Trang chu

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Dạy con bằng ba bát mì

Để dạy con đừng bao giờ mong chiếm tiện nghi của người khác, người bố đã ba lần dùng bát mì trứng để thử thách con.


Hãy ghi nhớ những gì bố dạy nhé.


Lần thứ 1.
Một buổi sáng, bố làm 2 bát mì trứng, một bát mặt trên có trứng, một bát mặt trên không có trứng, đặt ngay ngắn trên bàn, rồi hỏi cậu con trai muốn ăn bát nào?


“Bát có trứng”. Cậu chỉ vào bát và nói

“Nhường cho bố đi, Khổng Dung 7 tuổi đã biết nhường lê, con 10 tuổi rồi”.

“Khổng Dung là Khổng Dung, con là con, con không nhường!”


Bố hỏi dò :

“Không nhường thật à?”

“Không nhường! Cậu bé kiên quyết trả lời, rồi lập tức cắn lấy một nửa miếng trứng, biểu thị bát mì đã thuộc về mình”.

Người bố đối với động tác và tốc độ của cậu con hết sức kinh ngạc nhưng nhẫn nại hỏi lần cuối :

“Con không hối hận chứ?”

“Không hối hận”.

Và để biểu thị quyết tâm không gì lay chuyển, cậu ăn luôn miếng trứng còn lại.

Người bố lặng lẽ nhìn con ăn xong bát mì, ông quay sang bắt đầu ăn bát mì không trứng của mình, thì ra dưới đáy bát mì của người bố có hai cái trứng, cậu con cũng trông thấy rõ ràng.

Ông chỉ vào hai cái trứng trong bát mì, dạy cậu con rằng:


Ghi nhớ! Người muốn chiếm tiện nghi, sẽ không bao giờ chiếm được tiện nghi.

Cậu con cảm thấy xấu hổ.

Lần thứ 2. Buổi sáng Chủ Nhật, bố lại làm hai bát mì trứng, cũng là một bát trứng nằm bên trên và một bát bên trên không có trứng. Ông vô tư hỏi :

“Con ăn bát nào?”

“Con 10 tuổi rồi, con sẽ kính nhường cho bố. Vừa nói vừa lấy bát mì không trứng”.

“Không hối hận chứ?”

“Không ạ!”

Cậu kiên quyết trả lời rồi ăn rất nhanh, nhưng ăn gần hết cũng không thấy trứng đâu, còn người bố bắt đầu ăn bát mì của mình, điều không ngờ là bát mì của ông ngoài cái trứng nằm mặt trên còn có thêm một cái trứng nằm dưới đáy bát. Ông chỉ vào cái trứng nói :


Ghi nhớ! Người muốn chiếm tiện nghi có thể phải chịu thiệt thòi lớn.

Lần thứ 3. Trải qua vài tháng, bố lại nấu hai bát mì và hỏi con :

“Ăn bát nào vậy con?”

“Khổng Dung nhường lê, con cái phải thể hiện sự hiếu kính với cha mẹ bằng hành động. Bố là bậc bề trên, bố chọn trước đi ạ”.

“Vậy bố không khách sáo nhé”.

Ông chọn lấy bát mì có trứng, cậu con lần này thần thái bình tĩnh không vội như hai lần trước, lấy bát mì không trứng mà ăn. Cậu ăn một lúc thì bất chợt phát hiện trong bát mì của mình cũng có trứng. Người bố ý vị thâm trầm nói với con:


Ghi nhớ! Người không muốn chiếm tiện nghi, cuộc sống sẽ không để cho họ chịu thiệt thòi.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Cuộc thi bơi của người thầy Do Thái

Ngày xưa, tại một trường Do Thái, thầy giáo đưa các học trò của mình tới một vịnh nhỏ để thi bơi trong một ngày trời lặng gió. Thầy bảo các nam sinh khỏe mạnh và giỏi bơi lội hãy thi bơi ra biển xem ai có thể bơi xa nhất. Một số nam sinh liền lao mình vào dòng nước và bắt đầu bơi, còn một số không nhỏ bối rối đứng lại trên bờ mà không tham gia thử thách của thầy.



Thầy giáo Do Thái bơi một chiếc thuyền lớn theo sau những nam sinh dũng cảm đang bơi trong dòng nước biển xanh ngắt. Bơi chưa đầy nửa dặm, những chàng trai vốn bơi rất giỏi lại dần bỏ cuộc mà trèo lên thuyền của thầy. Tất cả đều cảm thấy kiệt sức và không thể bơi tiếp. Người thầy chỉ cười và tiếp tục chèo thuyền ra xa bờ hơn.

