Trang chu

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Người khôn ngoan quá chưa hẳn là tốt

Trước kia, mỗi khi qua mặt được ai đó để đạt chút gì, bạn bè sẽ trầm trồ: “khôn quá ta, dùng chút mánh lới là có được thứ mình muốn“, nghe xong liền cảm thấy dương dương tự đắc. Nhưng khi trải qua nhiều chuyện trong cuộc sống, mới biết đó chỉ là khôn vặt, về lâu dài chỉ gây tổn hại cho bản thân. Làm người trong đời, chữ đức quan trọng lắm thay.


Việc quá khôn ngoan lắt léo trong cuộc sống này khiến bạn qua mặt người khác, chiếm lợi ích của người khác, về lâu dài điều này chỉ gây tổn hại cho bản thân.

Trước đây không lâu, một chương trình truyền hình của Đài Loan với tên gọi “Cuộc đời sang giàu”, khách mời là nhà điều hành của một công ty rất nổi tiếng. Khi chương trình gần kết thúc, người dẫn chương trình đưa ra câu hỏi cuối: “Anh cho rằng nhân tố then chốt làm nên thành công của công ty là gì?”


Trầm tư một lát, vị này cũng không trực tiếp trả lời mà bình tĩnh kể một câu chuyện:

“12 năm trước, một chàng trai vừa tốt nghiệp liền sang Pháp, bắt đầu cuộc sống vừa học vừa làm. Thời gian dần qua, anh phát hiện nhà ga địa phương hầu hết đều có lỗ hổng, không có chỗ kiểm vé, cũng không có người kiểm vé, thậm chí ngay cả camera kiểm tra cũng rất ít.

Dựa vào trí thông minh của mình, người thanh niên này tính toán được tỉ lệ trốn vé mà bị tra ra chỉ có 3/10.000. Anh rất đắc ý với phát hiện này của mình. Từ đó về sau, anh thường xuyên trốn vé. Anh còn biện hộ cho bản thân rằng, vì mình là học sinh nghèo mà, có thể tiết kiệm chút nào hay chút nấy.

4 năm qua đi, với tấm bằng đại học danh tiếng và thành tích xuất sắc, anh tự tin nộp đơn vào các công ty đa quốc gia, nhưng kết quả lại khiến anh hụt hẫng.

Những công ty này mới đầu đều rất nhiệt tình với anh, nhưng sau khi đọc qua vài thứ, liền nhẹ nhàng từ chối. Điều này thật sự khiến anh rất băn khoăn.

Cuối cùng, anh đã viết một email với ngôn từ cầu thị, gửi đến bộ phận nhân sự của một trong những công ty đó với mong muốn được biết lý do không được nhận vào làm. Một đêm nọ, anh nhận được email hồi đáp.

“Chào anh Trần, chúng tôi đánh giá cao tài năng của anh, nhưng khi chúng tôi đọc dữ liệu thông tin về anh, thì thực sự rất tiếc rằng trên hệ thống hồ sơ ghi lại anh đã 3 lần trốn vé xe. Chúng tôi cho rằng điều này đã chứng minh 2 điểm:

1. Anh không tôn trọng quy tắc: Sau khi phát hiện ra lỗ hổng, anh đã cố ý lạm dụng.

2. Anh không đáng tin. Công ty của chúng tôi rất nhiều việc phải dựa vào sự tín nhiệm, bởi nếu anh phụ trách phát triển thị trường nào đó, công ty sẽ giao cho anh nhiều quyền tự quyết. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi không thể thiết lập cơ cấu giám sát giống như hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy chúng tôi không thể thuê anh, thật tình mà nói, ở quốc gia này, thậm chí toàn bộ liên minh Châu Âu, có lẽ anh sẽ không thể tìm được công ty nào đồng ý tuyển dụng anh”.

Đến lúc này, chàng thanh niên mới tỉnh mộng, giá như biết trước anh đã không làm như vậy. Nhưng điều thực sự khiến anh chấn động là câu cuối cùng của nhà tuyển dụng, bởi câu nói ấy thể hiện một đạo lý rằng:


Đạo đức thường có thể bù đắp cho tài trí, nhưng tài trí vĩnh viễn không bù đắp được cho đạo đức.

Ngày hôm sau, anh lên đường về nước”.

Câu chuyện kể xong, hội trường yên lặng. Người dẫn chương trình băn khoăn hỏi: “Điều này có thể nói nên đạo lý thành công của anh?”.

“Có thể! Vì người trẻ tuổi trong câu chuyện này chính là tôi”.

Rồi anh dõng dạc nói: “Tôi có thể đi đến ngày hôm nay, chính bởi vì tôi đã biến ‘chướng ngại’ của ngày hôm qua thành ‘hòn đá kê chân’ cho ngày hôm nay”.

Có lẽ đây chính là bài học đáng giá về thành công của vị giám đốc ấy.

