Trang chu

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Cậu bé đánh giày

Năm 12 tuổi, vào 1 buổi xế chiều có 1 người khách là chủ 1 tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố, 3 đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhin vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói: “Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy và sẽ trả công 2 đồng.”

Công đánh 1 đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là 1 món tiền rất lớn. 3 cặp mắt đều sáng lên.

Một đứa nhỏ nói: “Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!”

Đứa khác nói: “Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn…”

Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi 1 lúc, rồi nói: “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho 2 đứa đó mỗi đứa 1 đồng!”

Câu nói của Lula làm ông chủ tiệm và 2 đứa nhỏ kia rất ngạc nhiên.

Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết 1 ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó, Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng”.

Cảm động trước câu nói của thằng nhỏ, ông chủ tiệm đã trả cho Lula 2 đồng bạc sau khi được cậu bé đánh óng đôi giầy. Và thằng nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho 2 đứa bạn mỗi đứa 1 đồng.

Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã tìm đến thằng nhỏ Lula, nhận chú bé cứ sau buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy là rất thấp nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.

Thằng bé hiểu rằng “Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.”

Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình. Sau, Lula nghỉ học đi làm thợ trong 1 nhà máy. Để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu ta tham gia vào công đoàn.

Năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng Lao-Công.

Năm 2002, trong cuộc ứngcử tổng thống, khẩu hiệu của Lula là: “Ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này”. Và đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Năm 2006 đắc cử nhiệm kỳ 2, cho 4 năm tới.

Trong 8 năm tại chức, ông đã thực hiện đúng lời mình đã hứa: 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm.Thực hành đúng tâm niệm: giúp đời!

Và nước Ba-tây dưới sự lãnh đạo của Ông đã không còn là “con khủng long nhai cỏ” mà đã trở nên “Con mãnh sư Mỹ Châu”. Và xây nên nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới.

Luiz Inácio Lula da Silva: đó là tên của vị tổng thống Brazil giải nhiệm vào 31.12.2010.

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Thằng cười xóm tôi

Nếu hỏi ai lạc quan nhất cả xóm làng chài tôi, mọi người đều nói ngay là Thằng Cười. Nó mập mạp, mặt chi chít mụn ruồi mụn cám, sống với bà mẹ bệnh tật cuối dãy. Điều lạ là lúc nào cũng thấy nó cười.

Biết bọn con gái không dám đến gần, nó cũng cười. Xóm chê nó đần độn, nó cũng nhe răng cười. Mọi người lo không có cá bán, cũng lại cười.Chắc có thể vì cuộc sống quá nhiều lo toan cực nhọc, dân xóm chài cảm thấy ghen tị hơn là thích thú nụ cười của nó. Cứ thế, họ ngồi tụm năm tụm bảy chê bai.Vì Thằng Cười chỉ là thằng cười, không ai thấy được giọt nước mắt của nó.

Rồi một ngày, bà mẹ bệnh tật của Thằng Cười mất. Dân làng đến hỏi chuyện, cốt là để xem Thằng Cười còn có thể cười được nữa không? Nhưng khi thấy nó bước ra, mọi người há hốc mồm kinh ngạc. Tóc điểm bạc vài sợi,nhưng nó vẫn cười thật tươi. Tin nó bất hiếu, cả giọt nước mắt cũng không rỏ xuống lan đi rất nhanh. Họ cho rằng đó chỉ là Thằng Đần Độn mà thôi.

Cuối mùa thu, tôi gặp lại nó, vẫn luôn giữ trên môi nụ cười thường trực. Nó thỏ thẻ nói:

- Lúc mẹ mất bà có nói thích nụ cười của tôi, nhờ vậy mà mới gắng gượng được hai năm nữa. Bà đi rồi, tôi phải cười để bà thấy tôi vẫn còn mạnh khỏe, đâu phải không khóc là bất hiếu đâu, cậu nhỉ?

Tôi một thoáng tư lự, rồi mỉm cười gật đầu. Gần đó,vẫn bốn năm đám tụm lại, nhìn Thằng Cười nghi hoặc.

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Phép màu giá bao nhiêu ?

Một cô bé tám tuổi nghe cha mẹ mình nói chuyện về đứa em trai nhỏ. Cô bé chỉ hiểu rằng em mình đang bị bệnh rất nặng và gia đình cô không còn tiền. Chỉ có một cuộc phẫu thuật rất tốn kém mới cứu sống được em trai cô bé, và cha mẹ em không tìm ra ai để vay tiền. Do đó, gia đình em sẽ phải dọn đến một căn nhà nhỏ hơn vì họ không đủ khả năng tiếp tục ở căn nhà hiện tại sau khi trả tiền bác sĩ.


Phép màu giá bao nhiêu ?

Cô bé nghe bố nói với mẹ bằng giọng thì thầm tuyệt vọng: “Chỉ có phép màu mới cứu sống được Andrew”. Thế là cô bé vào phòng mình, kéo ra một con heo đất được giấu kỹ trong tủ. Em dốc hết đống tiền lẻ và đếm cẩn thận.

Rồi cô bé lẻn ra ngoài bằng cửa sau để đến tiệm thuốc gần đó. Em đặt toàn bộ số tiền mình có lên quầy.

Người bán thuốc hỏi: “Cháu cần gì?”

Cô bé trả lời: “Em trai của cháu bệnh rất nặng và cháu muốn mua phép màu.”

- Cháu bảo sao? – Người bán thuốc hỏi lại.

- Em cháu tên Andrew. Nó bị một căn bệnh gì đó trong đầu mà ba cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được nó. Phép màu giá bao nhiêu ạ?

- Ở đây không bán phép màu, cháu à. Chú rất tiếc – Người bán thuốc nở nụ cười buồn và tỏ vẻ cảm thông với cô bé.

- Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu?

Trong cửa hàng còn có một vị khách ăn mặc thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi cô bé: “Em cháu cần loại phép màu gì?”

- Cháu cũng không biết nữa – Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt. “Nhưng em cháu rất cần phép màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm, mẹ cháu nói rằng nó cần được phẫu thuật, và hình như phải có thêm loại phép màu gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra toàn bộ số tiền để dành của mình để đi tìm mua phép màu đó.”

- Cháu có bao nhiêu? – Vị khách hỏi. Cô bé trả lời vừa đủ nghe: “Một đô la mười một xu.”

Người đàn ông mỉm cười: “Ồ! Vừa đủ cho cái giá của phép màu”.

Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói: “Dẫn bác về nhà cháu nhé. Bác muốn gặp em trai và cha mẹ cháu. Để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không.”

Người đàn ông thanh lịch đó là Bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia thần kinh tài năng. Ca mổ được hoàn thành mà không mất tiền, và không lâu sau Andrew đã có thể về nhà, khỏe mạnh.

Mẹ cô bé thì thầm: “Mọi chuyện diễn ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật là vô giá!”. Cô bé mỉm cười. Em biết chính xác phép màu giá bao nhiêu. Một đô la mười một xu, cộng với niềm tin chân thành của một đứa trẻ, và lòng tốt của người bác sĩ.

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Nhẫn giúp con người hóa giải mọi tai ương

Người xưa có câu: “Nhẫn được cái tức một lúc, tránh được mối lo trăm ngàn”. Câu nói này quả thực là đúng đắn muôn phần.

Xưa có một người tên là Tô Thành, nhà ở huyện Trâu Bình (Trung Quốc), trước nay luôn vui vẻ hành thiện giúp người, thường hay làm những việc có lợi cho người khác.

Trên một con đường cách thôn trang Tôn Thành ở khoảng 10 dặm có một cây liễu rất to, cành lá xum xuê. Những người đi qua con đường này thường hay ngồi nghỉ chân, hóng mát dưới gốc cây.


Mùa hè năm đó, trời vô cùng nóng nực. Tô Thành đi từ huyện về nhà, khi đi ngang qua cây liễu bèn dừng lại, cởi áo, bỏ nón hóng gió cho mát.