Khi cách bờ khoảng một dặm thì thầy đột ngột dừng thuyền và ra lệnh cho tất cả các học sinh của mình nhảy ra khỏi thuyền và bơi vào bờ ngay vì thuyền sắp chìm. Thấy con thuyền nặng nề chở cả nhóm người đông đúc như muốn chìm thật, các học trò liền nhảy ngay xuống biển và cố hết sức bơi vào bờ mà không ngoái đầu trở lại…

Người thầy chậm rãi chèo con thuyền nhẹ từ từ theo sau nhưng luôn giữ một khoảng đủ để vừa quan sát và hỗ trợ khi cần, nhưng vừa không để học trò biết con thuyền vẫn nổi sau lưng họ.

Một lát sau, tất cả các học trò đều bơi vào đến bờ bình an vô sự, người thầy mới lên bờ gặp học trò của mình và hỏi từng nhóm học trò. Nhìn những học trò không dám bơi, thầy rằng tại sao các em không tham gia? Các học trò đó trả lời vì họ thấy biển mênh mông, không biết bơi đi đâu nên họ cảm thấy bối rối, sợ hãi mà bỏ cuộc ngay từ đầu.

Thầy hỏi những học sinh đã dũng cảm bơi ra biển rằng tại sạo các em sớm dừng lại khi bơi ra biển vì thấy kiệt sức, nhưng khi bơi vào bờ thì các em lại bơi được quãng đường còn dài hơn gấp hai lần quãng đường đã bơi ra, khi sức lực cũng đã mỏi mệt?

Các học trò đều nói rằng khi bơi từ bờ ra biển, tâm lý hoang mang khi bơi ra biển khơi mênh mông đã làm họ lo sợ, trong khi chiếc thuyền của thầy ở phía sau như một cái phao cứu sinh mời gọi. Chính vì thế, họ nhanh cảm thấy kiệt sức nên bỏ cuộc.

Họ bỏ cuộc vì sợ hãi nhiều hơn là vì kiệt sức. Lúc đó, con thuyền của thầy là lựa chọn an toàn hơn rất nhiều so với việc bơi tiếp mà không biết sẽ đến đâu. Nhưng khi bơi vào bờ, dù xa hơn và sức đã mệt, nhưng họ vẫn có thể về đến nơi là vì bờ biển thân thuộc phía trước mặt là đích đến an toàn, nhìn thấy bờ biển trước mắt, họ càng bơi càng hăng hái, và về đích rất nhanh.

Nghe xong các câu trả lời của học trò, người thầy Do Thái mới nói: Như các em vừa trải qua, bờ biển là mục tiêu rõ ràng. Khi có mục tiêu rõ ràng để vươn tới, tất cả các em đã bơi được một quãng xa một cách dễ dàng. Mục tiêu rõ ràng trong tầm mắt đã truyền cho các em sức mạnh, sự bền chí và niềm tin để chinh phục mọi khó khăn. Hơn nữa, khi các em bơi vào bờ với suy nghĩ rằng con thuyền của thầy đang chìm, các em không còn có thể dựa vào con thuyền nữa ngoài chính sức lực còn lại của các em, nên các em đã dốc sức bơi vào cho bằng được.

Có mục tiêu rõ ràng, và không còn đường lùi hay bất cứ sự hỗ trợ nào khác, các em đã dựa vào chính mình và đã về đích ngoạn mục. Còn khi các em bơi từ trong bờ ra biển khơi vô tận, các em không thấy được mục tiêu phía trước mặt, nên các em nhanh chóng rơi vào cảm giác hoang mang, rồi dần trở nên tuyệt vọng…

Không có mục tiêu rõ ràng để vươn tới, các em đều dễ dàng bỏ cuộc. Chắc chắn lúc ấy các em cùng cho rằng mình đã cố hết sức rồi và chỉ được đến thế thôi. Hôm nay biển lặng, chúng ta lại ở trong vịnh nên không có con sóng nào lớn cản trở các em khi bơi ra biển, và cũng chẳng có con sóng xuôi chiều nào giúp các em bơi nhanh hơn vào bờ, nhưng các em đều tự mình vượt được quãng đường xa hơn nhiều quãng đường mà ngay trước đó không lâu các em đã cho rằng mình đã bơi hết khả năng.