Nhà sử học lừng danh Tư Mã Quang từng nói:


“Đối với người tài, đức chính là vốn; còn người có đức, tài ắt tự sinh. Tài đức toàn vẹn là thánh nhân, tài đức cùng mất là người ngu ngốc, đức hơn tài là quân tử, tài hơn đức là tiểu nhân”.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Quà tặng cuộc sống: Lòng tốt được đền đáp gấp 50 lần

Câu chuyện chàng trai bất ngờ nhận được $100 vào cuối ngày làm việc mệt nhọc, một lần nữa minh chứng: Những người có nhiều thiện tâm sẽ luôn nhận được phúc báo theo cách đáng kinh ngạc nhất.


Travis Sattler làm thu ngân ở một cửa hàng thức ăn nhanh Mỹ


Ảnh chụp từ camera cửa hàng lúc chú bé ghé qua mua món tráng miệng nhưng vét hết mà không đủ để trả.



Cảm ơn vì đã tốt bụng trả giúp cháu món tráng miệng. Chúng ta cần thêm nhiều người nữa như chú”.

Anh Travis Sattler, một nhân viên thu ngân cửa hàng thức ăn nhanh, gặp đứa bé khổ sở đang lay hoay móc hết tiền trong túi để mua món tráng miệng mà vẫn thiếu $2. Anh đã không ngần ngại dùng thẻ của mình biếu chú bé khoản thiếu. Chú bé tội nghiệp cảm ơn và bất ngờ quay lại sau đó với tờ giấy viết nguệch ngoạc lời cảm ơn đính kèm theo $100 từ bà mẹ gửi tặng.


Travis dự tính sẽ biếu tờ $100 này vào quỹ một trường đào tạo y tá. Điều quan trọng hơn hết là tinh thần khích lệ to lớn mà anh nhận được từ nghĩa cử của chú bé vô danh


Và dĩ nhiên, người tự hào nhất phải kể đến là ông chủ của cửa hàng thức ăn nhanh mang tên Freddy’s Frozen Custard & Steakburgers. Cửa hàng hãnh diện vì được lên mặt báo và được mọi người biết đến khi có những nhân viên xuất sắc như Travis.

Thành công không phải đánh bại người khác mà là tự thay đổi chính mình

Có thể 5 câu chuyện nhỏ sau đây sẽ giúp bạn hiểu ra những phương châm sống hiệu quả đối với một người thật lòng muốn thành công. Thành công chân chính không xuất phát từ sự thay đổi của đối phương hay môi trường xung quanh mà nó khởi phát từ việc thay đổi chính bản thân mình. Dưới đây là dẫn chứng:



1. Ba người đi ra khỏi cửa, một người mang dù, người kia mang gậy, người còn lại đi tay không. Khi trở về, người cầm dù ướt đẫm, người mang gậy thì ngã bị thương, người thứ ba không mang gì thì lại chẳng hề hấn gì. Vốn dĩ lúc trời mưa, người có chiếc dù mạnh dạn bước đi, lại bị mưa dội vào; lúc đi đường bùn trơn trượt, người mang gậy liều lĩnh xông lên nên thường xuyên té ngã; người cái gì cũng không có, lúc mưa to thì tránh đi, đường không tốt thì cẩn thận bước, ngược lại nhờ thế mà bình an vô sự.


Nhiều khi, chúng ta không phải thua ở chỗ thiếu hụt cái gì mà là thua từ ưu thế của chính mình.
2. Ở một thị trấn nhỏ, một vị thương nhân mở một trạm xăng dầu, làm ăn đặc biệt phát đạt. Người thứ hai đến mở một nhà hàng. Người thứ ba đến mở một siêu thị. Thị trấn này mau chóng trở nên phồn hoa. Tại một thị trấn nhỏ khác, một vị đến mở một trạm xăng dầu, làm ăn đặc biệt phát đạt. Người thứ hai đến mở một trạm xăng dầu thứ hai. Người thứ ba đến lại mở cái thứ ba, cái thứ tư…Sự cạnh tranh khốc liệt như vậy dẫn đến kết cục không ai được gì cả.


Thế nên, cứ một mực đi theo con đường của người khác, chắc chắn phá hỏng con đường của chính mình.


3. Một gia đình có ba người con trai, họ sống từ nhỏ với cha mẹ luôn luôn không ngừng cãi vả nhau. Mẹ của họ thường phải chịu thương tích đầy mình. Đứa lớn nhất nghĩ: “Mẹ mình thật quá đáng thương! Sau này, mình phải đối tốt với vợ mình một chút!”. Đứa thứ hai nghĩ: “Kết hôn chẳng có gì vui, sau này lớn lên nhất định không thèm kết hôn đâu!”. Đứa thứ ba nghĩ: “Ha ha, vậy là chồng có thể đánh vợ như vậy đó!”.


Thế mới nói, dù cho hoàn cảnh có giống nhau thế nào đi nữa thì phương thức tư duy của mỗi người đều khác nhau, theo đó mà thành công hay thất bại trong cuộc sống cũng không giống nhau.