Lúc đó có một cụ già đi từ phía Đông tới, đi bộ rất nhanh, đến cả người trẻ cũng khó mà theo kịp.

Khi đến gần Tô Thành, người này lẩm nhẩm: “Hôm nay thời vận không tốt, đi cả nửa ngày trời mà chưa kiếm được xu nào. Giờ gặp được gốc cây này, phải tranh thủ nghỉ ngơi một lát mới được. Tiện thể bói cho cây này một quẻ, xem vận mệnh của nó thế nào?”

Một lúc sau cụ già thất kinh nói: “Thực là xui xẻo. Cây liễu này sắp bị chặt rồi, giống như bói quẻ cho người chết vậy”. Sau đó vừa than thở vừa lặng lẽ rời đi.

Ban đầu Tô Thành cho rằng ông lão này lẩm cẩm, nói năng nhảm nhí nên chẳng để tâm. Nhưng một lúc sau thấy một đám người cầm cưa đi tới nói: “Giờ phải đốn cái cây này đi rồi”.

Tô Thành vô cùng kinh ngạc, bèn hỏi: “Vào mùa hè trời rất nắng, nếu chặt cây này đi rồi những người lữ hành qua đây sẽ không có chỗ để nghỉ chân nữa”.

Những người đó nói: “Người chủ của cái cây này đã bán nó rồi, còn cách nào đây!”

Tô Thành nói: “Tôi sẽ mua cái cây này với giá cao hơn giá cũ mà các anh mua, như thế có được không?”

Họ nói: “Đương nhiên là được rồi” và hẹn nhau ngày hôm sau sẽ lập điều khoản mua lại cây liễu.

Tô Thành thầm nghĩ, ông lão khi nãy có thể biết trước được việc cái cây sắp bị đốn lẽ nào là thần tiên? Nhưng nếu là thần tiên sao lại không thể bói ra được có người sẽ mua cái cây này?” Nghĩ vậy nên bèn vội vã đuổi theo.

Chạy theo một lúc thì gặp được cụ già ban nãy. Tô Thành bèn hỏi: “Hồi nãy tiên sinh bói cái cây đó sắp chết, sao chẳng chuẩn chút nào?”


Ông lão đáp: “Cậu nói đúng, ta bói được là nhất định sẽ có người mua cái cây đó, nhưng người tốt như vậy trên đời này quả thực rất hiếm rồi, nên lúc đó ta không dám quả quyết”.

Tô Thành nói: “Người mua cái cây đó chính là tôi”.

Ông lão nói: “Làm việc tốt như vậy, tiên sinh nhất định sẽ gặp nhiều chuyện may mắn”.

Tô Thành nói: “Thỉnh tiên sinh xem bói cho một quẻ, xem xem tương lai của tôi sẽ như thế nào?”

Ông lão nói: “Chuyện đó khoan hãy nói, bởi tiên sinh hôm nay sẽ gặp tai họa. Nhưng nếu tiên sinh có thể nhẫn được việc mà thiên hạ không thể nhẫn thì sẽ tránh được họa này”.

Tô Thành nghe vậy liền vội vàng trở về nhà. Về đến nơi liền thấy vợ mình và một thanh niên trẻ đang nằm ôm nhau giữa thanh thiên bạch nhật. Tô Thành lập tức nổi cơn thịnh nộ, rút đao ra chuẩn bị chém chết 2 người. Nhưng đột nhiên nhớ tới lời giận của ông lão ban nãy, Tô Thành bèn nguôi giận, lay vợ dậy hỏi rằng: “Mau tỉnh dậy đi, là ai nằm ôm nàng giữa ban ngày vậy?”

Vợ Tô Thành bèn nói: “Còn ai vào đây nữa. Chàng nghĩ ai có thể ngủ trên chiếc giường này?”

Tô Thành nói: “Có thể ngủ trên chiếc giường này, ngoài nàng ra chỉ có ta và con gái ta!”

Vợ Tô Thành nói: “Thì đúng thế. Sao chàng hỏi lạ vậy?”

Tô Thành nhìn kỹ lại, quả nhiên là con gái của mình, bèn cười mà rằng: “Con gái ta sao lại mặc y phục của con trai thế này?”

Vợ Tô Thành nói: “Hôm nay là sinh nhật thiếp, vì chàng không có nhà nên thiếp bèn cùng con gái trêu đùa, giả mặc y phục của nam nhi để chơi trò phu thê giao bái”.

Tô Thành nói: “Hôm nay mẹ con nàng suýt mất mạng dưới tay ta, may được một vị tiên nhân chỉ giáo mới tránh được họa này”.

Sau đó Tô Thành bèn kể lại cặn kẽ đầu đuôi câu chuyện cho vợ con nghe. Vì làm việc thiện nên năm đó Tô Thành sinh con trai, đến khi cháu nội chào đời mới tạ thế.

Qua câu chuyện này có thể thấy hành thiện và đại nhẫn quan trọng như thế nào trong tiến trình sinh mệnh của con người. Hành thiện có thể tích âm đức từ đó nhận được phúc báo. Còn đại nhẫn giúp con người hóa giải ân oán, hận thù để từ đó thay đổi vận mệnh.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Nghị lực phi thường của người phụ nữ xấu nhất trái đất

Nghị lực của người phụ nữ xấu nhất Trái Đất


Nghị lực phi thường của người phụ nữ xấu nhất Trái đất

Có thể trong mắt ai đó cô ấy là người phụ nữ xấu xí nhưng không một ai có thể phủ nhận nghị lực cũng như cảm hứng mà cô ấy mang lại.

Lizzie Velasquez là một trong hai người duy nhất trên thế giới mắc hội chứng hiếm khiến cô khiếm thị một bên mắt và không thể tăng cân. Cô bị sinh non khi mới chỉ được 4 tháng tuổi, bác sỹ nói rằng có quá ít nước ối trong bụng mẹ cô. Tuy não, xương cũng như các cơ quan nội tạng của Lizzie Velasquez vẫn hoạt động bình thường nhưng khi lên 2 tuổi hình hài của cô chẳng khác gì đứa bé 5 tháng. Trong cơ thể cô không có mô mỡ vì vậy dù đã 25 tuổi nhưng Velasquez chưa bao giờ nặng 
quá 29kg.

Lizzie khi còn nhỏ

Dù gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống là vậy nhưng Velasquez có suy nghĩ rất tích cực. Vì khiếm thị và nhỏ bé nên với những người thô lỗ, khó chịu bên cạnh mình cô cũng cảm thấy bình thường. Cô không ngại làm mẫu quảng cáo poster về phương pháp giảm cân cho các phòng tập.

Velasquez là con đầu lòng, khi sinh ra bác sĩ đã nói với bố mẹ cô rằng cô có thể không nói được, bị liệt và thiểu năng trí tuệ do sinh thiếu tháng. Nhưng bằng tình thương vô bờ bến của bố mẹ Velasquez được nuôi lớn và trưởng thành như bao đứa trẻ bình thường khác mà không hề cảm thấy sự khác biệt nào. Chỉ cho đến khi Velasquez đi học, bạn bè trong lớp đều xa lánh và xua đuổi cô như thể cô là một con quái vật. Nhưng mẹ cô đã dạy cô rằng hãy ngẩng cao đầu và sống vui vẻ, rồi mọi người sẽ nhận ra cô không hề khác người. Dù đôi khi rất chán ghét vẻ ngoài xấu xí của mình nhưng Velasquez cho rằng cuộc sống nằm trong tay cô, cô phải làm chủ nó.
Bên cạnh bạn bè


Khi cô học trung học, một clip về cô bị một kẻ ác ý tung lên mạng, hàng nghìn lượt xem cũng như bình luận tiêu cực nhắm thẳng vào cô, thậm chí có người nói rằng vì thế giới này cô hãy dí súng vào đầu tự sát đi. Velasquez đã vô cùng đau khổ nhưng cô đã đứng dậy, lấy những bình luận ác ý đó làm bàn đạp vươn tới những mục tiêu cô đặt ra. Velasquez hiện nay có một cuộc sống thành công và gia đình ổn định. Cô đã đạt được những mục tiêu mà cô mong muốn: làm người thuyết trình, viết sách, tốt nghiệp cao đẳng và lập gia đình. Thông qua câu chuyện về cuộc đời mình Velasquez muốn nhắn gửi thông điệp đến mọi người rằng “Hãy tự tin sống, vì bạn là người quyết định con người bạn, cuộc sống của bạn. Hãy lấy những lời chỉ trích làm bàn đạp để tiến lên và thành công”.