Mục tiêu rõ ràng chính là sự khác biệt. Nó giúp chúng ta chiến thắng mọi nỗi sợ hãi và vượt qua được chính mình để chinh phục khó khăn một cách phi thường. Có mục tiêu rõ ràng để phấn đấu, mọi khó khăn trở thành chuyện nhỏ. Khi làm việc không có mục tiêu, mọi việc dù nhỏ cũng trở thành khó khăn không thể vượt qua.


Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Tình cảm gia đình: “Áo bẩn nội mua con vẫn mặc”

Tình cảm gia đình vốn là điều vô giá không thể đong đo bằng giá trị vật chất bên ngoài. Rất nhiều giá trị vô hình nuôi lớn tâm hồn và trái tim của trẻ thơ, trong đó có tình cảm của bà.


Lòng cha mẹ bao la bát ngát, đi hết cuộc đời vẫn còn thương con, thương cháu. (Anh minh họa)

Nhà có bốn người, bà nội 70 tuổi, cha mẹ cùng đứa cháu trai 6 tuổi tên Tường. Bà nội bình thường mở quầy bán trứng gà ở ven đường, mỗi quả trứng bà mua 2 nghìn đồng nhưng chỉ bán 2 nghìn rưỡi; cha mẹ là đều là công nhân viên chức, đứa cháu mới vừa vào lớp 1.


Một ngày nọ, sau giờ tan học, bà nghe thấy tiếng cháu trai vừa về nhà liền từ nhà bếp chạy lên, miệng cuống quýt nói: “Cháu ơi, lại đây! Bà mua cho cháu cái này hay lắm này!”. Rồi bà nội mỉm cười lấy ra một bộ quần áo mới, “Cháu xem nè, bà mua cho cháu bộ quần áo mới, Thứ Bảy là sinh nhật cháu, cháu bà diện lên là bảnh trai luôn!”, đứa trẻ vui mừng mặc thử, thích thú không chịu cởi ra nữa.

Buổi tối cha mẹ bé Tường về đến nhà, người mẹ vừa thấy cậu bé đang mặc bộ đồ bà mua, sắc mặt liền thay đổi vì bộ đồ bà mua cho cháu là loại quần áo kém chất lượng, không chỉ thô ráp mà còn sút chỉ, lại có mùi hăng vào mũi. Mẹ bé Tường lẳng lặng không nói gì. Sau bữa cơm tối, khi tắm rửa cho con, mẹ Tường mới nói với con trai: “Tường à, con cởi bộ đồ này ra đi, nhà mình có nhiều quần áo lắm, bộ đồ này cất đi nhé!”. Người bà nghe thấy im lặng không nói gì.

Nửa đêm khi cả nhà đều ngủ rồi, bà nội lặng lẽ quờ quạng, nhờ vào ánh đèn mờ bên ngoài, nhẹ nhàng mở cửa bước ra, tháo bao rác ngoài cửa tìm kiếm, một hồi sau tìm được bộ quần áo bà mua cho cháu trai mặc lúc ban ngày, nguyên bị con dâu vì ghét bỏ chất lượng mà lén quăng vào sọt rác. Người bà lau lau nước mắt, run run cầm bộ quần áo rón ra rón rén vào lại phòng …Ngờ đâu, cảnh tượng này đã bị đứa con trai nửa đêm chợt tỉnh giấc vô tình nhìn thấy, cha của bé Tường mắt cũng ngân ngấn nước.

Hôm sau là Thứ Bảy, mẹ bé Tường có việc ra ngoài, bà nội cũng ra bày hàng bán ở vỉa hè, người cha đánh thức Tường dậy, rồi nói: “Con trai, hôm nay chúng ta cùng nhau khám phá thực tế trên phố nhé”, con trai gật đầu đồng ý. “Bữa nay mình cùng xem bà nội bán trứng thế nào nha con!”, cậu con trai lại gật đầu. Hai cha con lén đi theo bà đến chỗ bán hàng, lặng lẽ trốn vào cửa hàng trà sữa bên cạnh, quan sát bà qua cửa kính.

Đại khái vì người bà chỉ là bày bán bên vỉa hè, không có hàng quán đàng hoàng như người khác, thế nên người mua không nhiều, chủ yếu là người quen, hàng xóm đến mua giúp. Một buổi sáng, bà bán được khoảng 30 quả trứng gà, gần giữa trưa thì người mua thưa thớt. Người bà thu dọn đồ đạc, bà không về nhà liền mà khác với hàng ngày, bà lại chạy đến một cửa hàng quần áo trẻ em, hai cha con cũng lén đi theo quan sát.

