não và tạo ra cảm giác hạnh phúc
Các nhà khoa học Úc đã thực hiện các quan sát chuyên sâu hơn về việc thiền định có thể ảnh hưởng đến chức năng của não như thế nào. Họ phát hiện ra rằng nhiều Phật tử có thể tập trung sự chú ý của họ dễ dàng hơn so với người bình thường. Lý do chính là vì các Phật tử có thể kiểm soát các hoạt động của bộ não của họ và ngăn chặn được các thông tin bên ngoài mà trong quá khứ được cho là không thể kiểm soát được.

Các dự án nghiên cứu khác cũng chỉ ra những lợi ích của thiền định. Ví dụ, có một thử nghiệm đối với các hoạt động khác nhau dành cho những người bình thường không thực hành thiền định. Cuối cùng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chỉ có thông qua thiền định họ mới cải thiện được các kết quả của những thử nghiệm này.

Các kết quả nghiên cứu khác thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn: Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng khi thực hành thiền định 40 phút mỗi ngày, các nhân viên văn phòng có thể tăng độ dày của vỏ não của họ, cụ thể là chất xám trong não. Vỏ não, mức độ tập trung, và năng lực tri giác là những lĩnh vực thường trở nên kém dần khi người ta già đi.

Kết quả là, các nhà khoa học suy đoán rằng những phát hiện này có thể giải thích lý do tại sao thiền định có thể làm tăng tuổi thọ. Đồng thời, họ cho rằng các phương pháp thiền định khác nhau có thể mang lại những thay đổi khác nhau trong chức năng và cấu trúc của bộ não.

Thiền định cũng là chủ đề của một cuộc nghiên cứu khác. Các nhà khoa học đã kiểm tra những người mà bình thường không thực hành thiền định (các kết quả thu được như sau):

1. Một số thử thiền định hoàn toàn là để thư giãn.
2. Trong khi thiền định, một số lặp đi lặp lại, “Tôi thấy hạnh phúc hay một điều gì đó tương tự”.

Khi thử các phương pháp thiền khác nhau và sau đó kiểm tra khả năng chịu đựng đau đớn của họ, các kết quả cho thấy suy nghĩ về Thần thánh trong khi thiền mang lại kết quả tốt nhất! Kết quả này không có gì khác thường đối với những người tu luyện, nhưng điều đó là chấn động đối với những người “thấy mới tin”.

Các nghiên cứu trên đã được thừa nhận rộng rãi bởi các cơ sở nghiên cứu có uy tín cao, chẳng hạn như Trường Đại học Wisconsin và Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Hoa Kỳ. Cùng với sự tiến bộ liên tục trên Trái đất và sự nhận thức của loài người đang vươn tới một nhận thức cao hơn, chúng ta có thể trông đợi rằng nhiều cuộc nghiên cứu hơn nữa sẽ được tiến hành trong lĩnh vực này và sẽ thu được các kết luận còn đáng ngạc nhiên hơn.

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Xem cách trả tiền biết được nhân tâm



Trong tâm phần lớn mỗi chúng ta đều có một thước đo, khi bản thân được tôn trọng và tín nhiệm, nhất định sẽ biết chịu trách nhiệm cho hành vi của chính mình.


Nhiếp ảnh: Cung An Ny
Trong tâm phần lớn mỗi chúng ta đều có một thước đo, khi bản thân được tôn trọng và tín nhiệm, nhất định sẽ biết chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình; mong muốn để cho mình trở thành một khách hàng thành thật và có phẩm chất cao đẹp.

Tháng trước khi tham gia tìm hiểu làng đại học ở Đài Loan, đến bữa cơm lúc tiến vào khu căng tin, những món ăn lịch sự tao nhã ở đây đã lấp đầy dạ dày mỗi người. Đáng khen chính là, tuy món ăn có báo giá, nhưng quầy thu ngân lại không có người quản lý, người dùng cơm tự do trả tiền. Nếu trong tay không có tiền lẻ, có thể lựa chọn boa số tiền dư, hoặc tự đi tìm nhân viên phục vụ đổi tiền lẻ sau đó đặt lên bàn ăn trả tiền.

Nhìn từ góc độ khác, nhân viên phục vụ không va chạm tiền bạc quả thật là việc tốt; không có người thu tiền cũng có thể tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí; đồng thời, chủ động trả tiền không chỉ mang đến cảm giác thích thú cho khách, mà còn nhận được sự tín nhiệm và tôn trọng của chủ quán đối với khách hàng. Thật sự bội phục mười phần biện pháp bạo dạn của nhân viên phục vụ nhà trường. Trả tiền dựa vào lương tâm của mỗi người chính là khảo nghiệm đức tính thành thật của khách, có lẽ bởi đây là trường đại học lớn nhất Đài Loan, người dùng cơm ở đây cả tố chất và tu dưỡng đều đáng được tín nhiệm, nên người khác tới chỗ này cũng tự nhiên hòa mình vào không khí của phần tử trí thức văn hóa cao cấp; vì vậy thành thật trả tiền vẫn có thể khiến chủ quán buôn bán không bị lỗ.