Lizzie xuất hiện với vai trò diễn giả

Không ai sinh ra có quyền lựa chọn số phận cho mình và chẳng nhiều người may mắn có cuộc sống cũng như vạch khởi đầu như ý. Nhưng chẳng lẽ vì vậy mà chúng ta bỏ cuộc và buông tay phó mặc cho số phận?

Bạn có quyền đổ lỗi cho số phận vì không có được khởi đầu như ý nhưng đừng đổ lỗi cho nó vì cái kết không như mơ. Cuộc sống của bạn nằm ở trong tay bạn cũng giống như cây bút chì nằm trong tay người họa sĩ. Bạn muốn vẽ nó tròn thì nó tròn, bạn muốn vẽ nó vuông thì nó là vuông dù rằng nó chẳng thực vuông hay thực tròn như trong tưởng tượng nhưng nó cũng là hình hài mà chính tay bạn vẽ ra. Cuộc sống này chỉ có một lần vì vậy hãy nắm giữ và trân trọng dù nó không vẹn tròn và có phần méo mó, hãy dùng nghị lực và cố gắng khiến nó tốt đẹp hơn. Giêm A-len đã từng nói “Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy rằng chính họ là người làm vườn cho tâm hồn và là đạo diễn cho cuộc đời họ”.

Lizzie tràn trề hy vọng vào cuộc sống

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Luật đời

Hắn có bàn tay vàng. Bọn đàn em vì thế mà phục sát đất.

Xe tai ga. Phụ nữ. Có giỏ xách. Hắn chỉ giật bằng một động tác là có thể tóm lấy, nhanh nhẹn rồ ga phóng đi, để lại hình ảnh đáng thương phía đằng sau. Bọn đàn em thuật lại chiến tích của hắn với thái độ ngưỡng mộ.


Hắn nói rằng, có hai người đã từng vào viện mổ não chỉ vì cố dành giựt lại giỏ xách, bị kéo lê ngã vật xuống đường. Sau lần ra tay chớp nhoáng, hắn đắc thắng trở về, một phần ba chia cho đàn em, hai phần để dành cho mẹ.

Chiều tối. Hắn lại bắt xe đò về quê. Mẹ con hai tháng không gặp nhau, vừa về tới, bà đã nấu cho hắn rất nhiều món ăn ngon. Hắn đưa số tiền cho mẹ, nói là lương phụ hồ. Bà mẹ sống ở cuối ngõ, lương thiện,ai ai cũng mến. Hắn đòi bà lần tới về làm món gỏi cuốn cho mình ăn. Bà nhìn hắn, hiền từ gật đầu.

Luật đời

Hắn lên thành phố tiếp tục kiếm chác. Thương vụ ngày càng thuận lợi khiến tâm trạng hắn vui vẻ không ít. Một ngày, đàn em cùng hắn tổ chức ăn nhậu, đứa nhỏ nhất trong bọn lên giọng tiếc rẻ:

– Đại ca, chiều nay em xui quá, học theo đại ca, em thử ra tay với người đi bộ. Mụ đàn bà này không vừa, ghê gớm lắm, cứ giữ khư khư cái giỏ không chịu đưa. Tức quá, em xô ngã mụ xuống, giựt bọc đồ chạy thẳng. Giờ có lẽ mụ bất tỉnh nằm quèo dưới đất rồi.

– Thế chú mày lấy được bao nhiêu? – Hắn chỉ quan tâm đến vấn đề duy nhất.

– Chẳng có đồng nào cả, chỉ toàn là gỏi cuốn gói trong bọc.

Tim hắn tưởng như ngừng đập. Dường như nhớ ra điều gì đó, hắn ngay lập tức bắt thằng bé coi lại chiếc giỏ xách. Trời ơi! Là của mẹ hắn!

Hắn gào lên, ngay lập tức chạy đến con đường nơi bà mẹ ngã xuống. Vẫn còn vết máu đọng lại trên mặt đường. Tâm trạng hoảng loạn, hắn chạy như bay đến bệnh viện.

Thì ra, mẹ hắn muốn gây bất ngờ cho con. Tự mình bắt xe đò lên thành phố, mang theo một bọc gỏi cuốn mà hắn thích, không may lại gặp cướp.

Bà mẹ đã qua đời ngay trên đường đến bệnh viện.

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Đoạn hội thoại đáng suy ngẫm giữa bác sĩ – bệnh nhân

Bác sĩ có thể nói cho tôi biết, tôi có thể sống bao lâu nữa không để tôi thu xếp nhà cửa?/- Cháu nói thật, không dám chắc chắn về điều gì. Có những thứ hôm nay đúng, ngày mai lại sai. Có những thứ ngỡ là phước nhưng lại là hoạ. Điều quan trọng bây giờ không phải là chú sống bao lâu, mà sống có thật sự sâu hay chưa?

Sáng nay một bệnh nhân nam 50 tuổi, làm ruộng, quê ở Tiền Giang đến khám bệnh xin thử mỗi đường huyết. Mình mới hỏi :

- Sao chú muốn thử đường huyết?

- Vì tôi sụt cân nhanh, người ta nói do bệnh tiểu đường.

- Đã bỏ công từ quê lên đây, sao chú không khám tổng quát luôn? Giả sử thử máu có kết quả bị đái tháo đường thì cũng phải xem chức năng gan, chức năng thận, và đánh giá biến chứng mới điều trị được chứ.

Mình vừa giải thích vừa nhìn bệnh nhân, và mình hiểu vẻ ngập ngừng đắn đo ấy, có lẽ bệnh nhân nghèo.

- Dạ, thử hết mấy thứ đó bao nhiêu bác sĩ?

- Bệnh viện công giá rẻ lắm. Chú đi thử đi.

Khi mình cầm kết quả phim phổi trên tay, tự nhiên mình nghẹn lời. Dù rằng mỗi ngày mình tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân với đủ loại bệnh tật khác nhau.

- Chú hút thuốc nhiều không?

- Cỡ 1 gói 1 ngày. Bữa nào buồn hút nhiều hơn.

- Chú uống rượu nhiều không?

- Mỗi ngày, nhưng chủ yếu vui chơi với anh em, người vài xị.

- Chú có vợ con gì không?

- Dạ, một vợ, 3 con. Nhưng nhà có vài công ruộng, nên vợ con bỏ lên Bình Dương làm công nhân hết rồi.

- Cháu nghĩ chú nên qua khám bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

- Tôi bị lao hả bác sĩ.

- Cháu cũng hy vọng là lao. Nhưng ….

- Bác sĩ cứ nói đại đi. Tôi ở quê lên khám bệnh cực lắm.

- Cháu cũng nghĩ đây là khối u. Nhưng chú biết đó, có u lành u ác. Mà u ác bây giờ có thể trị được.

- Ý bác sĩ là ung thư phổi hả?

- Chưa chắc đâu. Phải làm thêm xét nghiệm, sinh thiết … mới có thể kết luận.

Đoạn hội thoại đáng suy ngẫm giữa bác sĩ – bệnh nhân

Một khoảng im lặng kéo dài. Mình nhìn khuôn mặt bệnh nhân từ trắng bệch chuyển sang tím tái và khoảng 15 phút sau mới trở lại như bình thường.