Người bà bước vào cửa hàng, móc ra từ trong túi nhựa bộ quần áo bà đã mua cho cháu trai một ngày trước đó, nói với bà chủ là muốn trả lại, bà chủ xem qua rồi bảo:

“Không trả được, bẩn hết cả rồi, hơn nữa nhãn mác cũng bị giật mất!”,

“Tôi giặt sạch rồi có thể trả lại không?”

“Cũng không được!”

Người bà mũi cay cay, nước mắt lăn dài trên má, “Cô ơi làm ơn thương dùm, bộ đồ này tôi phải vất vả bán trứng gà 2 ngày mới mua được; tôi mua được quý nó biết bao nhiêu, hy vọng mẹ của nó có thể vừa ý…”.

Người bà khóc nghẹn ngào, không nói được thêm nữa.

“Nếu như cháu đồng ý cho bà trả lại thì cháu bị lỗ mất. Bác gái, đừng thấy cháu mở tiệm, vất vả lắm mới kiếm được tiền”.

Lát sau, người bà biết không thể trả lại được, bất lực ngồi dưới đất khóc lớn, mái tóc hoa râm cùng thân hình gầy yếu run run làm dễ làm người khác chú ý, khiến nhiều người qua đường dừng lại quan sát.

“Bác gái, bác đi đi, người khác nhìn thấy lại tưởng cháu bắt nạt bác”, bà chủ tiệm muốn đuổi người bà đi.

“Con trai, hãy đến mặc bộ đồ đó lên nhé…”, đứa bé 6 tuổi ngầm hiểu mọi việc, hai cha con đến trước mặt người bà, bé Tường không nói lời nào, liền cởi bộ quần áo đang mặc trên người, rồi mặc bộ quần áo bẩn trên tay của bà.

“Nội ơi, bà đừng trả bộ đồ này, cháu thích lắm!”.

Người cha đỡ người bà đứng dậy, bà cũng bê quầy trứng gà của mình lên.

“Mẹ! Sau này không cần bán trứng gà nữa, trứng gà của mẹ cả cuộc đời này con mua cả rồi!”

Bà nội vịn vai con tập tễnh bước đi, cháu trai bên cạnh, con trai bên phải, ba người trở về nhà.

***

Gia đình hạnh phúc không bởi vì quần áo hàng hiệu, hay là có được bao nhiêu tiền, mà chính là những thành viên trong gia đình có thể cảm thông và tha thứ cho nhau, đó là hạnh phúc.

Vì chuyện quần áo nhỏ bé mà khinh thường tấm lòng của một người già yếu, của người bà kính yêu, sao có thể nuôi dạy một đứa con hiếu thảo, sao có thể trở thành tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Lòng cha mẹ bao la bát ngát, đi hết cuộc đời vẫn còn thương con, thương cháu. Hãy yêu thương cha mẹ của mình bạn nhé!

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

“Sự nổi loạn của tư duy”: 5 lý do đừng cố học quá giỏi kiểu Việt Nam

Trong bài viết đang gây sự chú ý của những người quan tâm tới giáo dục, bạn Hoàng Huy viết: “Bố mẹ Việt đang nhầm lẫn tai hại giữa: học Tốt và học Giỏi, nhiều phụ huynh cứ có niềm tin mù quáng là con cứ học giỏi là chắc chắn là có vé đi ga “Tương Lai Hạnh Phúc”. Dưới đây là nội dung bài viết:


Ăn thì phải no, học thì phải giỏi, yêu là phải cưới, cưới là phải sinh con, sinh con thì con cũng phải học giỏi, học giỏi là phải trường chuyên, trường chuyên nhưng còn phải lớp xịn, lớp xịn là phải đỗ đại học, đại học là phải top đầu, top đầu là phải……không thất nghiệp, và không thất nghiệp…..rất có thể phải “chạy”. Hết thảy đều là điều mà những người Giỏi thực sự không bao giờ làm.

Bạn thấy đấy, rất nhiều nghịch lý luẩn quẩn hiện có trong xã hội của chúng ta đều ít nhiều liên quan đến một từ: GIỎI. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn nghĩ chúng ta chẳng nên cố bằng mọi giá để học quá giỏi? Dưới đây là 5 lý do mà bạn có thể sẽ cực kỳ “phản đối” !