Ngoài ra, tại phía nam Đài Loan cũng có một nhà hàng chọn dùng phương thức tính tiền tương tự, chính là nhà hàng “Quán Kỷ Niệm Phật Đà Cao Hùng”, cung cấp các loại thức ăn chay ngon tuyệt, ngoại trừ món chính cần phải đăng ký, các món khác còn lại thì được phép tự do sử dụng. Ở chỗ này thậm chí ngay cả giá cả cũng không có, toàn bộ đều là người ăn tự trả tiền. Khung cảnh dùng cơm ưu nhã, các vị khách theo nhau mà đến, trong này liên tiếp nhìn thấy có người chủ động nhường chỗ kết hợp với nhiều đoàn lớn đoàn nhỏ phối hợp với nhau rất ăn ý. Không khí lễ phép khiêm tốn nơi đây phát huy bản tính lương thiện và phẩm chất biết suy nghĩ cho người khác của mỗi người, cũng khiến cho không khí bữa ăn trở nên vô cùng ấm áp.

Biện pháp tin tưởng khách của nhà hàng không chỉ thuận lợi cho người ăn, cũng cho du khách có cơ hội bố thí. Phương pháp tính tiền đặc thù của nhà hàng giúp chúng ta biết được phần lớn những người tín ngưỡng tôn giáo có tiêu chuẩn đạo đức tương đối cao, người đến nơi đây hơn phân nửa sẵn lòng tiếp xúc với Phật Pháp. Trong sự phục vụ thân thiết tri kỷ của nhân viên, người ăn tự nhiên bị lây nhiễm một phần sự chân thành lương thiện. Có lẽ không tránh khỏi có một số ít người tham lợi mà trả ít tiền hoặc không trả tiền, nhưng phần lớn trong tâm mỗi chúng ta đều có một thước đo, khi bản thân được tôn trọng và tín nhiệm, nhất định sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình; sẵn lòng mong muốn cho mình trở thành một khách hàng thành thật và có những phẩm chất cao đẹp.

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Một câu chuyện nhỏ



Ngày hôm đó đi ra ngoài, tôi đột nhiên nhìn thấy trên xe có lưu lại một tờ giấy. Trên đó viết một dòng chữ tiếng Anh: “Thật xin lỗi, tôi không cẩn thận đụng phải xe của ông, xin gọi điện cho tôi.” Phía sau là số điện thoại.

Tôi vốn muốn quăng tờ giấy đi coi như xong. Bãi đậu xe xung quanh không nhiều, xe con san sát nhau, việc người khác không cẩn thận quệt phải nhau thường khó mà tránh được. Cửa xe của tôi hơi nghiêng, quả thật có một chỗ lõm, nhưng là bị từ lâu, nói chung không quan hệ gì đến người nọ. Tôi cũng không muốn cẩn thận tìm tòi xem còn bị gì nữa không. Nhưng tôi cảm động với lòng chân thành và thẳng thắn của người nọ, cảm thấy cần thăm hỏi và cổ vũ cho anh ta một chút, để anh ta sớm yên tâm, sẽ tốt hơn so với việc để anh ta chờ đợi chủ xe gọi điện.

Tôi rất nhanh bấm điện thoại. Người kia vừa nghe đến chuyện tờ giấy, liền tranh thủ không ngừng xin lỗi. Tôi nói: “Tôi cũng không phải đòi anh bồi thường, tôi gọi điện để cảm tạ lòng lương thiện bộc trực của anh; bởi vì nếu anh không lưu lại tờ giấy, tôi cũng sẽ không để ý đến chuyện này.” Anh ta nói: “Phiền anh cho tôi địa chỉ nhà của anh, tôi sẽ gởi cho anh chi phiếu 200 đồng.” Tôi rất chân thành nói cho anh ta biết: “Đây không phải lỗi của anh, xe của tôi không bị gì cả. Anh yên tâm. Không có vấn đề gì đâu.”

Anh ta lần nữa nói cảm thấy rất áy náy, hỏi tôi anh ta có thể làm cho tôi điều gì. Kỳ thật, trên thế giới này có rất nhiều người không xem đồng tiền như vậy. Dẫu người khác đem 200 đồng đưa đến trước mặt tôi, dù tình hình kinh tế của tôi rất khẩn trương, ngày nghỉ không có giờ lên lớp, không có tiền thu nhập, 200 đồng có thể trả nửa tháng tiền thuê nhà. Nhưng tôi sẽ không lấy đồ không thuộc về tôi. Dù là một phân một hào, hay là những con số thiên văn, tôi cũng sẽ không lấy. Đừng nói 200 đồng, cho dù 200 vạn, 200 triệu, tôi cũng sẽ không một chút do dự mà cự tuyệt. Khổng Tử nói: “Phú quý như mây bay”. Nhưng nếu là việc cần phải làm, cho dù xông pha khói lửa, một xu cũng không lấy , cũng quyết không chối từ.

Ngày hôm sau, tôi muốn mở cửa xe, cửa mở không ra, quả thật bị đụng hư mất. Nhưng tôi không hối hận chút nào vì đã không lấy 200 đồng của người nọ. Tôi tin rằng, lời của tôi có thể cho người nọ biết rõ, thế giới có rất nhiều người rất tốt, anh ấy chân thành cũng sẽ nhận được hồi báo tốt, đó là ban thưởng chứ không phải trừng phạt. Đó chính là sự cổ vũ dành cho người lương thiện, mang đến một vòng tuần hoàn thiện lương cho xã hội. Tôi vì anh ấy mà cảm thấy ấm lòng.

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Hạnh phúc không phải ngồi đợi mà đến



Không nên trông mong đạt được chỗ tốt từ người khác, nếu đủ khả năng thì phải giúp đỡ người cần giúp đỡ; không nên hy vọng đạt được bất kỳ hồi báo nào, như vậy, khoảng cách giữa bạn và cuộc sống hạnh phúc sẽ ngày càng gần.(Ảnh: Khương Dục Hữu)

Hạnh phúc không phải ngồi đợi mà đến

Mà là dựa vào bản thân trải qua trăm nghìn cay đắng mới có thể đạt được.