4. Tiểu hòa thượng phụ trách quét sạch lá rụng trong chùa mỗi ngày. Mỗi ngày phải quét rất lâu. Có người nói: “Trước khi ngươi quét dọn, hãy dùng sức rung cây, để lá rụng xuống hết, ngày mai sẽ không cần quét nữa!” Tiểu hòa thường cảm thấy rất đúng, vui vẻ làm theo. Nhưng ngày hôm sau trong sân lại đầy lá rụng như ngày hôm qua. Vô luận là hôm nay dùng sức ra sao, ngay mai lá sẽ vẫn rụng xuống.


Cho nên, làm việc đến nơi đến chốn tốt nhất là làm tốt chuyện nên làm trước mắt.

5. Lợn rừng và ngựa cùng ăn cỏ một chỗ. Lợn rừng thường rất xấu, không chà đạp đám cỏ xanh thì cũng làm cho nước đục. Ngựa vô cùng tức giận, trong lòng luôn muốn trả thù, liền đi nhờ thợ săn hỗ trợ. Thợ săn nói sẽ giúp trừ phi ngựa chịu mặc yên và dây cương cho hắn cưỡi. Ngựa sốt ruột trả thù nên đã đồng ý yêu cầu của thợ săn. Thợ săn cưỡi ngựa đánh bại lợn rừng, sau đó dắt ngựa trở về, buộc ngựa cạnh bên chuồng, ngựa vì thế mà mất đi tự do trước kia.


Chẳng phải, người không thể dễ dàng tha thứ cho người khác, sẽ tự mang đến bất hạnh cho chính bản thân mình.

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Cách xử lý khôn ngoan của ông bố khi phát hiện trẻ…ăn trộm

Khi một đứa trẻ phạm sai lầm, thông thường người lớn sẽ cảm thấy rất tức giận. Do đó, thay vì giúp trẻ nhận ra sai lầm, chúng ta thường trút mọi bực bội lên đứa trẻ, vô tình điều ấy khiến chúng bị tổn thương. Câu chuyện dưới đây hy vọng có thể giúp các ông bố bà mẹ lấy lại được bình tĩnh mỗi khi xử lý tình huống này.



Cha dắt con trai đến chơi nhà một người bạn của cha.

Cậu bé nhanh chóng bị hấp dẫn bởi một mô hình máy bay đồ chơi trong phòng của một anh lớn hơn ở nhà chú.

Cậu được phép chơi với nó, chơi được một hồi thì lại cảm thấy đặc biệt thích thú, thật sự rất muốn được sở hữu luôn món đồ chơi ấy. Thế là cậu ta thừa dịp mọi người không chú ý liền trộm lấy và lén cất đi mang về nhà….

Nếu rơi vào vị trí người cha trong trường hợp này, là một bậc phụ huynh các bạn sẽ xử lý thế nào?

Điều thú vị là ông bố trong câu chuyện đã xử lý theo cách ít ai ngờ

….Trên đường về nhà cùng với cha, cậu bé cảm thấy trong lòng vô cùng áy náy và khó chịu, thật sự không chịu nổi nữa nên đã “thật thà” tự thú với cha rằng mình đã ăn cắp một cái máy bay nhỏ của nhà người ta.

Người cha một thoáng im lặng, rồi mới cất lời nói.

Cho đến giờ, cậu bé vẫn nhớ như in sự im lặng ngắn ngủi của cha mình lúc đó. Cậu cùng đứng với cha bên đường, cảm thấy vô cùng sợ hãi.

Sau khoảng im lặng khó chịu đó, người cha nói với cậu bé bằng một thái độ ôn hòa:

“Chúng ta hãy cùng nhau quay lại đem trả chiếc máy bay này cho chú nhé, sau này cha sẽ mua cho con một chiếc“.


Thế là cậu bé đành lẽo đẽo theo cha quay trở lại trả chiếc máy bay, trong tâm vừa tiếc rẻ vừa xấu hổ không chịu nổi, sợ muốn khóc lên.

Nhưng người cha khi ấy rất bình tĩnh giải thích với người ta:

“Thật ngại quá, con tôi không cẩn thận mang đi món đồ chơi nhỏ này về, giờ xin trả lại cho anh“.


Sự tình thế là trôi qua. Cậu bé không phải đối mặt với bất cứ sự trách cứ nào. Người cha sau đó cũng không đem việc này kể cho ai nghe.

Có thể nhiều người không lý giải được cách làm của người cha? Hoặc cũng có người sẽ thắc mắc sao ông ấy có thể làm như thế được? Nếu là bạn có thể bạn đã giận sôi gan lên, lôi con đi, đánh mắng nó trước mặt người chú hoặc ít nhất cũng phải giáo huấn cho con một bài học.

Thực chất, người cha trong việc dạy dỗ con đã cân nhắc rất kỹ càng.

Từ đầu đến cuối, ông đều không dùng đến từ “trộm” để diễn tả hành vi trẻ, bởi vì quan niệm đúng sai của trẻ là thông qua đánh giá của cha mẹ, đồng thời quan sát phản ứng của cha mẹ mà hình thành. Thế nên, ông đã không tùy tiện dán cho trẻ một cái nhãn hiệu tiêu cực.