1. Để học giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải “học đều”, một khái niệm đặc sản nhưng không hề thơm ngon của nền giáo dục Việt Nam, tức là phải học giỏi tất cả các môn, đầu tư thời gian dàn trải để giỏi tất cả các môn đồng nghĩa là rất khó cho bạn để có chặng nghỉ nghĩ về những gì mình yêu thích nhất và có tiềm năng phát triển nhất.

2. Để học giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải tốn quá nhiều thời gian cho việc học, học trên lớp, học ở nhà, học thêm, học phụ đạo……trong khi một ngày mãi mãi cũng chỉ có 24 giờ do đó, thời gian dành cho những thói quen lành mạnh như chơi thể thao, thư giãn rèn luyện thân thể không có nhiều và càng học lên cao càng bị cắt ngắn, dẫn đến nguy cơ lâu dài: sức khoẻ yếu. Mà sức khoẻ yếu, thì học giỏi cũng vô nghĩa!

Rất nhiều học sinh giỏi cái gì cũng giỏi nhưng chẳng thật sự giỏi cái gì. Rất nhiều học sinh khi được hỏi: “Em thích làm gì nhất?”, các em trả lời: “Em không biết.” Một hành trang quá cồng kềnh và bị nhồi nhét chỉ làm cho cuộc hành trình của bạn thêm mệt mỏi. Hãy biết chọn lọc!

3. Để hoc giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải hấp thụ rất nhiều kiến thức, nhưng khi bạn học xong lại không biết để làm gì? Không là kỹ sư, không theo nghiệp kỹ thuật, bạn sử dụng đạo hàm, sử dụng hàm số, sử dụng tích phân để làm gì…?

Mà muốn sử dụng, bây giờ có vô số phần mềm và ứng dụng làm thay con người những tính toán đó. Bạn có định tự kéo cày trong khi nhà có trâu và có máy? Người ta hay nhắc bạn tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, nhưng không ai nhắc bạn tiết kiệm tài nguyên não của chính bạn.

4. Để học giỏi ở Việt Nam, ít nhiều bạn bị mất một chút tự do, và buộc phải là bản sao tư duy của ai đó. Nói đến Tấm là phải ngoan hiền, nói đến Cám là phải gian ác, trong khi bạn đang nghĩ đến điều ngược lại, nhưng không được đâu, cô không thích điều này!

Bạn chưa hiểu, bạn cần học lại, học kỹ hơn, không được, lớp cần 90% học sinh giỏi, chỉ tiêu chỉ được 10% học sinh khá, và tuyệt nhiên không được ai ở lại lớp.

Bạn cần phải là một bông hoa đẹp trong vườn hoa toàn học sinh Giỏi của cả lớp, của trường, trong cánh rừng học sinh giỏi của Thành phố. Việc chấp nhận mất tự do tư duy từ nhỏ trong học đường làm cho bạn dễ chấp nhận hơn với việc mất tự do trong cuộc sống sau này.

5. Để học giỏi ở Việt Nam, cuộc sống của bạn rất dễ bị mẻ, bị nứt, bị lệch và rất có thể bị vỡ nữa. Bạn còn quá trẻ và non nớt, vì thế nên bạn cần đi học để trưởng thành lên theo năm tháng, nhưng bố mẹ và thầy cô luôn cần bạn phải là số 1, không được là số 2, nhất định phải là số 1, và họ thi nhau chất lên lưng bạn những áp lực nặng nề mà chính bạn cũng không thể biết được đâu là tới hạn.

Đến khi bạn kém giao tiếp, ứng xử lúng túng, không biểu đạt ngay cả những gì mình muốn nói, không tự tin giữa đám đông chỉ vì ngoài giờ học bạn không còn người bạn thân nào hơn Facebook, Zalo và máy tính và điện thoại, không có thời gian để quan sát cuộc sống tươi đẹp xung quanh. Coi chừng! Rất có thể, đấy là cách những tờ giấy khen Học sinh giỏi âm thầm đánh cắp tuổi thơ của bạn.

Bố mẹ Việt đang nhầm lẫn tai hại giữa: học Tốt và học Giỏi, nhiều phụ huynh cứ có niềm tin mù quáng là con cứ học giỏi là chắc chắn là có vé đi ga “Tương Lai Hạnh Phúc” thế là cứ cố nhồi con học cho đến khi họ nhận ra sự thật bẽ bàng:


Học giỏi mà không hạnh phúc thì còn bất hạnh hơn học dốt mà biết cái gì là tốt.