Không phải không có người yêu mến chúng ta

Mà là người yêu mến chúng ta đang ở bên cạnh, ở trước mặt chúng ta.



Chúng ta lại đưa ánh mắt hướng về phía chân trời mơ hồ chốn xa xôi.

Ta lại phải một lần nữa tìm kiếm và phát hiện

Mà phát hiện lại là một quá trình gian nan.

Ta chỉ cần một mực dũng cảm tiến tới

Không buông lơi từ bỏ, mới có thể

Mới có thể đến được bờ hạnh phúc bên kia.

Đừng oán trách người bạn yêu thương, thậm chí tức giận.

Những người bạn yêu thương, kể cả cha mẹ và bạn bè của bạn.

Quan hệ giữa bạn và họ không thể tránh khỏi những trục trặc

Một chút tổn thương

Họ đau, bạn càng đau.



Mỗi ngày mỉm cười một chút

Đó là đã chịu trách nhiệm với bản thân

Cũng là chịu trách nhiệm với người bạn yêu thương.



Không nên phàn nàn về công việc hoặc chuyện học hành của bạn

Dẫu mỗi ngày chỉ tiến bộ một chút

Cũng là một lượng tài phú hiếm có.

Hiện tại lớn hơn tương lai,

Quá trình quan trọng hơn kết quả;

Bởi vì còn sống, so với điều gì cũng quan trọng hơn.



Cuộc sống hạnh phúc, không ở chỗ thiên trường địa cửu

Cho dù trong hai giây nín thở nhìn

Cây ngô đồng không biết nói cũng sẽ biết nói

Tâm sự buồn thương của chiếc lá khô đang rơi.



Phải hiểu được làm sao để khống chế những cảm xúc không tốt

Không cho phép bỏ mặc nó mọc rể nẩy mầm.

Tại sâu thẳm trong tâm linh, hoặc trên đôi gò má lãnh đạm của bạn

Đến một ngày bạn dần dần trở nên già

Nếu bạn có thể mỉm cười vừa kể những chuyện mây khói của ngày xưa.

Bạn nhất định sẽ bất ngờ phát hiện,

Thật ra, sự huy hoàng của sao băng chẳng qua cũng chỉ là trong nháy mắt,

Có lẽ, điều then chốt của hạnh phúc chính là từng bước trong hành trình của cuộc sống phải không?

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Điển tích :”Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng !”

Câu thành ngữ :” Lời khuyên tốt nghe không êm tai : (sự thật mất lòng) có nghĩa là khi nghe một lời khuyên dù nó chân thành nhưng khác với chủ ý của người nghe thì cũng thật khó để chấp nhận. Thành ngữ này bắt nguồn từ những ghi chép lịch sử “Các triều đại nổi tiếng và lâu đời”. Nguyên văn câu thành ngữ là :” Lời khuyên tốt nghe không êm tai nhưng có ích cho người nghe, giống như thuốc tốt có vị đắng nhưng hiệu quả cho người bệnh, thần hi vọng bệ hạ làm theo những gì Phàn Khóai nói.”


Năm 207 trước công nguyên, Lưu Bang dẫn đầu quân khởi nghĩa và lật đổ nhà Tần. Sau khi chiến Hàm Dương, thủ đô nhà Tần, Lưu Bang đã đi bên trong cung điện và quan sát. Ông nhìn thấy tòa nhà lộng lẫy và rất nhiều báu vật khắp mọi nơi. Bất cứ nơi nào ông đến, nhiều mỹ nữ xinh đẹp đều bước ra cuối chào. Càng quan sát, Lưu Bang càng tò mò và thích thú nên ông quyết định sống trong cung điện một thời gian để hưởng thụ.

Phàn Khóai là một tướng dưới quyền Lưu Bang. Khi ông nghe Lưu Bang nói muốn sống trong cung điện, liền hỏi :” Ngài muốn làm vương của tòan cõi thiên hạ hay chỉ muốn sống như một người đàn ông rất giàu có.”

Lưu Bang đã trả lời: “Tất nhiên là ta muốn cả giang san này.”

Phàn Khóai thành khẩn khuyên rằng :” Khi bệ hạ tiến vào cung điện nhà Tần, ngài đã thấy vô số kho tàng và hàng ngàn mỹ nữ xinh đẹp. Tất cả chính là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của triều đại nhà Tần. Thần mong mỏi bệ hạ hãy nhanh chóng quay lại doanh trại của chúng ta. Xin bệ hạ đừng sống trong cung điện này.”
Trương Lương

Lưu Bang đã không nghe lời khuyên của Phàn Khóai, vẫn sửa sọan để chuẩn bị dọn vào cung điện ở. Quân sư của ông là Trương Lương sau khi nghe kể chuyện bèn tâu rằng :”Vua Tần vô phép. Đó là lý do dân chúng nổi lọan chống lại ông ta và đánh bại quân Tần. Nhờ đó đức vua đã lật đổ vị hoàng đế hung bạo từng làm khổ dân sinh. Vậy nên bệ hạ cần siêng năng và tiết kiệm. Bệ hạ vừa nhập cung đã muốn vui chơi hưởng lạc, lời khuyên tốt nghe không êm tai nhưng có ích cho người nghe, giống như thuốc tốt có vị đắng nhưng hiệu quả cho người bệnh, thần hi vọng bệ hạ làm theo những gì Phàn Khóai đã nói.”