Ông cũng không khoa trương sai lầm của trẻ, đây chính điều ông làm để bảo hộ trẻ.

Trước tiên, không trách cứ, không đánh chửi, không thuyết giáo quá nhiều.

Tiếp theo, giữ một cảm xúc ổn định, bình tĩnh và nghiêm túc nghĩ ra cách giải quyết thích hợp nhất. Khi biết trẻ “lấy trộm” đồ của người khác, người cha không hề tức giận, mà kiềm chế cảm xúc, không la mắng, cũng không tức thời tận tình khuyên bảo, hay thao thao bất tuyệt giảng đạo lý, mà ông cho mình một khoảng thời gian để suy nghĩ, sau đó dùng đến phương thức thích hợp, ôn hòa nhất, hiệu quả mà lại đơn giản nhất xử lý vấn đề.

Kết quả là, ông dùng hành động trực tiếp làm mẫu và hướng dẫn đúng đắn cho trẻ. Thực ra, đứa trẻ biết cầm đồ của người khác là không đúng. Cái kiểu cúi đầu tức giận và bướng bỉnh của những đứa bé trai, còn là kiểu “nội tâm áy náy” theo như lời bạn tôi nói đều có thể thấy được.

Vì thế, kỳ thực đứa trẻ không phải cần một đạo lý lớn là ai đúng ai sai, mà là chúng cần từ trong sai lầm có thể học được cách làm đúng đắn.

Biểu hiện của người cha còn giúp cậu bé hiểu được sự khoan dung, biết chịu trách nhiệm. Người cha cũng chỉ đơn giản nói hai câu:

Một là “cùng nhau quay trở lại“, đây là từ sai lầm mà học được cách sửa chữa đúng đắn;

Hai là “nếu con muốn cha sẽ mua cho con“, chính là nói cho cậu bé hiểu con đường đúng đắn để có được đồ vật mình muốn.

Cuối cùng, chúng ta còn cần phải nhớ một điểm là: “Chuyện quá khứ, tức là quá khứ”. Không lật lại truy cứu, không tùy ý kể lại để bảo vệ tự tôn của trẻ, cho trẻ sự tôn trọng hết mức. Đứa trẻ dù còn nhỏ, nhưng chúng có tự tôn và trong tâm biết xấu hổ

Người khi chứng kiến sai lầm của trẻ nếu có thể đứng từ góc độ của trẻ, nghĩ ra được rằng trẻ cũng nhất định không muốn có nhiều người biết về hành vi không tốt của chúng, dù là người trong nhà. Vì thế, không nên kể cho người khác nghe chuyện này, chính là sự che chở tốt nhất cho sự tự tôn của trẻ.

Sự giáo dục từ gia đình hay trường lớp cũng vậy, các vị cha mẹ xin hãy nhớ:

Dù cho bạn phát hiện ở trẻ những vấn đề đạo đức rất nghiêm trọng thì cũng phải khống chế cảm xúc, không tùy tiện dán nhãn cho trẻ. Hãy nghĩ lại phương thức nuôi dạy trẻ một chút, tỉnh táo cẩn thận mà nghĩ ra biện pháp đúng đắn để hướng dẫn, uốn nắn hành vi không phù hợp của trẻ. Nếu không làm được như thế, về lâu dài trẻ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Hy vọng đôi lời chia sẽ có thể giúp các bạn sáng suốt hơn trong việc đào tạo thế hệ tương lai

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Giàu có thì mới có thể làm việc tốt: Đúng hay sai?

Khi chúng ta có tiền thì có thể cho đi và giúp đỡ người khác. Nếu giàu có thì chúng ta có thể làm được nhiều điều có ích cho xã hội. Thế nên, giàu có là tốt và rất quan trọng. Điều này hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ.

Giàu có bạn có thể cho đi, nhưng nghèo khó bạn vẫn có thể cho đi. Điều quan trọng là bạn có thật sự muốn cho hay không.

Câu chuyện về cho và nhận

Có một câu chuyện về “cho” và “nhận” trong Phật giáo như thế này: Hai linh hồn sau khi chết được đưa đến gặp Diêm Vương. Diêm Vương xem xét trong “sách ghi điều tốt và điều xấu” rồi cho mỗi người được lựa chọn một trong hai điều: “sống để cho” hay “sống để nhận”.

Người thứ nhất rất tham lam và muốn cuộc sống không khổ cực nên liền chọn “sống để nhận”. Người thứ hai nghĩ “sống để cho thì có thể giúp đỡ được nhiều người”, và anh chọn “sống để cho”. Và kết quả là, người thứ nhất trở thành kẻ ăn mày, phải sống dựa vào lòng nhân từ của người khác. Người thứ hai là một người giàu có, có thể làm nhiều việc để giúp đỡ người khác bằng khả năng tài chính của mình.