- Ung thư phổi thì sống được bao lâu bác sĩ?

- Chưa chắc đây là ung thư. Nhưng nếu là ung thư thì có thể vài tháng, vài năm… Tuỳ vào cơ địa mỗi người, tuỳ vào đáp ứng điều trị.

- Tại sao lại là tôi chứ?

- Tại sao không là chú?

- Tại ….

Lại một khoãng im lặng kéo dài. Mình không nỡ mời bệnh nhân kế tiếp dù sáng thứ hai rất đông.

- Tôi về bỏ thuốc lá và rượu có thể cứu vãn được không?

- Cháu nghĩ, bỏ được thì tốt. Nhưng bây giờ việc này không còn ý nghĩa nữa rồi.

Mình vẫn hay tự hỏi : Rượu bia và thuốc lá có điều gì hấp dẫn đến vậy, nhưng không có câu trả lời.

Lúc trước mình còn ngạc nhiên khi thấy Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia và thuốc lá lớn nhất thế giới, bây giờ thì mình không còn ngạc nhiên nữa. Vì đã hiểu một phần. “Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu”, hình như rất đúng khi mô tả con người Việt Nam. Mỗi chiều tối đi làm về thấy quán nhậu nào cũng đông nghẹt khách. Hết chén chú rồi đến chén anh.

Rồi một ngày nào đó bệnh tật kéo đến. Có những bệnh có thể chữa lành, có những bệnh tiền mất rất nhiều nhưng không thể cứu vãn. Dù vẫn biết ung thư là “trời kêu ai nấy dạ”, nhưng mình không tin là mỗi ngày mình sống không tác động gì đến nó. Bạn thử nhìn xem, một người béo phì, ăn nhiều lười tập thể dục… làm sao mà không đủ thứ bệnh về chuyển hoá, một người suốt ngày hút thuốc uống rượu làm sao tránh khỏi ung thư phổi, xơ gan? May mắn lắm cơ địa người đó đặc biệt.

- Bây giờ tôi phải làm sao?

- Bây giờ cháu cho thuốc tiểu đường cho chú, còn bệnh phổi chú phải qua bên Phạm Ngọc Thạch, bên đó chuyên hơn.

- Bác sĩ có thể nói cho tôi biết, tôi có thể sống bao lâu nữa không để tôi thu xếp nhà cửa.

- Cháu nói thật, không dám chắc chắn về điều gì. Có những thứ hôm nay đúng, ngày mai lại sai. Có những thứ ngỡ là phước nhưng lại là hoạ. Điều quan trọng bây giờ không phải là chú sống bao lâu, mà sống có thật sự sâu hay chưa?

- Sống thật sâu?

- Đúng rồi. Chú còn rất nhiều thời gian để suy nghĩ về điều đó. Ví dụ như có bao giờ chú đến quỳ bên gối mẹ của chú và thì thầm lời cám ơn? Ví dụ như có bao giờ chú chở ba chú qua con đường làng nơi ngày xưa ba chú dẫn chú đi học? Ví dụ như có bao giờ chú cám ơn người vợ rất mực dịu hiền và chung thuỷ đã đi với chú gần ấy năm mà không một tiếng than van dù chú nát rượu và nghiện khói thuốc?

- Bác sĩ … Tôi … Tôi chưa từng nghĩ đến điều đó.

- Chú có bao giờ quan tâm đến những đứa con mình? Chú có nghĩ rằng một lời hỏi han của chú thôi đủ làm họ hạnh phúc?

- Ơ …

- Vậy đó, sống sâu là sống với những điều nhỏ bé đơn giản như thế đó. Cuộc sống vô thường và con người ai mà không có bệnh có tử. Sau giai đoạn choáng rồi, chú sẽ chấp nhận được thôi. Từ chấp nhận đến quay lại nhìn về chính mình gần trong gang tấc.

- Cám ơn bác sĩ.

—-

- Chú ấy là gì của anh?

- Cha ruột.

- Anh có hay đưa chú đi khám bệnh không?

- Bận lắm bác sĩ ơi, với lại ở xa nhau.

- Anh có biết ba anh bị ung thư phổi?

- Dạ….

- Ông ấy hút thuốc nhiều lắm không?

- Chẳng những hút thuốc còn uống rượu. Mỗi khi say xỉn về là đập phá nhà cửa chửi bới vợ con…. Tôi nói thiệt từ nhỏ đến giờ ổng chưa dạy tôi bất cứ điều gì. Anh em tôi chẳng được đi học….

- Anh có hận chú không?

- Không.

- Không?

- Dạ, dù xấu hay tốt ổng cũng là cha mình mà bác sĩ. Đúng hay sai đâu có lỗi do ổng, tại ông bà hay môi trường sống nó thế.

Mình bất ngờ trước cách trả lời của người con, khi mình mời bệnh nhân ra ngoài để gặp riêng.

Anh ta làm công nhân, chắc chắn là ít học. Nhưng học chữ cho nhiều vào làm gì, bằng cấp tiến sĩ giáo sư làm chi mà không biết quan tâm yêu thương cha mẹ già, không biết sống sao cho có tình có nghĩa.

- Bệnh này điều trị tốn kém lắm. Về mua bảo hiểm gấp đi. Được đồng nào hay đồng đó.

- Dạ.

Nhìn hai cha con bước ra khỏi phòng khám mà lòng mình chùng xuống. Mình mong có phép lạ xảy ra, bởi một người con chí hiếu không bao giờ người bạn cuộc sống lại làm ngơ.

- Dù xấu hay tốt ổng cũng là cha của mình. Câu nói ấy theo đuổi mình tới tận giờ này!

Đừng để nghịch cảnh thay đổi nụ cười

Nhắm mắt ngừng thở không có nghĩa là chết mà đơn giản chỉ là bắt đầu cuộc sống mới…

***

Các bệnh nhân mà nhóm giao cho tôi giúp đỡ, họ đều là những người đang tuyệt vọng, thân thể đang hao mòn vì căn bệnh ung thư não khiến cho họ chỉ muốn căm ghét cuộc sống. Với tư cách là tình nguyện viên tôi được giao nhiệm vụ sẽ giúp đỡ và tiếp thêm cho họ sức mạnh để sống.

Trong số các bệnh nhân mà tôi giúp đỡ có một cô bé luôn mang theo mình sự lạc quan và nụ cười thánh thiện. Khu nhà mà em đang sống khá chật vật và đa số là người già và những người lao động chân tay. Trong một lần đến nhà em tôi vô tình thấy một cảnh tượng đáng thương. Kia chẳng phải là An sao, cô bé đang phải chịu những cái roi mây đánh tới tấp vào người. Cho đến khi một người hàng xóm sang can ngăn thì người cha tàn bạo đó mới thôi hành hạ cô bé.

- An! Tôi hốt hoảng gọi tên em.

- C..chị Linh! Em đau quá chị ơi!

Tiếng An nói khiến tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi dắt cô bé về nhà tình thương, ngôi nhà mà các tình nguyện viên trong nhóm chúng tôi ủng hộ tiền để xây. Khắp mình những vết bầm tím cứ hằn sâu vào da vào thịt em khiếng mọi người trong nhóm nghẹn ngào. Tôi lấy chai dầu sức vào những chỗ bầm tím cho An. Em nói trong nước mắt:

- Chị làm giống y như mẹ em luôn!

Nghe An nói mà tôi lại rơi nước mắt. Mẹ cô bé đã qua đời cách đây mấy năm vì tai nạn giao thông trong một lần đang gánh hàng rong bán. Để lại em một mình với người cha nát rượu đó với bao khổ cực. Ngồi một chút thì tôi nghe tiếng bụng em reo:

- Em ăn gì chưa?

- Sáng nay cô Năm về quê rồi nên em không qua nhà ăn được.