Lưu Bang thức tỉnh và nhận ra sai lầm. Ông nhanh chóng ra lệnh đóng cửa cung điện, nhập quân đội và trở về doanh trại của mình.

Sức mạnh của Thiện

Miền Bắc Ấn Độ có một một thôn làng tên là Cách Y Mã. Nơi này đất đai cằn cỗi, cuộc sống mọi người khốn khổ, ngay cả việc làm sao để được ăn no cũng là một vấn đề. Người dân trong thôn cũng muốn thay đổi hiện trạng này, khổ nỗi tìm không được kế sinh nhai nào cả.


Cách thôn Cách Y Mã không xa là một con đường quốc lộ thô sơ, giao thông qua lại khá khó khăn, xe cộ đi qua thường hay phát sinh sự cố. Có một lần, một chiếc xe hàng vận chuyển thức ăn gặp phải mương sâu lật nhào, các chum vại đồ ăn rơi vãi tứ tung. Lái xe bị thương, đi nhờ một chiếc xe thuận đường tới bệnh viện, hàng hóa không ai trông giữ. Người dân thôn Cách Y Mã thấy thế, bèn trộm lấy những chum vại đồ ăn đó về nhà, liên tiếp mấy ngày, nhà nào cũng có thức ăn. Chuyện này đã khơi dậy trong đầu người dân thôn Cách Y Mã một cách kiếm ăn. Tục ngữ nói: “Ở gần núi thì nhờ núi mà có cái ăn, ở gần nước thì nhờ nước mà có cái ăn”, dân thôn hoàn toàn có thể kiếm lợi từ con đường gần nhà họ. Thế là, bọn họ thường xuyên loanh quanh ở gần đoạn đường ấy, hy vọng lại gặp những chuyến xe vận tải đồ ăn. Nơi nào xảy ra chuyện, họ sẽ thừa cơ thu hoạch.

Nhưng tai nạn thì không thể thường xuyên phát sinh. Mắt nhìn mấy chiếc xe vận chuyển đồ ăn tới rồi lại đi mà hoàn toàn không thu lượm được gì, họ rất không cam lòng. Vì thế, họ bèn theo chủ ý của một người, đêm đến, thừa lúc con đường không có ai, bọn họ dùng công cụ đào khoét mặt đường tạo ra nhiều hầm hố. Cứ như thế, xe cộ qua đây thường xảy ra tai nạn hơn. Dù cho không bị sự cố đi nữa, thì cũng bởi tình hình giao thông quá kém, tất cả xe đều đi rất chậm, dân thôn đi theo sau xe, thừa dịp lái xe không chú ý liền ăn trộm hàng hóa của họ.

Ban đầu, dân thôn chỉ trộm đi một ít đồ ăn, về sau, những thứ hàng hóa khác họ cũng trộm, mang đến chợ bán lấy tiền. Cuối cùng, bọn họ không còn ăn trộm lén lút nữa, mà trắng trợn cướp luôn. Trong khoảng thời gian đó, con đường thô sơ bên cạnh thôn Cách Y Mã trở thành đoạn đường hết sức không an toàn. Cục cảnh sát mỗi tháng đều nhận được báo cáo về mấy vụ xe chở hàng hóa bị cướp bóc, bèn điều động lực lượng để phá án. Cảnh sát bắt quả tang tại hiện trường hai người dân thôn Cách Y Mã đang cướp hàng hóa và nhốt vào tù.

Nhưng làm như thế cũng không răn đe được những người dân thôn khác, ngược lại còn khiến họ càng thêm bí mật và lanh lợi trong lúc làm việc xấu. Họ bắt đầu phạm tội một cách có tổ chức, có người chuyên phụ trách canh chừng báo động, còn hàng hóa cướp được thì đem về nhà cất giấu, hoặc là thay đổi bao bì hàng hóa để cảnh sát đến tìm kiếm lục soát không ra vật chứng. Chính quyền địa phương cũng suy nghĩ rất nhiều biện pháp, muốn người dân thôn Cách Y Mã bỏ thói trộm cướp hàng hóa vô đạo đức và phi pháp ấy, hướng dẫn cho họ đi theo chính đạo. Tiếc rằng, dân thôn Cách Y Mã dấn thân vào con đường trộm cướp thường thu được lợi lộc, nên đã quen với phương thức kiếm ăn không nhọc sức mà thu hoạch này rồi. Vậy là nạn trộm cướp hàng hóa xung quanh khu vực thôn Cách Y Mã liên tục phát sinh.

Mùa đông năm đó, bởi đoạn đường qua thôn Cách Y Mã thường xuyên bị mất hàng hóa, cho nên rất nhiều lái xe lựa chọn đi đường vòng tránh đoạn đường qua thôn. Như thế, suốt mấy ngày người dân thôn không thu hoạch được gì. Một hôm rốt cục có một chiếc xe hàng đi qua nơi đó, trên xe chở toàn những bao đựng tinh bột a-xít-phốt-pho-ríc. Dân thôn Cách Y Mã đều không có văn hóa, trong mắt họ tinh bột chính là lương thực, có thể chế tác các thứ đồ ăn ngon. Lập tức, mọi người ùa ra, cướp đi 20 bao đựng tinh bột a-xít-phốt-pho-ríc.