Câu chuyện cũng có ý nói rằng khi bạn giàu có thì bạn có thể cho đi, có thể sống vì người khác. Thế là có người vớ ngay cái cớ này để lao vào làm giàu, lao vào kiếm tiền, với quan niệm rằng “chưa lo được cho bản thân thì lo được cho ai“, hay “khi nào có dư dả thì mới giúp người ngày giúp người kia được chứ“.

Thế nhưng, chúng ta lại quên bén việc định nghĩa thế nào là giàu có, phải làm sao thì là “lo được cho bản thân“, và khi nào mới gọi là “dư dả“. Ham muốn của con người không bao giờ có điểm dừng, có được chiếc xe đạp thì mong có xe máy, có xe máy rồi thì nghĩ đến chuyện mua xe hơi, rồi khi đã chễm chệ trên chiếc xe hơi thì lại muốn đi máy bay. Những lời nói trên nghe qua có vẻ hợp lý, nhưng thực chất đó chỉ là lời biện minh cho việc bạn không muốn cho đi.

Song song với điều đó, bạn cũng đơn giản nghĩ rằng, giúp người là cho người ta chút tiền, mua cái này mua cái kia, vì “có tiền mua tiên cũng được cơ mà“. Thực tế, tiền không mua được tiên, đây là câu nói thể hiện thái độ miệt thị xem thường Thần linh, và nó dẫn dắt bạn đi đến tâm lý coi trọng đồng tiền hơn tất cả mọi thứ.

Vẫn có những thứ mà tiền không thể mua được.

Một người bất ngờ qua đời vì tai nạn, bạn không thể dùng tiền để mua lại sinh mệnh của anh ta.

Bao nhiêu người dẫu có tiền chất như núi nhưng mắc bệnh nan y không chữa được, thì có nhiều tiền cũng vô dụng.

Khi một người đang đau khổ tuyệt vọng vì mất người thân trong tai nạn hay thảm họa, bạn không thể dùng tiền để xoa dịu nỗi đau của họ.

Một đứa trẻ lớn lên không cha, không mẹ, không người thân thì điều chúng khát khao không phải là tiền.

Và khi một người mất hết lòng tin và yêu thương dành cho bạn, bạn cũng không thể dùng tiền để mua lại cho họ niềm tin yêu.

Tiền không phải mang sức mạnh vạn năng như theo lời của những người tôn thờ đồng tiền mà bỏ quên các giá trị khác còn quý hơn nhiều.

Có câu chuyện kể rằng, một vị tu sĩ hành khất đi ngang qua nhà một bà lão nghèo, khi đó bà đang rất đói, trong nhà cũng không có gì ngoài bát nước gạo mà hàng xóm cho; vậy mà khi thấy vị hành khất, bà không ngần ngại chia bớt bát nước gạo cho ông. Người hành khất ấy là hóa thân của một vị Phật. Vị Phật cảm động trước tấm lòng của người phụ nữ này mà ban cho bà phúc phận 3 đời.

Rõ ràng câu chuyện nói lên đạo lý rằng, giàu có bạn có thể cho đi, nhưng nghèo khó bạn vẫn có thể cho đi. Điều quan trọng là bạn có thật sự muốn cho hay không, và mục đích thật sự khi bạn muốn giúp đỡ người khác là gì, là muốn tốt cho họ hay là để “mua” cái tiếng thơm được làm “người tốt bụng”.

Giúp đỡ người khác quan trọng là ở tấm lòng. Thần Phật cũng chỉ nhìn nhân tâm, chứ không xét người ta cho nhiều hay ít.

Xét ở một khía cạnh khác, giàu có đến từ phúc đức. Như câu chuyện của hai người đàn ông trên, và cả bà lão nọ, người đàn ông được giàu có vì ông ta đã biết nghĩ đến người khác khi đưa ra lựa chọn của mình, bà lão sau này cũng giàu có vì đã làm việc thiện.

Thế nên, giàu có xuất phát từ tấm lòng thiện lương, cụ thể hơn chính là đức, và cho đi cũng chính là nhận lại.

Hiểu đúng về giàu có

Giàu có không làm nên con người bạn. Chỉ có sự tốt bụng cùng tính cách mới hình thành nên chính bản thân bạn.

Trong bài viết “Nghèo là một cái tội?” của ông Alan Phan, có đoạn chia sẻ rằng:

“Nghèo” không đơn thuần chỉ là “không tiền”. Dưới góc nhìn chủ quan của tôi, một con người toàn diện phải hội đủ 6 thành tố: sức khỏe, trí tuệ, tinh thần, tâm linh, xã hội và tài chính. Một người có nhiều tiền nhưng nghèo sức khỏe vẫn hoang phí tháng ngày. Nghèo kiến thức thì dù là một đại gia vẫn được xếp vào hạng ngu. Cha mẹ cho rất nhiều tiền nhưng tinh thần và tâm linh kém cỏi, yếu đuối thì trước sau gì cũng đi vào khổ lụy. Thêm nữa, dù có một gia đình bền chặt và một kết nối xã hội tốt, bạn vẫn không làm gì được cho ai nếu không có tài chính.