Chuyện là vậy, hằng ngày An thường chạy qua nhà hàng xóm để ăn cơm. Có ngày nhà bên đóng cửa thì em lại nhịn đói cho qua bữa.

- Em ăn cơm ở đây nhé?

- Thiệt hả chị?

- Tất nhiên!

Tôi hâm lại cơm cho nóng rồi đưa cho An bát cơm. Cô bé ăn vội vã bát cơm nóng bù cho cả ngày chưa ăn gì. Nhìn An ăn một cách ngon lành như vậy làm cho cả nhóm không khỏi xúc động. Gia đình em cũng thuộc diện có hộ nghèo trong ấp nên hằng tháng cũng có chút ít tiền trợ cấp. Vậy mà người cha nhẫn tấm đó của An lại lấy số tiền trông chờ cả tháng đó chỉ để thỏa mãn cơn nghiện rượu của mình mà bỏ mặc em. Tuy mắc căn bệnh quái ác đó nhưng An luôn lạc quan và tươi cười, em không hề biết căn bệnh mình đang mang đáng sợ đến thế nào, nhiều lần em hỏi tôi:

- Rồi mọi nỗi đau sẽ qua hết phải không chị?

- Đúng vậy. Chỉ cần em nghĩ mình sẽ vượt qua được thì mọi khó khăn đối với em không là gì cả. Lần nào tôi cũng chỉ biết trả lời em như vậy.

Chở An về tới nhà tôi ngạc nhiên khi thấy cô bé đem số thức ăn của chúng tôi cho để chia cho người già trong xóm. Cô bé hơn hở chạy lại chào tôi rồi cảm ơn rối rít. Tôi hỏi;

- Sao em không để dành đồ ăn cho mình?

- Chắc bây giờ các cụ đó cũng đang đói. Hồi sáng em thấy họ cũng chưa ăn gì giống em!

Nghe câu trả lời hồn nhiên của An mà tôi thấy nhói lòng. Tôi thương cho em và tiếc thay cho số phận của em.

Hôm nay tôi có hẹn với An. Tôi hứa sẽ dẫn cô bé đi dạo quanh thành phố, ấy vậy mà cứ quẩn quanh với mấy công việc làm thêm mà tôi lại vô tình quên bén lời hứa đó với An.

Đến tối, tôi quay về nhà tình thương để nấu ăn cho những bệnh nhân ở đó. Vừa bước vào cổng tôi đã nghe tiếng thút thít trước thềm lúc này tôi nhận ra đó là An. Lúc này chợt nhớ là tôi đã lỡ hẹn. Tôi vội vàng chạy lại:

- Xin lỗi em. Hôm nay chị bận quá nên quên dắt em đi chơi!

An lau nước mắt trả lời tôi:

- Kh..ông phải ch..chị ơi!

Tôi đoán được vấn đề

- Ba em lại uống rượu nữa à?

- D..ạ.

Đừng để nghịch cảnh thay đổi nụ cười

Nhìn ánh mắt buồn bã và những giọt nước mắt lăn dài trên má em mà tôi cảm thấy có lỗi vì sự vô tâm của mình.

- Em không sao chứ?

Nhìn những vết bầm in lên người cô bé tôi chợt thấy mình vừa hỏi một câu hỏi vô nghĩa.

An thút thít trả lời:

- Em sợ..

Tôi vuốt tóc cô bé an ủi:

- Sẽ qua cả thôi, những nỗi đau mà em đang gánh chịu sẽ qua hết thôi. Em giỏi mà phải không?

An im lặng khóc nức nở trên vai tôi. Nhìn cô bé mà tôi thấy xót xa vô cùng. Cũng muộn giờ rồi tôi kêu An ngủ lại nhưng cô bé không đồng ý.

- Em muốn ở nhà với ba.

- Em không sợ à?

- Em sợ.. Nhưng đó là ba em mà!

Cô bé đó liệu có phải là thiên thần không khi lại vẫn luôn coi con người chỉ biết đánh đập hành hạ mình là ba. Tồi chiều theo ý An chở cô bé về. Em chào tôi rồi lủi thủi bước vào nhà. Chắc giờ này ông ta ngủ rồi nhưng tôi vẫn không yên tâm về An. Tôi rón rén đứng trước của nhà quan sát cô bé. Tôi không khỏi bất ngờ và nghẹn ngào khi thấy An đang thắp nhan cho mẹ. Cái bàn thờ nhỏ đặt trước phòng khách chính là nơi mà cô bé thường tâm sự với mẹ. Tôi nghe những tâm sự của em mà nước mắt dâng trào xuýt nữa thì bật thành tiếng. Tôi lặng lẽ đi về để tránh gây tiếng động cho An. Trên đường đi tôi không khỏi khấm phục sự lạc quan và tâm hồn trong sáng của em. Căn bệnh u não đang hành hạ em từng ngày vậy mà em vẫn luôn mỉm cười. Cho đến giờ em vẫn chưa một lần nào trách móc về số phận của mình.

- Ch. . chị ơi!

Tiếng An yếu đuối gọi tôi ngoài cửa khiến tôi lo lắng.

- An! Em sao vậy?

- Chị ơi..

- Nói chị nghe, có chuyện gì?

An cố kìm dòng nước mắt đang chảy dài nói:

B..a em..ba em.. Ba em bị chú công an bắt rồi..

Tôi sững sờ. Thì ra ba An mới bị bắt vì tội trộm cắp. Tôi an ủi:

- Không sao đâu em, mai mốt ba lại về mà!

Tôi kêu An ở lại nhà tình thương với mọi người, cô bé gật đầu trong dòng nước mắt nhưng vẫn nhờ tôi chở về nhà. Tôi khá bất ngờ trước sự hiếu thảo của An. Em xếp từng bộ quần áo của ba mình ngay ngắn để vào chiếc balo nhỏ để đem theo rồi quay ra thắp cho mẹ nén nhang trong dòng nước mắt. Am theo tôi về nhà tình thương để sống.

Vài ngày đầu trông cô bé thiếu sức sống hẳn đi. Nhưng thời gian trôi qua rồi cũng mang nỗi buồn của em đi. Chứng kiến sự lạc quan và nụ cười trong sáng của em tôi luôn cảm thấy buồn và thầm trách ông trời thật bất công. Vì sống trong nhà tình thương nên tôi có nhiều dịp để gặp em. Nhều lúc chứng kiến em bị những cơn co giật hành hạ do căn bệnh ung thư não gây ra mà tôi thấy xót. Em có lỗi gì, em đã làm gì nên tội? Cuộc sống vẫn không buôn tha cho cô bé. Ở tuổi này đáng ra em sẽ có một gia đình hạnh phúc, đáng ra em đã là một học sinh cấp hai rồi vậy mà những điều đó chỉ là mơ ước của em. Rồi An cũng đề nghị tôi dạy chữ và tất nhiên tôi không thể từ chối. An là một cô bé thông mình những bài học tôi giảng cô bé đều tiếp thu một cách nhanh chóng. Rồi An hỏi tôi:

- Em sẽ sống chứ chị?

Tôi nghẹn ngào trả lời:

- Đúng rồi em sẽ sống, những nỗi đau em đang phải gánh chịu sẽ qua hết thôi, chỉ cần em luôn mỉm cười thì cuộc sống sẽ cười lại với em!

- Em sẽ học thật giỏi để mai mốt làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người!

Nghe ước mơ của em mà tôi gần như bật khóc. Cuộc sống của em vẫn đang đếm ngược từng ngày vậy mà những khát khao trong em vẫn chưa bao giờ tắt.

Hôm nay ngày ba An ra tù. Cô bé vui mừng xiếc bao chạy lại bên ba. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông ấy ôm cô bé. Có lẽ những ngày tháng cải tạo trong tù đã giúp ông ta ngộ ra nhiều điều. Tôi cảm thấy yên tâm hơn và chúc mừng cô bé.