Anh lái xe trẻ tuổi thấy có người cướp hàng hóa của mình, liền dừng lại, đi theo dấu những kẻ cướp tìm đến thôn Cách Y Mã. Ngược lại, những dân thôn khác nhân cơ hội đó, thoải mái tự do tới chỗ chiếc xe lấy hết những bao tinh bột ấy, bỏ lại chiếc xe rỗng không. Chàng trai tìm tới thôn, thỉnh cầu dân thôn trả hàng hóa lại cho mình. Dân thôn làm sao dễ dàng giao trả đồ ăn cướp được, đều không thừa nhận đã lấy hàng của anh. Chàng trai trăm lần khẩn cầu đều không được, anh bèn nói cho dân thôn biết rằng tinh bột này không phải là thứ tinh bột làm thức ăn thông thường, mà là tinh bột cho công nghiệp. Nó có độc, ăn vào sẽ chết người, dân thôn có lấy cũng vô dụng thôi. Chàng trai nói lời chân thật, nhưng dân thôn đều không tin, bởi loại bột a-xít-phốt-pho-ríc này từ màu sắc hay là sờ vào thì đều giống hệt loại tinh bột bình thường làm thức ăn hàng ngày của họ.

Chàng trai trẻ thấy dân thôn không tin, sợ lắm mà không biết phải làm sao. Anh vốn muốn đi báo cảnh sát, nhưng lại lo rằng một khi anh rời đi, thật sự sẽ có người nhân lúc ấy lấy bột này chế thành đồ ăn, khi đó sẽ có án mạng. Tuy rằng có chết người cũng không phải là trách nhiệm của anh, nhưng anh không thể trơ mắt mà nhìn những người này phải chịu chết! Anh bèn đến tận nhà những người dân thôn, nói rõ tình hình, thậm chí còn quỳ xuống trước mặt họ thỉnh cầu: “Số tinh bột ấy các vị không giao trả cho tôi cũng không sao cả, nhiều lắm tôi cũng chỉ bị tổn thất chút ít, nhưng tôi van xin các vị, ngàn vạn lần không được ăn thứ tinh bột này, như vậy sẽ gây chết người”.

Chàng trai cố gắng như thế, khiến dân thôn từ chỗ không tin đến chỗ nửa tin nửa ngờ, có người đem thứ tinh bột ấy cho gà ăn thử, để kiểm nghiệm xem chàng trai nói thật hay không. Kết quả, con gà ăn tinh bột này chỉ trong chốc lát lăn ra chết. Lập tức dân thôn kinh hãi, rồi chuyển sang vô cùng cảm động. Họ cướp hàng hóa của chàng trai kia, anh lẽ ra phải oán hận bọn họ, để cho bọn họ ăn thứ tinh bột đó mà trúng độc chết, thế cũng là xứng đáng. Nhưng chàng trai vì để cứu mạng họ, không ngại quỳ xuống thỉnh cầu họ đừng ăn. Lòng nhân từ thiện lương như thế, tấm lòng tốt đẹp nhường ấy khiến họ xấu hổ vô cùng, cảm động mãi không thôi.

Dân thôn tự nguyện mang trả lại xe những bao tinh bột mà họ đã lấy. Từ đó trở đi, người dân thôn Cách Y Mã không còn trộm cướp hàng hóa của xe cộ qua lại nữa. Nếu có người chủ ý làm vậy, lập tức có người đứng ra nói chuyện: “Ngẫm lại người hảo tâm kia mà xem, chúng ta làm hại anh ta, anh ta lại cứu mạng toàn bộ dân thôn. Nghĩ đến anh ấy, chúng ta còn mặt mũi nào tiếp tục thứ thủ đoạn hại người này nữa đây? Chẳng lẽ chúng ta thực sự là ma quỷ hay sao?”.

Vùng xung quanh con đường quốc lộ qua thôn Cách Y Mã đã thanh bình. Dưới sự cai quản của cảnh sát, sự hướng dẫn của chính quyền đều chưa từng có hiệu quả. Thế rồi, một người lái xe trẻ tuổi lương thiện lại thay đổi được tất cả. Thói quen của người ta là có thể thay đổi được, thiện niệm của con người là có thể thức tỉnh được, chỉ là xem thử làm cách nào chúng ta mới có thể thức tỉnh được họ mà thôi. Bất luận là ai đi nữa, trong lòng kỳ thực đều có một mầm thiện tâm, chỉ lòng nhân từ mới có thể khơi dậy nó thôi. Muốn người ta lương thiện, đầu tiên cần phải có lòng thương, đối với người ác, ta dùng lòng thương, thì đều có thể thức tỉnh được thiện tâm của họ, khiến họ trừ bỏ được ác niệm. Chúng ta tin tưởng rằng, chỉ cần mọi người đều có một chút tâm lương thiện, đều có một chút lòng thương, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn lên!

Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Chuyện cậu bé mù xây cầu

Vào triều Bắc Tống, ở một làng nọ có một cậu bé tàn tật chừng mười tuổi, gẫy chân, sống một cuộc sống ăn xin nghèo khổ. Trước làng là một con suối lớn. Vì không có cầu, nên dân làng muốn qua suối là phải lội, rất bất tiện, nhất là đối với những người già vào mùa nước lũ. Nhiều năm đã qua đi như vậy, cho đến một hôm người ta thấy cậu bé ăn xin què quặt gom những tảng đá lớn về bên suối. “Cháu muốn xây cầu để mọi người đi lại thuận tiện”, cậu giải thích. Người làng cho đó là chuyện khôi hài của một cậu bé khùng nên không để ý đến.



Nhưng đống đá dần dần lớn lên qua tháng năm trở thành một cái gò, và dân làng bắt đầu hiểu ra. Nhiều người cũng góp thêm sức vào, chẳng mấy chốc đã đủ đá xây cầu. Rồi người ta thuê thợ xây dựng đến làm. Trong quá trình cùng làm, cậu bé bị mảnh đá bắn vào mắt và mù cả hai mắt. Người dân lấy làm thương cảm lắm. Nhưng cậu bé, mặc dù dã què lại thêm mù, vẫn không một lời ca thán và cố gắng trong khả năng của mình cùng góp sức xây cầu với dân làng.