Như vậy, một người để hội đủ tiêu chuẩn một người giàu có thật sự thì ngoài việc vững vàng về tài chính thì họ còn cần phải có một đời sống tinh thần phong phú, một sức khỏe tốt, một tấm lòng rộng mở đối với cộng đồng xã hội, một trí tuệ khoáng đạt, luôn biết tìm tòi học hỏi, chấp nhận những điều mới lạ. Như Bill Gate hay Steve Job, họ đều không xem tiền là một mục tiêu đầu tiên khi khởi nghiệp mà là vì muốn cống hiến hay làm điều ý nghĩa phù hợp với đam mê và kiến thức hiện có.

Nếu giàu có chỉ đơn thuần là có nhiều tiền thì cuộc sống người ấy sẽ trở nên đơn điệu, và mọi thứ trong cuộc đời cũng sẽ chỉ xoay quanh hai chữ “hưởng thụ”. Người như thế liệu có thể biết nghĩ cho người khác.

Nếu giàu có được xây dựng trên nền tảng của sự vô đạo đức, không đặt lợi ích của cộng đồng lên trên mà chỉ xem trọng lợi ích cá nhân, thì sự giàu có này chẳng phải là điều hết sức nguy hại cho xã hội. Điều này chúng ta đã được thấy quá rõ thông qua những người làm ăn gian dối, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người dân hoặc tìm mọi cách để lừa đảo và đẩy người ta vào con đường khốn cùng.

Tất cả chỉ muốn nói lên rằng, giàu có là tốt và rất quan trọng, nhưng đạo đức và cách làm người chân chính thì tốt và quan trọng hơn rất nhiều.

Chàng trai nghèo lấy được vợ nhờ tấm lòng nhân hậu

Người tốt thường hay được phúc báo, dưới đây là dẫn chứng.



Victor sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Anh quốc, cha mẹ đều dựa vào làm công mà sống. Dù gia đình đời sống nghèo khó, nhưng mọi thành viên không vì vậy mà đi mất sự chính trực, lòng lương thiện và nhân ái. Victor khi còn bé từng gặp một ông lão ăn mày đáng thương gõ cửa xin ăn. Khi đó đang là mùa đông, bên ngoài gió tuyết không ngừng thổi, gió rét căm căm, ông lão ăn xin vừa đói vừa lạnh. Mẹ Victor trên tay chỉ còn vẻn vẹn mấy đồng lẻ, nhưng liền đưa hết cho ông lão ăn mày. Victor khó hiểu nhìn mẹ. Người mẹ từ tốn giải thích cho Victor: “Chúng ta ăn ít một bữa thì có thể cứu sống một mạng người”. Victor liền ghi khắc trong tâm câu nói của mẹ cho đến lúc trưởng thành.

Vài năm sau đó, Victor khi ấy đã trưởng thành, trong một lần gặp gỡ bè bạn, anh quen được cô gái dung mạo xinh đẹp, rồi rất nhanh sau đó hai người yêu nhau.

Tuy nhiên, cha của cô gái là một vị pháp quan, không muốn con gái mình cưới một người nghèo tay trắng. Vì vậy ông mới buông lời: “Chừng nào cậu có thể kiếm đủ một vạn bảng Anh thì mới có thể kết hôn với con gái ta”.

Một vạn bảng Anh, đối với một người trẻ tuổi mới ra ngoài xã hội mà nói, thật sự là không thể nào thực hiện được. Thế nên, chàng trai vô cùng thất vọng, mới đi tìm người bạn tốt của mình để tâm sự giải sầu.

Daniel, bạn của Victor, là một họa sĩ trẻ tuổi, đang ở nhà vẽ một bức chân dung lớn về một gã ăn mày. Anh ta mời người ăn mày đến làm mẫu. Người ăn mày này ăn mặc quần áo cũ nát, khom người, một tay chống gậy, một tay cầm chén hướng ra xin tiền, trên trán khắc sâu vài nếp nhăn.

Victor nhìn thấy hình ảnh này thì vô cùng xúc động, nhớ đến người ăn mày năm xưa trước cửa nhà mình. Trò chuyện một lúc, anh biết được người bạn của mình trả cho ông lão đó một giờ là 10 xu thù lao. Victor không khỏi xấu hổ vì sự keo kiệt của người bạn. Lúc này, người gác cổng trước nhà đến báo, Daniel có người tìm gặp; anh ta vội đi để Victor ngồi lại với ông lão.

Victor xem thấy bộ dạng đáng thương của ông lão ăn mày, tay không tự chủ đưa vào túi quần, móc vào móc ra, cuối cùng không đến nỗi thất vọng, móc ra được một bảng Anh tiền xu, thừa dịp Daniel còn chưa quay lại, liền mau nhét vào tay ông lão. Ông lão ăn mày ngẩng đầu lên đầy kinh ngạc nhìn Victor, cũng không biết là ông có tiếp nhận hay không.