Rồi một ngày tôi đến nhà An. Cô bé nằm trên giường với căn bệnh ung thư não đã đến giai đoạn cuối.

- Sao chị nói dối em?

- Chị xin lỗi, chị chỉ muốn em không buồn.

- Em không trách chị đâu! Tuy em muốn sống và muốn đi học nhưu các bạn nhưng con người rồi ai cũng sẽ phải biến mất khỏi thế giới này. Em chỉ là đến với thiên đường trước mọi người thôi. Em đang đau nhưng khi nhắm mắt lại em sẽ là một con người khác, mạnh mẽ hơn, về bên kia biết đâu em lại có một cuộc sống tốt đẹp hơn bây giờ..

Tôi khóc nức nở khi nghe An nói. Tôi luôn khâm phục nghị lực sống của cô bé, đến những phút cuối cùng của cuộc đời em vẫn đang mỉm cười. Em đã tin rằng nỗi đau của con người rồi sẽ qua hết dù cho sự đau khổ đó có là gì.

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Câu chuyện báo ân đầy cảm động của một triệu phú

Từ ăn mày trở thành một triệu phú và câu chuyện cảm động về sự báo ân.

Năm 1993, He Rongfeng, khi đó chỉ mới là một chàng trai 17 tuổi, nghèo xơ xác, đã quyết định cùng bạn bè lên TP Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc để lập nghiệp. Không tìm được công việc, anh buộc phải đi ăn xin trên những con phố để sống qua ngày.


‘Không một xu dính túi, chân trần, đói khát và kiệt sức’, He nhớ lại hoàn cảnh của mình lúc đó.

May mắn thay, một ngày nọ, anh nhận được sự giúp đỡ ‘quý như vàng’ từ một người phụ nữ trẻ. Đó là cô Dai Xingfen, khi đó đang kinh doanh một quán mì nhỏ cùng chồng.

Thấy tình cảnh đáng thương của He và bạn anh, cô Dai đưa họ về nhà cho ở nhờ.

Sau đó, Dai đã liên lạc với họ hàng của mình ở những thành phố khác để nhờ tìm giúp việc làm cho những chàng trai.

He kể: ‘Cô ấy cho chúng tôi ăn, cho nước nóng để ngâm đôi chân đang bị phồng rộp. Thậm chí, cô ấy còn cho chúng tôi tiền để đi xe lửa đến nơi khác kiếm việc’.

Tuy nhận được rất nhiều giúp đỡ từ cô Dai nhưng anh cảm thấy điều quý giá nhất là câu khuyên nhủ của cô dành cho mình: ‘Không giàu có thì chẳng có vấn đề gì cả. Làm người quan trọng nhất là phải luôn cố gắng để sống thật ý nghĩa’.

11 năm trôi qua, chàng trai He ngày nào giờ đã trở thành một doanh nhân thành đạt, nắm trong tay cả Tập đoàn Jiu Jiu Li Feng ở TP Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Thế nhưng He không bao giờ quên ơn người từng cưu mang mình năm xưa. Anh đã bằng mọi cách để tìm kiếm thông tin về gia đình cô Dai.

‘Nếu ngày trước không có cô Dai giúp đỡ thì không có tôi của ngày hôm nay’, He khẳng định.

Cuộc gặp gỡ của họ chứa chan nước mắt. He ngỏ ý muốn tặng gia đình cô Dai 1 triệu nhân dân tệ (khoàng 3,4 tỷ đồng) nhưng cô đã từ chối.

‘Tôi vô cùng xúc động vì cậu ấy vẫn còn nhớ đến mình dù thời gian trôi qua rất lâu rồi. Nhưng tôi không thể nhận số tiền này. Ngày xưa tôi giúp người không phải để được đền ơn’, Dai chia sẻ.


Trước sự kiên quyết của gia đình cô Dai, He quyết định gửi cho ân nhân của mình một tấm bảng lớn có khắc chữ ‘Ân trọng như núi’ để mãi mãi ghi nhớ lòng tốt của cô.

Câu chuyện cảm động của họ lan truyền rất nhanh ở Trung Quốc. Nó đã trở thành một bài học thật sâu sắc, đẹp đẽ về tấm lòng nhân hậu và sự biết ơn cho tất cả mọi người học tập, noi theo.

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Bức thư thức tỉnh người cha tỷ phú

Giám đốc điều hành tập đoàn Pimco, ông Mohamed Al-Erian đã xin từ chức vì bức thư của cô con gái 10 tuổi. Rất nhiều người kinh ngạc khi một tỷ phú và là chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới lại có thể từ bỏ sự nghiệp vào lúc đang phong độ thế này.


Ông Mohamed Al-Erian đã từ chức vì cô con gái yêu của mình.


Quyết định từ chức Giám đốc điều hành Pimco (tập đoàn đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại California, Mỹ) vào tháng 5/2013 làm cả thế giới tài chính đều bất ngờ.

Trước những cuộc tranh luận tìm lý do ông đột nhiên từ bỏ sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao, giám đốc Mohamed Al-Erian đã tiết lộ lý do cho quyết định này: “Khoảng 1 về năm trước, tôi nhắc nhiều lần con gái tôi làm một việc gì đó, hình như là đánh răng thì phải, nhưng không được. Tôi nhắc nhở nó phải trả lời tôi ngay lập tức, đừng để tôi nhắc thêm lần nào nữa. Qua giọng điệu của tôi, con bé biết rằng lúc đó tôi rất nghiêm túc”.

Ông El-Erian nhớ lại: “Con gái bảo tôi chờ một lúc, nó đi vào phòng và bước ra với một mảnh giấy. Con bé đã viết một danh sách những sự kiện quan trọng của mình mà tôi đã bỏ lỡ vì bận công việc. Danh sách có 22 mục, từ ngày đầu tiên con bé đến trường, trận bóng đá đầu tiên, buổi họp phụ huynh đến lễ hội Hallowen,… Tôi cảm thấy thật khủng khiếp và bối rối. Với mỗi sự kiện của con gái, tôi đều có lý do để bỏ lỡ như đi công tác, có cuộc họp quan trọng, những cuộc điện thoại khẩn cấp, những công việc đột ngột. Nhưng tôi nhận ra rằng, mình đã bỏ lỡ một điều vô cùng quan trọng… Tôi đã làm tổn thương tình cảm cha con với con gái. Tôi đã không có đủ thời gian cho con”.

Lý do của ông khiến công chúng tán đồng, ông quả là một người cha tuyệt vời.

Kể từ khi từ chức, ông El-Erian có nhiều thời gian chăm sóc cô con gái nhỏ của mình hơn. Ông cũng có một công việc bán thời gian. Hiện ông là trưởng cố vấn kinh tế của tập đoàn Allianz.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Chuyện tình yêu của bốn mùa

Theo đuổi ước mơ không có gì sai. Điều quan trọng là chúng ta biết cách nhìn vào thực tế.

Một câu chuyện cổ tích của Nga kể rằng:

Khi Mùa Xuân chuẩn bị ra đi thì Mùa Hè đến. Mùa Hè mang đến cho Mùa Xuân một bó hoa hồng rất đẹp và nói :

- Mùa Xuân ơi, hãy tin tôi, tôi yêu em. Hãy ở lại với tôi. Chúng ta sẽ cùng đi chơi, đến tất cả những nơi mà em muốn.

Nhưng Mùa Xuân không yêu Mùa Hè. Và cô ra đi. Mùa Hè buồn lắm. Mùa Hè ốm, nhiệt độ lên cao. Mọi thứ xung quanh trở nên rất nóng.


Sau một thời gian, Mùa Thu đến, mang theo rất nhiều trái cây ngon. Mùa Thu rất yêu Mùa Hè. Cô không muốn Mùa Hè phải buồn.

- Mùa Hè ơi, đừng buồn nữa. Hãy ở lại với em. Em sẽ mang lại hạnh phúc cho anh.