Cuối cùng, sau những tháng ngày nhọc nhằn vất vả, cây cầu đã được xây xong. Dẫu không nhìn thấy gì, nhưng trên khuôn mặt của cậu hiện một nụ cười rạng rỡ.

Đột nhiên một tiếng sấm nổ vang dù trời quang mây tạnh. Và người ta thấy rằng cậu bé ăn mày đáng thương đã bị sét đánh chết ngay trên chiếc cầu mới xây.

Bấy giờ đúng lúc Bao Công đi thị sát qua làng. Dân làng kéo ra kêu oan với Bao Công, rằng tại sao trời xanh lại hại người tốt. Trước câu chuyện quá thương tâm, và cảm thấy quá bất công, Bao Thanh Thiên chẳng cầm nổi lòng mình, bèn viết “thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện”.

Trở về Kinh thành sau chuyến công du, Bao Công cảm thấy trong lòng không thoải mái, nhất là về những gì ông đã viết trong lúc không dằn được lòng mình. Trong bản tấu trình, ông đã không tâu lên Hoàng thượng về sự kiện hy hữu đó.

Hoàng thượng hôm ấy mời Bao Công đến chơi và dẫn Bao Công đến gặp hoàng tử mới ra đời trong lúc Bao Công đi thị sát ngoại tỉnh. Hoàng tử trông khôi ngô nhưng mắc tật khóc suốt ngày. Hoàng thượng cũng muốn hỏi Bao Công xem có cách nào cho hoàng tử hết khóc. Bao Công thấy hoàng tử da dẻ trắng trẻo mịn màng, và trong lòng bàn tay dường như có một hàng chữ. Ghé mắt vào nhìn kỹ thì chính là “thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện”! Quá bất ngờ và xấu hổ, Bao Công lấy tay để xoá, và kỳ lạ thay, ông vừa vuốt qua thì dòng chữ biến mất. Hoàng tử nín khóc tức thì.

Hoàng thượng rất đỗi ngạc nhiên, hỏi tại sao lại như thế. Bao Công sợ hãi quỳ xuống kể lại hết đầu đuôi câu chuyện, và xin Hoàng thượng xá tội vì đã không báo cáo về chuyện này trong bản tâu trình. Hoàng thượng bèn ra lệnh Bao Công phải điều tra cho rõ vụ việc.

Đêm ấy Bao Công ngả đầu lên chiếc gối “âm dương địa phủ” và lập tức trong mộng đi đến cõi âm gian. Diêm Vương kể cho ông rằng hoàng tử đó vào mấy đời trước từng làm việc đại gian ác, nên Thần đã an bài phải trả nghiệp ác ấy trong ba đời: đời thứ nhất què cụt, đời thứ hai mù loà, và đời thứ ba bị sét đánh chết. Nhưng khi què quặt xin ăn, cậu bé đã luôn vì người làm việt tốt, nên Thần đã rút lại thời gian trả nghiệp và khiến cậu bé ăn xin bị mù. Sau khi mù, cậu bé đã không những không oán thán ai hết mà vẫn luôn vì người làm điều Thiện. Vì lý do ấy mà Thần đã an bài lại một lần nữa để cậu bé trả hết nghiệp trong một đời. Diêm Vương nói với Bao Công: “Một đời trả hết nghiệp thay cho ba đời, lại còn được chuyển sinh làm đương kim Thái tử, hưởng thụ phúc phận của Thiên tử.”

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Gặp việc thiện hãy làm ngay, chớ chần chừ

Cổ ngữ nói: “Tố thiện sự, quý tại kiên trì bất giải. Thủ tiểu sở dĩ tựu đại, tích nhất sở dĩ thành ức. Cửu tằng cao đích lâu đài, tối sơ dã thị khai thủy tòng luy thổ tiệm tiệm luy cao đích; thiên lý chi viễn đích hành trình, tối sơ dã thị khai thủy tòng cước hạ nhất bộ nhất bộ đích tẩu!” (Tạm dịch: Làm việc thiện, quý ở chỗ làm một cachkiên trì không mệt mỏi. Từ nhỏ thành lớn, tích luỹ từng chút dần trở nên nhiều. Lâu đài cao 9 tầng, ban đầu cũng từ tích lũy từng chút đất dần dần mà nên cao; hành trình nghìn dặm xa, lúc ban đầu cũng là từ đôi chân đi từng bước từng bước!). Biết là việc thiện, thì phải lập tức làm ngay; hơn nữa còn phải làm một cách nghiêm túc, nỗ lực và kiên trì bền bỉ.