Vấn đề không nằm ở Bộ Giáo dục, mà nằm ngay trong chính tâm thức mỗi ông bố bà mẹ: có dám để cho con mình học dốt, học theo đúng năng lực của mình hay không, hay sợ dư luận chê cười? Sợ đến chết!

Bên cạnh quyền được Khổ, quyền được Dốt cũng là một trong những quyền của học sinh đang bị phụ huynh Việt xâm phạm thô bạo.

Nếu con bạn là cây Tùng xin đừng trồng trong chậu, chăng đủ thứ đồ trang trí lên và gọi nó là cây Thông Noel.

Thôi thì, thà dốt theo cách của mình còn hơn giỏi theo cách của cả lớp.

Ghi chú:
Đã gọi là sự “nổi loạn của tư duy” nên xin mời bạn phản đối thoải mái dưới comment nêu muốn.

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

8 điều tuyệt vời chỉ có ở người ít nói

Nếu như bạn nghĩ người ít nói rất tẻ nhạt và nhàm chán, thì có thể bạn đã lầm, một số điều dưới đây sẽ chứng minh cho bạn thấy sự tuyệt vời của người ít nói.

1. Người ít nói biết cách lắng nghe thật sự


Có những lúc bạn thấy mình cứ lạc lõng trong những cuộc trò chuyện với những người xung quanh khi họ cứ mơ màng chẳng thèm để tâm đến những lời bạn nói? Trong một thế giới mà ít ai dừng nói để lắng nghe, thật khó để tìm một người nào đó lắng nghe và đồng cảm trong yên lặng tất cả nỗi lòng của bạn. Ngoại trừ những người ít nói.

2. Người ít nói thích quan sát nhiều hơn, và họ sẽ không bỏ lỡ khoảnh khắc nào cả



Trong một thế giới luôn vận động, không dễ để tìm một người suy nghĩ sâu, biết quan sát. Những người ít nói, mặc dù không trò chuyện nhiều, họ có khả năng “nhìn” người, nhìn việc hơn. Cứ hỏi những người ít nói về cảm nhận của họ thì biết, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên vì những gì họ phản ánh. Điều này chứng tỏ, ít nói chính là quan sát và nhận xét nhiều hơn.

3. Người ít nói nghĩ trước, phát ngôn sau

Bạn đã có kinh nghiệm trong việc lôi kéo mọi người trong những cuộc thảo luận chưa? Người vốn ít nói nhất nhóm đột nhiên lên tiếng. Và chuyện gì xảy ra? Tất cả đều lắng nghe. Với những lúc im lặng, họ dành thời gian đó để suy nghĩ trước khi nói. Và vì vậy, họ không chỉ làm người khác ít khó chịu hơn mà còn có thời gian để làm cho những gì họ nói trở nên chuẩn xác. Bởi vì họ chọn lọc câu từ để khi nói ra ai cũng phải nghe theo.

4. Người ít nói có vẻ dễ gần hơn


Với sự ít nói, phong thái điềm đạm, những người như vậy thường được xem là những người ”bạn tâm tình” hoàn hảo. Họ là những người có đôi tai biết lắng nghe, được tôn trọng vì khả năng thấu cảm, sự bình tĩnh và sự nói năng cẩn thận.

5. Những lúc cô đơn họ sẽ làm việc có năng suất cao hơn

Nhiều người ít nói là những người sống nội tâm, họ thường bị tấn công bởi cảm giác cô đơn. Tránh khỏi những tác động mà những người bình thường phải gặp, những người ít nói có thể đạt được kết quả tốt từ sự tập trung từ sự ít nói, trầm lặng của bản thân. Vì vậy, không khó để thấy những nhân viên ít nói ngồi ở một góc yên tĩnh tập trung làm việc hàng giờ liền.

6. Người ít nói hiếm khi nặng lời với những người khác

Hiếm khi to tiếng hay hành động thái quá, người ít nói ít khi làm tổn thương người khác. Bạn sẽ khó thấy được cảnh một người bạn ít nói của mình ăn nói cuống cuồng, một nhân viên trầm tính ca vãn về sếp. Điều đó đơn giản là vì họ không “doạ nạt” những người xung quanh mà cố gắng để mọi chuyện nhẹ nhàng nhất có thể.