Nhưng với Mùa Hè, Mùa Xuân là tất cả. Và anh ra đi. Mùa Thu khóc, khóc nhiều lắm. Mọi thứ xung quanh trở nên ướt át.

Một thời gian sau, Mùa Đông đến, mang theo cậu con trai Băng Giá. Những giọt nước mắt của Mùa Thu làm Băng Giá cảm thấy xao xuyến.

- Mùa Thu ơi, hãy ở bên tôi. Tôi sẽ xây cho em những lâu đài, những con đường bằng băng. Tôi sẽ hát cho em nghe những bài hát hay nhất. Hãy ở bên tôi.

- Không, Băng Giá ạ. Ở bên anh, tôi sẽ luôn cảm thấy lạnh lẽo thôi.

Và Mùa Thu ra đi. Băng Giá buồn lắm. Gió thổi mạnh. Chỉ trong một đêm thôi, mọi thứ trở nên trắng xóa bởi tuyết. Mùa Đông thấy con như vậy thì buồn lắm. Bà nói:

- Tại sao con không yêu Mùa Xuân ? Cô ấy đã đến và hứa sẽ mang lại cho con hạnh phúc.

- Không mẹ ơi, con không thích. Chúng ta hãy rời khỏi đây đi. Và họ ra đi.


Chỉ còn lại một mình Mùa Xuân. Cô khóc. Nhưng rôì, bất chợt Mùa Xuân nhìn ra xung quanh: “Ôi tại sao mình phải khóc chứ? Mình còn rất trẻ, và xinh đẹp nữa. Thời gian dành cho mình không nhiều. Tại sao mình không làm những việc có ý nghĩa hơn?”.

Và mọi thứ như sống lại: cây cối tươi xanh, ra hoa, đâm chồi, nảy lộc…

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Chuyện Trương Lương nhặt giày đắc đạo

Trương Lương, tự là Tử Phòng, danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. Điển cố Trương Lương nhờ cúi mình nhặt giày mà đắc đạo thành danh trở thành câu chuyện kinh điển nhắc nhở con người về chữ Nhẫn.


Ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà được người đời xưng tụng là “Hán triều Tam kiệt”, đóng vai trò quan trọng giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần và thắng Hạng Vũ trong chiến tranh Hán – Sở.

Trương Lương thuộc dòng dõi sĩ tộc nước Hàn thời Chiến Quốc, tổ tiên nhiều đời làm khanh sĩ. Ông nội Trương Lương là Trương Khai Địa làm tướng quốc của Hàn Chiêu hầu, Hàn Tuyên Huệ Vương, Hàn Tương Ai Vương; cha ông là Trương Bình làm tướng quốc dưới trướng Hàn Li Vương, Hàn Điệu Huệ vương.

Lúc Tần diệt Hàn, Trương Lương cùng thích khách liều mạng ám sát Tần Thủy Hoàng tại Bác Lãng Sa. Nhưng quả chùy nặng 120 cân của ông đánh nhầm xe tùy tùng nên không giết được vua Tần. Tần Thủy Hoàng nổi cơn thịnh nộ, hạ lệnh truy nã thích khách trên toàn quốc. Trương Lương phải cải họ đổi tên, ẩn trốn tại Hạ Bì (một huyện thuộc Giang Tô ngày nay).

Có lần, Trương Lương nhàn rỗi tản bộ trên một cây cầu ở Hạ Bì thì xuất hiện một ông lão từ xa đi tới. Ông lão cố ý tháo một chiếc giày ra, ném xuống dưới cầu, rồi quay lại nói với Trương Lương: “Tiểu tử, xuống nhặt lên hộ ta!” Trương Lương ngạc nhiên bởi giọng điệu khó nghe của ông lão, định gây sự lại, nhưng thấy ông lão đã lớn tuổi nên chàng cố nhẫn nhịn, lội xuống sông nhặt chiếc giày lên. Ông lão lại giơ chân lên bảo: “Mang vào!” Trương Lương thầm nghĩ: “Dù gì thì mình cũng đã nhặt lên rồi, mang vào cho ông ấy cũng được thôi”, bèn quỳ gối xuống xỏ chiếc giày vào chân cho ông lão. Đợi Trương Lương mang giày cho mình xong, ông lão liền cười lớn rồi bỏ đi. Trương Lương nhìn theo bóng ông lão khuất xa mà trong lòng không khỏi cảm thấy lạ kỳ.

Đi được một đoạn, ông lão quay lại nói với Trương Lương: “Tên tiểu tử này có thể dạy dỗ được. Năm ngày sau vào lúc sáng sớm, ngươi hãy quay lại đây gặp ta”. Trương Lương thấy thâm ý của ông lão khó dò, chỉ biết quỳ xuống “xin vâng” một tiếng.

Năm ngày sau, trời vừa tờ mờ sáng, Trương Lương đã đến nơi hẹn, không ngờ ông già đã có mặt ở đấy từ lúc nào, trông thấy Trương Lương, ông nổi giận nói: “Có hẹn với người lớn tuổi mà mi lại đến trễ, như vậy có được không? Sáng sớm năm ngày sau hãy đến”. Nói xong liền quay lưng đi mất. Qua năm ngày, lúc gà vừa gáy sáng, Trương Lương đã đến bên đầu cầu, oái ăm thay ông lão cũng đã có mặt ở đó, ông lão lại trách Trương Lương vì sao đến trễ, bèn đuổi Trương Lương về và nói năm ngày sau nữa hãy tới. Lần sau thì Trương Lương không dám trễ nữa, nửa đêm canh ba đã lò dò đến bên cầu đứng đợi. Một lúc sau ông già xuất hiện, nhìn thấy Trương Lương, ông bảo: “Phải vậy chứ!”.

Sau đó, ông lão lấy ra một cuộn sách tre và nói: “Đọc cuốn sách này có thể làm thầy cho bậc vương giả, sau 10 năm thì có thể nổi danh. Mười ba năm sau con có thể gặp ta ở Tế Bắc, dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng tức là ta đó.” Nói rồi ông lão bỏ đi mất, từ đó Trương Lương không còn gặp lại ông nữa. Trương Lương mang cuộn sách về nhà, đốt đèn lên xem, hóa ra đó là bộ “Thái công binh pháp” đã thất truyền. Trương Lương như đắc được bảo vật, ngày đêm nghiền ngẫm đọc sách. Mười ba năm sau, Trương Lương cùng Lưu Bang đi qua Tế Bắc, quả nhiên nhìn thấy dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng, Trương Lương liền mang về. Lúc mất, con cháu của Trương Lương đem thi thể ông an táng cùng tảng đá. Vì vị cao nhân truyền bộ binh pháp ấy cho Trương Lương không để lại danh tính nên hậu nhân gọi ông là Hoàng Thạch Công.

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Gió thổi cát bay đi, thời gian lưu dấu đá

Cảm xúc chỉ là điều chúng ta lựa chọn, sao cứ phải để chúng dẫn đường cho lý trí và tình cảm chân thật.

Có một đôi bạn thân cùng dạo bước trên sa mạc, họ đang nói chuyện rất vui vẻ thì xảy ra một mâu thuẫn nhỏ, dần dần càng trở nên gay gắt. Trong lúc không giữ được bình tĩnh, một người đã quay sang tát người bạn của mình. Cái tát rất đau, cảm thấy thực sự bị tổn thương, nhưng người kia đã không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi”.

Họ tiếp tục cuộc hành trình cho tới khi tìm thấy một nguồn nước trong mát. Quá vui mừng, họ quyết định sẽ nghỉ chân và tắm ở nơi này. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng bị lún sâu. Trong lúc tưởng chừng như đã gần với cái chết, thì người bạn đồng hành đã kịp thời cứu được anh.
Gió thổi cát bay đi, thời gian lưu dấu đá.