Ví dụ Hàn Kỳ đời Bắc Tống (960-1127) là người có đức độ và danh vọng cao, đối xử với mọi người bằng lòng nhân ái và vị tha; mỗi khi gặp việc thiện nhất định nỗ lực làm; mỗi khi nghe tin người khác làm việc thiện thì nhất định khích lệ và tán thưởng; đâu đâu cũng ca tụng Hàn Kỳ và nói: “Hàn Kỳ không như người khác”. Có người hỏi ông vì sao lại làm như vậy, Hàn Kỳ nói: “Tâm con người hướng về điều thiện là trân quý nhất. Khen ngợi hành động thiện có thể làm cho những người làm việc thiện từ nay về sau càng thêm nỗ lực, khiến cho người nghe thấy chuyện này lòng cũng hướng thiện theo, làm cho người có lỗi cảm thấy xấu hổ mà bỏ ác theo thiện; vì lẽ đó biểu dương cái thiện là điều rất quan trọng”. Ông còn thường xuyên đọc thơ và truyền bá sách của bậc Thánh hiền. Hàn Kỳ nói: “Sách này có thể hướng dẫn con người trở thành những người chân chính và quân tử!”. Về sau Hàn Kỳ trở thành vị Tể tướng tài đức một đời và được phong là Ngụy Quốc Công, đạt được đầy đủ “ngũ phúc” (Ngũ Phúc là danh từ nguyên ở trong thiên “Hồng Phạm” của Kinh Thư, gồm có: trường thọ, phú quý, khang ninh, hiếu đức, thiện chung); con cháu của Hàn Kỳ nhiều đời làm quan tại triều đình, liên tục cho đến cuối triều đại Nam Tống (1227-1279). Người ta đều nói rằng đó chính là phúc báo có được nhờ tích đức.

Nhưng một số người rõ ràng nhìn thấy việc thiện ngay trước mặt mà cũng không làm, bỏ mất cơ hội. Ví dụ như thời kì cuối nhà Chu (770-221 TCN), Tề Hoàn Công có một lần đi qua đống hoang tàn đổ nát nhà họ Quách, bèn hỏi một cụ già ở gần đó và nói: “Gia tộc họ Quách sao lại suy bại và diệt vong thế?”. Cụ già trả lời: “Duyên cớ là bởi vì gia tộc họ Quách gặp việc thiện nhưng không làm!”.Tề Hoàn Công lập tức hỏi: “Sao gặp việc thiện mà không làm chứ?”. Cụ già nói: “Gia tộc họ Quách yêu thích việc thiện nhưng bản thân họ lại không làm việc thiện; chán ghét việc ác mà lại không thể ngăn chặn chính mình làm việc ác; cho nên gia tộc họ Quách mới suy bại và diệt vong!”.

Lại như Diêu Hảo Vấn thời nhà Minh khi làm quan huyện, làm việc cẩn thận, làm quan liêm khiết. Nhưng ông quá nhẹ dạ, thường dễ tin lời của người khác. Một lần vào lúc cuối xuân, trời mưa liên tục trong hơn 40 ngày, Diêu Hảo Vấn tự mình đến các thôn quê để xem xét và hỏi thăm về tình hình thiên tai. Ông thấy thôn Tây có mấy trăm mẫu ruộng bị ngập, những thôn khác thì lúa mạch không bị tổn hại, muốn trình báo tai họa của khu vực thôn Tây. Những lại dịch (chức vụ rất thấp, không có phẩm cấp thời phong kiến, chuyên phục dịch các quan cao hơn) đi theo ông lại nói: “Các thôn trong huyện đều bình an và ổn định, nơi thôn Tây đây tuy rằng bị ngập lụt, sau vài ngày nước sẽ rút đi, vẫn có thể trồng lại các cây lương thực khác. Nếu như trình báo riêng biệt lên cấp trên, sợ rằng sẽ bị truy xét công kích dây dưa phiền phức”. Diêu Hảo Vấn biết đám lại dịch xuất phát từ lợi riêng, nhưng sợ rằng gây ra phiền toái, thế là giấu diếm tình hình thiên tai, không báo cáo lên cấp trên. Khi thu thuế thì ruộng bị thiên tai với ruộng được mùa bị đánh thuế như nhau.

Diêu Hảo Vấn đã từng muốn xây trường học không mất tiền, tu sửa nhà cứu tế ở mọi nơi, trợ giúp người nghèo, nhưng đều bị bọn thư dịch ngăn trở. Mà ông đã quá 50 – độ tuổi “tri thiên mệnh”, nhưng vẫn chưa có con. Mẹ và vợ ông đều luôn bị bệnh, cả gia đình rất âu sầu. Một ngày, mẹ ông bị ốm suýt chết, sau khi được cứu tỉnh lại đã nói với Diêu Hảo Vấn: “Mẹ đã nhìn thấy quan lại nơi âm phủ, ông ta nói ‘Diêu Hảo Vấn làm người cẩn thận và trong sạch, vốn phải có con; nhưng mà mỗi khi gặp việc thiện, rõ ràng biết cần phải làm việc thiện, nhưng thường bị lời nói của người khác ngăn trở. Chẳng hạn như việc trình báo thiên tai này, chỗ bị thiên tai chẳng lẽ có thể giấu diếm không báo cáo sao? Nó che giấu tình hình thiên tai, đến nỗi dân gặp nạn bị bức bách phải bán con cái để nộp thuế lương thực; tội ác quá lớn, cho nên phải gặp báo ứng’. Viên quan âm phủ còn nói: ‘Kẻ ngu muội bởi vì không biết lí lẽ, còn có thể tạm thời khoan dung tha thứ; chỉ có kẻ biết rõ việc thiện mà không làm, cố tình không cầu tiến đức, đó là những người mà trời vô cùng chán ghét. Bảo con bà phải muốn được hạnh phúc, phải dũng cảm làm chuyện tốt, không sợ gian nan, không thể làm việc qua loa để hưởng an nhàn. Không thể trong lòng đã nghĩ là làm, lúc suy nghĩ lại thì lại không làm nữa. Làm việc thiện lâu dài tự nhiên sẽ được may mắn và hạnh phúc, khiến cho tội ác che giấu thiên tai có thể được miễn’ “. Diêu Hảo Vấn mặc dù nghe lời dạy bảo của mẹ nhưng mỗi khi bọn văn thư và lại dịch nói lời xằng bậy thì vẫn bị mê hoặc, cứ mãi như thế không thức tỉnh, cuối cùng bị bãi chức quan, cảnh nhà cũng suy sụp.