Sau đó, trong một lần tụ họp bạn vè, Victor lại gặp được Daniel, bèn hỏi thăm bức chân dung người ăn mày của anh ta đã hoàn thành chưa? Daniel nói cho anh biết, ông lão ăn mày kia vốn dĩ là nam tước Alfred Adler, một vị danh gia vọng tộc. Sản nghiệp ông này nhiều vô kể, hàng năm đều tặng tiền từ thiện cho các tổ chức và trường đại học tầm cỡ. Ông muốn vẽ mình thành một tên ăn mày cũng vì lòng hiếu kỳ, muốn xem xem khi mình là một tên ăn mày thì sẽ như thế nào?

Victor biết chuyện, vô cùng kinh ngạc, trong lòng cảm thấy xấu hổ vì sự khinh suất lỗ mãng của mình khi đó, anh chỉ muốn tìm một cái lỗ nào đó để chui xuống. Người ta nhà chất đầy tiền, còn ngươi bản thân chỉ có một đồng bảng Anh tiền xu mà đến bố thí là sao? Cậu tự trách mình không biết thân biết phận, trong tâm cảm thấy bất an.


Thế nhưng không lâu sau đó, Victor nhận được phong thư, mà bức thư là do nam tước Alfred Adler gửi đến, trong thư viết: “Chàng trai trẻ, ta vì sự lương thiện, chính trực và tấm lòng nhân ái của anh mà cảm thấy tự hào. Ta được Daniel kể cho nghe về câu chuyện tình yêu ngọt ngào của anh, phong thư này có lẽ có thể giúp anh biến câu chuyện tình yêu lãng mạn ấy này thành sự thực”.

Trong phong thư còn có một tấm thiệp chúc mừng, bên trong kèm tờ chi phiếu một vạn bảng Anh, trong đó viết: “Lễ vật thành hôn dành cho ông Victor cùng cô Alister! Một lão ăn mày kính gửi”.

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Cuộc sống một vị vua dưới thanh gươm Damocles

Ngày xưa, vua Dionysius là người cai trị vùng Syracuse, thành phố giàu nhất đảo Sicily. Ông sống trong một cung điện nguy nga với rất nhiều bảo vật sang trọng và quý giá. Cung điện lúc nào cũng tấp nập người hầu kẻ hạ, sẵn sàng làm theo lệnh của đức vua.


Danh tiếng và sự sang giàu của đức vua không tránh khỏi ánh mắt ghen tị của nhiều người, trong đó có Damocles. Người này là một trong bạn thân của đức vua Dionysius. Ông luôn nói với nhà vua rằng:

“Đức vua mới may mắn làm sao, ngài có tất cả những thứ mà bất kỳ ai cũng mong muốn. Chắc hẳn ngài phải là người hạnh phúc nhất thế giới này“.

Một ngày, vua Dionysius cảm thấy quá mệt mỏi khi phải nghe những lời này, ông nói:

“Ngươi thực sự nghĩ rằng ta hạnh phúc hơn bất cứ người nào sao?“.

“Chắc chắn là vậy“, Damocles trả lời.

“Hãy nhìn vào khối tài sản vĩ đại mà ngài đang sở hữu và quyền lực mà ngài có trong tay. Ngài chẳng phải mảy may lo lắng gì. Cuộc sống còn gì tuyệt hơn thế?“.

“Vậy ngươi có muốn đổi vị trí với ta không?“, vua Dionysius nói.

“Ồ, thần làm sao dám mơ đến điều ấy”, Damocles nói. “Nhưng giá mà thần có được sự giàu có và niềm vui của ngài dù chỉ một ngày, thì thần sẽ hạnh phúc biết bao“.

“Được, vậy thì ông hãy đổi vị trí cho ta một ngày“.

Vào ngày hôm sau, Damocles được đưa đến cung điện. Người hầu kẻ hạ đối xử với ông như đức vua của họ. Ông được mặc hoàng bào và đội vương miện vàng, rồi lại ngồi vào bàn tiệc với không biết bao nhiêu là sơn hào hải vị được đặt trước mặt. Người hầu cũng dâng lên ông những ly rượu đắt tiền. Xung quanh ông là muôn loài hoa rực rỡ sắc hương và âm nhạc du dương. Damocles ngồi trên đệm êm và cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất thế giới.

“Ồ, thế mới là cuộc sống chứ“. Ông nói với nhà vua: “Thần chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc đến như vậy“.

Và khi nâng cốc, ông nhìn về phía trần nhà. Đột nhiên, đập vào mắt ông là một thanh gươm được treo lơ lửng trên trần nhà bằng một sợi lông đuôi ngựa, mũi gươm chĩa thẳng vào đầu ông. Damocles chợt sựng người lại. Nụ cười tắt trên môi và gương mặt ông trở nên xanh lét. Tay ông run lập cập. Ông chẳng còn tâm trí đâu để thưởng thức thức ăn, rượu và âm nhạc nữa mà chỉ muốn mau chóng rời khỏi cung điện. Ông ngồi như đóng băng trên ghế.