Ngay sau khi vừa thoát khỏi bàn tay của tử thần, người bạn suýt bị chết kia đã khắc lên một phiến đá dòng chữ: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”. Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?”

Người bạn mỉm cười đáp lại: “Khi có ai đó làm ta đau, ta nên viết nó lên cát – nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan mọi trách hờn…và khi nhận được những niềm vui hay hạnh phúc từ người khác, ta phải ghi khắc thứ ấy lên đá – nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi”.

Hãy học cách viết nỗi đau lên cát và khắc tạc những niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời lên đá để thời gian lưu giữ mãi.

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

[Suy ngẫm] Khi chúng ta… ghét một ai đó!

Viết trong một đêm ý tưởng bay biến đâu mất và chẳng biết phải làm gì, chợt nhớ về những điều ngẫm nghĩ được, những điều trải nghiệm được.


Bỗng nhiên bật cười một cách nhạt nhẽo… có khi nào mình đang là những kẻ như thế… và biết đâu sẽ đến lúc là nạn nhân!? Thành kiến – lỗi lầm và sự tha thứ… suy nghĩ thế nào khi chúng ta ghét một ai đó. Chúng ta đang trở nên như thế nào?



Có một câu chuyện vui mà hồi nhỏ tôi thường được nghe các ông bác lớn tuổi kể, đó là chuyện về một gã bị mất một món đồ nhưng lại không biết ai là thủ phạm. Thế là gã nghi ngờ người hàng xóm đã lấy cắp nó, vì hai nhà chỉ cách nhau có cái hàng rào mỏng manh. Và thế là mọi hành động gì của ông hàng xóm trong mắt gã đều thật là đáng ngờ… và đáng ghét – đại loại như: Cái tướng hắn đứng trước sân thật đúng là cái dáng của kẻ cắp. Cặp mắt này đích thị là của quân đầu trộm đuôi cướp không lẫn vào đâu được. Đấy… nó lại nhìn sang nhà mình… chắc là tính trộm vặt thứ gì tiếp theo đây mà… Thứ gì rảnh rỗi gớm…cứ chiều là vác bàn cờ ra đầu ngỏ… định làm kẻ học thức, tính che mắt thiên hạ cái tính bẩn thỉu của mình đây mà. Đấy… lại tổ chức tiệc tùng… chắc toàn là tiền trộm cắp được mà có chứ gì. Lại đi quanh quẩn trong sân rồi… định chờ xem nhà mình hớ hênh thứ gì rồi lại tiện tay vác về đây mà… Đấy, đấy lại nuôi chó… đúng kẻ tiểu nhân – nghĩ ai cũng trộm cắp như hắn hay sao mà phải đề phòng. Cả con chó cũng giống chủ, sủa lên là nghe phát bực…

Gã phán xét bất cứ thói quen, hành động, lời nói nào hay mọi sinh hoạt từ nhà của ông hàng xóm và đều quy cho nó vào cái lốt đang giả tạo nhằm che dấu ý đồ bất chính, nhà hàng xóm là thứ đáng ghét cần đề phòng. Rồi đến một ngày, gã tìm thấy lại món đồ của mình mắc kẹt ở một xó xỉnh nào đó. Gã chợt thấy người hàng xóm trở nên bình thường hơn bao giờ hết. Cũng từ lúc đó gã lại nghĩ: Ờ… nhà hắn thì hắn đi quanh quẩn ở đó thì cũng đúng… cũng chẳng có liên quan gì đến mình nhỉ! Ờ… hắn có tiền… có nhiều bạn bè thì hắn tổ chức tiệc… thì cũng bình thường thật! Hắn có nuôi chó thì… cũng đâu có sao.

Cái sự ghét một ai đó vì có thành kiến từ trước nó như vậy đấy.

Tiếp theo, hãy nói về lỗi lầm và sự tha thứ.

Tôi phải thú nhận rằng trước đây… nếu không có những phút nhìn lại chính mình chắc tôi sẽ vẫn còn đi quá xa và cay nghiệt, đay nghiến khi một ai đó gây nên lỗi lầm động chạm đến mình cho đến tận bây giờ.

Chắc là do tôi may mắn đọc được một truyện ngắn. Câu chuyện nói về hai vợ chồng nhà nọ và người đàn ông phạm một sai lầm làm tổn thương cho người vợ. Anh chồng sau một thời gian ăn năn và đối đãi với chị tốt hơn ban đầu bội phần để bù đắp cho lỗi lầm đó. Chị vợ nói rằng sẽ tha thứ nhưng kỳ thật lại gim nó trong lòng, không cần khi có chuyện cơm không lành canh không ngọt thì chị mới bơi móc quá khứ ra mà bất kể lúc nào được dịp than thở là chị cứ tuôn ra bài than vãn… sở dĩ ông ấy tốt là vì trước đây như thế… như thế chứ có phải thật lòng gì. Lâu dần nó thành thói quen, nó biến người vợ cứ mở miệng ra là chỉ có chì chiết mắng nhiếc nói lời cay độc. Và rồi người ta chỉ thấy một cô vợ chua ngoa đanh đá không coi trọng chồng chứ không hề thấy một anh chồng tệ bạc chẳng ra gì như lời chị nói.

Vậy đấy, đôi khi tôi nghĩ cái gì cũng có giới hạn của nó nhỉ? Không ai cấm chúng ta giận dữ hay phải kìm nén cảm xúc và gò từng lời nói thành hoa mỹ khi bị xúc phạm.



Nhưng cũng như trong âm nhạc vậy, ca khúc nào càng tinh tế, ca từ có thẩm mỹ, càng hàn lâm cao cấp thì càng khó tiếp cận được tầng lớp thưởng thức bình dân. Cũng giống như người càng trí thức họ càng ít chửi thề.


Việc giữ quá lâu trong mình những suy nghĩ tiêu cực cũng giống như việc bạn đang mang thuốc độc để diệt người khác mà quên rằng thứ độc đó cũng đang ngấm vào chính bản thân mình. Chẳng ai là hoàn mỹ để không mắc sai lầm, mà dù có là thánh vẫn mắc những sai lầm thôi. Bởi có sai lầm mới có dịp nhìn lại và biết mình đã đi đúng hướng hay chưa. Đừng tin vào những ai chỉ khoe mình hoàn hảo, đừng làm ăn với những kẻ nói rằng chưa bao giờ thất bại. Và cũng nên nghi ngờ trước những ai mà luôn tốt với bạn một cách không vụ lợi.

Tôi rất tâm đắc khi đọc được trên Facebook của một người bạn một Status – có lẽ là được lan truyền rất nhiều trên mạng xã hội và nhiều người cũng biết rồi. Nó khá ý nghĩa:

Chê ai đó xấu – không làm bạn đẹp hơn.
Mắng ai đó ngu ngốc – không giúp bạn thông minh thêm.
Nhục mạ ai đó – không làm tăng giá trị của bạn.
Gây ra nỗi đau và bất hạnh cho người khác – không có nghĩa sẽ làm bạn hạnh phúc.




Tôi tặng cho chính mình Entry này, để nhắc nhở bản thân hãy luôn cố gắng tỉnh thức và sáng suốt. Trong từng suy nghĩ – hành động và lời nói. Bởi không biết một lúc nào đó mình sẽ gây tổn thương cho người khác vì những vô tình, những phút giận quá mất khôn hay vì mù quáng và sự tha thứ chỉ trên lời nói.

Nếu được hãy luôn nhớ đến hình ảnh của Gió – sự tồn tại chỉ là vô thường – buông bỏ được thì buông bỏ. Thế giới này vận động và tồn tại trong sự cân bằng. Khi ghét một ai đó chúng ta có thể trở nên hồ đồ và đánh mất chính mình và… khi chúng ta YÊU một ai đó cũng nên nhìn từ góc độ này.

Một lần nữa, hãy luôn thận trọng, sáng suốt và cân bằng.