7. Sự yên lặng tạo nên sự bình tĩnh

Bạn đã từng thấy cách những nhân viên trầm tính, ít nói đối mặt với những dự án đầy căng thẳng chưa? Bạn sẽ thay đổi thái độ hoàn toàn vì phong thái điềm đạm mà họ mang đến cho bạn. Những người ít nói luôn hướng tới việc giữ bình tĩnh cho những người xung quanh.

8. Người ít nói: Cô đơn và biết sử dụng sự cô đơn

Trong cuộc sống hối hả, những người ít nói dễ bị quên lãng, nhưng những người được nhớ đến cũng không ít, họ là biên kịch, nghệ sĩ, nhạc sĩ và những người có suy nghĩ sáng tạo, tìm ra nguồn cảm hứng từ chính một thứ và duy nhất một thứ: Sự cô đơn.

“Sự buồn tẻ và cô đơn của một cuộc sống thinh lặng kích thích một tinh thần sáng tạo”, Albert Einstein

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Câu chuyện về sự thất bại của những thiên tài

Thất bại không có nghĩa là bạn không đạt được gì, mà nó có nghĩa là bạn vừa học được điều gì đó. Thất bại không có nghĩa là bạn đã bỏ phí đời mình, mà có nghĩa là bạn có lí do để bắt đầu một cuộc hành trình mới. Vì thế, đừng nản lòng và đừng sợ thất bại.

Đừng nản lòng, đừng sợ thất bại….

Năm 1889, Rudyard Kipling, nhà văn được giải Nobel Văn học năm 1907, từng nhận một lá thư từ chối của hội đồng chấm thi San Francisco: “Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông Lipling, nhưng quả thực ông không biết cách sử dụng tiếng Anh”.

Winston Churchill từng thi rớt kì thi vào lớp sáu. Ông trở thành thủ tướng nước Anh khi đã 62 tuổi, sau cả một đời chỉ gặp toàn thất bại. Sự đóng góp lớn nhất của ông là khi ông đã về hưu.

Albert Einstein đến năm 4 tuổi mới biết nói và phải đến năm 7 tuổi mới biết đọc. Thầy giáo đã từng nhận xét về ông như sau: “Chậm phát triển, khó gần, luôn có những ước mơ ngớ ngẩn”. Ông từng bị đuổi học và bị từ chối nhận vào trường Bách khoa Zurich.


Khi từ chối ban nhạc rock The Beatles của Anh, người quản lý của hãng thu âm Decca đã nói rằng: “Chúng tôi không thích thứ âm nhạc của họ. Mấy nhóm guitar như thế đã lỗi thời rồi!”

Năm 1954, Jimmy Denny, Giám đốc của hãng Grand Ole Opry, đã sa thải Elvis Presley chỉ sau một buổi biểu diễn. Ông nói với Presley rằng: “Anh chẳng thể đi đến đâu được. Anh nên quay về lái xe tải đi thì hơn”.

Trước khi phát minh ra bóng đèn tròn, Thomas Edison đã tiến hành hơn 2.000 cuộc thử nghiệm. Phóng viên trẻ hỏi cảm giác của ông sau khi thất bại quá nhiều lần như vậy. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ thấy mình thất bại, dù chỉ một lần. Tôi phát minh ra bóng đèn tròn. Quá trình phát minh này có đến 2.000 bước”.

Sau nhiều năm thính lực bị giảm, đến năm 46 tuổi, nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven hoàn toàn không thể nghe được. Bất chấp điều đó, ông vẫn viết được những tuyệt phẩm âm nhạc, gồm 5 bản nhạc giao hưởng, vào những năm cuối đời của mình.

Thất bại chính là cơ hội để bạn khởi đầu lần nữa một cách hoàn hảo hơn.
Thất bại không có nghĩa là bạn không đạt được gì, mà nó có nghĩa là bạn vừa học được điều gì đó. Thất bại không có nghĩa là bạn đã bỏ phí đời mình, mà có nghĩa là bạn có lí do để bắt đầu một cuộc hành trình mới.

Vì thế, đừng nản lòng và đừng sợ thất bại. Bạn nhé!

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Câu chuyện về 2 con lạc đà

Một câu chuyện ý nghĩa về môi trường phù hợp có thể khiến tiềm năng được phát huy, nhưng ngược lại nếu bạn được đặt trong một môi trường không thích hợp thì mọi tiềm năng đều bị “thui chột”…


Ảnh Lạc Đà. (Nguồn: Internet)

Lạc đà con hỏi mẹ:


“Tại sao lạc đà nhà mình lại có bướu hả mẹ?”