“Có chuyện gì vậy, bạn của ta?“, vua Dionysius hỏi. “Có vẻ như ngươi không thấy ngon miệng nữa?“.

“Thanh gươm…Thanh gươm…“, Damocles thì thầm. “Ngài có nhìn thấy nó không?”

“Tất nhiên là ta nhìn thấy“, vua Dionysius nói. “Ta thấy nó hằng ngày. Nó luôn được treo trên đầu ta và luôn có khả năng một người nào đó cắt sợi lông đuôi ngựa. Có thể một trong những tể tướng ghen tị với quyền lực của ta và cố gắng giết ta. Hoặc có thể một người nào đó làm lan truyền những tin đồn nhảm về ta để khiến mọi người chống lại ta. Cũng có thể vương quốc bên cạnh sẽ điều quân đội cướp ngôi vua của ta. Hoặc ta có thể ra một quyết định không sáng suốt dẫn đến việc ta bị hạ bệ. Tóm lại, cuộc sống của ta không phải hoàn toàn một màu hồng.

“Vâng, thần thấy rồi”, Damocles nói. Thần nhận thấy rằng thần đã mắc sai lầm và đức vua có rất nhiều điều phải lo lắng bên cạnh sự giàu có và nổi tiếng. Xin hãy giữ ngôi vua và cho thần trở về nhà của mình”.

Từ đó, Damocles không bao giờ muốn đổi vị trí với nhà vua nữa, dù chỉ một lát.

Cuộc sống cũng vậy, ai cũng có niềm vui và nỗi khổ không ai giống ai, do đó hãy luôn hài lòng với những gì mình có và đừng bao giờ để lòng đố kị nhen nhóm trong trái tim, để niềm vui trong cuộc sống luôn được trọn vẹn.

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Bài học hiếu thảo từ vị giáo sư: “Mẹ, rửa chén đi nhé…”

Sau khi ăn xong bữa, Giáo sư cầm chén đưa cho người mẹ già 70 tuổi: “Mẹ, rửa chén đi nhé!”, câu nói tuy ngắn nhưng có phần cảm động…



Khi còn học đại học, một lần đi thực tập trở về, chúng tôi dẫn cả nhóm về nhà Giáo sư liên hoan …

Sau khi buổi tối vui vẻ kết thúc, trên bàn mâm chén bày la liệt. Mấy bạn học muốn mang đi rửa, Giáo sư vẻ mặt tươi cười ngăn lại nói: “Đừng vội, có người rửa đây này!”.

Giáo sư đem chén đũa bỏ vào bồn nước, trước tiên dội hết dầu mỡ, sau đó nhẹ nhàng đến bên người mẹ già 70 tuổi nói: “Mẹ, rửa chén đi nhé…”

Học sinh chúng tôi bỗng dưng thấy quá đỗi bất ngờ…

Bình thường ông là một Giáo sư thanh tao, nho nhã, sao lại có thể đối đãi với người mẹ đã cao tuổi như vậy?

Chỉ thấy bà cụ thay đổi hẳn nét ủ rũ nãy giờ trên bàn ăn…

Khuôn mặt rạng rỡ, bà đi đến bên cạnh bồn rửa chén, chậm rãi rửa chén, mất khoảng nửa giờ mới rửa xong.

Giáo sư vui vẻ nói với bà cụ: “Mẹ vất vả rồi, nghỉ ngơi một chút nhé!”

Ông cầm khăn mặt, lau tay cho mẹ.

Sau khi Giáo sư đưa mẹ về phòng, lại quay vào bếp, đem chén ra rửa một lần nữa.

Giáo sư nhìn lũ học trò chúng tôi, khi ấy còn đang kinh ngạc không hiểu gì, nói:

“Làm mẹ thì lúc nào cũng muốn làm chút gì đó cho con mình. Dù già rồi, nhưng trong mắt mẹ, con mãi mãi cần sự nâng đỡ của mẹ. Để bà rửa chén, bà sẽ cảm thấy con vẫn cần mẹ, một ngày trôi qua sẽ thấy rất phong phú và ý nghĩa. Hiếu kính cha mẹ, ngoại trừ việc giúp đỡ cha mẹ ra, còn phải cho cha mẹ một cơ hội để yêu thương chúng ta”.

Khiến cho người nào đó có cảm giác là người khác còn cần mình, thì họ sống mới có một mục tiêu, có mục tiêu rồi thì cuộc sống mới phong phú và ý nghĩa, lực sống vì thế mà có thể sinh động mạnh mẽ.

Mà trong mắt cha mẹ, con cái mãi là con cái, cho dù các con có trưởng thành rồi, thì người làm cha làm mẹ mãi mãi không bao giờ buông được chúng …

Con cái …

…mãi mãi là khối thịt đỏ hỏn trong lòng cha mẹ, một báu vật trong tay cha mẹ.

Chúng ta mãi mãi là nỗi bận tâm mà cha mẹ già không bao giờ buông bỏ được…