Đã nhận định là việc thiện thì nhất định phải toàn lực mà làm. Nếu có thể cải biến mà hướng thiện thì cũng có thể bù đắp tổn thất cho những sai phạm trước kia, giảm đi tội lỗi mà tăng thêm phúc báo. Nếu luôn luôn do dự không làm, không nghe những lời nói phải, tự mình không thể làm chủ được bản thân thì sẽ gây ra tội lỗi, có ân hận cũng muộn rồi.

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Có thiện niệm ắt có thiện báo

Một ngày, tôi nằm mơ. Một người đã làm một chuyện rất xấu hỏi tôi: “Anh nói tôi có tà ác không?” Trong giấc mơ, tôi không trả lời ngay vấn đề của anh ấy. Chỉ là có cảm giác, nếu tôi trả lời rằng anh ấy là tà ác, anh ta sẽ cam chịu mà tiếp tục sa ngã, tiếp tục đi làm ác. Nhưng tôi cũng không nghĩ rằng con người là không thể cải biến, trong Phật Pháp có giảng con người có Phật tính và Ma tính. Khi ma tính khởi tác dụng chủ đạo thì con người làm điều gì cũng đều là chuyện xấu, đều là tà ác; khi Phật tính khởi tác dụng chủ đạo, con người làm việc gì cũng đều là thiện, đều là chuyện tốt.
Nhiếp ảnh: Fotolia

Cho nên, con người muốn làm chủ chính mình, cần phải khống chế tốt Phật tính và Ma tính của bản thân. Dù là chuyện gì, dụng tâm khác nhau, kết quả sẽ khác nhau; then chốt chính là xem lựa chọn của mỗi người. Người trong giấc mơ sau khi nghe tôi giải thích, Ma tính dường như tiêu giảm đi nhiều, thái độ cũng không còn hung ác nữa.

Con người vì sao phải phân định ranh giới thiện và ác cho mỗi việc mình làm? Thật ra căn nguyên cũng vì trong truyền thống văn hóa của Trung Quốc, Phật gia có giảng Thiên lý: “Thiện ác có báo”, làm chuyện tốt có thiện báo, làm việc ác có ác báo. Khi làm việc xấu đến cực điểm, sẽ tiến vào cửa vô sinh nơi địa ngục, vĩnh viễn không thể chuyển sinh nữa, trong ác báo mà không ngừng hoàn trả những tội ác đã làm ra. Mà thông thường sau thiện báo hoặc ác báo, con người sẽ được chuyển sinh thành sinh mệnh khác nhau, tiến vào vòng Luân Hồi mới. Sinh mệnh sẽ không tiêu vong, người chết không giống như đèn tắt.

Chỉ là căn cứ theo con người làm việc thiện hay ác mà nghiệp lực được tích lại khác nhau, từ đó tạo nên kết cục đường đời khác nhau cho mỗi người. Trong lịch sử, có ghi lại nhiều câu chuyện người làm việc thiện tích đức đời sau được làm quan lớn hoặc phát tài lớn, cũng có điển cố bậc Đế Vương vì hủy Phật diệt giáo mà phải xuống địa ngục chịu hình phạt.

Tóm lại, con người làm việc gì cũng mang đến cho bản thân những kết quả khác nhau, hoặc là tốt, hoặc là xấu, tệ hơn thì tiến vào cửa vô sinh, then chốt nằm tại một niệm của con người.

Phật gia có nói: “Nhất niệm chi gian định thiện ác” (Cách nhau một niệm đã đủ phân định thiện và ác). Phật Pháp từ trước đến nay lấy từ bi làm gốc, chỉ cần một niệm thiện như tơ nhện cũng có thể thoát ly địa ngục, ác niệm ngập trời cũng phải chờ thời cơ chín muồi để cải quá hướng thiện. Năm đó em họ của Phật Thích Ca Mâu Ni bởi vì một thiện niệm không giẫm con nhện ở ven đường, mà được Phật Đà dùng pháp lực tạo lưới tơ nhện giúp thăng thiên; mà Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, phạm tội ác lớn nhiễu loạn tam giới, nên bị Phật Như Lai trấn áp dưới ngũ hành sơn 500 năm sau mới có cơ hội được cứu.

Muốn thoát khỏi ác báo, cần phải cố gắng ở thiện niệm, nếu sinh ác niệm thì thiện báo cũng bị tổn hại. Khi em họ của Phật Thích Ca Mâu Ni thấy những người khác cũng trèo lên tơ nhện của ông mà thăng thiên, liền nảy sinh ác niệm, đạp người khác xuống, kết quả bản thân và mọi người đều bị đày xuống địa ngục; Mà Ngộ Không sau khi gánh chịu ác báo, ăn năn hối cải, cuối cùng được chính quả.

Vì vậy, trong quá trình thiện và ác không nên quá mức so đo, then chốt là khi cần phải lựa chọn thì một niệm thiện và ác sẽ quyết định tương lai của sinh mệnh. Có người quá khứ làm việc ác lớn không cần phải luôn canh cánh trong lòng, chỉ cần có quyết tâm hối cải mạnh mẽ, nhất định sẽ có thiện báo. Để thiện niệm đong đầy chính mình, hay cùng ác niệm đi đến tương lai, mỗi người đều cần cho mình một lựa chọn lý trí.