“À, chúng ta là động vật sa mạc nên cầm có bướu để giữ nước“, mẹ lạc đà trả lời.

“Vậy sao chân mình dài thế hả mẹ?“

“Đó là phương tiện tốt nhất đi trên sa mạc tốt hơn bất cứ loài nào khác đấy, con yêu“.

“Thế tại sao lông mi mình lại dài thế hả mẹ? Thỉnh thoảng chúng lại cọ cọ vào mắt con, rõ ngứa?”

“Con yêu, lông mi mình dài để bảo vệ mắt khỏi gió cát sa mạc đấy“.

“Ồ, con hiểu rồi, bướu để trữ nước, chân dài để đi, mi mắt dài để che chắn… Con hỏi thêm 1 câu nữa nha“.

“Hỏi đi con yêu..”, mẹ lạc đà ôn tồn nói

“Vậy tại sao chúng ta phải ở trong sở thú vậy mẹ????“

Tiềm năng
Chú lạc đà con đáng thương đã ở nhầm nơi để sống. Tuy có rất nhiều tiềm năng khác nhau, nhưng tất cả chúng đều trở vô dụng vì không có cơ hội để “bung” ra. Nếu cứ sống trong sở thú, các tiềm năng ấy sẽ ngày càng bị “bào mòn” cho đến khi “tiêu hủy”.

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Câu chuyện của hai thiên thần: Mọi thứ không như bạn nghĩ

Đôi khi cuộc sống không diễn ra như những gì bạn nhìn thấy, dù điều gì xảy ra bạn cũng nên tin rằng các thiên thần luôn ở bên bạn và che chở cho bạn.



Có hai thiên thần, một già một trẻ, đang đi ngao du và dừng lại nghỉ đêm tại một gia đình giàu có.

Gia đình giàu có nhưng khiếm nhã đã không cho những thiên thần nghỉ ở phòng khách. Thay vào đó, họ chỉ cho các thiên thần một chỗ trong tầng hầm lạnh lẽo.

Khi đang nằm ngủ, vị thiên thần già nhìn thấy một cái lỗ trên bức tường của tầng hầm, liền dậy sửa lại bức tường bằng cách bịt lại cái lỗ. Khi thiên thần trẻ hỏi tại sao làm vậy, thiên thần già đáp, “Mọi thứ không luôn giống như con nghĩ”.

Đêm hôm sau, hai thiên thần nghỉ chân tại một gia đình nông dân nghèo nhưng mến khách. Sau khi chia cho họ phần thức ăn ít ỏi của mình, vợ chồng chủ nhà nhường chiếc giường của mình để cho các thiên thần nghỉ trên đó. Sáng hôm sau, khi thức dậy, các thiên thần thấy vợ chồng người nông dân đang khóc. Con bò sữa, nguồn thu nhập duy nhất của họ, đã chết ngoài đồng.

Thiên thần trẻ tức giận hỏi thiên thần già, “Tại sao ông có thể để điều này xảy ra? Người chủ nhà đầu tiên có đủ mọi thứ thì ông lại giúp đỡ, trong khi gia đình này rất nghèo khó và sẵn sàng chia sẻ thì ông lại để cho con bò của họ chết”.

“Mọi thứ không luôn giống như con nghĩ”, thiên thần già trả lời. “Khi chúng ta ở trong tầng hầm của toà lâu đài, ta để ý thấy có một kho vàng được giấu trong cái lỗ trên tường. Tuy nhiên, vì người chủ nhà quá tham lam và ích kỷ, nên ta đã bịt kín cái lỗ lại để khiến ông không thể tìm ra kho báu.

Còn đêm qua, khi chúng ta ngủ trong nhà người nông dân, thần chết đã đến đây và định lấy đi mạng sống của người vợ. Ta đã xin thần chết lấy mạng sống của con bò thay cho mạng sống của bà ấy. Mọi thứ không luôn giống như con nghĩ”.

Đôi khi, mọi việc xảy ra không theo như ý bạn muốn, nhưng nếu bạn có niềm tin, hãy luôn tin rằng các thiên thần luôn bên bạn để sắp xếp mọi chuyện xảy ra có lợi cho bạn. Chỉ có điều, phải mất một thời gian sau bạn mới nhận ra được điều đó.